HÀ THÚC MINH
Chỉ riêng chữ "thế" cũng đủ nhiều chuyện rồi, nói chi đến chữ "lý”. Ngày xưa, Archimede tuyên bố nếu có được điểm tựa thì ông nhấc cả quả đất lên cũng chẳng khó khăn gì. Điểm tựa tức là "thế", có "thế" trong tay chuyện gì mà không làm được. Có "thế" thì có lực, không có "thế" thì không có lực, không có thế lực thì chẳng làm được gì cả. Con cọp chỉ đáng sợ khi ở trên đất liền chớ còn chẳng may rớt xuống nước thì làm gì được ai. Người xưa nói nếu có thế mà chẳng may đạp phải đuôi con hổ cũng chẳng việc gì, nếu không có thế thì giẵm phải vỏ chuối cũng té lộn nhào. "Thế" quan trọng như vậy đó, cho nên đúng là:
"Thất thế hai xe đành bỏ phí.
Gặp thời một tốt cũng thành công"
(Hồ Chí Minh).
Nói đến "thế", người ta thường gắn nó với đủ thứ, nào là "quyền thế", "thế lực", "uy thế","khí thế", "thời thế"... "Thời" đẻ ra "thế", "thế" dựa vào "thời". Hết "thời" thì cũng hết "thế". Chẳng trách Đặng Dung phải than thở cho cái số không gặp thời của mình:
"Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa"
"Thời", "thế" cũng là "vũ khí” lợi hại mà Nguyễn Trãi dùng để tấn công tướng giặc Vương Thông:
"Tôi từng xem Kinh Dịch 384 hào chủ yếu là ở chữ "thời". Cho nên người quân tử phải theo thời thông biến. Nghĩa chữ "thời" to tát thay! Ngày trước... là một thời... bây giờ lại một thời. Thời! Thời! Thực không nên bỏ lỡ" (Quân trung từ mệnh tập).
Cũng trong một bức thư khác gửi Vương Thông, Nguyễn Trãi viết:
"Thực ra người dùng binh giỏi là ở chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Gặp thời gặp thế thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn. Mất thời, thất thế thì mạnh hóa thành yếu, yếu hóa thành nguy. Sự thế đổi thay chỉ trong phút chốc trở bàn tay" (Quân trung từ mệnh tập).
Mỗi "thời" lại có một "thế". Để đối phó với 30 vạn quân Thanh đang ồ ạt tấn công nước ta, có người khuyên nên theo kế sách của Nguyễn Trãi trước đây, đem quân mai phục ở cửa ải Khâu Ôn. Nhưng Ngô Thì Nhậm cho rằng mỗi thời một thế, không thể áp dụng cứng nhắc được, bèn bỏ trống thành Thăng Long lui về phòng thủ ở Tam Điệp. Vua Quang Trung hết sức ngợi khen chủ trương rút lui chiến thuật này và chính nó đã góp phần tạo ra đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm Kỷ Dậu.
Ngày xưa cũng vậy, ngày nay cũng vậy. Chẳng cần phải nói nhiều, trên đời này có mấy ai mà không đêm ngóng ngày trông mong được gặp "thời" gặp "thế", được quyền được chức... Có chức có quyền trong tay, khắc có thế, có lực. Tiền bạc cũng tạo ra "thế", có tiền "mua tiên cũng được", huống hồ ba cái chức quyền, ba cái "chân lý” lẻ tẻ thì có nhằm nhò gì:
"Vai mang bị bạc kè kè,
Nói bậy nói bạ người nghe rầm rầm"
Giáo dục, đào tạo từ xưa chẳng phải đã "ban" cho lắm kẻ hàn vi "xuống chó lên voi" đó sao?:
Thập niên song hạ vô nhơn vấn,
Nhất cử thành danh thiên hạ tri.
(Mười năm đèn sách chẳng ai hỏi đến,
Một khi đỗ đạt khắp thiên hạ đều biết)
Chẳng trách thiên hạ mua quan, bán tước đã đành mà còn mua bằng, bán cấp đủ cách. Chỉ cần có cái nhãn hiệu "chức danh khoa học" nào đó là có được cái "thế" trong xã hội, cho dù đó là cái "thế" học thiệt hay học giả đâu có gì quan trọng. Có lẽ còn nhiều cách để tạo ra "thế" trên đời, nói sao cho hết. Một khi giả thành thật, thật thành giả thì cái chân và cái thiện chưa biết chừng lại trở thành thứ hàng xa xỉ phẩm cũng nên? Chân và thiện để làm gì, chỉ cần có "thế", có ô dù che trên che dưới, che trong, che ngoài là đủ, chẳng ai làm gì được kia mà?
Lê Quý Đôn cũng là người hay bàn về thời thế, nhưng ông không chỉ dừng lại ở "thế" mà còn đặt nó trong quan hệ với "lý”. Ông viết xong Quần thư khảo biện tại thư phòng Kính nghĩa đường ở Thăng Long vào năm Đinh Sửu (1757). Quần thư khảo biện là sách khảo cứu, bình luận về lịch sử Trung Quốc từ Tam đại đến Tống - Nguyên. Sự kiện lịch sử đương nhiên là quan trọng nhưng "khảo biện", bình luận nhận xét, có lẽ mới là chủ đích của Lê Quý Đôn. Toàn bộ mấy nghìn năm lịch sử được Lê Quý Đôn cô đọng lại ở cuối sách như sau:
"Việc trong thiên hạ không ngoài hai điều "lý” và "thế". Hai điều ấy lại luôn dựa vào nhau. Biết "lý” mà không hiểu "thế" thì chưa đủ để làm nên việc; hiểu "thế" mà không biết "lý” thì việc cũng chẳng thành. Xem ra, ít ai có thể hiểu biết thấu đáo được cả "lý” lẫn "thế". Thường thì hay theo cách riêng của mình lệch về một bên".
Như vậy là 3 nghìn năm lịch sử được tóm lại trong hai chữ "lý” và "thế".
Không phải chỉ có Lê Quý Đôn, Vương Phu Chi (1619-1692) chẳng hạn, cũng thường đề cập đến "lý” và "thế" trong lịch sử. Theo Vương Phu Chi, "lý” và "thế" là quy luật và xu thế tất yếu của lịch sử. Muốn hiểu lịch sử phải hiểu "lý”, "thế", muốn hiểu "lý”, "thế" thì không những không được tách mà còn phải hợp nhất chúng lại (Độc Tứ thư đại toàn thuyết, q. 9). E rằng Lê Quý Đôn cũng thừa hiểu điều đó, nhưng hình như đối với Vương Phu Chi ông có phần "kính nhi viễn chi", còn đối với Trình, Chu (Trình Hạo, Trình Di, Chu Hy) thì lại tỏ ra là "kính nhi cận chi" một cách tự nguyện. Trình Hạo (1032-1035), Trình Di (1033-1107) và Chu Hy (1130-1200) là những "người mẫu" của Tống Nho. Họ đều cho rằng trên trời dưới đất, đâu đâu cũng bị chi phối bởi quy luật, quy luật đó gọi là "lý”, "lý” trong tự nhiên gọi là "đạo", trong con người thì gọi là "tính" (Đạo tại vật chi lý, tính tại kỷ chi lý, Chu Tử ngữ loại, q. 9). Vì vậy nên "lý” không những chỉ là quy luật mà còn bao gồm nội dung đạo đức nhân nghĩa... Cho nên quả là khó cho phương Tây khi phải tìm từ thích hợp để dịch chữ "lý”. Học giả người Đức A. Forke không tán thành dịch chữ "lý” ra tiếng Đức là Fate (mệnh trời), Law (pháp lý), Form (hình thức), Formales Prinzip (nguyên lý hình thức)... Theo Forke, dịch là Vernunft (lý tính) có lẽ thích hợp hơn cả. "Lý” chẳng qua là ý thức hệ của giai cấp phong kiến, được siêu việt hoá trở thành "Thái cực", trở thành "Trời" (Trình Hạo, Di thư: Thiên giả, lý dã. Chu Hy, Đáp Hoàng Đạo Phu: Lý tức Thái cực). Cái "lý” này không biết có từ bao giờ nhưng cho dù vật đổi sao dời cũng không thể thay đổi được. Tuy nhiên xã hội con người thường hay "lộn xộn", mỗi "thời"một "thế", vậy "lý” bất biến này làm sao tự thể hiện mình một cách nguyên vẹn được? Thực ra chẳng có học thuyết nào trên đời lại không biết "đổi mới" theo thời thế cả. Nhà Nho nào mà không biết câu "nhật tân, nhật tân hựu nhật tân" (đổi mới, đổi mới, lại đổi mới)? Khổng Tử chẳng đã từng nói: "ôn cố nhi tri tân" (ôn cái cũ để biết cái mới) đó sao? Vậy nên không ai dại gì mà không biến đổi để thích nghi với thời thế. Có điều là cho dù theo thời thế như thế nào đi nữa cũng không thể xa rời "định hướng" của "lý”. "Thế" là chiến thuật, "lý” mới là chiến lược. Đó là quan điểm của Trình, Chu, Lê Quý Đôn về "lý” và "thế". Tuy nhiên, làm sao có thể cấm người ta suy nghĩ theo cách khác. Chẳng hạn từ cuối thời Chiến quốc, Hàn Phi cũng đã lên tiếng khẳng định rằng trên đời này không làm gì có cái "lý” nào chung chung cả, mỗi vật chỉ có một "lý” riêng của nó mà thôi (vật các hữu dị lý, Hàn Phi, Giải Lão). Thời thế đã đổi thay thì "lý” cũng thay đổi. Ngày xưa thiên hạ trọng nhân nghĩa thì mình xử sự theo nhân nghĩa, ngày nay thiên hạ ỷ mạnh hiếp yếu, ăn gian nói dối, lừa gạt mánh khoé đủ điều, chẳng lẽ mình cứ chân chỉ hạt bột mà sống hay sao? Muốn sống trong xã hội cá lớn nuốt cá bé thì thiên hạ thò ra "chiêu" nào mình cũng phải xuất ra "chiêu" nấy, thậm chí còn phải cao tay hơn, tàn bạo hơn. Hàn Phi cho rằng tài đức cũng cần nhưng "thế" còn cần hơn. Tài đức như Nghiêu, Thuấn mà không có "thế" cũng chẳng làm được trò trống gì. "Thế" không phải do tài đức mà có, "thế" là do "pháp" (lệnh) tạo ra. "Pháp" (lệnh) tức là nắm quyền thưởng, phạt. Muốn có "thế" mạnh thì "pháp" (lệnh) phải dễ hiểu, công minh và rõ ràng (Pháp mạc như hiển)."Pháp" (lệnh) càng phải rõ ràng bao nhiêu thì "thuật" lại càng phải kín đáo bí mật bấy nhiêu (Thuật bất dục hiển). "Thuật" là thủ thuật dùng để quản lý quan lại chấp pháp. Hay nói cách khác, đó là "bí quyết" của nhà vua. "Pháp" và "thuật" đều nhằm mục đích củng cố cho "thế". (Xem Hàn Phi, Nán tam, Định pháp).
Đương nhiên là Lê Quý Đôn chẳng bao giờ chấp nhận Hàn Phi. Lê Quý Đôn xem "lý” là chiến lược, trong lúc Hàn Phi lại xem "thế" mới là chiến lược. Không biết ai đúng ai sai? Nếu Hàn Phi sai thì làm sao Tần Thủy Hoàng có thể thâu tóm các nước thời Chiến quốc về một mối? Nhưng nếu Hàn Phi đúng thì cớ sao nhà Tần lại sụp đổ chóng vánh như vậy? Cũng trong lời cuối sách Quần thư khảo biện Lê Quý Đôn hết sức lên án những kẻ "chỉ biết mưu trí mà chẳng biết đến mệnh trời, lòng dân". Lê Quý Đôn đồng nhất "lý” với "mệnh trời, lòng dân". "Mệnh trời" thì rõ rồi nhưng "lòng dân" thì cũng khó nói. Liệu mấy ai đã thực hiện được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mình là công bộc của dân? Cứ tưởng là người ta lạy cây đa, nhưng thực ra là người ta "lạy thần chứ ai lạy cây đa". Vậy mà khổ cho cây đa cứ tưởng mình không những có "thế" mà còn có "lý” nữa. Thôi thì cứ để mặc ai "tưởng" gì thì cứ "tưởng", nhưng lịch sử thì vẫn băn khoăn liệu rằng "gặp thời thế, thế thời phải thế" hay là "gặp thời thế thế thời cứ thế"? Nguyễn Trãi bận rộn với "thời", "thế" trong thời chiến để bảo vệ giang sơn, Lê Quý Đôn suy tư về "lý”, "thế" trong thời bình để quản lý đất nước. Chắc các ông cũng chẳng có nhiều thì giờ để bàn về "hậu vận". Ngay như nhà "lý học" có một không hai, nhà "tiên tri" lừng danh như Nguyễn Bỉnh Khiêm chắc cũng khó mà biết được con cháu của các ông ở đầu thế kỷ XXI đang đi theo hướng nào khi phải đứng trước hai chữ "lý” và "thế"!
Theo Xưa&Nay 320/11/2008