Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Giải quyết vấn đề biển Đông: Dùng luật không dùng bạo lực

Châu Giang theo The Diplomat

Các hội nghị cấp cao APEC và ASEAN vừa qua tại Honolulu và Bali đã chứng kiến các nỗ lực mới nhằm giải quyết vấn đề biển Đông theo cách tiếp cận dựa trên ngoại giao của khu vực. Tuy nhiên, các kết quả ngoại giao hạn chế của các hội nghị này đã cho thấy rõ những thiếu sót về chiến lược mà các nước trong khu vực đang sử dụng.
Căng thẳng xung quanh các tuyên bố đòi chủ quyền chồng lấn đối với các đảo nhỏ và vùng biển đi kèm đã bùng phát từ năm 2009, khi Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia chính thức trình yêu sách của mình theo Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS). Việc Trung Quốc hồi năm ngoái bày tỏ sẵn sàng sử dụng hải quân và không quân để bảo vệ các yêu sách của mình - và phản ứng từ các nước liên quan như Việt Nam và Philippines - đã đẩy căng thẳng khu vực lên cao hơn. Nhưng các kết quả ngoại giao hạn chế của các hội nghị cấp cao APEC và ASEAN trong việc xử lý vấn đề này đã cho thấy rõ những thiếu sót về chiến lược mà các nước trong khu vực sử dụng.

Nói một cách khái quát, có 4 chiến lược chính:
Thứ nhất là ý định thương thảo song phương. Trung Quốc đã liên tiếp nhấn mạnh ưu tiên cho giải pháp này, nhưng sự chênh lệch về quy mô và tầm ảnh hưởng kinh tế khiến cách tiếp cận này bị xem là có lợi nhiều hơn cho Bắc Kinh. Hơn nữa, còn nhiều nghi ngại xung quanh việc Trung Quốc chỉ định đàm phán thuần túy về việc ngừng hoạt động khai thác tài nguyên tại các mỏ dầu đang tranh chấp, chứ không muốn thỏa hiệp trong các vấn đề chủ quyền. Mặt khác, kênh song phương đã được sử dụng hiệu quả để giảm căng thẳng song phương, bằng chứng là thỏa thuận 6 điểm mới đây giữa Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng một số cơ chế mới để tham vấn về vấn đề biên giới.
Chiến lược thứ hai là nỗ lực đưa vấn đề lên tầm khu vực và giải quyết ở cấp độ đa phương, trong đó các nước cảm thấy Trung Quốc có ít lợi thế hơn. ASEAN là tổ chức chính được chọn, và đối với nhiều nước trong khu vực, đây là một trong những phép thử mạnh nhất để xem liệu tổ chức này có giải quyết tốt vấn đề an ninh khu vực hay không. Nhưng do khác biệt về lợi ích, và thực tế là chỉ 4/10 nước thành viên có liên quan đến vấn đề biển Đông, khiến một giải pháp thông qua ASEAN vẫn ngoài tầm với. Khả năng Trung Quốc tách Myanmar, Lào và Indonesia khỏi các quan điểm của Việt Nam và Philippines đã cho thấy điểm yếu của cách tiếp cận này.
Chiến lược thứ ba là phát triển các quan hệ ngoại giao và quân sự gần gũi hơn với Mỹ. Với 36 tàu ngầm tấn công và 6 hạm đội tàu sân bay tại Thái Bình Dương, Mỹ hiện vẫn là sức mạnh quân sự vô song trong khu vực, và các nước như Việt Nam và Philippines đã tìm kiếm sự đảm bảo chiến lược thông qua việc làm mới các thỏa thuận quân sự đã có hoặc ký các thỏa thuận quân sự mới với Washington. Các thỏa thuận về hạt nhân và quân y của Việt Nam được cho là nhằm mục đích này. Tương tự như vậy, trong chuyến thăm Manila của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sau hội nghị APEC, bà Clinton đã tái khẳng định cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Philippines trong Tuyên bố Manila và thông báo cung cấp thêm một xuồng ca nô bảo vệ bờ biển cho Hải quân Philippines.
Chuyển hướng từ quan điểm trước đây vốn không can thiệp vào vấn đề này, Mỹ đã tăng cường cam kết với cả hai nước, vì nhiều lý do. Đầu tiên, Mỹ quan tâm đến các tác động lớn hơn của những yêu sách Trung Quốc đối với luật biển quốc tế, đặc biệt là 'đường lưỡi bò'. Thứ hai, khả năng Trung Quốc kiểm soát các tuyến viễn thông (SLOC) quan trọng của các đồng minh Đông Bắc Á như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc gây khó cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Việc Trung Quốc sẵn sàng chặn nguồn tài nguyên nhằm gây sức ép chính trị đã được chứng tỏ trong sự cố tàu cá tại Senkaku (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) hồi tháng 9/2010. Đối với Philippines và Việt Nam, các quan hệ mới với Mỹ vừa là một hàng rào chống lại sự xác quyết về quân sự của Trung Quốc, vừa là một hình thức gây sức ép, buộc Bắc Kinh thỏa hiệp trên diễn đàn ngoại giao.
Nhưng bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo với các lãnh đạo ASEAN tại Bali vừa qua cho thấy Trung Quốc gần đây đã có một tông giọng mềm hơn, thể hiện rằng họ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, và hứa hẹn đầu tư lớn vào khu vực. Mặc dù vậy, ông Ôn vẫn cảnh báo sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào các tranh chấp trong khu vực. Dù cảnh báo này chủ yếu nhằm vào Mỹ, nhưng nó cũng bao gồm cả các cường quốc khác.
Chiến lược thứ tư là quốc tế hóa vấn đề này bằng việc kéo các nước ngoài khu vực như Ấn Độ và các nước châu Âu tham gia khai thác nguồn năng lượng trong các vùng biển đang tranh chấp. Thỏa thuận gần đây của Ấn Độ với Việt Nam khai thác chung mỏ khí tại các vùng biển đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc nằm trong logic này. Ngoài công ty ONGC của Ấn Độ, còn có một số các công ty nước ngoài khác đã ký hợp đồng khai thác với Việt Nam như Chevron, Exxon Mobil, BP và Zarubezhneft.
Như vậy, chiến lược duy nhất chưa thực sự được nước nào thử nghiệm là sử dụng các cơ chế luật pháp quốc tế đa dạng, quy định cụ thể cho từng loại tranh chấp - các tòa án trọng tài theo quyền tài phán của UNCLOS, Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS).
Tất nhiên, Trung Quốc liên tục bác bỏ các nỗ lực pháp luật hóa các tranh chấp, bằng chứng là họ đã gạt bỏ một đề nghị mới đây của Philippines đưa tranh chấp giữa hai nước ra ITLOS. Việc này thường được các chuyên gia khu vực viện dẫn như lý do để giải thích tại sao có ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao thông qua ASEAN.
Vấn đề nảy sinh khi tìm kiếm một giải pháp ngoại giao là phản ứng của dân chúng ở các nước khi bất cứ nhượng bộ nào có thể được đưa ra. Ví dụ dư luận Trung Quốc về đường lưỡi bò. Theo thăm dò dư luận, gần như toàn thể nhân dân Trung Quốc ủng hộ đòi hỏi của nước này đối với toàn bộ vùng biển nằm trong đường lưỡi bò, rất ít người hiểu các nguyên tắc của luật quốc tế đương đại, thềm lục địa, hay vùng đặc quyền kinh tế. Sự ủng hộ của dư luận Trung Quốc đối với các yêu sách của nước mình đã được tạo dựng thông qua hệ thống giáo dục, trong đó các sinh viên Trung Quốc được dạy là nước họ có chủ quyền đối với khu vực này từ triều đại nhà Tần. Dù các đòi hỏi từ lịch sử này chưa được chứng minh, nhưng chúng đã gây ra một sự tưởng tượng mạnh mẽ trong công chúng và sự ủng hộ này khiến bất cứ chính phủ nào ở Trung Quốc khó có thể nhượng bộ về cái được coi là vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Thỏa hiệp trong tình huống này sẽ bị hiểu là phản bội chủ quyền quốc gia, và đây không chỉ là vấn đề của riêng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc sử dụng các cơ quan luật pháp gần như tránh được vấn đề này khi giao trách nhiệm quyết định cho một bên thứ ba. Hơn nữa, các quyết định pháp lý được đưa ra theo nguyên tắc công khai và minh bạch, khác với các biện pháp ngoại giao.
Trong lịch sử, các tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước thường có hai giải pháp: quân sự hoặc ngoại giao. Phần Đối thoại Melian trong cuốn Chiến tranh giữa các thành bang Hy Lạp cổ đại (Peloponnesian War) của Thucydides đã đưa ra câu châm ngôn nổi tiếng là "kẻ mạnh làm điều họ muốn, và kẻ yếu chịu đựng cái họ cần phải chịu". Đúng là đến nay các quan hệ quốc tế vẫn được nuôi dưỡng bởi sự chênh lệch về quy mô và sức mạnh quốc gia, nhưng trật tự toàn cầu hiện nay đang tìm cách làm dịu các chênh lệch đó bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Đúng là Trung Quốc đã từ chối sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp này, nhưng thực tế đơn giản của vấn đề là các cơ quan đó cũng không phải là lựa chọn chung của các nước đòi chủ quyền khác trong khu vực. Đối với những trường hợp được đưa ra ITLOS, không có quyền kháng án (dù trong một số trường hợp, ITLOS sẽ có thể xem xét lại hoặc thay đổi lại phán quyết). Điều đó có nghĩa là một khi vụ việc đã được quyết định, không còn sự trợ giúp nào nữa, và các chính phủ phải chấp nhận phán quyết của tòa. Đây là điều không hề thú vị đối với nhiều chính phủ trong khu vực. Tuy nhiên, cũng cần phải thử.
Xu thế hiện nay hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử dường như nhằm áp dụng biện pháp chính trị chứ không phải là pháp luật, nhưng đây chính là lý do tại sao các cơ chế này được tạo ra. Sẽ là nguy hiểm và vô nghĩa nếu tiếp tục theo đuổi biện pháp ngoại giao đối với một vấn đề nhạy cảm quốc gia như vậy. Ngoại giao trong trường hợp này sẽ chỉ giúp trì hoãn xung đột thêm một thế hệ hoặc hơn, nhưng lại khiến cho bất cứ cơ hội nào để áp dụng giải pháp pháp lý càng trở nên xa vời hơn.
Vì thách thức trên, toàn khu vực cần đồng lòng đi theo con đường pháp lý. Đúng là Trung Quốc ban đầu không muốn thay đổi thái độ phản đối sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp, nhưng có thể tốt nếu ASEAN theo đuổi chính sách này một cách đoàn kết. Hơn nữa, ASEAN và giới lãnh đạo Trung Quốc có thể thành lập các quỹ để tiến hành hội nghị và hội thảo về luật quốc tế cho các nhà ngoại giao và các học giả của mình, và tìm cách làm dịu nhận thức của công chúng trong thập kỷ tới để tiến trình pháp lý được diễn ra.
Một phán quyết của một cơ quan trung lập, dù không được lòng dân, cũng ít khả năng đặt ra các vấn đề giữa một nhà nước và nhân dân của nước đó, đây chắc chắn là một nhân tố chính trong cách tiếp cận của nhà nước về vấn đề này. Cách tiếp cận này cũng sẽ tạo ra một ấn tượng đáng kể trong cộng đồng quốc tế, và làm mới lại việc pháp lý hóa các quan hệ quốc tế dường như đã bị đình trệ từ năm 2001.
Việc áp dụng nguyên tắc và gắn lợi ích cá nhân vào các nguyên tắc pháp lý là những lựa chọn mới hơn. Trong trường hợp này, đây có thể là giải pháp duy nhất có cơ hội được công chúng chấp nhận. Giới lãnh đạo trong khu vực nên ghi nhận điều này./.
John Hemmings là đồng tác giả và chuyên gia phân tích nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu An ninh Quốc tế thuộc Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia ở London (Anh).
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/