Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam ông Võ Chí Công vừa qua đời thọ 100 tuổi.
Ông thuộc lứa cách mạng miền Nam từ thời kháng Pháp và từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương của Mặt Trận Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong thập niên 1950 ông cũng gắn bó với hoạt động của đảng Cộng sản Việt Nam tại Campuchia và có vai trò tích cực thúc đẩy cuộc cải cách Đổi Mới vào giai đoạn 1986-88.
Thời kỳ đầu tiên ông hoạt động liên quan đến nước láng giềng Tây Nam của Việt Nam là vào năm 1951, khi đảng Cộng sản dùng khu vực Đông Bắc Campucha để chỉ đạo công tác xây dựng cơ sở trong cả vùng của người Khmer và khu vực nam Lào.
Các sử liệu Phương Tây nói ông Võ Chí Công đã nắm Ban Cán Sự Đảng 'đầy quyền lực' ở Đông Bắc Campuchia khi lực lượng Việt Minh bắt đầu tăng cường hoạt động chống Pháp ở hai nước láng giềng.
Dưới sự chỉ đạo của ông Võ Chí Công, một người quê Quảng Nam, Việt Minh cũng sử dụng các nhân vật Khmer thân người Việt để xâm nhập các nhóm sắc tộc nhằm tìm sự hỗ trợ cho cuộc kháng chiến ở Liên khu V.
Ủng hộ Đổi Mới
"Ông Võ Chí Công đã nắm Ban Cán Sự Đảng đầy quyền lực ở Đông Bắc Campuchia"
Sử gia Christopher Goscha
Vào năm 1954, ông cũng ra Bắc để học về Cải Cách Ruộng Đất nhưng thấy nhiều sai lầm nên cố gắng không cho thực hiện triệt để, mà chỉ cho làm giảm tô.
Năm 1959, ông được ghi nhận cùng hai bí thư miền Nam là Hai Xô và Trần Lương tháp tùng ông Lê Duẩn ra Bắc để dự một phiên họp trung ương Đảng quan trọng, quyết định đường lối cho cách mạng cộng sản bằng biện pháp vũ trang tại Nam Việt Nam.
Giai đoạn thứ nhì khiến ông Võ Chí Công có liên quan đến Campuchia là khi ông làm Chủ tịch Nước (1987-1992), lúc Hà Nội sa lầy ở chiến trường Campuchia và tìm cách rút ra.
Trong các năm 1987-1988, ban lãnh đạo Việ́t Nam mà ông là một trong những nhân vật cao cấp nhất, đã có chính sách rút quân khỏi Campuchia đồng thời chuyển hướng đa dạng hóa quan hệ ngoại giao với Asean.
Trong cuộc chiến dai dẳng qua biên giới với Trung Quốc, ở cương vị lãnh đạo nhà nước, ông đã có các chuyến thăm bộ đội ở vùng biên giới phía Bắc.
Nhưng truyền thông bên ngoài chú ý nhiều hơn đến vai trò của ông khi từ một nhân vật "ôn hòa" chuyển sang tích cực ủng hộ cho chính sách Đổi Mới về kinh tế của chính quyền cộng sản tại Hà Nội giai đoạn rất quan trọng giữa thập niên 1980.
Các đánh giá của Hoa Kỳ nói sau khi ông Lê Duẩn qua đời năm 1986 ban lãnh đạo Đảng CS của Việt Nam đứng trước ngã ba đường, thay đổi hay tăng cường kiểm soát khi nền kinh tế theo mô hình Liên Xô đã phá sản.
Vào lúc này, ông Võ Chí Công được cho là một trong ba nhân vật (cùng Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh) có đầu óc hướng đến chỗ giảm sự kiểm soát của chính quyền trung ương.
Họ cũng chia sẻ quan điểm rằng cần nới rộng các biện pháp kinh tế để tạo lối thoát cho mô hình bao cấp.
Ở phía đối lại là các ông Phạm Hùng và Lê Quang Đạo cùng những người khác theo xu hướng bảo thủ hơn, vẫn muốn kiểm soát mọi mặt.
Sau khi lên làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước sau Đại hội VI, thay ông Trường Chinh, ông Võ Chí Công đã ủng hộ ông Võ Văn Kiệt, khi đó mới là Phó Thủ tướng, chuẩn bị các chính sách dần dần tạo ra chuyển biến kinh tế, cụ thể là công nhận các kinh nghiệm thực tế về kinh tế bán thị trường.
Dù vậy, ông Võ Chí Công chưa bao giờ đóng vai trò hàng đầu như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong sự nghiệp Đổi Mới.
Tên thật là Võ Toàn, sinh năm 1912 ra trong một gia đình Nho Học và trở thành một lãnh đạo cộng sản kiểu cách mạng thế hệ cổ điển, ông cũng có tiếng là liêm khiết.
Tuy thế, vào thời điểm quan trọng, và dù tuổi cao, ông Võ Chí Công đã có tác động tích cực để cùng tạo ra các thay đổi dần biến thành phong trào Đổi Mới giữa thời kỳ ý thức hệ cộng sản kiểu cũ còn rất nặng nề tại Việt Nam.