Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

"Sói biển" miệng cười, tay run nhận tiền vay!

SGTT.VN - Sáng nay 14.7, cầm trên tay 300 triệu đồng do ngân hàng Đông Á, chi nhánh Quảng Ngãi giải ngân, "sói biển" Mai Phụng Lưu miệng cười như hoa nở, nhưng hai bàn tay anh run run. Tôi biết anh vui lắm. Vậy mà mới chiều hôm qua thôi, liên lạc với tôi qua điện thoại từ đảo Lý Sơn, anh Lưu bảo: "Chắc không dám vay tiền em ơi. Sợ trả không xuể...".
Sợ "trả không nổi" chú em ơi!
Niềm vui của vợ chồng anh Mai Phụng Lưu khi nhận tiền vay từ ngân hàng.
Chiều 13.7, khi tôi nghe ông Nguyễn Văn Nhựt Qúi, giám đốc chi nhánh ngân hàng Đông Á tại Quảng Ngãi, thông báo "nhân viên tín dụng của ngân hàng ra đảo gặp Mai Phụng Lưu để làm thủ tục giải ngân, nhưng anh Lưu không vay tiền". Buồn như mang chì trong... bụng, thế là công sức chạy đôn chạy đáo, đưa đón anh Lưu ra vào, đi đến làm thủ tục với ngân hàng của tôi thành công dã tràng.
Tôi gọi điện hỏi anh Lưu và anh xác nhận là có thật, vì "sợ trả không nổi, chú ơi!". Tâm sự của anh Lưu, tôi hiểu. Bởi chỉ còn hai tháng nữa, biển sẽ động. Trong khi đó, lúc có tiền trong tay, anh Lưu còn phải đi mua tàu cá. Sau đó phải sửa lại tàu theo đúng ý mình, rồi đi đăng ký, đăng kiểm tàu cá,... nhanh nhất cũng phải mất hơn một tháng, tàu cá của anh Lưu mới ra khơi được. Còn một tháng nữa, chuyến hải trình ra khơi liệu có suôn sẻ, liệu có cá đầy khoang trở về?
Đó là chưa kể phải đối mặt với bão giông, tàu Trung Quốc rượt đuổi và bao nhiêu rủi ro giữa đại dương mênh mông sóng gió.
Chị Phạm Thị Lan, vợ anh Lưu khi gọi điện cho tôi nói cũng có lý: "6 tháng còn lại trong năm, liệu có trả nổi cả gốc lẫn lãi 70 triệu đồng cho ngân hàng?". Chị tâm sự rằng, khi trước chị cũng lấy "hàng" của các đầu nậu cho tàu cá ra khơi. Cuối cùng tàu bị Trung Quốc bắt và khi trở về thì con tàu cuối cùng bị đầu nậu thu mất để cấn nợ. Từ đó, chị chạy "mờ mắt" buôn bán tỏi, hành trên đảo Lý Sơn, đến nay kiếm được 70-80 triệu đồng, nhưng túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu, vì phải lo sinh hoạt cho gia đình, lo trả nợ cho đầu nậu. "Vì vậy chị sợ lắm. Thôi thì, để anh Lưu đi bạn cho tàu cá khác, kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Nói thiệt, cha con ảnh ai cũng đồng ý vay, chỉ có chị là không muốn vay thôi". Có lẽ thương vợ nên anh cũng nghe theo chị!
Thế khao khát cầm lái một con tàu của chính mình sắm ra của anh Lưu thì sao? Anh Lưu từng tâm sự với tôi rằng, anh quyết chí ra Hoàng Sa trên chính con tàu của mình. Bởi Hoàng Sa đã ở trong lòng anh tự bao giờ. Bao ngày không ra Hoàng Sa, anh nhớ đảo Ông Già có hai ngôi mộ; nhớ từng gành san hô lung linh trong ánh chiều tà; nhớ những những đảo đầy rau câu chân vịt xanh rờn giữa mênh mông con nước...
Mặt khác, xét về kinh tế, nếu làm "thuyền trưởng thuê" thì chẳng được gì. Chuyến biển hợp tác lao động với Malaysia mới đây là một ví dụ. Ngư dân trên con tàu của anh lặn được trên 600kg hải sâm, bán ra gần 1 tỉ đồng, nhưng anh Lưu chỉ hưởng được 30 triệu đồng, sau đó đầu nậu cho thêm 10 triệu nữa. Nếu con tàu đó của anh Lưu, chắc chắn anh thu về ít nhất cũng 500 triệu đồng.
Chính vì khát khao đó, nên vào cuối giờ chiều hôm qua 13.7, anh Lưu quyết định vay tiền. Sáng này anh lên tàu cao tốc vào đất liền vay tiền.
Làm gì để ra khơi?
"Dù gì thì cũng phải tính đến nợ, chú em à. Mình phải làm sao để vừa có ăn, vừa trả nợ chứ không thì mất uy tín". Ngồi với nhau ở ngân hàng Đông Á, chi nhánh Quảng Ngãi, khi nhận được số tiền đã giải ngân, anh Lưu nói với tôi như vậy. Tôi hỏi anh, bây giờ mua tàu lớn hay tàu nhỏ, trầm tư trong giây lát "sói biển" gục gặc đầu, tính: "Bây giờ muốn đi dài ngày trên biển thì đóng tàu vài trăm CV cũng mất trên tỉ bạc. Còn mua tàu lớn cũng không đủ tiền, chỉ có mua tàu nhỏ trên dưới 500 triệu đồng là có khả năng".
"Tui đã nhắm tàu nào rồi. Khỏi đi đâu mất công. Trên đảo đang có tàu đóng 800 triệu đồng, giờ họ bán lại trên 500 triệu đồng, khoảng trên 400 CV (mỗi chuyến đi cần khoảng 1.000 cây đá và 6.000 lít dầu - PV).
Anh Lưu cho biết là nhận tiền về sẽ mua tàu ngày. Khoản thiếu hụt sẽ bù vào bằng việc bán tỏi ở nhà. Bên cạnh đó, gia đình sui gia với anh cũng hùn thêm 100 triệu đồng...
Trò chuyện với anh Lưu, tôi biết anh vẫn còn rất âu lo khoản tiền nợ ngân hàng. Vì vậy, trong làm ăn anh phải tính toán phương án thật kỹ trước khi ra khơi. Còn một tháng nữa trước khi biển động, anh sẽ tranh thủ đi một chuyến dài ngày. Sau đó về đảo rồi tùy tình hình thời tiết, có thể ra khơi xa hoặc đánh bắt gần bờ.
Anh tâm sự: "Cha con tui đánh bắt gần bờ, mỗi đêm cũng được 4 - 5 triệu đồng chứ không ít đâu. Có điều, máu của mình là máu đi đằng đẵng trên biển dài ngày mới thỏa, còn quanh quẩn quanh bờ, tù túng lắm!".
Khẳng định với tôi, anh Lưu cho biết, chậm nhất là 1,5 tháng nữa, anh sẽ có tàu ra khơi, thời gian đi biển từ 15-20 ngày, nếu thuận lợi, trời không động thì sẽ đi lâu hơn. "Khi trời động, nếu không ra khơi xa được, mấy cha con sẽ không cho tàu ngơi nghỉ mà sẽ hoạt động liên tục để có thu nhập mà sinh hoạt, trả cho ngân hàng chứ!". Nói rồi cười, rồi anh lại trầm ngâm: "Nếu lặn đêm không thuận lợi, sẽ chuyển sang nghề lưới. Nếu nghề lưới không thuận lợi, sẽ chuyển sang nghề nào mà dễ kiếm cá nhiều nhất. Ngoài ra, tôi sẽ mua bảo hiểm mạn tàu và bảo hiểm thuyền viên để làm của để dành về sau".
Tôi nhìn sang chị Lan, chị kiểm lại tiền mà mắt chị rưng rưng...
bài và ảnh: PHẠM ANH
Vì sao anh Lưu có ý định không vay tiền khi anh được ngân hàng Đông Á cho vay vốn ưu đãi với lãi suất 14%/năm? Bên cạnh đó, báo SGTT sẽ tìm cách giúp cho anh khoảng 4%, còn lại thực chất anh chỉ trả lãi 10%/năm, phải chăng thủ tục của ngân hàng đã làm anh Lưu "nản"?
Trả lời câu này, giám đốc chi nhánh ngân hàng Đông Á tại Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Nhựt Qúi cho biết: Điều trước tiên, việc cho anh Lưu vay dưới trần huy động, thì ngân hàng phải "bù lỗ". Tuy nhiên, đây là một việc làm hết sức thiết thực, giúp ngư dân Mai Phụng Lưu (và những ngư dân ở đảo Lý Sơn và một số vùng ở Quảng Ngãi có nhu cầu vay vốn) thực hiện khát khao ra khơi bám biển, để mưu sinh và tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc. Vì vậy, ngân hàng không tính toán thiệt hơn. Và chính vì cái ý nghĩa ấy mà ngân hàng muốn đồng tiền vay sử dụng đúng mục đích, nên phải cân nhắc rõ ràng và để cho anh Lưu "thấy trách nhiệm thêm mà cố gắng".
Ban đầu ngân hàng muốn anh Lưu tìm được tàu cá để mua, rồi "ba mặt một lời" giải ngân thẳng cho người bán. Hôm chứng kiến làm thủ tục đầu tiên, anh Lưu và ngân hàng cũng đã thỏa thuận là cứ 3 tháng trả lãi/lần, 6 tháng trả gốc/lần. "Chúng tôi luôn tạo điều kiện cho anh Lưu. Anh thấy thuận lợi, khó khăn như thế nào thì nói. Thế nhưng anh Lưu không yêu cầu gì...".
15 giờ chiều nay 14.7, ngân hàng Đông Á, chi nhánh Quảng Ngãi đã giải ngân 300 triệu đồng cho hai vợ chồng anh Mai Phụng Lưu, Phạm Thị Lan, tất cả đều bằng giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng.