Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Việt Nam liệu có thành Israel thứ hai?

Trần Huy Ánh

Bài học quý của Israel được một địa phương Việt Nam học tập bằng cách bỏ ra mấy triệu USD nhập về 2 khung nhà vườn để rồi cái khung nhà đắt tiền ấy bỏ trống còn rau quả bán ra thị trường thì trồng trên mấy thửa đất bên ngoài.
Nhập khẩu kĩ thuật
Chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp của Israel có  từ thời  lập quốc (1948) . Một triệu người dân cô đơn trên vùng sa mạc khô cằn đã bảo đảm nhu cầu thực phẩm ngay cả  trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau 10 năm (1958), Israel đã trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản cho châu Âu và cả cho vùng đất mầu mỡ châu Phi.
Bài học quý này được một địa phương Việt Nam học tập bằng cách bỏ ra mấy triệu USD nhập về 2 khung nhà vườn của Israel với hệ thống đóng mở cửa chiếu sáng  tự động, phối hợp dàn máy điều hòa nhiệt độ, quạt gió, máy phun mưa tạo độ ẩm. Máy tính điều khiển tưới nước tự động vào các khay nhựa đựng giá thể trồng rau dưa... Năm 2009, chúng tôi đến tham quan và hỏi các vị đang vận hành: "Ngoài vườn kia rau xanh tốt với khí hậu ẩm ướt tự nhiên, tại sao ta lại phải chui vào ngôi nhà kính nửa mùa này để tạo ra một môi trường ẩm ướt giả tạo". Không có câu trả lời, chỉ có một thực tế là cái khung nhà đắt tiền ấy bỏ trống còn rau quả  bán ra thị trường thì trồng trên mấy thửa đất bên ngoài.
Việt Nam với 67% dân số vẫn mưu sinh bằng nông nghiệp, trong 15 năm qua đã đem về cho Việt Nam các thành quả lớn về nông nghiệp như số lượng gạo, cà phê, cao su, hải sản xuất khẩu luôn là "top ten" của thế giới.
Sự trăn trở một thời của Hà Nội
Ngoại thành Hà Nội đã có thời nông nghiệp phát triển. Từ năm 1965, công trình thủy nông đã đảm bảo tưới nước cho 9.000 ha lúa và mầu huyện Đông Anh. Trong 5 năm (1961-1965) đã xây dựng  47 trạm bơm điện chủ động tưới tiêu cho 85% đất trồng trọt. Trong muôn vàn khó khăn, Hà Nội đã trang bị 40 điểm cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp. Trạm máy kéo ở Thanh Trì, vùng hoa quả đặc sản ở Từ Liêm, 11 xã Đông Anh đã có điện, Gia Lâm nổi tiếng rau mầu.
Những năm đầu mở cửa, Hà Nội háo hức trông sang  cái nhà máy đèn hình bên Sài Đồng .Cả thành phố ước ao sẽ đi lên bằng công nghệ điện tử. Bắc cầu Thăng Long là khu công nghiệp liên doanh, phía Nam cầu là khu công nghệ phần mềm... Hà Nội định hướng công nghệ cao làm mũi nhọn. Năm 2003, sau khi hàng ngàn hecta nông nghiệp chuyển đổi thành đô thị, khu công nghiệp, sân golf.... một vị lãnh đạo thành phố lúc ấy trăn trở: "Một sào là 360m2 . Một năm là là 365 ngày. Kể như là một ngày sống với 1m2 đất. Làm gì để sống? Phải thành lập những doanh nghiệp sau những lũy tre làng , bằng vốn liếng của những người ở tại chỗ và cả những người nơi khác đến đầu tư. Không chỉ giải quyết được lao động dư thừa, tăng thu nhập,mà còn giúp người nông dân làm quyen với tư duy doanh nghiệp thực sự. Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nay.." (VNN12/07/2002). Vị lãnh đạo này cũng đã thử nghiệm mô hình "doanh nghiệp nông nghiệp", không biết số phận mô hình ấy bây giờ ra sao.
Hiện trang sử dụng đất Quy hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội

Tại phía Nam huyện Sóc Sơn, một nhóm  trí thức trẻ đã tạo lập một vườn rau hữu cơ rộng vài ngàn m2 kẹt giữa các khu đô thị và công nghiệp dở dang. Có 9 hộ nông dân tham gia sản xuất, họ cung cấp rau hữu cơ ổn định cho gần 400 gia đình nội thành từ 2008 đến nay. Mỗi năm, doanh thu 20 triệu đồng/ sào (360m2). Thu nhập nông dân đang dần vượt lương công nhân khu CN cạnh đó. Nông phẩm của họ vượt qua các cuộc  kiểm tra nghiêm khắc của cơ quan giám định độc lập. Vườn rau  nhỏ nhưng là nơi viếng thăm của hàng ngàn lượt học sinh thành phố, hàng chục đoàn tham quan nghiên cứu nông nghiệp trong và ngoài nước.
Bài toán đất
Phát triển nông nghiệp không thể tách rời đất nông nghiệp. Năm 2007, trước khi về nhập về Hà Nội, Hà Tây còn hơn 100.000 ha đất nông nghiệp. Năm 2008, Hà Nội mở rộng thành 342.000 hecta, quy hoạch  sử dụng đất  2010-2020, dự kiến chuyển đổi gần 37.000 ha đất nông nghiệp sang đất đô thị (trong đó có gần 23.000 ha đất lúa nước, gần 2.500 ha đất trồng cây lâu năm..) Cả Hà Nội  giữ lại gần 41.000 hecta đất nông nghiệp. Một điều dễ nhận thấy là trong khi các quy hoạch đô thị ra đời rất nhanh, vẽ vời hoa lá thì Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn rất mờ nhạt. Chưa có sơ đồ rõ ràng xác định chỉ giới khoanh vùng  bảo vệ đất đai để sản xuất nông nghiệp / hệ thống thủy lợi ( tưới tiêu và hồ chứa) / khoảng giãn cách cấm xây dựng đô thị/  hệ thống thu gom, chế biến, phân phối...
TS Alan Phan đã gợi ý cần suy tính lại vì VN nếu cứ  gia công sản xuất hàng rẻ để xuất khẩu, nhập siêu nguyên liệu và ô nhiễm môi trường... không hiệu quả thì có thể Nông nghiệp và nông dân Việt Nam có thể vực dậy một nền kinh tế đang nhiều trắc trở.
Tại Hà Nội, hiện tại cũng có thể biến các khu đất BĐS đang lạnh đi từng ngày trở thành các dự án sản xuất nông nghiệp đầy sức sống. Nếu như sản xuất đèn hình TV đã tàn lụi, ghép các khối linh kiện thành máy tính đã lỗi thời, sản xuất thép bằng cách dùng lò điện để nấu chảy sắt phế liệu...nhiều nơi đóng cửa, lắp ráp xe máy giờ đây rất khó bán... còn nhà vườn sinh thái, chung cư cao  tầng hay nhà thu nhập thấp đồng loạt thưa vắng người mua.. thì nên chăng Hà Nội ta thử vực lên nông nghiệp chất lượng cao. Nếu giấc mộng nhà lầu xe hơi không thành,  thì chí ít Hà Nội ta cũng dư giả đồ ăn, thức uống!
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/