Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Con ơi, trước hết là phải xòng phẳng

Đoàn Thanh Liêm


Tôi thường theo lời giáo huấn của cha ông thuở xưa trong việc xử thế hàng ngày tại gia đình cũng như ở ngoài xã hội. Một trong những điều chỉ bảo của các cụ xưa, mà tôi cho là rất chí lý, để mà áp dụng trong việc dậy bảo con cháu trong gia đình mình, đó là câu nói thật ngắn gọn chỉ gồm có bốn chữ mà thôi. Câu đó như sau: “Dĩ thân nhi giáo”, tức là phải đem chính cái nhân cách của bản thân mình như là một tấm gương để cho con, cho cháu trong nhà noi theo, nhiều hơn là dùng lời nói mà khuyên bảo chỉ dẫn cho con cháu phải làm thế này, thế nọ. 
 Gia đình tôi rất đông anh chị em, có đến tất cả 11 người lận, trên tôi thì có một anh và năm chị lớn, mà dưới tôi thì còn đến bốn người em nhỏ nữa. Vì sinh sống tại miền quê, với bà con họ hàng nội ngọai cùng ở quây quần trong một khu xóm, nên tương đối anh chị em chúng tôi được cha mẹ rèn cặp uốn nắn khá nghiêm túc, đồng thời cũng được cô dì chú bác thường xuyên nhắc nhở - theo đúng với nền nếp gia phong gia đạo đã thành một thứ truyền thống của dòng họ nhà mình. Ngay từ hồi còn nhỏ cỡ 7 - 8 tuổi, tôi đã được nghe cha mẹ khuyên bảo mấy anh chị lớn là: “Các anh chị lớn thì phải cố gắng ăn ở cho có đức, có hạnh để còn làm tấm gương tốt lành cho các em nhỏ noi theo. Đó là điều quan trọng nhất để mà giữ vững được cái tiếng thơm của dòng tộc nhà mình vậy…” Và chúng tôi thật may mắn, vì sau khi cha mẹ mất sớm, thì các anh chị lớn đã hợp với nhau, để mà chăm sóc bảo bọc, hướng dẫn cho mấy đứa em nhỏ tuổi như tôi trở thành người lương thiện chững chạc sau này.
Qua bài viết này, tôi muốn gửi riêng đôi lời nhắc nhở đến với các con, các cháu của tôi và cả cho các cháu là con của anh chị em và của các bạn hữu thân thiết với tôi nữa. Các cháu là thế hệ thứ hai, thứ ba - dù đang sống ở hải ngoại hay còn ở trong nước - thì vẫn cần phải được khuyên bảo khích lệ để giữ vững được truyền thống đạo hạnh tốt đẹp của dòng họ nhà mình. Vì câu chuyện ở đây là trong vòng thân mật trong gia đình, nên tôi cứ thoải mái tâm sự cởi mở tự nhiên với các cháu, chứ không cần phải gọt giũa lời văn như trong các bài viết khác.
Như đã ghi trên nhan đề, tôi muốn nhắc nhở đến cái đức tính sòng phẳng, cái sự biết điều của mỗi một con người trong cuộc sống chung với bà con thân tộc trong gia đình, cũng như với nhân quần xã hội.

1 – Trước hết là sự sòng phẳng trong nội bộ của mỗi gia tộc.
Sự thành đạt của bất kỳ con người nào, thì đầu tiên phải kể đến đó là do công lao của cả gia đình đã góp phần hỗ trợ khích lệ về vật chất cũng như tinh thần cho cá nhân đó. Dân tộc ta vốn có tinh thần hiếu học, nên ở trong gia đình nào thì cha mẹ hay cô dì chú bác cũng đều lo lắng chăm sóc cho lũ con cháu có điều kiện thuận lợi để học hành đỗ đạt thành tài, hầu có được một địa vị tương đối vững vàng ngòai xã hội. Vì thế mà mỗi khi trưởng thành, thì người con nào cũng đều phải biết đến cái công ơn đó của cha mẹ, ông bà, cô chú, của các bậc tiền nhân từ bao nhiêu thế hệ đã vun đắp, gầy dựng cho tương lai của cá nhân mình. Và rồi tìm cách đền đáp lại cái công lao rộng lớn như trời biển đó bằng cách góp hết tài năng trí tuệ và nghị lực của mình ra để mà xây dựng củng cố cho cái uy tín, cái tiếng tăm, cái sản nghiệp (patrinomy) của dòng họ nhà mình mỗi ngày một thêm tốt đẹp vẻ vang hơn mãi. Có làm được như thế, thì mới là con người biết điều, biết “ăn cây nào, rào cây ấy”, biết cư xử sòng phẳng với chính gia tộc dòng họ của bản thân mình vậy.
Điều này cần phải nhắc đi nhắc lại đối với thế hệ trẻ ngày nay, bởi vì từ ngày nước ta mở ra tiếp cận rộng rãi với văn minh Âu Mỹ, thì trong nhiều gia đình, nhất là ở các đô thị, con người thường hay lây nhiễm phải cái tính ích kỷ, cái lối sống “cá nhân chủ nghĩa”, mà coi nhẹ cái tinh thần gia tộc, sao lãng việc gắn bó liên đới với các thành viên khác thuộc dòng họ nhà mình. Thế hệ trẻ cần phải cảnh giác trước cái nguy cơ sa sút của nền tảng luân lý gia đình trước sự cám dỗ của lối sống quá thiên về sự hưởng thụ vật chất riêng tư cho cá nhân bản thân mình và cho gia đình nhỏ bé riêng biệt của mình - mà quên đi cái trách nhiệm, cái nghĩa vụ lớn lao hơn, tức là phải chăm sóc, lo lắng cho các thành viên khác trong đại gia đình, trong dòng tộc nhà mình nữa.

2 – Tiếp đến là sự sòng phẳng đối với cộng đồng xã hội.
Từ xa xưa, trong các gia đình có nền nếp gia giáo, thì các bậc tôn trưởng bao giờ cũng nhắc nhở con cháu không bao giờ được quên lãng cái công ơn lớn lao mà đất nước đã dành cho mỗi cá nhân, cũng như cho mỗi gia tộc đang sinh sống trên mảnh đất quê hương bản quán của mình. Dưới thời quân chủ phong kiến do nhà vua đứng đầu lãnh đạo, thì người ta hay nhắc đến câu : “Ân Vua, Lộc Nước”, tức là mỗi cá nhân đều được thụ hưởng những cái ân huệ, cái bổng lộc về mặt vật chất, cũng như về mặt tinh thần do quốc gia xã hội cung ứng cho mỗi người công dân và gia đình của họ.
Và trong dân gian, thì bà con cũng thường hay nói đến cái chuyện “Ân đền, Nghĩa trả” - để nhắc nhở lẫn nhau về cái nghĩa vụ mỗi con người sống trong xã hội, thì phải biết cách cư xử tốt đẹp –
bằng cách báo đền cái ân nghĩa mà người khác đã làm cho mình. Trong tiếng Anh, người ta cũng có câu : “Give and Take”, có nghĩa là “Trao ra và Nhận vào”. Người ta cũng dùng thành ngữ “Fair and Square” để diễn tả cái thái độ sòng phẳng, lương thiện trong cách xử thế đối với xã hội.
Về những ân huệ mà đất nước đã cung ứng cho mỗi công dân, thì phải kể đến nền giáo dục từ sơ cấp đến đại học, những dịch vụ chăm sóc về y tế vệ sinh công cộng, nhà săn sóc người già yếu, trung tâm chữa trị những bệnh nan y như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AIDS, trợ cấp cho người thất nghiệp v.v… Rồi phải kể đến hệ thống hạ tầng cơ sở về giao thông gồm đường xá, cầu cống bến cảng, phi trường… Và nhất là sự bảo đảm về tình trạng an ninh trật tự xã hội cho mọi người dân lương thiện có được cuộc sống an cư lạc nghiệp, bảo vệ cho mọi công dân có được một môi trường lành mạnh ổn định để mà an tâm sinh hoạt với việc kinh doanh sản xuất hay trao đổi thương mại v. v… Cũng phải kể đến những khỏan ích lợi phi vật chất (immaterial items) như truyền thống văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, tư tưởng, triết học, đạo lý, sự minh triết khôn ngoan thông tuệ - mà cha ông ta đã tích lũy được từ ngàn đời để mà truyền lại cho thế hệ chúng ta ngày nay nữa. 
Là những kẻ được thừa hưởng tất cả cái gia tài vật chất và tinh thần quý báu đó của đất nước, mỗi người chúng ta đều có cái bổn phận là phải tích cực góp phần vào việc bồi bổ vun đắp cho cơ đồ non nước mình mỗi ngày thêm phồn thịnh phong phú hơn mãi. Đó cũng chỉ là một sự sòng phẳng, một sự biết ơn đối với cộng đồng xã hội - mà một người có lương tri bình thường (common sense) thì đều phải ý thức được cái trách nhiệm phải trả lại cho dân tộc cái ân nghĩa mình mắc phải ngay kể từ lúc gia nhập vào cuộc sống tại thế nơi quê hương đất nước mình - để mà ra sức đưa hết khả năng riêng của bản thân mình hầu thanh thỏa cho được cái món nợ đó - như người Mỹ thường nói: “Just to pay your own dues”. Vậy thôi, chứ đây không phải là một điều cao xa, vĩ đại nào vượt ra khỏi khả năng của một cá nhân bình thường như đa số mỗi người chúng ta đâu.

3 – Sự sòng phẳng đối với quê hương thứ hai của người Việt đang sinh sống ở hải ngoại.
Hiện nay, chúng ta có đến gần 4 triệu người Việt sinh sống tại trên 60 quốc gia ở hải ngoại, trong số này có khá đông bà con và bạn hữu của tôi. Phần đông lại đã nhập tịch làm công dân tại các quốc gia đó, nên họ có thể coi đấy là quê hương thứ hai của mình, thêm vào với quê hương của cha ông là nước Việt Nam chúng ta. Như vậy, người Việt ở hải ngọai cũng phải có nghĩa vụ là phải sòng phẳng đối với quốc gia đang cưu mang cho mình có được một cuộc sống tự do, thỏai mái dễ chịu hơn là tại đất nước quê hương hiện đang do người cộng sản độc ác tàn bạo kềm kẹp. Ngòai nhiệm vụ đóng thuế và làm tròn nghĩa vụ của một người công dân bình thường đối với quê hương thứ hai này, người Việt hải ngọai cũng còn có bổn phận tinh thần đối với quê hương nguyên thủy của mình là đất nước Việt Nam.
Do đó mà họ có trách nhiệm đối với cả hai quê hương của mình, cụ thể là phải làm tròn bổn phận của một công dân gương mẫu đối với quốc gia đang cưu mang bảo bọc cho bản thân và gia đình mình, đồng thời cũng không được sao lãng cái bổn phận phải góp phần xây dựng cho quê hương nguyên gốc Việt Nam mỗi ngày một tươi đẹp sáng lạn hơn mãi. Các chi tiết thể hiện lòng trung thành và quý mến đối với cả hai quê hương này, thì tùy theo tính chất năng động và sáng tạo và hòan cảnh riêng biệt của mỗi người, ta khỏi cần dài dòng bàn thảo ở đây. Vấn đề chính yếu là mỗi người phải có ý thức rõ rệt về trách nhiệm nặng nề của bản thân mình, và ra sức chu toàn cái bổn phận cao cả đó đối với cả hai quê hương yêu quý của mình vậy.
Để kết thúc bài viết đã khá dài này, tôi chỉ xin nhắc lại là mỗi con, mỗi cháu phải cố gắng hết sức mình để mà đền đáp cái ân sâu nghĩa nặng mà đất nước dân tộc đã chăm lo săn sóc cho mình từ thuở sơ sinh cho đến ngày trưởng thành hiện nay. Đây không phải là một đòi hỏi, một thứ yêu sách quá đáng nào đối với các cháu, mà chỉ là một nghĩa vụ tối thiểu của một con người có lương tri, biết cư xử sao cho sòng phẳng đối với nội bộ gia tộc, cũng như đối với nhân quần xã hội, và đối với quê hương đất nước của bản thân mình mà thôi.
 
California, Tháng 11 năm 2011
Đoàn Thanh Liêm