Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

THỎA THUẬN GIỮA ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VỚI ÔNG HỒ CHÍ MINH BÀN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC BẰNG HIỆP THƯƠNG ?


Phamvietdao.net: Ông Lê Xuân Nhuận gửi cho chủ blog thông tin sau đây, ghi lại lời kể của một nhân chứng, người này tự nhận là từng được giao trách nhiệm cầm thư của ông Ngô Đình Diệm gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn chuyện hiệp thương 2 miền Nam-Bắc vào năm 1963...Đây là một nguồn tin chưa có cơ sở nào để xác minh, kiểm chứng nhưng xin đưa lên để nếu ai biết về manh mối việc này có thể giải mật, ngõ hầu làm rõ thêm một phần của một giai đoạn lịch sử...Đây khômg phải là lần đầu tiên chu blog nghe thấy thông tin này; Thấy người viết và người cung cấp thông tin có vẻ chân thành và không nhằm một mục đích vụ lợi nào nên xin mạnh dạn đưa lên để mong nhận được nhiều hồi âm về câu chuyện này từ nhiều phía...
Ngày 23-10-2011, tôi được người quen ở đường Willet gọi báo là có một người muốn được gặp tôi, nên tôi đến gặp.“Người ấy” tự giới-thiệu là “đàn em thân-tín” của cố Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ (Mời xem).
Người ấy giải-thích trường-hợp gặp tôi:“Vào năm 2004, Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ có nhờ tôi mang bỏ vào thùng thư Bưu-Điện một bức thư gửi cho ông Lê Văn Anh, ở Số 5 Đường Willet Court, Thành-Phố Alameda. Tôi không biết rõ trong thư viết gì. Nhưng tôi để ý thấy ông cũng là người ở Thành-Phố Alameda, mà trong hồi-ký của ông đăng báo cũng như in sách thì có đề-cập đến Đại-Tá Duệ. Hôm nay tôi muốn gặp ông, song sợ đường-đột chưa biết tính-tình của ông thế nào, nên ghé vào nhà Ông Lê Văn Anh để hỏi dò trước, vì nghĩ rằng chắc hai ông có quen biết nhau; do đó Ông Anh mới gọi đến ông.”
Tôi hỏi mục-đích người ấy muốn gì. Người ấy đáp là bất-đồng với những bài-viết của tôi, nhưng muốn thử-thách xem tôi có dám phổ-biến một bài xác-nhận là có kết-quả cụ-thể trong việc cố Tổng-Thống Ngô Đình Diệm và cố Cố-Vấn Ngô Đình Nhu thương-thảo với Ông Hồ Chí Minh và phe cộng-sản Bắc Việt.
Thấy chuyện có vẻ hấp-dẫn, tôi mời người ấy vào một nhà hàng để ngồi nói chuyện cho thoải-mái hơn.Người ấy yêu-cầu tôi giữ bí-mật tính-danh, địa-chỉ của mình. Tôi hứa. Mở đầu, người ấy nói là cuốn sách “Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm” không phải hoàn-toàn do Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ viết, mà ổng chỉ thảo nguệch-ngoạc mấy đoạn hồi-ký, rồi có người khác sửa giùm, phỏng-vấn mà viết thêm vào, cũng như tự họ viết thêm.
Tôi hỏi: “Làm sao ông biết?” Người ấy trả lời:
– Hồi đó tôi ở gần ổng, thường đến thăm ổng, nên có nghe thấy việc này. Nhưng họ đã viết lung-tung, thí-dụ: đại-tá Trưởng Phòng II Quân-Đoàn II là Trịnh Tiếu mà họ viết là Trịnh Tiến; khi ổng nhắc chuyện có người nói là dân-chúng Miền Trung không thích bị đi Dinh Điền tận trên Cao Nguyên─là nói về chuyện Dinh Điền thời đó─nhưng họ lại gài vào chuyện ổng làm Tỉnh-Trưởng Thừa-Thiên sau này, viết rằng sau này khi ổng ở Huế có rất nhiều người xin đi Dinh Điền mà không đi được. Thật ra, thời-gian ổng làm Tỉnh-Trưởng ở Huế thì đâu còn có chương-trình Dinh Điền mà đòi xin đi!

Tôi đã có đọc cuốn sách ấy rồi, và thấy không cần bình-luận gì thêm, mà chỉ nôn-nóng được nghe người ấy cho biết “kết-quả cụ-thể” của việc đàm-luận giữa họ Ngô và họ Hồ mà thôi. Tôi nói:
– Xin ông kể ngay về vụ liên-lạc giữa các lãnh-tụ hai Miền.
Người ấy vẫn còn nói thêm:
– Tôi muốn để ông biết rõ, là Đại-Tá Duệ trung-thành tuyệt-đối với Tổng-Thống Ngô Đình Diệm, và cả dòng họ Ngô Đình; và tôi cũng thế. Dù ổng trình-độ không cao*, nhưng tôi rất kính-phục Đại-Tá Duệ, là một mẫu người trung-can nghĩa-khí, đã được “Cụ Tổng”, “Ông Cố” và “Cậu Út” thương-yêu, thì quyết trọn đời tôn-thờ lãnh-tụ ân-nhân của mình, chứ không thay-đổi lập-trường như một số khác có trình-độ cao hơn ổng. Và đó chính là nỗi khổ-tâm trọn đời của ổng, như tôi sắp kể tiếp theo.
*Sau đó, tôi tìm đọc lại bức thư của cố Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ viết gửi Ông Lê Văn Anh, mới thấy quả thật là Duệ “trình-độ không cao.” Ai lại không nhớ ngày (tháng, năm) mình đến làm Tỉnh-Trưởng/Thị-Trưởng Thừa-Thiên/Huế, bao lâu, trong thư hồi-âm cho Ông Lê Văn Anh. (Viết thư tức là có đủ thì-giờ tra-cứu, chứ đâu là phải trả lời điện-thoại tức-thì, mà bảo rằng mình chưa kịp nhớ ra, hay là nhớ sai?)
Tôi đưa máy điện-thoại lên, định chụp hoặc nhờ kẻ khác chụp giùm một vài tấm ảnh, nhưng bị người ấy chối-từ.Tôi đành im-lặng ngồi chờ. Người ấy xích tới gần tôi, nói chậm và rõ vào sát tai tôi. Đại-ý như sau:
– Trước cuộc chính-biến 1-11-1963, Đại-Tá (lúc ấy còn là Thiếu-Tá) Nguyễn Hữu Duệ sai tôi mang một mật-thư của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm ra Huế để kín-đáo trao tận tay cho Ông Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn. Tôi đã ra Huế vào ngày 30-10-1963, nhưng vì lo-ngại đám người hầu việc tại nhà “Cậu Út” đã bị “Đức Cha” mua-chuộc, nên tôi nấn-ná chờ xem có ai là bạn cũ không; mãi đến chiều ngày 1-11-1963 thì biến-cố lớn xảy ra, thành-thử tôi chưa trao được mật-thư của “Cụ Tổng” cho “Cậu Út”. Sau đó, vào lại Sài-Gòn, chờ-đợi cho đến khi có dịp may thoáng gặp lại Thiếu-Tá Nguyễn Hữu Duệ trong tình-huống mới, tôi quá bức-xúc nên mất tự-chủ, đã gật gật đầu, xem như báo-cáo là đã hoàn-thành công-tác mà ổng giao cho, để ổng an-tâm chịu đựng hoàn-cảnh khó-khăn. Lỡ rồi, từ đó cho đến ngày nay, tôi vẫn còn giữ mật-thư nói trên. . . .
Tôi hỏi nhẹ-nhàng:
– Nhưng ông là người thân-tín, vả lại tình-hình đã lắng yên rồi, mà Đại-Tá Duệ đã làm việc lại, đã thăng lên cấp đại-tá, đã được cử làm Tỉnh-Trưởng Thừa-Thiên, bây giờ đã qua Mỹ rồi, còn gì cấn-cái mà ông không nói thẳng ra cho Đại-Tá Duệ biết rõ Sự Thật?
Người ấy lắc đầu:
– Không phải là người trong cuộc, ông không hiểu đâu.
Tôi xin tóm-tắt như sau:
“Sau khi chế-độ Đệ-Nhất Cộng-Hòa sụp đổ, hai phía─kể công cũng như kết tội─đều nhắm vào hai nhân-vật Ngô Đình DiệmNgô Đình Nhu, nhất là về vụ tiếp-xúc với phe bên kia.
“Phía kết tội thì chê-bai là phản-bội Đồng-Minh, phản-bội Chính-Nghĩa Quốc-Gia, đem dâng Miền Nam cho Miền Bắc, chịu làm đàn-em dưới trướng của họ Hồ.
“Phía kể công thì đề-cao tinh-thần tự-chủ, tái-lập hòa-bình, tạo nên cơ-hội cho Miền Nam ổn-định, giúp cho dân giàu nước mạnh, Việt-Nam Cộng-Hòa trường-tồn.
“Chúng tôi─những người của chế-độ cũ─tất-nhiên là phía kể công. Nhưng đại-đa-số thì chỉ kể công dựa trên lý-thuyết, dựa trên ước-muốn, dựa trên cảm-tính, chứ không đưa ra một kết-quả nào rõ-ràng. . . .”
Tôi vội xen ngang:
– Thế sao ông bảo là có kết-quả cụ-thể?
Người ấy khoát tay:
– Khoan đã, để tôi nói hết. Rắc-rối là phía kể công lại chia ra làm hai bên. Bên này thì chỉ đề-cập đến việc thương-thảo như một giả-thuyết, như một kế-hoạch tuyệt-vời, nhưng chưa thực-thi thì bị Hoa-Kỳ phá vỡ nên mất cơ-hội bằng vàng. Bên kia thì cho là đã bắt đầu, có chỉ-dấu tốt, nhưng bị Đồng-Minh ngáng chân dở chừng nên mang uất-hận ngút trời. . . .
– Phần Đại-Tá Duệ, và ông?
– Ổng cũng như tôi, dù đứng về phía kể công; nhưng lại... khác bên. Bên Đại-Tá Duệ thì là số đông─đúng ra là ổng đã chịu ảnh-hưởng của họ─Họ khẳng-định là không có “đi đêm,” rằng việc liên-lạc giữa “Cụ Tổng” & “Ông Cố” với “Cụ Hồ” chỉ do Ông Ngô Đình Nhu bịa ra để bỡn Hoa-Kỳ, đồng-thời “các Tướng” cũng phịa như thế để có lý-do mà “phản” Nhà Ngô. Bên ấy mạnh miệng nhất, và mạnh thế nhất. Họ đưa Đại-Tá Duệ đi khắp các Bang, qua Âu, qua Úc, tán-dương sách-lược Cách Mạng Nhân Vị, hoan-hô lập-trường chống Mỹ đổ quân, quyết-tâm bảo-vệ chủ-quyền Quốc-Gia, đề-cao tinh-thần yêu nước và khôi-phục danh-dự cho cố Tổng-Thống và cố Cố-Vấn họ Ngô cùng các cựu cộng-sự-viên... Đại-Tá Duệ hăng say quá, nên tôi không thể nói gì chống lại ý ổng.
– Còn về bên ông?
Bên tôi thì có một điểm đặc-biệt: ít người nhưng có uy-tín hơn người. Giáo-Sư Tôn Thất Thiện, Tiến-Sĩ Lâm Lễ Trinh, Đổng-Lý Quách Tòng Đức... Họ đã xác-nhận là đã có tiếp-xúc giữa hai Miền, nhưng chưa thành-công, như mọi người đã biết. Tuy nhiên, riêng tôi thì khác: tôi có bằng-chứng là đã có kết-quả cụ-thể bước đầu. . . .
– ???
– Tôi đã tò-mò mở đọc mật-thư của Tổng-Thống Ngô Đình Diệm gửi cho Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn.
Người ấy kể cho tôi nghe nội-dung của bức thư ấy, mà tôi chỉ nhớ đại-ý như sau:
Ngoài những tin-tức đã lọt ra ngoài, thật ra thì chính Tổng-Thống Ngô Đình Diệm đã có nhiều đường dây liên-lạc khác, bí-mật, trực-tiếp với Ông Hồ Chí Minh. Không lẽ tự dưng mà vào đầu năm 1963 Ông Hồ gửi vào biếu một cành đàotất-nhiên là đã từng có trao-đổi, thông-cảm, thỏa-thuận những gì trước rồi mới đến bày-tỏ cảm-tình công-khai.
Cả hai, NgôHồ đã qua quá-trình dài ngày mặc-cả với nhau.
Đồng-thuận trước nhất là không còn có binh-lính Hoa-Kỳ hiện-diện tại Miền Nam.
Miền Bắc gặp nhiều khó-khăn: đối-ngoại thì Nga-Cộng muốn “sống chung hòa-bình” (hòa-hợp BắcNam, ai lo phần nấy, không còn chiến-tranh). Tàu-Cộng thì muốn chiến-tranh, quyết đòi thống-nhất (thôn-tính Miền Nam); đối-nội thì Hồ muốn theo ý Nga, trong lúc Lê Duẩn & Lê Đức Thọ thì muốn theo ý Tàu. (Việc này là một trở-ngại xảy ra sau khi Ông Hồ đã gửi cành đào vào biếu Cụ Ngô.)
Miền Nam cũng có khó-khăn: đối-ngoại thì bị Hoa-Kỳ đòi đưa quân vào, trong lúc Giáo-Hoàng Giôn XXIII ủng-hộ một nước Việt-Nam thống-nhất dưới quyền của Hồ Chí Minh; đối-nội thì Mặt Trận Giải Phóng ngày càng lớn lên, Phong-Trào Phật-Tử Tranh-Đấu rộng ra. (Cả hai cũng đều chống Mỹ như “ta”.)
Đề-nghị mới nhất là: Thống-Nhất Đất Nước, với Cụ Hồ Chí Minh là Chủ-Tịch, Cụ Ngô Đình Diệm là Phó Chủ-Tịch, Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa. Như thế thì: về đối-ngoại, Miền Bắc đáp-ứng được yêu-cầu của cả Liên-Xô lẫn Trung-Quốc, Miền Nam thoát khỏi áp-lực của Hoa-Kỳ, cả hai Miền thỏa-mãn ý-đồ của Vatican cũng như ước-muốn của Pháp, Ý, Ấn-Độ, Ba-Lan; về đối-nội, Miền Bắc hết đổ xương máu, noi gương Miền Nam mà tái-thiết và phát-triển, Miền Nam vừa xóa bỏ Mặt Trận Giải Phóng vừa dẹp tan Phong Trào Phật-Tử Tranh-Đấu. (Trước đó, Cụ Ngô đòi làm Thủ-Tướng, hay ít nhất cũng là Bộ-Trưởng Bộ Nội-Vụ tức Bộ Công-An, như đã yêu-cầu từ hồi 1945-46, để có thực-quyền, và có thể dành vài ghế Phó Thủ-Tướng, hay Bộ-Trưởng, Thứ-Trưởng, hay Tổng-Cục-Trưởng, cho Cố-Vấn Ngô Đình Nhu và Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn; nhưng đến phút chót thì phe Duẩn+Thọ không chịu, nên Cụ Hồ khuyên Cụ Ngô nhận chức Phó Chủ-Tịch Nước để có vai-vế tương-đương mà cũng có thể có vài Trợ-Lý cho Phủ Phó Chủ-Tịch Nước. Cụ Hồ hy-vọng là có Cụ Ngô và Ông Nhu bên cạnh thì sẽ thoát được áp-lực của Lê Duẩn và Lê Đức Thọ.)
Kết-luận là cả Tổng-Thống Ngô Đình Diệm lẫn Cố-Vấn Ngô Đình Nhu đều cần ý-kiến thuận của Cố-Vấn Ngô Đình Cẩn, trước khi chính-thức thỏa-hiệp với Chủ-Tịch Hồ Chí Minh, dự-trù sẽ cùng thình-lình công-bố một lần, để đặt cả thế-giới trước một “sự đã rồi”, trong năm 1964 (sẽ thảo-luận thêm, là vào ngày 7-7 hoặc 26-10 theo đề-nghị của Cụ Ngô, hay là vào ngày 19-5 hoặc 2-9 theo đề-nghị của Cụ Hồ). . . .
Tôi hỏi người ấy sao không phổ-biến tin này sớm hơn. Người ấy trả lời:
– Mật-thư chưa đến được tay “Cậu Cẩn” thì cả chế-độ đã tiêu-tan rồi. Sau đó, tôi phải giấu kín, vì sợ nếu Đại-Tá Duệ mà biết là tôi─tức là chính ổng─đã không làm tròn sứ-mạng của Ngô Tổng-Thống tín-cẩn giao cho, thì ổng sẽ hối-hận khủng-khiếp và căm-thù tôi ghê-gớm, không lợi-ích gì cho cả hai.
Tôi hỏi một câu cuối cùng:
– Tại sao hôm nay ông lại muốn tôi công-bố chuyện này?
– Vì Đại-Tá Nguyễn Hữu Duệ đã chết. Tôi định đợi đến 2-9-2013, kỷ-niệm lần giỗ lần thứ 50 của “Cụ Tổng” Ngô Đình Diệm và “Ông Cố” Ngô Đình Nhu thì sẽ tung ra. Đây là kết-quả cụ-thể của cuộc mật-đàm 2 bên, nếu không bị vụ binh-biến 1-11-1963 phá hỏng thì hẳn nước ta đã là một Quốc-Gia thanh-bình, thịnh-vượng, hùng-cường, nhờ ơn của nhị vị vĩ-nhân, Khai-Sáng Nền Đệ-Nhất Cộng-Hòa và La-Sơn Phu-Tử Tái-Thế của Việt-Nam. Tôi sợ qua năm 2012 thì có “tận-thế” theo lịch của người Maya, không còn cơ-hội nào nữa; đồng-thời, tôi muốn thách ông, là người chống lại sáng-kiến và nỗ-lực của Nhà Ngô dàn-xếp giữa 2 Miền, xem ông có dám phổ-biến bằng-chứng thành-công này (dù chưa viên-mãn) đến với quảng-đại độc-giả gần+xa?
Lời kết: “Người ấy” tuyệt đối cấm tôi tiết lộ tên và địa-chỉ trong khi còn sống, vì đây là “bí mật thâm cung.”