Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Bão số 4 hướng vào Bắc Trung bộ

TTO - Lúc 22g ngày 25-9, vị trí tâm bão số 4 (Haitang) cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 370 km về phía Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74 km/giờ), giật cấp 9-10.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì chiều 25-9, ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết bão số 4 (tên quốc tế là Haitang) sẽ ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh Bắc Trung bộ từ trưa và chiều 26-9.
Nếu giữ nguyên hướng di chuyển thì đêm 26 rạng sáng 27-9 bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Khi bão vào bờ có thể suy yếu còn gió mạnh cấp 7, cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ hôm nay mưa ở các tỉnh miền Trung sẽ tăng. Mưa lớn tập trung trong hai ngày 26 và 27-9 với cường độ 100-300mm từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.Quảng Ngãi: Kiểm soát chặt tàu thuyền trên biển
Sáng 25-7, trước những diễn biến phức tạp của bão số 4, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện yêu cầu ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố, các đơn vị sở, ngành liên quan triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Trong đó, yêu cầu Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi phối hợp với các đài canh Icom cộng đồng kiểm soát chặt mọi hoạt động của tàu thuyền trên biển, hướng dẫn tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển tìm nơi neo trú an toàn.
Theo báo cáo nhanh từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, tính đến 8 giờ sáng nay (25-9), toàn tỉnh Quảng Ngãi còn 204 tàu thuyền với 3.249 ngư dân đang hoạt động trên biển. Trong đó, vùng biển Hoàng Sa còn 23 tàu/333 lao động; Trường Sa còn 90 tàu/2.272 lao động.

Quảng Nam: Còn hơn 1.600 ngư dân ngoài khơi


Chiều 25-9, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết trong khi bão đang đến gần nhưng trên địa bàn hiện còn 79 tàu đang đánh bắt ngoài biển, đặc biệt trong đó có 59 tàu với 1.604 ngư dân đang đánh bắt xa bờ.
20 tàu đánh bắt gần bờ khác hiện ngư dân đang nhanh chóng trở về đất liền để tránh bão. Trong số các tàu đang ngoài khơi, hiện có 12 tàu với 155 ngư dân đang ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đang giữ liên lạc thường xuyên với tất cả các tàu xa bờ, yêu cầu trở về đất liền hoặc tìm nơi trú tránh bão an toàn.

ĐBSCL: Lũ đầu nguồn sông Tiền đã vượt báo động 3

Ngày 25-9, mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đo được 4,53m - vượt mức báo động 3 là 0,03m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,8m, gần đạt báo động 3.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các huyện thị, thành phố phải khẩn trương tổ chức rà soát lại hệ thống đê bao sản xuất lúa thu đông, cho gia cố đê vượt cao trỉnh đỉnh lũ năm 2000 + 50cm. Đồng thời tăng cường, tổ chức tuần tra thường xuyên 24/24, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư tại các vùng xung yếu để ứng phó bảo vệ đê kịp thời.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh An Giang hiện toàn tỉnh còn hơn 500 hộ có nhà cửa bị ngập và ở gần 50 điểm ven sông rạch, khu vực sạt lở cần phải di dời. Vụ thu đông còn 128 ngàn ha lúa trong các tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ chưa thu hoạch. Nếu lũ vượt mức báo động 3 thì sẽ có 1.000km đê bị ảnh hưởng, trong đó 400km đê xung yếu cần phải gia cố để bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Tại Đồng Tháp, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, hiện còn hơn 27 ngàn ha lúa chưa thu hoạch. Trong đó do một số vùng mới chuyển qua sản xuất vụ thu đông nên đê bao còn thấp, chưa vững nên diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng là 7.600 ha, tập trung ở hai huyện đầu nguồn Tân Hồng và Hồng Ngự. Vừa qua trên đại bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lờ đất bờ sông, các đại phương đã vận động hỗ trợ gần 400 hộ đến nơi an toàn.
Ngày 25-9, tuy là ngày nghỉ nhưng các địa phương của hai tỉnh này vẫn tổ chức lực lượng tuần tra, gia cố bảo vệ các tuyến đê.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương trong những ngày tới do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức cao.

VÕ MINH - ĐOÀN CƯỜNG - Đ. VỊNH