Nguyễn Quang A
Dư luận ồn ào về việc Vịnh Hạ Long đã tạm thời đạt danh hiệu (một trong 7) kỳ quan thiên nhiên thế giới do một tổ chức tư nhân (NOW) đứng ra tổ chức. “Tạm thời” là đúng chữ của nhà tổ chức, chưa được xác nhận đâu (chắc phải trả đủ tiền thì mới được xác nhận)!
Nhiều người vui mừng, không ít người coi là trò tào lao.
Người thì cho nhà tổ chức không là một tổ chức quốc tế nên kết quả bình chọn không có gram giá trị nào! Tổ chức tư nhân cũng có các giải thưởng, các cuộc bình chọn rất có giá trị. Thử nghĩ về các loại giải thưởng của một số tổ chức tư nhân và nhà nước ở ta mà xem! Vấn đề không phải là chuyện tổ chức tư nhân hay quốc tế, mà là tổ chức ấy làm gì, vì mục đích gì.
NOW hoạt động hoàn toàn hợp pháp theo luật Thụy Sỹ. Nó có một ý tưởng để bán: cho địa danh của các quý vị cái danh “kỳ quan thiên nhiên thế giới” với sự bầu chọn của quý vị (mà quý vị có thể bầu bao nhiêu lần tùy ý với một khoản “phí bản quyền” (300 đồng) cho mỗi tin nhắn chia cho NOW), với mọi công sức và chi phí (630 đồng/tin nhắn) của quý vị và các loại phí khác mà quý vị phải trả cho NOW theo thỏa thuận! Các địa danh nổi tiếng muốn được đưa vào danh sách bình chọn, phải trả tiền (nghe nói 5 ngàn USD/tháng) và các tổ chức muốn sử dụng hình ảnh của địa danh của các quý vị phải trả phí cho NOW, các quý vị nếu muốn nối vào trang web new7wonders của NOW để hô hào người dân bình chọn cũng phải trả cho NOW không ít tiền (theo ông Ngô Văn Hùng là 25000 USD/tháng!) Quý vị là những người mua. Càng nhiều người mua ông chủ NOW càng kiếm bộn.
Hoạt động này thực sự là một kiểu kinh doanh hết sức láu cá, nhưng không hiếm. Có đầy rẫy các thí dụ khác tương tự: các “đại học” bán bằng (diploma mill, có khi chỉ có vài nhân viên và một văn phòng lèo tèo) nhan nhản trên thế giới mà báo chí nước ta cũng đã tốn không ít giấy mực phanh phui về nhiều quan chức có bằng “đại học Mỹ” xịn nhưng thực chất là chỉ làm thủ tục qua loa, trả tiền và nhận cái danh “học vị” mà họ mua được. Các tổ chức như vậy hoạt động hợp pháp theo luật của các nước sở tại, thậm chí còn “hợp tác” với các đại học có tiếng của ta! “Người mua” ở đó có lẽ là “người mua thông minh” hơn ở ta. Tự do báo chí và xã hội dân sự mạnh cung cấp nhiều thông tin hơn nên giúp người mua dễ nhận ra chân tướng thật của các tổ chức như vậy. Chuyện mua danh viện sĩ cũng chẳng lạ. Còn có thể kể ra nhiều thí dụ tương tự.
Nhưng sự khác biệt giữa các tổ chức bán danh này và việc bán danh “kỳ quan thiên nhiên” là ở các đối tượng người mua: một bên là từng cá nhân, bên kia là rất rất nhiều người yêu quý, gắn bó với một thắng cảnh, với lòng yêu đất nước của mình. Thế mới thấy ý tưởng kinh doanh bình chọn kỳ quan là láu cá đến thế nào.
Tiêu chuẩn bình chọn là số phiếu nhận được qua trang web và tin nhắn điện thoại di động. 7 địa danh nhiều phiếu nhất là 7 kỳ quan thế giới mới. Có vẻ rất hợp lý: đa số – thắng! Nhưng đa số nào? Một người có thể bình chọn đến cả ngàn lần nếu muốn. Ông chủ Đảo Tuần Châu khoe mình nhắn hơn 11 vạn tin nhắn và buộc mỗi nhân viên trong ngày 11-11-2011 phải nhắn ít nhất 100 tin bình chọn cho Vịnh Hạ Long (nếu không sẽ bị đuổi việc). Kết quả bình chọn mà như thế, thì chẳng còn gì để nói. Không lạ rằng UNESCO tránh xa việc này và cho rằng không khoa học, không khách quan. Nhưng người ta đâu cần khách quan, đâu cần khoa học. Có những lợi ích, những khuyến khích gắn mật thiết với sự bình chọn này.
Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch đã chính thức phát động phong trào động viên nhân dân bình chọn cho Vịnh Hạ Long từ 25-2-2008, chứ không chỉ mới rộ lên như vừa qua với sự tham gia của bao nhiêu nhân vật tai to mặt lớn cũng như các tổ chức chính trị xã hội hay các đại gia.
Về phía NOW đây là một cuộc kinh doanh kiếm bộn tiền như nêu ở trên. Nếu con số phí 5.000 USD/tháng là đúng thì trong 4 năm qua số phí “đặt chỗ” đã là hơn 250 ngàn USD (chắc là từ ngân sách) chưa kể các phí khác và khoảng 7,5 tỷ đồng “phí bản quyền nhắn tin bình chọn”.
Tại sao nhiều người chấp nhận trả tiền và bỏ công sức cho trò hết sức láu cá này? Vì đối lại họ nhận được cái gì đó: nó thỏa mãn nhu cầu về danh và các lợi ích khác.
Háo danh ư? Một người thì có thể. Như chuyện bỏ tiền ra để được công nhận là viện sĩ hay mua bằng nêu ở trên. Nhưng cả chục triệu người thì sao? Họ không hiểu, họ hiểu nhầm, họ bị thuyết phục bởi những lời có cánh và thế là vô tình hay cố ý góp vào “sự háo danh tập thể” nhân danh lòng yêu nước.
Các nhà mạng, các công ty dịch vụ, thì ăn theo. 24 triệu tin nhắn tạo cho họ doanh thu 15,12 tỷ đồng (họ được khoảng 7,5 tỷ)! Đấy là tính theo số do một lãnh đạo Bộ Văn Hóa Thể Thao Du Lịch công bố: trong 630 đồng/tin nhắn thì Bộ phải trả nhà đài 300 đồng, trả NOW 300 đồng “phí bản quyền” và 30 đồng tiền thuế. Bộ thật vô tư làm công không cho kẻ khác.
NOW có ý tưởng để bán: cái danh kỳ quan thiên nhiên. Để chống hàng giả nhiều quan chức hô hào người mua hãy trở nên người mua thông minh. Đúng cần lắm những điều kiện hỗ trợ để người mua trở thành người mua thông minh. Hay người ta không muốn dân mình trở thành người mua thông minh?