Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Châu Á – Thái Bình Dương: Phòng thủ bao nhiêu là đủ?

Châu Giang dịch từ Washington Post

Dù Bộ Quốc phòng Mỹ và cả quan chức cấp cao Trung Quốc đều cho rằng Bắc Kinh chưa trang bị được các năng lực phù hợp với các hoạt động ở biển xa, nhưng giới chức Mỹ vẫn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tại sao vậy?
Tuần Việt Nam giới thiệu bài phân tích của nhà báo Walter Pincus, chuyên phân tích về chính sách tình báo, quốc phòng và đối ngoại, trên tờ Washington Post.
Chúng ta cần minh bạch hơn về hậu Iraq, hậu Afghanistan khi Bộ Quốc phòng phải chịu cắt giảm 460 tỷ USD ngân sách trong 10 năm tới. Nếu tiến trình cắt giảm "tạm thời" của Luật Kiểm soát Ngân sách, theo đó tiếp tục cắt giảm 600 tỷ USD hoặc hơn thế, được bắt đầu thực hiện từ tài khóa 2013, liệu nó có "rút ruột" toàn bộ lực lượng và tạo ra những "nguy cơ" hay không, khi mà chúng ta không thể ngăn cản được các mối đe dọa?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đưa ra một tuyên bố khá nhạy cảm hôm 14/11 trong một bức thư gửi Thượng nghị sĩ John McCain, trong đó ông đề nghị áp dụng sự mềm dẻo hơn là cắt giảm toàn bộ như đạo luật giảm chi ngân sách mà "siêu ủy ban" quân sự của Quốc hội Mỹ đề xuất. Ông cho rằng hiện tại, cần tập trung vào khu vực trụ cột là châu Á - Thái Bình Dương. Trong vài tháng qua, khu vực này đã trở thành tâm điểm chú ý của Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Panetta và Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trong khi "siêu ủy ban" cắt giảm ngân sách của Quốc hội đang họp hồi tháng 10, ông Panetta, đang ở thăm Nhật Bản, đã nói: "Chúng ta vẫn cần không chỉ duy trì, mà còn củng cố thêm sự hiện diện tại khu vực này".
Ngày 22/11, khi siêu ủy ban trên chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng về cắt giảm ngân sách, ông Ben Rohdes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng về chiến lược truyền thông, đã phát biểu với báo giới rằng: "Khi xem xét các khu vực có thể áp dụng cắt giảm chi ngân sách, chúng ta sẽ phải chắc chắn rằng chúng ta bảo vệ được các năng lực cần thiết để duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương".
Thông báo ngày 16/11 về việc điều động luân phiên 6 tháng/lần 250 binh sỹ thuộc lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tới các căn cứ của Australia tham gia huấn luyện chung vào năm 2012 - có thể lên tới 2.500 binh sỹ - đã nhấn mạnh sự bắt đầu của cái gọi là trụ cột này.
Nhưng không phải sự chú ý của Mỹ vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan đã hút hết lực lượng khỏi khu vực Thái Bình Dương, nơi Mỹ đã nhiều năm là một phần trong các thỏa thuận phòng thủ. Tong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới hôm 16/11, Thiếu tướng Không quân Michael Keltz, giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách trong khu vực Thái Bình Dướng, cho biết: "Một cách từ từ, ở phía sau, chúng ta đang tiếp tục củng cố quan hệ và đồng minh tại Thái Bình Dương... Chúng ta đã lấy một số thứ khỏi đây, và giờ chúng ta đang tăng cường, một cách kín đáo nhưng rất hiệu quả, các năng lực mà chúng ta đã có tại khu vực này".
Ví dụ, ông Keltz nói, ba trong số sáu phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-22 được huy động ra ngoài nước Mỹ đã được đưa tới Thái Bình Dương - một phi đội Bảo vệ Quốc gia tại Hawaii và hai phi đội tại Alaska luân phiên giữa Guam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chỉ hai phi đội vận tải C-17 cỡ lớn được huy động bên ngoài nước Mỹ, tại Alaska và Hawaii. Chiếc máy bay do thám không người lái tầm xa Global Hawk đầu tiên đã được huy động ra ngoài căn cứ Guam. Ông Ketz cho biết thêm những chiếc F-22 được trang bị "công nghệ tân tiến nhất" có thể cung cấp "lượng thông tin về tình hình nhiều chưa từng thấy".
Singapore đã xây dựng cảng ChangiPier, mời Hải quân Mỹ điều động lực lượng tới đồn trú và sử dụng như một cảng bảo dưỡng tàu. Theo ông Keltz, hiện các cuộc thương lượng với Chính phủ Singapore đang tiếp tục.
Khoảng 31 tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ đang neo tại Thái Bình Dương, cùng với 8 tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Ba trong số các tàu lớn hơn đang thực hiện sứ mệnh tuần tra. Bên cạnh đó, Hạm đội 7 đang quảng cáo về tàu sân bay USS George Washington trên trang web của mình là "tàu sân bay duy nhất được huy động đi xa trên thế giới" đang neo tại Yokosuka, Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hai tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường và bảy tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ. Cũng được huy động xa tới tận Sasebo, Nhật Bản, là các tàu chiến lưỡng cư lớn nhất; trong số đó có tàu Essex trông như một tàu sân bay nhỏ. Tàu này có thể mang 33 máy bay và 1.800 lính Thủy quân Lục chiến, với đường băng riêng trên boong.
Ngoài ra còn có các cảng tại Australia và Hàn Quốc...
Mỹ đã hiện diện tại Thái Bình Dương hơn 50 năm nay, vậy tại sao trong một khu vực phải thắt chặt ngân sách lại có những điểm nhấn mới? Câu trả lời rõ nhất là Trung Quốc.
Đọc kỹ hơn báo cáo mới đây nhất của bộ Quốc phòng trình Quốc hội về quân sự của Trung Quốc, công bố hồi tháng Tám, ta sẽ hiểu tại sao Bắc Kinh rất nhạy cảm với các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như các liên minh an ninh đang lớn của Mỹ trong khu vực.
Báo cáo viết: "Kể từ khi Trung Quốc nổi lên như một tác nhân kinh tế toàn cầu, họ đã dựa gần như hoàn toàn vào Mỹ để đảm bảo an toàn hàng hải cho mình". Khoảng 90% thương mại của Trung Quốc đi qua đường biển. Báo cáo chỉ ra rằng dù đã tăng cường sức mạnh hải quân gần đây, nhưng Trung Quốc vẫn "sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn" nếu các mối đe dọa xuất hiện trên các chuyến tàu của họ qua biển Đông và Eo biển Malacca, nơi hầu hết nhiên liệu nhập khẩu của nước này phải đi qua.
Theo báo cáo trên, Phó Đô đốc Trung Quốc Yin Zhuo cũng đã thừa nhận việc Trung Quốc tham gia hoạt động tuần tra chống hải tặc tại vịnh Aden "chứng tỏ trang bị Hải quân Trung Quốc chưa thực sự phù hợp với các hoạt động biển xa".
Trong bối cảnh này, tại sao phải nhấn mạnh đến tăng cường lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương? Các quan chức Mỹ một lần nữa nhắc lại các phát biểu của bà Clinton trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin ABC hôm 18/11. Nói về việc điều động Thủy quân Lục chiến tới Australia, bà nói: "Chúng tôi hành động theo hướng tăng cường các lợi ích và giá trị của chúng ta... Đầu tiên là đối phó với thiên tai. Mỹ là một quốc gia quảng đại".
Nhưng ai cũng biết không thể ngăn chặn thiên tai bằng những tàu sân bay, máy bay tàng hình và các lực lượng đặc nhiệm!
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/