Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

TỪ BÀI CA“ĐÁP LỜI SÔNG NÚI” CỦA TRÚC HỒ: NHÌN LẠI HAI BÀI “TIẾNG GỌI SINH VIÊN” CỦA LƯU HỮU PHƯỚC VÀ “TIẾN QUÂN CA” CỦA VĂN CAO (tiếp theo & hết)

Phạm Cao Dương

   
B. Nguyên văn lời hát

 I. Sinh Viên Hành Khúc hay Tiếng Gọi Sinh Viên  
Bài này có ba lời một điệu , mỗi lời gồm mười câu và bốn câu điệp khúc chung.
Lời I kêu gọi sinh viên Bắc - Nam, cả nước, cùng nhau kết đoàn, “đứng lên đáp lời sông núi”, “mở đường khai lối” cho đồng bào, dù cho thời thế khó khăn, chông gai đầy dẫy. Trên con đường mới, mở rộng tầm mắt ra bốn phương với tâm hồn trong sáng và can trường của tuổi thiếu niên. Nguyên văn như sau:
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!
Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối. 
Vì non sông nước xưa truyền muôn năm chớ quên,
Nào anh em Bắc Nam! Cùng nhau ta kết đoàn!
Hồn thanh xuân như gương trong sáng,
Đừng tiếc máu nóng, tài xin ráng!
Thời khó, thế khó, khó làm yếu ta,
Dầu muôn chông gai vững lòng chi sá.
Đường mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồn thiếu niên ai đó can trường.     
                                                   
và phần điêp khúc:
                       Sinh viên ơi! Sinh viên ơi!Ta quyết đi đến cùng!
                       Sinh viên ơi! Sinh viên ơi! Ta nguyền đem hết lòng!
                       Tiến lên! Đồng tiến! Vẻ vang đời sống!
                       Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng!

          Lời II nhắc lại lịch sử “hùng cường” trong cõi “Trời Nam” của dân tộc với những chiến thắng bình Chiêm, phá Tống, đánh đuổi quân Nguyên, kháng cự oai hùng của Hai Bà Trưng ở Hồ Tây, Lam Sơn Khởi Nghĩa của Lê Lợi, dẹp tan quân Thanh của Quang Trung và kêu gọi sinh viên đừng quên khí phách từ xưa được truyền lại của nòi giống, mong mỏi có ngày đất nước vẻ vang. Nguyên văn như sau:
                     Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xóa!
                      Hùng cường Trời Nam ghi trên bảng vàng bia đá!
                      Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam Tiến luôn (mau tiến lên),
                      Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.
                      Hồ Tây tranh phong oai son phấn,
                      Lừng tiếng Sát Thát, Trần Quốc Tuấn.                       
                      Mài kiếm cứu quốc (nước) nhớ Người Núi Lam,
         Trừ Thanh Quang Trung giết hàng bao đám.
                    Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,
                   Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền
                              (Trở lại điệp khúc)

Lời III kêu gọi sinh viên, vì đường còn xa, phải noi gương người xưa, “cùng nhau gắng”, “đem lòng son cho giống dòng”, trong vị thế và khả năng của mình “vun cây văn hoá”, “vững cầm tay lái”, “bền chí quyết gắng sức làm cho khắp nơi vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!”. Nguyên văn như sau:

                   Này sinh viên ơi! Muốn đi đến ngày tươi sáng,
                   Hành trình còn xa, anh em phải cùng nhau gắng!
                   Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,
                   Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng.
                   Là sinh viên vun cây văn hóa,
                   Từ trước sẵn có nhiều hoa lá.
                   Đời mới kiến thiết đáp lòng những ai
                   Hằng mong ta ra vững cầm tay lái.
                   Bền chí quyết cố gắng làm cho khắp nơi
                   Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời![21]
                             (Trở lại điệp khúc)
         Khi bài được nhận làm đoàn ca của Thanh Niên Tiền Phong và sau đó là Quốc Ca của Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại theo đề nghị của Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và theo Bác Sĩ Hoàn thì nhan đề của bài hát được đổi thành Thanh Niên Hành Khúc và nội dung cũng được sửa lại như sau:
                        Này thanh niên ơi! Quốc Gia đến ngày giải phóng
                        Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên.
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho phơi thây trên gươm giáo.
Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy.
Người thanh niên ta cố rèn tâm trí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.

                       Điệp khúc:
                        Thanh niên ơi! Thanh niên ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Thanh niên ơi! Thanh niên ơi! Mau làm cho cõi bờ!
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống,
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng!

            Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn giải thích sự lựa chọn này như sau:
 “Khoảng năm 1947, trước khi trở về nước lập chính phủ mới, cựu hoàng Bảo Đại có mời tôi và một số đại diện tôn giáo, các chính khách như các ông Ngô Đình Diệm, Đinh Xuân Quảng, Phan Huy Quát, Trần Văn Tuyên, Trần Quang Vinh, Trần Thành Đạt, BS Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, v..v…đến họp tại Hồng Kông. Trong buổi hội nghị này có bàn về sự lựa chọn quốc kỳ và bản quốc ca cho Việt Nam. Hình vẽ là cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng ba miền Trung, Nam, Bắc của họa sĩ nổi danh tại miền Nam là họa sĩ Lê Văn Đệ đã được chọn làm quốc kỳ Việt Nam. Tôi đề nghị chọn bản ‘Tiếng Gọi Sinh Viên’ làm quốc ca, vì nó là linh hồn cuộc chống Pháp tại miền Nam Việt nam của Đoàn Thanh Niên Tiền Phong. Hội nghị đã chấp thuận và bản nhạc được đổi tên là Thanh Niên Hành Khúc với lời nhạc…”[22] (được giữ nguyên như trên)

 Về thời điểm Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn chỉ nói là vào khoảng năm 1947 và cũng không giải thích sự thay đổi lời hát nhưng điều này không khó hiểu vì thời cuộc Việt Nam vào lúc này đã hoàn toàn thay đổi. Lực lượng của người Việt Quốc Gia đã được tập hợp lại dưới sự lãnh đạo của Cựu Hoàng Bảo Đại và chính quyền Quốc Gia của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất đang trên đà thành hình, việc lựa chọn Quốc Kỳ và Quốc Ca, những biểu tượng cho một chính thể mới, phải là một trong những việc làm đầu tiên cần được thực hiện. Cờ vàng với ba sọc đỏ là tượng trưng cho sự thống nhất ba kỳ, nguyện vọng của mọi người lúc đó, Thanh Niên Hành Khúc là linh hồn cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam Việt Nam của Đoàn Thanh Niên Tiền Phong là những lý do được nêu lên. Ta cũng cần phải thêm vào đó một sự kiện không thể chối cãi được. Đó là những sinh viên xuất thân từ xứ Nam Kỳ là những người đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc sáng tác và phổ biến ca khúc này. Tiếp theo là sự thành hình của chính quyền quốc gia và sự thực thi nền thống nhất lãnh thổ và thống nhất dân tộc. Cả hai cùng bắt đầu từ miền Nam, từ xứ Nam Kỳ. Nói cách khác nền thống nhất của đất nước Việt Nam vào cuối thập niên bốn mươi đã không đến bằng bạo lực mà bằng hòa bình và phát khởi từ miền Nam. Miền nam đã ý thức được nguồn gốc và vai trò lịch sử của mình, đã tìm cách trở về với dân tộc. Đó là sự trở về với lãnh thổ quốc gia của xứ Nam Kỳ do chính người miền Nam chủ xướng. Trong hoàn cảnh này, lời của bài hát đương nhiên là phải được sửa đổi.

            Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ chế độ Cộng Hoà ở miền Nam được thành lập, người Pháp đã ra đi, nền độc lập đã hoàn toàn được thực hiện, một giai đoạn mới đã bắt đầu, lời của Quốc Ca một lần nữa cần được điều chỉnh thêm một lần nữa cho thích hợp với một nước Việt Nam độc lập đang trên đường củng cố và xây dựng.
Nguyên văn của lời mới như sau:
                                    Này công dân ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!
                                    Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống.
Vì tương lai quốc dân cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo.
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy,
Người công dân luôn vững bền tâm chí.
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời
Điệp khúc:

                                    Công dân ơi! Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ!
Công dân ơi! Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ!
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống,
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng.[23] 

II. Tiến Quân Ca
Tiến Quân Ca là một hành khúc gồm một điệu nhạc và hai phần lời, được làm cho quân Việt Minh lúc đó mới được thành lập trên chiến khu, theo lời yêu cầu của Vũ Quí. Nguyên văn phần lời ban đầu như sau:
.
Lời I:                            
                             Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc,
                             Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa.
                             Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
     Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca.
     Đường vinh quang xây xác quân thù.
     Thắng gian lao đoàn Việt lập chiến khu.
     Thề phanh thây uống máu quân thù!
     Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng thét lên!
     Chí trai là đây ta ước nguyền.
 Lời II:                      
                    Đoàn quân Việt Minh đi, sao vàng phất phới,
                    Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than.
                    Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới.
                    Đứng đều lên gông xích ta đập tan.
                   Từ bao lâu ta nuốt căm hờn.
       Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn.
       Dù thây phơi xương nát không sờn.
       Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng thét lên!
       Chí trai là đây, nơi ước nguyền

           Bài này, sau khi Việt Minh cướp được chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 và Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 sau đó đã trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà rồi Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện tại. Trong hoàn cảnh mới, lời ca đã được thay đổi. “Đoàn quân Việt Minh” đã được đổi thành “Đoàn quân Việt Nam” và đặc biệt là câu “Thề phanh thây uống máu quân thù”, nghe có vẻ sắt máu và đôi khi man rợ theo nhiều người nhận định cho một dân tộc tự coi là văn minh của thời đại mới, không có lợi cho các vận động tuyên truyền, đã được đổi thành “Vì nhân dân chiến đấu không ngừng”…[24]Tuy nhiên, trước khi có những sự thay đổi này, đối chiếu với những gì chính tác giả Văn Cao tiết lộ với nhà văn Nguyễn Thụy Kha năm 1991 như đã trình bầy trên đây và như một “sự thực thứ ba” là “Khi bài Tiến quân ca được công nhận là Quốc ca Việt Nam, nó đã được sự góp ý về nhạc của anh Đinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu. Còn lời thì anh Tố Hữu đã sửa nhiều câu…” lời của Tiến Quân Ca và luôn cả nhạc đã bị sửa ít ra là một lần chưa kể tới sự ít ra là góp ý của Nguyễn Đình Thi và chắc chắn những chỉ dẫn của Vũ Quí. Tiếc rằng ông đã không nói rõ hơn là những góp ý và những câu được sửa ấy là những câu nào, đồng thời nguyên thủy do Văn Cao làm là như thế nào. Người ta cũng không được rõ trong thâm tâm của ông lúc đó và sau này, Văn Cao đã có những cảm nghĩ gì trước những sự “góp ý” và “sửa” đó.  Đằng sau thái độ chấp nhận, vui vẻ, thụ động, hãnh diện hay bất đắc dĩ đó, ông đã nghĩ gì? Nó có ảnh hưởng gì tới những việc làm sau này của ông không? Nó có phải là một trong nỗi u uất ông mang theo khi từ bỏ cõi đời này không? Lịch sử không bao giờ được biết. Có điều sau khi ông mất một vài tác giả đã nói tới sự đau buồn của ông sau cái chết đầy nghi vấn của Vũ Quí vào giữa tháng 9 năm 1945. Kể lại chuyện này, Phí Văn Bái đã ghi: “Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, cũng như hôm nay anh cầm tấm ảnh đồng chí Vũ Quý, nước mắt anh lại ướt đầm.”[25] Còn Nguyễn Thụy Kha, người có lẽ được nghe Văn cao tâm sự nhiều hơn hết vì tác giả này đã viết cả một chùm 18 bài về nhạc sĩ thiên tài nhưng bất hạnh này, trong “Văn Cao, Người Viết Quốc Ca”, thì nhận xét về Văn Cao trong thời kỳ kháng chiến như sau:
           “ Chín năm kháng chiến dằng dặc đi qua gia đình anh và cho anh hai đứa con trai cùng sự nghiệp âm nhạc. Nhưng cũng chín năm ấy, lòng anh biết bao trăn trở. Cái buồn đầu tiên mà anh vấp phải là cái chết khó hiểu của Vũ Quý - người mà bằng mọi linh cảm, anh không tin có thể là người xấu. Mất Vũ Quý, anh cảm thấy chống chếnh tinh thần biết bao. Rồi vết thương cũng thành sẹo. Nhưng lại bao vết thương khác mưng tấy vì những xót xa trước nhiều điều mà khi hăng hái nhập vào cách mạng, anh không cách gì nghĩ tới. Đã xen vào giữa những người tử tế là những kẻ cơ hội. Đau đớn nhất là chúng - những kẻ không của chúng ta lại vẫn đang đàng hoàng đứng trong hàng ngũ chúng ta. Đứng vững và có quyền lực nữa. Thế mới khó khăn!”[26]
           Chưa hết. Sau này “Cho đến những ngày ở Hà Nội, mấy năm 1956-1957, trong văn nghệ có nhiều sóng gió, anh Văn Cao có những vấp váp buồn bực.”[27]  Những sóng gió này ai cũng biết là vụ Nhân Văn Giai Phẩm. Văn Cao đã không còn được phép sáng tác và nhạc của ông cũng không còn được trình diễn nhưng người ta cũng cần phải hiểu là trong hoàn cảnh đó ông cũng chẳng còn hứng khởi để làm gì. Hậu quả là “Hai mươi năm cuối cuộc đời, Văn Cao chỉ viết vài ba bài hát, đấy là bài Mùa xuân đầu tiên (1975) và bài Tình ca trung du (1984). Bài Mùa xuân đầu tiên ông viết sau ngày nước nhà thống nhất, khi cảm xúc trào lên ào ạt ở những người khác, thì cảm xúc của ông lắng lại, bình thản sau quá nhiều xáo trộn cuộc đời. Ông nhìn thấy mùa xuân dặt dìu theo én về, ông lắng nghe tiếng “gà đang gáy trưa bên sông” và ông khẳng định rằng cái “mùa bình thường” đã về. “Từ đây người biết quê người - Từ đây người biết thương người - Từ đây người biết yêu người”. Âm nhạc của ông vẫn đẹp, ấm và sang trọng, thoát hẳn ra ngoài những bài hát reo vui lúc bấy giờ. Đó là bí mật tài hoa riêng của ông. Bài hát liền sau đó được dịch và in ở Liên Xô. Chỉ tiếc rằng hầu như nó chẳng được phổ biến trong đất nước của mình.”[28] Một hiện tượng hoàn toàn toàn trái ngược với hiện tượng Phạm Duy ở miền Nam. 

           Đáp Lời Sông Núi của Trúc Hồ thoạt nghe có vẻ đơn giản hơn hai bài trước, chỉ gồm có một điệu nhạc và một lời:
                              Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
                             Tổ quốc lâm nguy! Xương máu này ta nguyện hiến dâng!
                             Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
                             Quyết bảo vệ giang san! Ta thề chết cho quê hương!
                             Đây muôn triệu con tim! Đây muôn triệu khối óc!
                             Cũng dòng máu Việt Nam.
                             Đây Hưng Đạo Vương! (Hai Bà Trưng!) Đây Lý Lê Trần!
                             Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm!
                             Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
                             Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
                             Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
                             Quyết bảo vệ giang san! ta thề chết cho quê hương!
                             Quyết bảo vệ giang san! từng tấc đất, từng cây cỏ
                             Từng phố phường, từng con đường, từng bờ biển quê hương!
                             Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!

Nhưng khi được hỏi, Trúc Hồ đã giải thích thêm là sự đơn giản, nhất là lời, chỉ là để cho bài hát dễ hát còn thực sự về nhạc, nội dung không hoàn toàn như thế mà bao gồm cả thảy bốn phần: phiên khúc, điệp khúc, đoạn nhạc tiếp nối (musical bridge) và đoạn nhạc coda với những chi tiết như sau:
                                    Phiên khúc:

Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy! Xương máu này ta nguyện hiến dâng!
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Quyết bảo vệ giang san! Ta thề chết cho quê hương!
                                     Điệp khúc:

Đây muôn triệu con tim! Đây muôn triệu khối óc!
Cũng dòng máu Việt Nam.
Đây Hưng Đạo Vương! (Hai Bà Trưng!) Đây Lý Lê Trần!
Bốn ngàn năm chưa một lần khuất phục ngoại xâm!
                                    Phiên khúc:
                                    Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Tổ quốc lâm nguy, xương máu này ta nguyện hiến dâng.
Đáp lời sông núi, anh em ta đáp lời sông núi.
Quyết bảo vệ giang san! ta thề chết cho quê hương!
                                    Đoạn nhạc tiếp nối (Musical Bridge):
                                    Quyết bảo vệ giang san! từng tấc đất, từng cây cỏ
Từng phố phường, từng con đường, từng bờ biển quê hương!
                                    Đoạn nhạc coda:

Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!  

C.  Đối tượng và khả năng hấp dẫn

           Vì được sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau, đối tượng được hướng tới của ba bài hát khác nhau, từ đó lời hát và điệu nhạc cũng khác nhau, tính chất và khả năng lôi cuốn người hát và người nghe cũng khác nhau.

           Đối tượng của Tiếng Gọi Sinh Viên là sinh viên, là tập thể mà tác giả là một thành phần, kể cả nếu theo lời kể của nhiều người cho rằng bài này khởi thủy là được làm cho học sinh trường Trung Học Petrus Trương Vĩnh Ký khi tác giả còn theo học trường này, nó vẫn là tập thể của chính tác giả. Nói cách khác, chính thức hơn, bài hát này được Lưu Hữu Phước làm cho tập thể của chính ông, tập thể sinh viên Đại Học Đông Dương ở Hà Nội và được mang tên là Sinh Viên Hành Khúc với tên tiếng Pháp là Marche des Étudiants. Trong hoàn cảnh đó, ước mơ và hy vọng của Lưu Hữu Phước cũng là ước mơ và hy vọng chung của tất cả mọi người trong tập thể chung của ông. Chúng bắt nguồn từ hoàn cảnh sinh hoạt đương thời, từ học hành cho đến chính trị, xã hội, văn hoá… trong đó quan trọng hơn cả là lịch sử oai hùng của nhiều ngàn năm của dân tộc mà ông và những đồng bạn cùng quê hương Nam Kỳ, một miền đất của quốc gia Việt Nam vốn từ lâu bị nhượng làm thuộc địa của người Pháp, của ông, bất ngờ tìm lại được qua sách vở và qua những chuyến du ngoạn thăm các di tích lịch sử ở xung quanh thủ đô Hà Nội. Sức lôi cuốn của Tiếng Gọi Sinh Viên ngay từ những ngày đầu và ở toàn quốc, từ Bắc chí Nam, bắt nguồn từ những yếu tố này. Lịch sử của dân tộc trực tiếp hay gián tiếp bàng bạc trong khắp cả ba phần lời của bài hát, đặc biệt là phần thứ hai. Chúng khích động người hát và đem họ lại gần nhau vì tác giả là chính họ, và họ là chính tác giả, cả hai là một, không có sự khác biệt:

                              Này sinh viên ơi! Dấu xưa vết còn chưa xóa!
                             Hùng cường Trời Nam ghi trên bảng vàng bia đá!
                             Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam Tiến luôn
                                                (mau tiến lên),
                             Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hoàn.
                             Hồ Tây tranh phong oai son phấn,
                             Lừng tiếng Sát Thát, Trần Quốc Tuấn.                       
                             Mài kiếm cứu quốc (nước) nhớ Người Núi Lam,
                             Trừ Thanh Quang Trung giết hàng bao đám.
     Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,
    Mong đến ngày vẻ vang, ta thắp hương nguyền.

          Trường hợp của Tiến Quân Ca, trái lại, hoàn toàn khác hẳn. Nó không được làm cho chính tác giả, dù cho trong hồi ký Văn Cao có nói tới “bóng mấy người đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh” hay “ngọn lửa tím sẫm bập bùng trong những hốc mắt” hay việc ông “đang chờ nhận một khẩu súng lục và được tham gia vào đội vũ trang”.[29]  Những sự kiện này chỉ đến với Văn Cao sau khi ông nhận lời của Vũ Quí “làm một bài hát cho quân đội cách mạng của chúng ta” và khi ông lang thang đi tìm “một cái gì để nói, một âm thanh đầu tiên”. Cái gì để nói, âm thanh đầu tiên này lúc mới gặp Vũ Quí trở lại, được Vũ Quí giao cho công tác, được nhận trợ cấp, có chỗ ăn cơm tháng, chấm dứt cuộc đời lang thang, thất nghiệp và đói khát của ông, Văn Cao không hề có. Quân đội cách mạng cho tới thời điểm đó chỉ mới là của Vũ Quí, chưa là của Văn Cao. Quân đội cách mạng hay “Đoàn quân Việt Minh” sau này trong Tiến Quân Ca lúc đó còn ở tít trên chiến khu, Văn Cao chưa từng thấy, chưa nói tới chuyện ông có phải là một đội viên của nó hay không. Chuyện ông nhận được khẩu súng và được tham gia vào đội vũ trang mới chỉ là chuyện ông đang chờ. Câu hỏi được đặt ra là nếu vậy làm sao bài hát này lại được phổ biến nhanh như vậy? Câu trả lời rất đơn giản: đó là nhờ guồng máy tuyên truyền của Việt Minh thời đó rồi sau này là của chính quyền khi nó trở thành quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch. Nói cách khác, tác giả và đối tượng của Tiến Quân Ca là hai chủ thể hoàn toàn khác biệt, không phải là một. Người hát cũng vậy.   

Không có cái may mắn của cả Lưu Hữu Phước và Văn Cao, Trúc Hồ khi làm Đáp Lời Sông Núi không có một đối tượng rõ ràng như hai tác giả tiền bối của ông. Khi tác giả mới lớn lên, từ các trường thuộc bậc tiểu học đến trường Petrus Ký mà ông đã theo học, như đã nói ở trên, đều đã không còn nữa, kể cả cái tên Petrus Trương Vĩnh Ký. Tên này sau năm 1975 đã bị thay thế bằng tên Lê Hồng Phong lạ hoắc. Các thày cô cũ nhiều người cũng đã ra đi hay không còn được dạy nữa. Họ đã bị thay thế bằng những thày cô từ miền Bắc vô, những người từ lời nói, cách đối xử đến kiến thức và cách dạy khác hẳn các thày cô cũ. Người ta không rõ là Trúc Hồ đã bị ngỡ ngàng, trơ trọi và cô đơn như thế nào, nhưng chắc chắn những mất mát đầu đời này đã ám ảnh ông suốt đời, từ đó đã ảnh hưởng tới âm nhạc của ông. Không còn trường và bạn học nhưng Trúc Hồ vẫn còn anh em, bạn bè và nhất là vẫn còn những người thày dạy nhạc cũ. Mạnh hơn nữa là những gì đã xảy ra ở Biển Đông trong thập niên đầu của thế kỷ 21, đặc biệt là sự săn đuổi, bắt giữ đòi tiền chuộc, đánh đập, làm nhục các ngư dân Việt Nam của các tầu hải tuần của Trung Cộng mà báo chí, truyền hình, truyền thanh và tin tức trên mạng đã đến với người Việt gần như hàng ngày.  Tất cả đã gợi lại trong trí nhớ của mọi người về cuộc xâm chiến Hoàng Sa năm 1974 và sau đó là một số đảo ở Trường Sa vào năm 1988 của Trung Cộng. Theo Trúc Hồ tâm tình với người viết, sự hy sinh của Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và 74 chiến hữu của ông cũng như sau này của 64 chiến sĩ Hải Quân khác, đã trực tiếp thúc đẩy ông làm Đáp Lời Sông Núi. Ông đã không mở đầu bài hát của mình bằng lời kêu gọi mà bằng lời rủ anh em, bạn bè thân thiết của mình và rộng hơn, những người cùng trang lứa với mình ở bất cứ nơi nào  trên thế giới hay ở  Việt Nam “đứng lên đáp lời sông núi!” như là một tập thể duy nhất: “Đáp lời sông núi! Anh em ta đáp lời sông núi!” Giữa người rủ và người được rủ ở đây là một, không có người kêu gọi và người được kêu gọi. Nói cách khác người làm bài hát, người hát bài hát và người nghe bài hát đều là một. Mọi người hòa nhập với nhau không có sự phân biệt giữa người nhắm và người được nhắm tới. “Anh em ta…!” so với “Này sinh viên ơi!” tuy có giống nhau nhưng đã vượt xa hơn một bực. Không dừng ở đó, Trúc Hồ vươn tới “muôn triệu con tim, muôn triệu khối óc cùng dòng máu Việt Nam” hay trong một bài khác “những trái tim gọi Việt Nam, những trái tim cùng dòng máu”:
                                     
Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim gọi ViệtNam!
 Tựa vào lòng nhau, ơi những trái tim cùng dòng máu!”
                             (Một Ngày Việt Nam)

             Khả năng hấp dẫn hay hấp lực hay sự quyến rũ của Đáp Lời Sông Núi và đương nhiên Tiếng gọi Sinh Viên nằm ở điểm này, điểm mà Tiến Quân Ca không có. Đối tượng của bài hát của Văn Cao không phải là Văn Cao hay những người chung quanh Văn Cao mà là một tập thể những người ông chưa bao giờ gặp hay nhìn thấy. Lý do hoàn toàn đơn giản: ông đã làm theo “đơn đặt hàng”. Người ta có thể viện dẫn những người “đói khổ trần truồng loang trên mặt hồ lạnh” mà ông đã bắt gặp khi đi lang thang tìm hứng sau khi nhận lời với Vũ Quí, hay chuyện ông sắp nhận được khẩu súng “và được tham gia vào đội vũ trang”, coi như là một danh dự và là niềm hãnh diện của ông, để biện minh phần nào, nhưng tất cả vẫn chỉ là gượng ép. Đối tượng chính của bài hát của ông vẫn là những Đội Tuyên Truyền Giải Phóng Quân mới được thành lập ở một nơi xa tắp nào đó, trên tận chiến khu. “Đoàn quân Việt Minh đi…” cũng như “bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa” của họ chỉ là do trí tượng của ông. Không thấy họ, Văn Cao không thể nào kêu gọi họ. Họ đã có trước rồi nên ông chỉ có thể ngưỡng mộ họ và ca ngợi họ bằng những lời lẽ mà những cán bộ tiếp xúc với ông và giao công tác cho ông đã hướng dẫn cho ông như “cứu quốc”, “cờ in máu”, “chiến khu”, “phanh thây uống máu quân thù”, “sao vàng phất phới”… thay vì bằng những ngôn từ đẹp, đầy lãng mạn tính và nặng về hoài cổ của Buồn Tàn Thu, Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi, hay ít ra Thăng Long Hành Khúc… của ông trước đó. 

           Văn Cao cũng không dành cho lịch sử một chỗ đứng trong bài hát của ông, bài hát cho quân đội cách mạng. Lý do phải chăng là vì đối tượng chính phải là cách mạng, phải mang chiến đấu tính, phải có quân thù, giết quân thù và chiến thắng quân thù… và nhất là phải bỏ lại sau lưng những cái cũ. Cũng là chiến đấu cho người Việt Nam nhưng ông không hề nhắc tới truyền thống hào hùng ngàn năm của Dân Tộc Việt Nam. Những tên tuổi quen thuộc đối với giới trẻ đương thời như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Khiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…, những địa danh như Mê Linh, Sông Hát, Bạch Đằng, Chi Lăng Đống Đa… mà Lưu Hữu Phước, Hoàng Quí, Thẩm Oánh, Lê Thương và nhiền nhạc sĩ thuộc thế hệ sau của ông trân trọng ngợi ca hoàn toàn không được nhắc tới trong bài hát này của ông. Tất cả đều phải chăng không cần thiết, nếu không nói là không được nói tới vì đoàn quân Việt Minh là đủ và là khởi đầu. Sau này, qua Đàn Chim Việt, Chiến Sĩ Việt Nam. Bắc Sơn, Làng Tôi, Sông Lô, Ngày Mùa, Tiến Về Hà Nội, Ca Ngợi Hồ Chủ Tịch, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam… các tên tuổi của Lịch Sử Việt Nam và các địa danh liên hệ, sau Thăng Long Hành Khúc, Gò Đống Đa hoàn toàn vắng bóng,  nhường chỗ cho những tên lần đầu tiên xuất hiện như Đô Lương, Bắc Sơn, Thái Nguyên, Hồ Chủ Tịch, Già Hồ… 

            Lưu Hữu Phước và Trúc Hồ hoàn toàn trái ngược với Văn Cao. Hai nhạc sĩ này đã lấy lịch sử của dân tộc làm khởi đầu và là nguồn căn bản cho những sáng tác của mình. Như đã nói ở trên, cuộc đời sáng tạo về âm nhạc của Lưu Hữu Phước bắt đầu bằng sự khám phá ra quá khứ của tổ tiên xa xưa nhất của ông, ngay từ ngày ông còn là học sinh ở Saigon, sau đó là khi ông cùng với các bạn sinh viên cùng quê hương Miền Nam với ông thăm viếng những di tích lịch sử ở miền Bắc, nơi phát xuất của dân tộc ông. Nói cách khác tất cả đã khởi đầu khi hồn thiêng của sông núi và anh linh của tổ tiên của dân tộc đã trỗi dậy trong lòng ông. Ba lời ca của Tiếng Gọi Sinh Viên sau này đã trở thành những bài học lịch sử mà không ít những người dạy lịch sử, văn hóa và đạo đức dân tộc cho tuổi trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại đã dùng. Tất cả những tên tuổi lớn của nhiều ngàn năm của lịch sử dân tộc kể trên đều được trực tiếp hay gián tiếp làm sống lại trong những lời ca này, bên cạnh những danh xưng khác như Hồ Tây, Núi Lam… 

Lịch sử Việt Nam và các tên tuổi lớn của quá khứ đấu tranh để bảo vệ đất nước, vinh quang và sự trường tồn của dân tộc cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ và phong phú cho Trúc Hồ khi người nhạc sĩ trẻ tuổi của Cộng Đồng Việt Nam ở Hải Ngoại này làm những bài ca cho quê hương của mình, mà Đáp Lời Sông Núi chỉ là điển hình. Tất cả đã bắt đầu bởi hai tiếng Việt Nam. Phải dời Việt Nam ra đi từ thời còn nhỏ, sống xa lìa quê hương, xóm làng, cha mẹ, thày cô, bạn bè…hai tiếng Việt Nam đã trở thành một ám ảnh không dời đối với ông. Trong Đáp Lời Sông Núi, Việt Nam đã được ông nhắc tới bốn lần, một lần ở giữa bài và ba lần liên tiếp được lập lại để kế thúc. Tên Việt Nam cũng được ông dùng trong nhan đề của nhiều bài hát khác của ông như Một Ngày Việt Nam, Bước Chân Việt Nam, Con Đường Việt Nam trong nội dung của phần lớn các bài hát của ông. Đối với ông cũng như đối với Trầm Tử Thiêng, Việt Dũng, Anh Bằng…, những đồng tác giả với ông cho nhiều bài hát, Việt Nam là hai tiếng thiêng liêng gắn liền với cuộc đời tị nạn của ông. Trúc Hồ đã gửi tới người hát, người nghe và có thể chính mình lời nhắn nhủ “dù nhục, dù vinh, xin hãy hát vang lời Việt Nam” để “Bạn hãy cùng tôi! Bước theo ngọn đuốc Việt Nam!”

Cuối cùng, qua Tiến Quân Ca, người ta thấy Văn Cao đã không mở ra được một viễn ảnh, không đem lại một ánh sáng mới, một chân trời mới cho những chiến sĩ của đoàn quân Việt Minh, chưa nói tới đồng bào đương thời của họ, đất nước và dân tộc của họ. Ông chỉ kêu gọi họ “thề phanh thây uống máu quân thù”, “thắng gian lao”, “lập chiến khu” để rồi “tiến lên cùng thét lên!” vì “chí trai” là ở đó, “là đây nơi ước nguyền”. Cái đích cuối cùng mà ông vạch ra cho họ là ở đó, ước nguyền mà ông nói lên cho họ là ở đó, ở chiến khu để họ mãi mãi tiến lên cùng thét lên... Chấm hết! Tất nhiên là ở giai đoạn Văn Cao viết Tiến Quân Ca như một người nhìn từ bên ngoài và cho giai đoạn ông được yêu cầu sáng tác và sáng tác theo chỉ thị, ông không thể làm hơn được. Nhưng về sau này, vì bài hát đã trở thành quốc ca nên định mệnh của dân tộc cũng nằm ở đó, ở chiến khu, chiến khu từ sau khi nó trở thành quốc ca và cả nước trở thành chiến khu ngay từ cuối năm 1946, rồi liên tiếp sau nhiều thập niên tiếp theo, có thể luôn cả đến những ngày hiện tại, trong tương lai gần, khi người ta, một lần nữa, nói tới hiểm họa mất nước, hiểm họa đến từ ngoài khơi hay hiểm họa xảy ra ngay trên đất liền, cuối cùng vẫn chỉ là chiến khu, là nơi “chí trai” của người Việt đã “ước nguyền”, đến độ hậu duệ của ông, Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng phải lên tiếng thê thảm kêu than:

                   Từng vòng tử sinh quay thấm thoát cũng vài ngàn năm.
                   Nhiều lần nằm mơ, Ôi đất nước bao lần đổi mớí!
                    Bằng cuộc bể dâu,
                    Xương trắng vẫn cao nghệu thành non,
                    Dòng máu vẫn tuôn trào thành sông.
       Chưa thấy bóng thanh bình một lần.

Lưu Hữu Phước và những đồng tác giả của ông hiền lành hơn, bình thường hơn, chỉ kêu gọi tập thể sinh viên “đứng lên đáp lời sông núi”, cùng nhau đồng lòng “mở đường khai lối” cho đồng bào, đừng quên khí phách của tiền nhân với ước mong một “ngày vẻ vang” sẽ đến để người nước Nam vang tiếng đến “muôn đời”. Ước vọng chung của họ là đất nước quang vinh và trường tồn. Sau này khi trở thành quốc ca, ước vọng này được nêu lên một cách rõ rệt hơn với hai câu ba và bốn được đổi thành

                  “Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
                   Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.”
hầu làm cho

                             “Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời”

Ngoài ra một chi tiết ta không cũng nên bỏ sót là khi Tiếng Gọi Sinh Viên được đổi thành quốc ca, hai câu “Hồn thanh xuân như gương trong sáng, đừng tiếc máu nóng tài xin ráng!”  đã được đổi thành “Dù cho phơi thây trên gươm giáo, thù nước lấy máu đào đem báo.” Qua hai câu được đổi thành này “thây” và “máu” đã được nói tới nhưng thây và máu ở đây không đồng nghĩa với thây và máu trong Tiến Quân Ca, không phải thây và máu của quân thù mà là thây và máu của chính người công dân đổ ra để bảo vệ quê hương, đất nước, để làm “tươi thắm cỏ hoa” trên cánh đồng chung của cả dân tộc, như Hùng Lân, một nhạc sĩ đồng thời với Văn Cao và Lưu Hữu Phước, đã viết trong Việt Nam Minh Châu Trời Đông của ông, “Non sông như gấm hoa uy linh một phương” và như lối nói bình thường trong ngôn ngữ quen thuộc của người Việt “đem máu xương xây đắp sơn hà” hay “đem máu đào tô thắm non sông”…

Trong Đáp Lời Sông Núi, Trúc Hồ không nói lên ước vọng của mình cũng như ước vọng chung của cả dân tộc so với Lưu Hữu Phước trong Tiếng Gọi Sinh Viên. Điều này không có gì khó hiểu. Đáp Lời Sông Núi ở đây là lời kêu gọi khẩn cấp để đáp ứng cho một tình trạng khẩn cấp và kêu gọi từ Hải Ngoại trước nạn ngoại xâm mới xảy ra ở Biển Đông. Trong những bài hát khác, người nhạc sĩ thuộc thế hệ một rưỡi của  Cộng Đồng Người Việt Di Tản đã nói lên ước vọng đó, ước vọng Tự Do, Công Bình, Nhân Ái, ước vọng nước Việt ngày mai ngời sáng. Điển hình là bài Thiên Thần Trong Bóng Tối mà người viết ghi nguyên văn dưới đây, thay cho phần kết luận:
Từ khi tôi chào đời, bập bẹ hai tiếng Việt Nam.
Yêu quê hương qua từng trang sách,
Hùng Vương, Phù Đổng rạng ngời.
Trải qua bao thời đại thăng trầm theo những buồn vui.
Quê hương sau ngày lửa khói, tự do hạnh phúc xa vời.

Bạn hãy cùng tôi, thắp lên ngọn đuốc Việt Nam!
Tình Yêu, Tự Do, Công lý, bình an hạnh phúc cho người!
Bạn hãy cùng tôi bước theo ngọn đuốc Việt Nam!
Niềm tin ngày mai tươi sáng, hiến dâng cuộc sống cho đời!

Những thiên thần trong bóng tối,
Mang ánh sáng vào nơi tối tăm,
Mang tình yêu xóa tan hận thù,
Mang tự do công bình nhân ái,
Cho Việt Nam ngày mai ngời sáng!

Phạm Cao Dương   
California, những ngày trở lạnh sau Tết Ma Quỷ 2011
-------------------------------------------
Chú Thích
[21] Nguyễn Ngọc Huy, đã dẫn, tr.26-27, Nguyễn Tôn Hoàn, đã dẫn. tr. 23-24.
[22]  Nguyễn Tôn Hoàn, tr.  19.
[23] Nguyễn Ngọc Huy, mặt bìa sau.
[24] “Tiến Quân Ca”, trong Văn Cao, Cuộc Đời và Tác Phẩm, đã dẫn, tr.111-112.
[25] Phí Văn Bái, đã dẫn, tr. 171.
[26] Nguyễn Thụy Kha, “Văn Cao, Người Viết Quốc ca”, trong  Văn Cao, Cuộc Đời và Tác Phẩm, đã dẫn, tr. 406-407.
[27] Nguyễn Đình Thi, “Chào Anh Đi Xa!”, trong Văn Cao, -nt-, 298.
[28] Nguyễn Trọng tạo, “Ba Biến Khúc Của Văn Cao”, trong Văn Cao, -nt-, tr. 279.
[29] Văn Cao, “Tôi Viết Tiến Quân Ca”, trong Một Chặng Đường Văn Hóa, đã dẫn, tr. 110 và trong Văn Cao: Cuộc Đời Và Tác Phẩm, tr.88.