Định Nguyên
Lâu nay vấn đề tranh chấp Biển Đông thường không được mang ra thảo luận hoặc chất vấn trong các kỳ họp Quốc Hội vì tính chất “nhạy cảm” của nó.
Lần đầu tiên một trong những quan chức cao cấp nhất của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu một cách mạnh mẽ và công khai trên diễn đàn lập pháp, gây ngạc nhiên cho dư luận trong cũng như ngoài nước. Thông tín viên Định Nguyên có bài tìm hiểu và trình bày sau đây.
Bước đột phá ngoại giao
Dường như có tiếng thở phào khoan khoái đâu đó của những người hằng quan tâm đến vận mệnh đất nước, khi nghe nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam, TT Nguyễn Tấn Dũng, trả lời một cách mạnh mẽ và dứt khoát về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa trước Quốc Hội trong phiên chất vấn vào ngày 25/11/2011.
Có cái thuận lợi là các phong trào yêu nước trong nước, ví dụ như các em học sinh mặc cái áo có chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” thì có lý do gì nhà nước không cho.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Việc Trung Quốc gây áp lực lên nhà cầm quyền, khống chế ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam, đẩy ngư dân vào cùng đường sinh kế, đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ đưa đến những cuộc biểu tình của người dân gần đây. Trong khi động thái của chính quyền có thể nói là “khá yếu”, ngoài những câu phản đối lấy lệ của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao.
Lời tuyên bố này có thể là kết quả của những bước đột phá ngoại giao gần đây của VN. Từ cuộc Hoa du của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, Ấn du và Phi du của ông Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đến Nhật du của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam cùng các nước nói trên đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Khi công bố với quốc dân đồng bào qua Quốc Hội cũng có nghĩa là công bố với thế giới, Việt Nam không còn muốn để anh bạn khổng lồ “phương Bắc” bắt nạt mãi, điều này càng ngày càng đào sâu thêm mâu thuẫn với người dân trong nước, khi nhìn vào một thành viên khác của ASEAN là Miến Điện đang dần tách ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc khá ngoạn mục và nhận nhiều sự ủng hộ của quốc tế.
Trong bài phát biểu của ông Dũng, điều gây ngạc nhiên cho mọi người là ông nói đến chính quyền Sài Gòn và nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với ý nghĩa là một chính phủ có đầy đủ pháp lý trong việc quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc Cưỡng chiếm vào năm 1974.
Phản ứng tích cực
Dư luận chung phản ứng như thế nào trước lời phát biểu mang tính chất lịch sử của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Chúng tôi tìm đến luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Tp.HCM. Ông cho rằng điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các phong trào yêu nước trong nước, ông nói:
“Nói chung, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, lần đầu tiên khẳng định Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm là một yếu tố rất mới. Trong phát biểu của mình, Thủ tướng nói đến chính quyền Sài Gòn mà còn nhấn mạnh Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Có nghĩa về mặt pháp lý mà nói chế độ Việt Nam Cộng Hòa có tư cách pháp nhân để bảo vệ vùng biển đảo đó. Dư luận trong nước, kể cả trên thế giới, người ta cũng rất hoan nghênh ý kiến này. Cho rằng đó là một bước ngoặt thì còn phải chờ thêm. Nhưng nói công khai như vậy cũng có cái thuận lợi là các phong trào yêu nước trong nước, ví dụ như các em học sinh mặc cái áo có chữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” thì có lý do gì nhà nước không cho mặc hoặc tịch thu. Thành ra nó tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh trong nước có thêm cơ sở để tiến hành chuyện đấu tranh. Nói chung là rất vui về lời phát biểu đó và ủng hộ nếu quả thật đảng và nhà nước Việt Nam quyết tâm bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa và nhân dân cũng sẽ ủng hộ việc đó.”
Nhà ngoại giao Dương Danh Dy cho biết tiếp:
“Qua phát biểu của ông Dũng trước cơ quan lập pháp, một trong những người lãnh đạo cao nhất nước Việt Nam, công khai nói trước Quốc Hội về vấn đề Biển Đông như thế này là chưa từng có. Qua đó chứng tỏ tư thế của Việt Nam ở vị thế rất cao. Tôi nghị không phải tự dưng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại nói những điều như vậy. Những điều rất đúng. Công khai nói vói toàn dân, trước hết là với toàn dân và sau đó là với thế giới và có thể là với ông bạn Trung Quốc nữa. Thêm một ý nữa là thường người Trung Quốc phản ứng rất nhanh, nhưng mà sáng hôm nay tôi theo dõi mạng truyền thông, báo chí Trung Quốc chưa thấy họ phản ứng gì cả, mai này họ có phản ứng gì không thì tôi chưa biết. Cách nói của ông Dũng nó thể hiện cả cương và nhu, trong nhu có cương cho nên tôi rất thích.”
Nhân chuyện không phải tự dưng mà ông Dũng phát biểu như thế, chúng tôi hỏi ông. Có phải xuất phát từ những động thái ngoại giao gần đây của Việt Nam kết hợp với sự quyết tâm và cứng rắn của Hoa Kỳ đối với vấn đề Châu Á Thái Bình Dương, chính phủ Việt Nam cảm thấy yên tâm nên công khai phát biểu với dân chúng và thế giới như vậy? Ông cho biết:
Một trong những người lãnh đạo cao nhất nước VN, công khai nói trước Quốc Hội về vấn đề Biển Đông như thế này là chưa từng có, chứng tỏ tư thế của VN ở vị thế rất cao.
Ô. Dương Danh Dy
“Theo tôi nó thể hiện cả hai mặt. Một mặt nó là tư thế của dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam. Thứ hai, qua đó ta thấy Việt Nam được sự đồng thuận của các nước trong khu vực, các nước ASEAN, các nước lớn có liên quan trên thế giới. Trong khi đó Trung Quốc bị dư luận qua hành động của Trung Quốc. Thế giới người ta phê phán, người ta tỏ ý không đồng tình, nhẹ ra người ta tỏ ý không đồng tình. Tôi xin nói thêm điều này vói ý kiến cá nhân. Tôi vừa dự hội nghị Biển Đông lần thứ ba, hầu hết các đại biểu quốc tế phát biểu trong hội nghị đề cập đến Biển Đông ít nhiều đều tỏ ý không đồng tình với Trung Quốc”.
Thêm một vị mà chúng tôi hỏi thăm ý kiến là Hải Quân Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu tư lệnh Vùng 1 Duyên Hải trước năm 1975, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ý kiến của ông như sau:
“Trước nhất tôi xin cảm ơn đài Á Châu Tự Do đã nghĩ đến tôi và hỏi ý kiến tôi về lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào thời điểm từ 1970 đến 1975 tôi chịu trách nhiệm quần đảo Hoàng Sa, đảo Trường Sa nằm về phía Nam thuộc vùng 3 Duyên Hải. Vấn đề Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm vào năm 1974, sự cưỡng chiếm đó dân mình cho là một sự làm sai. Rất tiếc cho đến giờ pht1 này mới có tiến nói của chánh phủ Việt Nam hiện tại đồng ý với chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa là [Trung Quốc] cưỡng chiếm, mặc dù lời tuyên bố đã quá trễ.
Nhưng đó là một bước tiến rất lớn trong chuyện chánh phủ hiện tại xác nhận cũng như tất cả đồng bào tỵ nạn Cộng Sản và người Việt hải ngoại, đã tranh đấu, đã tuyên bố từ năm 1974 cho đến bây giờ, vẫn một mực cho Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Nhờ sự phản đối và đã có nhiều hình thức đấu tranh với Liên Hiệp Quốc để đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam, bây giờ đây Chánh phủ Việt Nam mới mạnh dạn tuyên bố công khai và dùng những bằng cớ, trong đó có sự cố gắng của nhiều giới chức Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại bây giờ, đã đưa ra trước dư luận quốc tế cũng như đến Tòa Án Quốc Tế để xác nhận chủ quyền đó. Tôi thấy đây là một bước tiến rất quan trọng. Bây giờ, từ lời tuyên bố đến tranh đấu thật sự, dù là bằng hình thức hòa bình, cho đến khi đạt được kết quả là một bước khá xa và là hai chuyện khác nhau. Do đó tôi cũng cầu mong ráng làm thế nào để Trung Cộng trả lại Hoàng Sa và một dải thảo Trường Sa lại cho Việt Nam. Đó là điều ước muốn và cảm nghĩ của tôi hiện tại.”
Dư luận chung ghi nhận đây là thời cơ và vận hội mới để chính quyền và người dân Việt Nam thanh lý hồ sơ Biển Đông vốn có quá nhiều áp bức từ người bạn phương Bắc.