Nguyễn Hoàng Hà | |||
|
Theo báo chí được đăng tại Bắc Kinh và Thượng Hải thì hàng loạt các hợp đồng với Ấn Độ đã được ký kết và số lượng thì chưa ai biết chính xác là bao nhiêu. Họ đã trích dẫn thông tin trên báo Quân đội nhân dân của Việt Nam đăng lại bài phỏng vấn gần đây trên báo Nga. Khi nói về hệ thống tên lửa Bastion, Thiếu tướng A. Pô-dơ-đép (Anatoly Pozdeev), một chuyên gia về lĩnh vực tên lửa cho biết, hệ thống Bastion là thành tựu của công nghiệp sản xuất tên lửa Nga. Ông Pô-dơ-đép nhận xét, tên lửa Bastion là hệ thống vũ khí hiện đại và mạnh mẽ nhất hiện nay, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ bờ biển.Từ đó có thể thấy, nếu Việt Nam thực sự có trong tay nhiều loại hỏa tiễn này thì Trung Quốc quả không thể ngông nghênh coi biển Đông là ao nhà của mình được.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí, Tướng Pô-dơ-đép đã không ngại đưa ra lời bình luận rằng hiện nay hải quân các nước trên thế giới không có phương tiện chống hạm nào có thể đối chọi với hệ thống tên lửa Bastion. Ông Pô-dơ-đép nhấn mạnh, hệ thống tên lửa Bastion có khả năng tiêu diệt các loại chiến hạm từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tấn công, cũng như diệt các mục tiêu hạm tàu đơn lẻ ở cự ly đến 300 km. “Bastion là hệ thống tên lửa cơ động bờ biển, loại vũ khí hiện đại nhất và mạnh mẽ nhất trong cùng đẳng cấp này trên thế giới”, Thiếu tướng Pô-dơ-đép nói.
Cũng theo Tướng Pô-dơ-đép thì mỗi tổ hợp có thể bảo vệ dải bờ dài hơn 600 km và giám sát vùng biển có diện tích 200 km2. Cấu trúc cơ bản của một tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển di động K300P Bastion-P gồm: 4 xe chở bệ phóng tự hành K340P SPU, mỗi xe mang hai ống phóng TPS chứa đạn tên lửa, 1 tới 2 xe điều khiển K380P MBU có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3 đến 4 phút; một xe đảm bảo sẵn sàng chiến đấu MOBD, 4 xe chở đạn K342P TZM được trang bị cần cẩu có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K340P; các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện chiến đấu. Ngoài cấu trúc cơ bản trên, tùy vào nhu cầu thực tế, có thể lựa chọn thêm số lượng xe mang phóng, xe điều khiển và xe chở đạn... Bên cạnh đó, có thể bổ sung thêm thiết bị hỗ trợ ngắm bắn như hệ thống ra-đa ngắm bắn bờ biển tự hành Monolit-B hay hệ thống ngắm bắn đường không 1K130E; ống phóng TPS dạng kín.
Tướng Pô-dơ-đép cho biết, điểm độc đáo của hệ thống này nằm chính ở các quả đạn tên lửa hành trình siêu âm bám biển, dùng động cơ phản lực tĩnh Yakhont 3M55E. Mỗi tổ hợp “Bastion” có thể bao gồm 36 tên lửa có cánh “Yakhont”. Các tên lửa tự dẫn siêu thanh chống hạm này với đầu đạn nặng hơn 200 kg có thể đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách 300 km. Các tên lửa “đất đối hải” này có thể tiêu diệt các mục tiêu tĩnh và động trên biển, ngay cả khi đối mặt với sự kháng cự hỏa lực và điện tử mãnh liệt của đối phương. Khi nhận lệnh phóng, tên lửa Yakhont kích hoạt buồng đốt thuốc phóng rắn để thoát khỏi ống phóng trước khi mở hệ thống cánh điều hướng, đồng thời các van điều hướng luồng phụt tại phần đáy đạn và hệ thống tạo luồng phụt tại chóp mũi đạn giúp đạn tên lửa tự ổn định và xoay theo hướng phóng dự kiến. Ngay khi rời bệ phóng tên lửa bay vút lên cao, hành trình gần tới mục tiêu thì dần dần hạ thấp độ cao. Quá trình tới mục tiêu đều được lập trình từ trước. Việc kiểm soát độ cao của tên lửa được thực hiện nhờ ra-đa cho phép, tên lửa có thể hoạt động tại độ cao từ 1000 mét đến 5000 mét. Tên lửa đối hạm Yakhont có hiệu quả tác chiến cao nhờ tốc độ nhanh, hành trình bay đa dạng, diện tích phản xạ ra-đa nhỏ do được bọc một lớp vật liệu có tính năng hấp thụ sóng ra-đa, cùng hệ thống dẫn đường quán tính ở pha giữa và đầu tự dẫn ra-đa chủ động và thụ động ở pha cuối. Với tính năng “bắn rồi quên”, đạn tên lửa tấn công mục tiêu hoàn toàn tự động sau khi nhận phần tử bắn từ hệ thống điều khiển của tổ hợp. Đây là khác biệt được đánh giá là “đáng giá” so với các tên lửa đối hải thế hệ trước.
Cũng theo báo Trung Quốc đánh giá thì phải nói Việt Nam là quốc gia có lực lượng pháo bờ biển rất hùng hậu và nay được trang bị mới có tầm bắn xa hơn, đủ các tầm và đã được thử thách trong chiến tranh nên các nhà quân sự và hải quân Trung Quốc phải nể mặt, chẳng nên coi thường.
Việt Nam là quốc gia có dải bờ biển dài hình chữ S và trên vùng biển chủ quyền của mình lại chứa đựng rất nhiều tài nguyên phong phú chưa được khai thác. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng hung hăng lớn tiếng hăm dọa, tăng cường lực lượng hải quân để mong biến Biển Đông mà trong đó có nhiều khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam thành sở hữu của mình. Vì thế Việt Nam đang rất cần có thật nhiều loại hỏa tiễn này, nhất là hiện nay các công ty thăm dò khai thác dầu Mỹ, Ấn Độ và các nước đã và đang tìm thấy các mỏ dầu lớn trên vùng biển 200 hải lý của Việt Nam. Theo nhiều nguồn tin, Việt Nam đang đặt mua loại hỏa tiễn tối tân nói trên (của Ấn Độ phối hợp với Nga sản xuất), và điều này khiến cho Trung Quốc thực sự lo ngại. Rõ ràng những lời hung hăng đe dọa của Trung Quốc không làm Việt Nam sợ.
Đêm dài lắm mộng, điểm lại lịch sử Việt Nam, ở thời đại nào chúng ta cũng nhận thấy có những kẻ bán nước, sợ giặc phương Bắc thảm hại đến mức cúi mình, khom gối và sẵn sàng đi đêm với chúng. Họ đưa ra nhiều lý do để bao biện cố vớt vát “tình huynh đệ” đầy máu mà hai dân tộc vô tội đã phải đổ ra nhiều thế kỷ trước đây kể cả cả những ngày đen tối 1974, 1979, 1988. Cho nên với hiện trạng hiện nay, nếu những ai từng khiếp vía Trung Quốc thì xin có lời khuyên, chẳng nên nghe qua báo chí Trung Quốc đe dọa tấn công Việt Nam mà mất ăn mất ngủ. “Tiếng đại bác”mà những kẻ hiếu chiến ở Trung Nam Hải hô to trên Thời báo Hoàn cầu hay báo Thượng Hải với ý định hăm dọa Việt Nam thực tế chẳng có nghĩa lý gì, trái lại chỉ làm cho thế giới thấy rõ bộ mặt bành trướng, hiếu chiến đầy tham vọng của họ để càng thêm cảnh giác mà thôi.
Biển Đông vẫn có thể là Bạch Đằng Giang mới chờ quân bành trướng một lần nữa. Tiếng hô “Sát Thát” vẫn như vang vọng đâu đây. Điều này những nhà cầm quyền Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết.
Ngày 1 tháng 11 năm 2011
N.H.H.