Đỗ Trung Quân
Phòng học trên lầu 8 của Đại học Hoa Sen [ 9-9-2011] không đủ chỗ ngồi cho buổi tọa đàm về cuốn sách “ Nước Đại Nam đối diện với Pháp & Trung Hoa 1847 – 1885” . Ts Bùi Trần Phượng, Hiệu trưởng Nhà trường, đành thú nhận “Không ngờ đề tài khô khan này lại thu hút người nghe hơn dự định” .
Tác giả cuốn sách Gs Yoshiharu Tsuboi trình bày những nhận định của ông không chỉ về cuốn sách mà còn liên hệ đến bối cảnh hôm nay của Việt Nam . Ông cho rằng dường như lịch sử Việt Nam hôm nay đang lặp lại như thời Tự Đức thế kỷ 19 . Tự Đức là ông vua không gặp may , lên ngôi trong hoàn cảnh tao loạn , người dân không tin vào triều đình còn triều đình cũng nhiều phe nhóm với mục đích và tham vọng cá nhân. Đất nước sau đó rơi vào tay người Pháp mở đầu cuộc thực dân nô lệ kéo dài trăm năm. Gs Tsuboi nhấn mạnh đất nước nào cũng thế , rất cần những người cầm quyền thật sự đặt lợi ích quốc gia cao hơn lợi ích cá nhân . Bàn đến Trung Quốc, ông Tsuboi chỉ ra một điều không bất ngờ nhưng lại ít được Việt Nam chú ý : Ông thấy rằng Trung Quốc thường xuyên nghiên cứu về Việt Nam và nghiên cứu bằng một chiến lược lâu dài . Đúng như ông nhận định , việc nghiên cứu ấy sẽ còn không chỉ hôm nay mà cho đến ngày tham vọng biến được Việt Nam thành “ phiên bang “ của họ [ ý của người viết ] .
4 năm trước , khi xảy ra vấn đề biển Đông , Trung quốc vẽ một số quần đảo Việt Nam vào bản đồ của họ, Việt Nam khởi phát cuộc biểu tình đầu tiên. Cuộc biểu tình bị dập tắt nhanh chóng , những Thái thú ngày ấy từ lầu cao của Lãnh sự quán tại Sài Gòn gật gù hài lòng. Cũng ngày ấy, không ít trí thức Việt sống ở nước ngoài thông tin như một nhắc nhở , cảnh báo : “ Nếu ta không nghiên cứu , nếu ta im lặng mãi khi Trung Quốc nhiều thập niên qua đã đưa sinh viên của họ đến nhiều trường Đại học nước ngoài để nghiên cứu, làm luận án vấn đề biển Đông, ta không thể có tiếng nói khi đưa vấn đề ấy ra quốc tế. Dù muộn, nhưng vẫn cứ phải kêu lên cho thế giới biết ta có vấn đề đấu tranh này.”
Những lời nhắc nhở ấy thật ra với một số trí thức yêu nước trong nước không phải bất ngờ, lâu nay họ vẫn âm thầm nghiên cứu, tìm chứng liệu lịch sử để chứng minh chủ quyền hải đảo Quốc gia. Nhưng với đa số người dân thì hoàn toàn mù mịt bởi lẽ truyền thông, giáo khoa không bao giờ nhắc nhở, đưa tin. Gs Tsuboi cũng nhận định rằng: Dường như chưa bao giờ Trung Quốc mạnh như hôm nay trong lịch sử của họ, còn Việt Nam chưa bao giờ yếu như bây giờ. Có nhiều vấn đề , nhưng cái quan trọng là nếu những cá nhân cầm nắm quốc gia không đặt lợi ích cá nhân xuống dưới lợi ích đất nước e việt nam khó tìm được động lực phát triển . Điểm mạnh của các bạn là người Việt rất đoàn kết khi có chiến tranh , lại rất ít đoàn kết trong thời bình.”
Thật đáng khâm phục, một nhà nghiên cứu người nước ngoài với những nhân định về đất nước mà ông nghiên cứu lịch sử của nó , sự am hiểu không khác gì của một trí thức người Việt . Chỉ một băn khoăn sau đây của ông “Hình như chính phủ các bạn cũng chưa sử dụng hết nguồn nhân lực, trí thức của mình .” khiến tôi cười chua chát và muốn thông tin cho ông bằng cách hài hước , chua chát vốn có của mình “Riêng điều này thì xin trao đổi rằng ông không chính xác . Nguồn lực trí thức chúng tôi xài không thể hết nổi. chúng tôi có “ Tiến sĩ “ đông như quân Nguyên đấy ạ.”
Cuốn sách cứ để bạn đọc đọc và nhận định bởi lẽ cách đọc lịch sử phải là cách đọc mà từ đấy mỗi người tự rút ra những nhân định riêng. Lịch sử mà đọc 100% giống hệt nhau đấy không phải là thái độ đọc lịch sử.
Trung Quốc chưa từng từ bỏ việc nghiên cứu Việt Nam có chiến lược, để làm gì ? Vì sao ?
Cứ nhìn chính sách của họ đối với Việt Nam hôm nay . “ Hôn má bên này bật máu má bên kia [ Nguyễn Duy ], câu trả lời hoàn toàn không khó.
Và đấy là điều cực kỳ quan trọng mà cá nhân người viết tiếp nhận sau buổi tọa đàm.