Mai Thị Thơm
"Việc nhân nghĩa cốt ở an dân" câu nói nổi tiếng của danh nhân Nguyễn Trãi thuở nào đã thể hiện một cách cụ thể mang đậm sắc thái Việt về chính sách trị dân của một chế độ xã hội. Để rồi cho đến ngày nay, cụm từ "an cư lạc nghiệp" như một hình thức diễn đạt chính sách an dân của nhà nước đối với dân chúng. Bởi dân chúng có an cư lạc nghiệp thì nhà nước mới giàu mạnh, xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà Trần, một triều đại phong kiến thịnh trị cả về phương diện võ công lẫn văn nghiệp với những vị vua "Khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỉ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy" (vua Trần Thái Tông), "Trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy" (vua Trần Thánh Tông), "Nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần" (vua Trần Nhân Tông), "Khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần" (vua Trần Anh Tông)(1)...; những vị tướng tài ba kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão... bao phen đánh đuổi giặc Nguyên Mông hùng mạnh khát máu phương Bắc ra khỏi bờ cõi Đại Việt, dẹp tan sự quấy phá nhũng nhiễu của quân đội các nước Chiêm Thành, Lào phương Nam; những tác gia, thi nhân lỗi lạc ở những phương diện triết học, tư tưởng, văn học nghệ thuật... qua những áng thơ văn bất hủ hiện còn như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Trần Quang Triều... Quả thực là một thời kì "nhân tài nở rộ"(2)!
Vua anh minh nhân đức, quan văn quan võ đa tài, nhất định cuộc sống của dân chúng không thể không an cư lạc nghiệp. Vậy thì chúng ta thử xem xét một vài chính sách "an dân" ở thời đại hoàng kim này để không chỉ biết rõ nguyên nhân có được đời sống an lạc của dân chúng đương thời, mà còn thấy được giá trị mang tính thời sự của những chính sách đó đối với xã hội hiện nay.
Chính sách về việc kiện tụng
Luật pháp vốn là yếu tố cơ bản không thể thiếu ở bất kì một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, thuộc nền đức trị hay pháp trị. Bởi ở luật pháp, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi thành viên trong xã hội được xác định một cách cụ thể rõ ràng. Và việc thực thi luật pháp có nghiêm minh hay không sẽ là thước đo cho sự phồn thịnh hay suy vong, phát triển hay yếu kém của nhà nước đó.
Chính vì thế ba bộ phận Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp được coi là quan trọng và không được thiếu bất kì bộ phận nào của một nhà nước. Do vậy, nhà Trần, sau khi an định quốc gia, vua Thái Tông đã chính thức hạ lệnh soạn đặt Quốc triều thống chế gồm hai mươi quyển, cũng như bộ Quốc triều thường lễ gồm mười quyển (vào năm Kiến Trung thứ 5, 1230) quy định những luật lệ lễ nghi cho cả một triều đại. Cũng trong năm này, nhà vua thiết lập Ty Bình bạc tức là cơ quan Hành pháp và Tư pháp mà theo chú giải của Cương mục chính biên thì đó là chức Kinh Doãn, chuyên xét đoán việc kiện tụng của kinh thành(3). Thế thì, việc thực thi và giám sát luật pháp ở triều đại này như thế nào? Có gì để chúng ta nhìn nhận không? Xin đưa ra mấy điểm như sau mà sử liệu thời này còn ghi nhận:
Thứ nhất, khiến dân biết luật. Luật lệ đã được thiết lập, cơ quan thực thi đã được cắt đặt, việc tiếp theo là phải cho dân chúng biết những luật lệ nào có liên quan đến cuộc sống của họ. Đây là điểm rất đặc biệt trong chế độ chính trị nhà Trần. Vì nếu như từ thời xưa, Khổng Tử đã đưa ra một chính sách trị dân tiêu biểu của chế độ chính trị phong kiến là "Đối với dân chúng thì chỉ bảo họ làm mà không cho họ biết", thì nhà Trần nước ta lại quy định phải cho dân biết rõ. Bởi nếu dân chúng không biết được rõ ràng những luật lệ trong đời sống thường nhật thì khó lòng mà thực hành một cách trọn vẹn quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Việc phạm luật và bị trừng trị là điều đương nhiên, nhà nước lúc này chẳng khác nào người cố tình hãm hại dân chúng.
Thế nhưng, vì thời nhà Trần, chữ Hán vẫn là ngôn ngữ quan phương được sử dụng chính thức trong mọi trường hợp, việc để dân chúng - những người ít hoặc không làu thông tiếng Hán Việt hiểu được chính sách nhà nước không phải dễ dàng. Do đó, nhà nước quy định quan Hành khiển mỗi khi tuyên đọc chiếu lệnh của vua phải đọc theo hai bước, trước tiên đọc nguyên âm Hán Việt, sau đó diễn dịch ra tiếng Nôm, tức tiếng nói thường nhật của người Việt, nhằm giúp dân hiểu tường tận những quy định của nhà nước.
Và việc đọc âm diễn nghĩa này đã để lại một câu chuyện vui được Sử gia Ngô Sĩ Liên ghi nhận vào tháng tư năm Trùng Hưng thứ tư (1288): "Lệ cũ, mỗi khi tuyên đọc lời vua, viện Hàn lâm lĩnh đưa bản thảo tờ chiếu cho Hành khiển để giảng tập trước. Đến khi tuyên đọc thì giảng cả âm nghĩa cho dân thường hiểu. Bấy giờ Lê Tòng Giáo làm tả phụ, vốn bất hòa với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Ngày tuyên đọc lời vua đã đến rồi mà Củng Viên vẫn cố ý không đưa bản thảo. Tòng Giáo đòi nhiều lần vẫn không được. Hôm ấy xa giá sắp ra ngoài cung, Củng Viên mới đưa bản thảo. Tòng Giáo tuyên đọc tờ chiếu đại xá, không hiểu âm nghĩa, phải im lặng. Vua gọi Củng Viên đứng đằng sau, nhắc bảo âm nghĩa. Tòng Giáo rất thẹn. Tiếng nhắc của Củng Viên to dần, mà tiếng đọc của Tòng Giáo lại nhỏ đi. Trong triều chỉ còn nghe thấy tiếng của Củng Viên thôi". Có điều là, nhờ sự dẫn dụ khéo léo của vua Nhân Tông, nên cuối cùng hai vị quan này đã được hòa giải, trở thành những đồng liêu tốt.
Thứ hai, trả công xứng đáng cho người phụ trách. Ty Bình bạc đã được đặt, để những vị quan này thực thi và giám sát các luật lệ một cách có hiệu quả, triều đình đã xuống chiếu cho các ty xét án được lấy tiền bình bạc (tiền xét án) vào tháng 9 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười (1241). Những viên quan lo việc coi ngục, đòi người kiện tụng cũng có được phần lợi ích của mình theo chiếu lệnh vào năm đặt ra Ty Bình bạc: "Tháng 7, xuống chiếu rằng phàm người coi ngục đi đòi người kiện tụng thì cho lấy tiền cước lục tùy theo quãng đường gần hay xa". Đúng là "có thực mới vực được đạo"!
Thứ ba, luật pháp bất vị thân. Để việc thực thi luật pháp một cách nhanh chóng và công minh, với những án kiện đã được lập, nhà Trần xuống chiếu quy định các quan thẩm hình viện xem xét định tội ngay. Chiếu lệnh này được truyền vào tháng 5 mùa hạ năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1249). Chính vì thế, các án kiện luôn được xử xét kịp thời đúng tội, không chậm trễ, bởi "một ngày tù ngàn thu ở ngoài" mà. Song, thời nào cũng vậy, luật pháp thường bị cản trở hoặc chậm thực thi khi mà đối tượng phạm luật lại là hoàng thân quốc thích, quan chức cấp cao hoặc những bà con thân tộc của những người ấy. Thế nhưng nhà Trần lại là triều đại được các sử gia đánh giá là "thưởng công phạt tội rất nghiêm minh", điều đó được chứng minh sau những lần chiến thắng giặc Nguyên Mông. Không biết bao nhiêu hoàng thân quốc thích cũng như tướng tá, quân lính, hương bản làng xóm được đưa ra trước vành móng ngựa, chịu những án phạt thích đáng mà sử thần Ngô Sĩ Liên đã ghi nhận trong bộ sử kí của ông.
Câu chuyện xử Đỗ Thiên Thư em ruột của Trần Khắc Chung (họ Trần là quốc tính được ban cho vị này vì có nhiều công lớn, như việc đến dò xét tình hình quân Ô Mã Nhi...) vào năm Thiệu Bảo thứ hai (1280) thời vua Trần Nhân Tông lại là câu chuyện thể hiện sự nghiêm minh trong việc thi hành luật pháp của triều đại nhà Trần ở thời bình. Câu chuyện như sau: "Em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lí đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày, vua hỏi quan xử kiện. Viên quan đó trả lời: Án đã xử xong, nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi. Vua nói: Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy. Lập tức, đang trên đường đi, sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả thực là trái".
Thứ tư, thận trọng trong xét xử. Không chỉ có luật pháp và việc thực thi luật pháp nghiêm ngặt, quan xử kiện nhà Trần cũng là những vị quan liêm trực hiếm thấy. Họ không dễ dàng hạ bút phê án, xử tội ai đó khi mà những vấn đề liên quan vẫn chưa sáng tỏ, dù triều đình quy định phải xem xét và xử án kiện kịp thời, không để chậm trễ. Câu chuyện Hình bộ lang trung Phí Trực xử tội tên cướp Văn Khánh vào năm Đại Khánh thứ tư (1317) lại là câu chuyện điển hình: "Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo đó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực thưa: Mạng người rất trọng, lòng tôi còn chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết. Không bao lâu, Thượng hoàng lại hỏi, Trực trả lời như lần trước, Thượng hoàng giận bảo: Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa. Trực tâu: Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ. Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt, Thượng hoàng do đó khen Trực có tài".
Chính sách về ruộng đất
Đại Việt xưa nay vốn là nước nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước, nghề nông là nghề chính. Quốc khố có được từ tô thuế ruộng đất là nhiều. Ngay cả bổng lộc của hoàng thân quốc thích và bách quan cũng đều được trả bằng ruộng đất, chế độ xã hội phong quan kiến đất là vậy. Bởi thế chính sách liên quan đến ruộng đất luôn là một trong những chính sách quan trọng, được nhà nước đặc biệt coi trọng và thường xuyên ban bố thực thi. Có mấy vấn đề về chính sách ruộng đất ở thời nhà Trần mà theo chúng tôi giá trị của nó vẫn còn phù hợp với thời đại ngày nay.
Thứ nhất, việc kiểm định hộ khẩu. Đây là việc diễn ra rất sớm từ thời vua đầu nhà Trần, và được tiếp tục thực thi trong suốt cả triều đại này với nhiều vùng miền và nhiều thời gian cụ thể nhằm tiện lợi cho việc phân cấp ruộng đất, đánh tô thuế, tuyển lính, tuyển quan... mà sử thần họ Ngô đã ghi lại cho chúng ta một số:
Tháng 8 mùa thu năm Kiến Trung thứ tư (1228) "xác định số đinh tỉnh Thanh Hóa" để quy định quan, dân, lính...
Tháng 2 mùa xuân năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (1242), chia nước làm mười hai lộ..., làm đơn số hộ khẩu để quy định số ruộng và tô ruộng.
Tháng 10 mùa đông năm Thiệu Bảo thứ 7 (1285) xuống chiếu định hộ khẩu trong nước để xem xét việc hao hụt, điêu tàn của dân ta sau chiến thắng giặc Nguyên lần thứ hai.
Tháng 8 mùa thu năm Thiệu Khánh thứ 3 (1372) xuống chiếu cho các lộ làm đơn số...
Thứ hai, định và miễn tô thuế. Sau khi tra xét số nhân khẩu trong từng vùng miền, định tên gọi cho từng lứa tuổi như con trai lớn gọi là Đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là Tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là Lão, già hơn nữa thì gọi là Long lão..., triều đình xuống chiếu quy định "Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả. Người có 1, 2 mẫu ruộng thì nộp một quan tiền; người có 3, 4 mẫu thì nộp hai quan tiền; người có từ 5 mẫu trở lên thì nộp ba quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp một trăm thăng thóc" (chiếu lệnh đưa ra vào tháng 2 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười một, 1242).
Vào những năm mất mùa đói kém do thiên tai hay địch họa như lụt lội, hạn hán, chiến tranh..., nhà nước lập tức xuống chiếu miễn tô thuế cho dân chúng, tùy theo mức độ thiệt hại mà mức miễn giảm được quy định cụ thể. Đó cũng là sự chia sẻ hữu hiệu của nhà nước đối với trăm họ trong suốt thời gian điều hành quốc gia xã tắc của triều đại nhà Trần: Tháng 7 mùa thu năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười một (1242), mưa to, xuống chiếu miễn một nửa tô ruộng; Tháng 4 mùa hạ năm Trùng Hưng thứ tư (1288), sau khi đánh đuổi hết giặc Nguyên Mông, Thượng hoàng ngự ở hành lang Thị Vệ, xuống chiếu đại xá thiên hạ, những nơi bị binh lửa, cướp phá thì miễn toàn phần tô, dịch, các nơi khác thì miễn giảm tùy theo mức độ khác nhau; Tháng 9 mùa thu năm Trùng Hưng thứ 6 (1290), đói to, xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh; Từ tháng 5 đến tháng 7 năm Đại Trị thứ 5 (1362), hạn hán, lụt lội, xuống chiếu miễn một nửa tô thuế cho cả nước...
Thứ ba, đắp đê vét kênh. Ruộng đất là cái ăn cái mặc, là sự sống còn của nông dân ở đất nước nông nghiệp, vì thế nhà nước thời Trần không những quan tâm bằng những việc như lệnh cho các lộ đắp đê phòng lụt trên khắp những vùng miền có sông lớn, phong chức Hà đê chánh phó sứ để quản đốc công việc, đảm bảo sự an toàn cho cây lúa và hoa màu của dân chúng (bắt đầu từ năm 1248, rồi tiếp tục ở những năm sau khi cần thiết, như năm 1255, vua còn đích thân xem xét công trình), khơi thông kênh rạch bằng cách nạo vét đáy sông đáy kênh như sai Nội minh tự Nguyễn Bang Cốc chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc này làm xong, Bang Cốc được thăng làm Phụ quốc thượng hầu; xuống chiếu vét sông Tô Lịch vào năm 1256, 1284, khiến cho việc cung cấp và đẩy thoát nước cho ruộng đồng được diễn ra thuận tiện.
Thứ tư, đền bù ruộng đất và phạt tội tranh chấp ruộng đất. Chính sách đền bù ruộng đất do xây dựng những công trình công cộng phúc lợi cho dân, việc bán chuộc ruộng đất để dân có điều kiện mở rộng canh tác, phát triển kinh tế gia đình, có sở hữu bất động sản riêng, việc trừng phạt tranh chấp ruộng đất thích đáng, để những kẻ gian không có cơ hội làm giàu bất chính, để những người dân thấp bé không bị mất oan sự sống... đã được vua quan nhà Trần coi trọng từ những năm đầu, và được thực thi một cách rốt ráo. Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại cho chúng ta mấy sự kiện tiêu biểu: Tháng 3, mùa xuân năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 (1248), vua lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập. Đặt chức hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền cho họ. Tháng 6 năm Nguyên Phong thứ 4 (1254), xuống chiếu bán ruộng công, mỗi diện (mẫu) là 5 quan tiền, cho phép nhân dân mua làm ruộng tư. Tháng 10 năm Đại Khánh thứ 7 (1320) xuống chiếu rằng những người tranh ruộng đất, nếu khám xét thấy không phải của mình mà cố tranh bậy thì bị truy tố, tính giá tiền ruộng đất, bắt đền gấp đôi. Nếu làm văn khế giả thì bị chặt một đốt ngón tay bên trái.
Ngoài những chính sách có tính cách lâu dài và bền vững như trên, triều đình nhà Trần cũng liên tiếp ban bố những chính sách có tính cách cấp thời, tùy từng tình huống cụ thể mà khuyến khích dân chúng tham gia, hoặc đốc thúc quan quân tham gia, rồi trả công xứng đáng. Có khi triều đình còn động viên cả hoàng thân quốc thích và quan lại cao cấp tham gia vào công việc bình ổn cuộc sống dân chúng, đặc biệt đối với những người vô gia cư, những tội phạm sau khi được phán xét.
Việc "An dân" ở thời Trần thực không phải là việc xa xôi, to tát gì, cái gì cần cho dân thì làm, làm kịp thời đúng lúc, làm một cách nghiêm minh cụ thể. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tức thời, mà còn đáp ứng nhu cầu lâu dài, bởi cuộc sống của dân không phải chỉ ngày một ngày hai nhưng cũng không nằm ngoài ngày một ngày hai!
Chú thích:
(1) Lời nhận xét của Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư, Kỉ nhà Trần, bản dịch của Viện KHXH Việt Nam
(2) Như trên
(3) Đại Việt sử kí toàn thư, tr.12
Theo Xưa&Nay 334/6/2009