Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Các hãng thông tấn quốc tế đưa tin phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Xử phúc thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử ở Hà Nội (DR)
Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử ở Hà Nội (DR)
Thanh Phương
Hôm nay 2/8/2011, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ về bản án 7 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Phiên xử hôm nay được truyền hình trực tiếp sang phòng bên cạnh, nên báo chí nước ngoài có theo dõi được diễn tiến.
Theo những tường thuật trên mạng, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người đã kéo đến khu vực chung quanh tòa án để biểu thị sự ủng hộ đối với ông Cù Huy Hà Vũ. Trong số này có nhiều gương mặt nhân sĩ trí thức quen thuộc trong các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc, như tiến sĩ Nguyễn Quang A, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, blogger Người Buôn Gió. . .
Riêng về gia đình tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, vợ ông là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và em gái là Cù Thị Xuân Bích trên đường đến tòa đã giương hai biểu ngữ : « Chồng tôi vô tội » và « Anh tôi vô tội ». 
 Một lực lượng an ninh hùng hậu đã được bố trí chung quanh tòa án, phong tỏa phạm vi khoảng 200 mét, chặn nhiều ngả đường. Một số người đã bị công an bắt đi. Giống như khi đối phó với biểu tình chống Trung Quốc, công an đã huy động sẵn một số xe bus để chở những người bị bắt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tường thuật tình hình bên ngoài phiên tòa:
"Hôm nay tôi đến đó khoảng 6 giờ 30 phút, lúc đó rất là yên tĩnh. Tôi ngồi đến lúc 7 giờ rưỡi thì họ bắt đầu chăng dây. Công an rất nhiều, họ chặn tất cả các đường đến Tòa án Tối cao. Họ chặn thành hai ba lớp, chứ không phải là một lớp.
Tôi đi theo đường Quang Trung vào đường Lý Thường Kiệt để tới Tòa án thì họ không cho vào. Tôi phải đi xuyên qua khách sạn Melia. Sau đó tôi đi qua đường Dã Tượng. Phía bên kia đường, tôi thấy có người nhà anh Cù Huy Hà Vũ, có anh Huệ Chi, chị Hảo (nhà văn Võ Thị Hảo) và một số người đứng ở bên phía đường Lý Thường Kiệt. Một lúc sau, tôi băng qua đội cảnh sát để gia nhập vào đoàn của anh Huệ Chi.
Thực sự là chúng tôi muốn vào bên trong, để tham dự phiên toà, vì người ta nói đây là phiên toà công khai, nhưng rất tiếc là người ta chặn không cho vào. Họ đòi giấy mời. Chúng tôi bảo, xử công khai mà còn yêu cầu giấy mời thì không có nghĩa gì là công khai nữa. Lúc đó, có anh cảnh sát bảo, công khai có nghĩa là về xem tivi.
Ở bên ngoài, họ ngăn rất là xa, cho nên mình không thể tiếp cận được cổng của Tòa án. Cũng không biết người ta có kéo màn hình hay loa ra không, bởi vì không nhìn thấy gì và không thể nghe thấy gì cả.
Giống như những Chủ nhật trước xung quanh Bờ Hồ (vào các dịp biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải), cũng vẫn cái xe của Quận Hoàn Kiếm đỗ ở đó. Xe phát loa nói rất to, về nghị định 38, cấm tụ tập bất hợp pháp. Chúng tôi có tranh luận với mấy anh cảnh sát. Chúng tôi nói, đây là việc Nhà nước đứng ra. Còn nếu bảo ai kêu gọi tụ tập, thì chính là Nhà nước, bởi vì Nhà nước đứng ra xử việc này, chúng tôi chỉ là người đến dự thôi. Nhưng nhìn chung, họ cũng cười trừ thôi, họ cũng chả giải thích gì cho chúng tôi cả. Họ quây lại. Trong số họ có những người mặc thường phục, họ ra lệnh cho những người trong đội cảnh sát, an ninh tìm mọi cách ẩn chúng tôi ra xa và tiếp tục xa mãi đến ngã tư Quán Sứ và Lý Thường Kiệt.
Tôi ở đó một lúc lâu đến 11 giờ thì thấy mình không thể tham gia một cái gì, không nghe được, cũng không theo dõi được tình hình phiên toà như thế nào, vì vậy tôi quay về. Về sau tôi có nghe, hình như người ta bắt gần mười người lên trụ sở công an, nhưng đến giờ, không hiểu tình hình của những người đó như thế nào."
Phiên tòa có 4 luật sư bào chữa cho tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Đó là các luật sư Trần Quốc Thuận, thuộc đoàn Luật sư TP. HCM, Trần Đình Triển, Trần Vũ Hải và Vương Thị Thanh, thuộc đoàn Luật sư Hà Nội. Về cử tọa, ngoài đa số là công an, chỉ có vài người thân của Cù Huy Hà Vũ là luật sư Cù Huy Thước, Nguyễn Thị Dương Hà.
Phiên xử hôm nay được truyền hình trực tiếp sang phòng bên cạnh, nên báo chí nước ngoài có theo dõi được diễn tiến. Theo AFP, phát biểu trước tòa, ông Cù Huy Hà Vũ khẳng định là chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cho Bộ Công an bắt giữ và truy tố ông, để trả thù về những vụ kiện làm mất mặt người đứng đầu chính phủ Việt Nam.
Ông Cù Huy Hà Vũ đã nổi tiếng từ vụ kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã cho phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp những lời cảnh báo về những tác hại trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tuyên bố mục tiêu của ông chỉ là bảo vệ quyền lợi của nhân dân, không chống Đảng, mà chỉ chống ban lãnh đạo hiện nay. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, con trai của nhà thơ Cù Huy Cận còn tuyên bố « sẳn sàng chấp nhận mọi hy sinh, kể cả hy sinh cuộc đời, thân xác, để đất nước này được tốt đẹp lên ».
Theo tin từ blog Anhbasam, trong phiên xử hôm nay, bị cáo Cù Huy Hà Vũ được các luật sư đặt nhiều câu hỏi, nên có nhiều dịp trình bày quan điểm của ông. Một trong bốn luật sư bào chữa Cù Huy Hà Vũ, luật sư Trần Vũ Hải đã đề nghị tòa triệu tập Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho biết ý kiến về các tài liệu buộc tội ông Hà Vũ. Luật sư Vương Thị Thanh thì đề nghị triệu tập Chủ tịch nước với tư cách đại diện cho bên bị xâm phạm lợi ích, cũng như những bên có liên quan khác, như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, phóng viên Trâm Oanh...
Cũng như trong phiên xử sơ thẩm, tòa vẫn không chịu cung cấp 10 bài viết, bài trả lời phỏng vấn làm bằng chứng buộc tội ông Cù Huy Hà Vũ.
Chúng tôi sẽ cập nhập tiếp thông tin về vụ xử này.

_________________________________________________________________________________

Tiến sỹ Hà Vũ nói ông không chống Đảng

Tòa án ở Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm để xem xét kháng cáo của TS luật Cù Huy Hà Vũ về tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 bộ Luật Hình sự.
Hôm 04/04, ông Vũ đã lãnh án tù 7 năm, thêm 3 năm quản chế, trong phiên sơ thẩm chóng vánh gây quan ngại cho nhiều tổ chức nhân quyền và chính phủ nước ngoài.
Phát biểu tại tòa, ông Hà Vũ khẳng định ông không có tội và nói ông không chống lại Đảng Cộng sản.
Các nguồn tin ở Hà Nội cho hay nhiều người đã tới bên ngoài trụ sở tòa án để ủng hộ ông Cù Huy Hà Vũ, trong khi an ninh được tăng cường.
Trong số những người tới đây, có vợ ông Vũ - luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, và em gái ông - bà Cù Thị Xuân Bích.
Hai người giương biển có dòng chữ "Chồng tôi vô tội" và "Anh tôi vô tội".
Hàng rào an ninh bảo vệ xung quanh tòa án ngăn cản không cho người ngoài vào bên trong, duy chỉ có bà Dương Hà với tư cách vợ bị cáo được vào theo dõi phiên xử.
Các phóng viên được chứng kiến phiên tòa qua màn hình vô tuyến từ phòng kế bên.
Được biết có bốn luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông.
Tin cho hay trước khi tòa nghỉ ăn trưa, Viện Kiểm sát vẫn yêu cầu duy trì mức án đối với ông Cù Huy Hà Vũ.
Ngay trước phiên tòa, ông Cù Huy Hà Vũ thông qua vợ mình đã chuyển lời cảm ơn tới những người đã động viên và ủng hộ ông.
Thư của ông Vũ khẳng định: "Cù Huy Hà Vũ không có tội" và thỉnh cầu: "Xin đồng bào vẫn tiếp tục tin tưởng ở người con một lòng một dạ vì dân vì nước này".
"Xin đồng bào hãy coi như đứa con này lưu lạc xa nhà ít lâu. Những điều tiêu cực không thể sống lâu hơn những điều tích cực!"

'Hy sinh cho đất nước'

Trong phiên phúc thẩm, ông Vũ nói ông không chống Đảng cộng sản nhưng ủng hộ một hệ thống đa đảng.
"Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước."
Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ

“Tôi không chống đối Đảng cộng sản Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu xây dựng một hệ thống đa đảng cho phép cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích cuối cùng của nhân dân và đất nước,” ông nói trước tòa.
Hai lần trong phiên xử, ông quay xuống phía vợ và chú với cả hai tay làm dấu hiệu chữ V chiến thắng.
Việt Nam không khoan thứ bất cứ sự thách thức nào đối với chế độ đảng trị, nhưng Hà Nội vẫn nói rằng họ chỉ trừng phạt những hành vi vi phạm pháp luật. Vụ án ông Cù Huy Hà Vũ là một phép thử với Nhà nước cộng sản bởi vì họ đàn áp một gia đình mà ở Việt Nam ai cũng biết là trung thành với chế độ.
“Bốn thế hệ trong gia đình tôi đã chiến đấu và hy sinh vì đất nước này,” luật sư Vũ nói. Ông cũng nói thêm rằng cha ông là “một trong những người đã khai sinh ra chế độ hiện đang xử án tôi hôm nay.”
Ông yêu cầu tòa hủy bản án, nói rằng ông không làm gì sai và rằng phiên tòa là một âm mưu chống lại ông.
Tuy nhiên, các công tố viên vốn muốn duy trì bản án sơ thẩm ̣đã nói rằng những hành động của ông Vũ đã xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Nhà nước và lạm dụng quyền tự do báo chí và ngôn luận.
Cảnh sát bên ngoài phiên tòa
Cảnh sát chặn các tuyến đường dẫn tới Tòa án Nhân dân Tối cao, nơi diễn ra phiên xử phúc thẩm
“Tiến sỹ Vũ bị bỏ tù vì các nguyên do chính trị trong một phiên tòa mà các quyền của ông bị xâm phạm,” ông Phil Robertson, phó Giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền nói trong một thông cáo phát đi từ Bangkok.
“Giờ đây nhà cầm quyền Việt Nam nên ít nhất làm một điều đúng với phiên phúc thẩm công bằng và độc lập,” ông nói.
Trong phiên sơ thẩm, một trong các luật sư bào chữa của ông Vũ đã bị đuổi ra khỏi toà và ba luật sư bào chữa khác bỏ ra ngoài để phản đối sau khi đã nhiều lầu yêu cầu tòa đọc lại đầy đủ nội dung 10 cuộc phỏng vấn mà các hãng truyền thông nước ngoài thực hiện với ông Vũ vốn được sử dụng như bằng chứng chủ yếu để buộc tội ông.
“Tôi quyết tâm chiến đấu và hy sinh cho đất nước này,” luật sư Vũ nói trước toà.

Dự án bauxite

Trước phiên xử, ông Cù Huy Hà Vũ trong bức thư gửi qua vợ mình cũng nói điều đau lòng nhất của ông là "lo cho đất nước này rơi vào tay bọn đại giảo hoạt Bắc Kinh".
Vụ xét xử ông Vũ, theo tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, đã thu hút sự bày tỏ ủng hộ chưa từng thấy từ nhiều tầng lớp xã hội.
Tổ chức này cũng nói phiên tòa sẽ "mang lại hệ quả quan trọng đối với nền pháp quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam".
Phiên tòa hồi tháng Tư xử ông Vũ, kéo dài có nửa ngày, đã gặp phản đối từ nhiều nước. Hoa Kỳ nói nó đặt câu hỏi về cam kết cải cách của Hà Nội, trong khi Liên hiệp châu Âu cảnh báo uy tín của Việt Nam đang bị đe dọa.
Là con trai nhà thơ Huy Cận, con nuôi nhà thơ Xuân Diệu, lại có quá trình hoạt động xã hội lâu năm, ông Cù Huy Hà Vũ được dư luận nhắc tới nhiều.
Cáo trạng của tòa trong phiên sơ thẩm nói trong thời gian 2009-2010, ông đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài và đăng tải trên mạng internet với nội dung " tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam".
Ông Vũ cùng từng khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai lần xung quanh các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên.
BBCVietnamese.com đang tiếp tục cập nhật thông tin về phiên tòa.

 _________________________________________________________________________________

Không khí căng thẳng bên ngoài phiên tòa phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ

2011-08-01
Hôm nay tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với vụ án tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước CHXHCNVN’.
Kami's blog
LS Nguyễn Thị Dương Hà mang theo tấm biển "Chồng Tôi Vô Tội" khi đến dự phiên tòa phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hôm 2-8-2011.
Phiên xử diễn ra sớm hơn lệ thường là từ 7:30 phút sáng và cũng vô cùng giới hạn đối với công chúng; mặc dù ngay trước phiên xử nhiều người quan tâm, trong đó là những nhân sĩ trí thức, lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí.. từng ký kiến nghị đối với chánh án tòa án tối cao Trương Hòa Bình cho họ được vào tham dự để biết sự việc đúng sai thế nào.

Tuy nhiên trong phiên xử sáng hôm nay, ngay cả người em gái của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là bà Cù Thị Xuân Bích cũng không được tham dự.
Vào lúc 7:40 bà bày tỏ nổi bức xúc vì phải đứng ngoài tòa, trong khi tiếng loa của cơ quan cảnh sát vang vang về việc giữ trật tự:
“Tôi là Cù thị Xuân Bích, con gái nhà thơ Cù Huy Cận- người đã tiếp ký với chủ tịch Hồ Chí Minh Bản tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa; hôm nay xử anh trai tôi là Cù Huy Hà Vũ, người yêu nước mà không được vào phải đứng ngoài đường đây.”
congan-400
Công an ngăn cản những người tập trung bên ngoài phiên tòa phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội hôm 2-8-2011.
Blogger Người Buôn Gió trước đó ít phút cũng cho biết:
“Ra đấy, tôi bị người ta áp tải ra chổ khác, không chứng kiến gì cả.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một trong những người ký kiến nghị được tham dự phiên tòa vào lúc 8:08 phút cũng cho biết việc nhiều người tập trung nhưng không được dự phiên xử: “Chúng tôi đang tập trung bên ngoài khá đông, nhưng không thể vào bên trong tòa được.”
Đến 8:20 phút, blogger Lê Dũng trình bày cụ thể hơn về hiện trạng nơi nhiều người muốn đến để theo dõi phiên xử:
“Tôi đang đứng ở ngã tư Lý Thường Kiệt- Quang Trung. Tôi đi vòng xem phiên xử anh Vũ nhưng ngã đường nào họ cũng căng dây cấm hết. Các quán xá gần tòa cũng bị đóng cửa, khách sạn Mélia cũng vậy. Họ bảo cấm và có biển nên mấy chục người đi xem phải đứng đây. Có mấy xe buýt chờ sẵn nếu ai mà xông vào mà họ bảo không được chắc sẽ bị đưa lên xe buýt.”
Trong lần tham dự phiên tòa phúc thẩm tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ lần này, bà Nguyễn thị Dương Hà mang theo biển ‘Chồng tôi vô tội’, và cô Cù thị Xuân Bích với bản ‘Anh trai tôi vô tội’.
nguyenquanga-400
TS Nguyễn Quang A bị ngăn cản khi đến quan sát phiên tòa phúc thẩm TS Cù Huy Hà Vũ sáng 2-8-2011.