Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Không thể nói chuyện Trung Quốc trên quê hương mình

Cu Làng Cát
Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, và gây ra cái chết của 64 liệt sĩ Việt Nam năm 1988 trong một trận chiến không cân sức ở Trường Sa. Và một thời gian dài, chúng ta không được nhắc đến sự kiện đó qua cần cổ một cách đường hoàng chính đáng. Cảm giác nói đến chuyện đó như lén lút.
Và khi những người trẻ tổ chức vòng tròn bất tử ở Đà Nẵng, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ có mời Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa đến dự. Theo thông tin, thì vị Chủ tịch này đã nhận lời mời, nhưng sau đó không đến, và không có giải thích. Hành vi không đến dự một cuộc hẹn quan trọng khi đã nhận giấy mời ít nhất về mặt hành chính, có đầy đủ ban bệ văn thư, Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa cần gọi điện nói rõ lý do việc này với ban tổ chức.
          UBND huyện đảo Hoàng Sa lập ra không có nghĩa về mặt hành chính vận hành cho có, mà chưa thấy từ ngày thành lập đến nay, đã mấy lần UBND huyện đảo thăm hỏi thân nhân những chiến sĩ hy sinh bảo vệ Hoàng Sa, hoặc nhưng cựu quân nhân. Trang web UBND TP. Đà Nẵng giới thiệu huyện đảo Hoàng Sa như sau: “Diện tích: 305 km2, chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 01/1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, Đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến, Đá Tháp.Ngày 21/4/2009, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh ký quyết định  bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa trong nhiệm kỳ 2009-2014.(23/09/2009)”. Trận hải chiến 1988, có diễn ra trên đảo Lin Côn, vậy tại sao Chủ tịch huyện đảo không đến dự buổi tưởng niệm vừa tổ chức ở Đà Nẵng? Hay là do bận bịu đi thăm các đảo?. Ở ngay trên chính mảnh đất mình hít thở dưỡng khí một cách tự do, nhưng không được nói đến một cách minh bạch các điều về Hoàng Sa, Trường Sa càng thấy nỗi đau ứ nghẹn trên cần cổ ngày càng tích tụ.
          Người Trung Quốc có mặt ở hết thảy ba miền Bắc, Trung, Nam. Họ làm việc đủ ngành nghề, từ đào mỏ, làm rừng, lao động hàng nghìn người trên các công trình trọng điểm quốc gia. Họ dường như có mặt từ miền núi đến đồng bằng, từ thành thị đến nông thôn, từ trung du đến cả hải đảo. Thương nhân của họ cũng có mặt khắp ba miền để thuê đất trồng khoai, thu gom thuỷ sản, tài nguyên khác…Báo chí phát hiện và viết, nhưng viết được một số ngày sau đó im bặt. Ức nghẹn ở cần cổ lại trào dâng. Ở chính quê hương mình mà nói chuyện Trung Quốc hiện diện ở đâu, làm gì không được nói một cách tự do tự tại thì còn nỗi đau nào hơn thế.
          Ở chính trên quê hương của mình, không nói được yêu nước một cách công khai, phải lén lút nói đâu đó, cái cần cổ lại cứ nghẹn đắng, trường uất hận phải dồn vào một chỗ không thể buông ra lời, cứ như ở trong không gian khó thở, dưỡng khí bị lấy đi cũng không được nói.