Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Chiến hạm hùng mạnh đến Việt Nam

 
Hôm nay (15.7), tàu khu trục USS Chung – Hoon và tàu thăm dò USNS Safeguard thuộc hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ) cập cảng Đà Nẵng trong hoạt động trao đổi hải quân với Việt Nam. Cách đây 166 năm, “thủy tổ” của hạm đội nổi tiếng hùng mạnh nhất thế giới này cũng đã từng đến Đà Nẵng và trở thành chiếc tàu chiến phương Tây đầu tiên tới Việt Nam
George Thomas, thợ mộc trên chiến hạm USS Constitution ghi lại trong nhật ký của mình: “William Cook qua đời và được chôn trên bán đảo với những nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thủy thủ Cook. Đêm xuống nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm Constitution nhưng không quá gần để có thể đổ bộ sang Constitution. Hạm trưởng John Percival trước khi rời cảng đã tặng cho các tu sĩ Phật giáo 2 Mỹ kim để lo chăm sóc phần mộ của thủy thủ Cook”.
Chiến hạm USS Constitution hay còn gọi là Old Ironsides được đóng năm 1794 tại Boston.
William Cook là lính kiểng, chơi kèn trong ban nhạc trên chiến hạm USS Constitution. Cuộc đời hải quân ngắn ngủi 14 tháng của Cook kết thúc bằng căn bệnh kiết lỵ vào ngày 10.5.1845 tại cảng Đà Nẵng. Thi hài người thủy thủ xấu số này được đưa lên bờ chôn ở núi Khỉ, bán đảo Sơn Trà.
USS Constitution hay còn gọi là Old Ironsides được đóng năm 1794 tại Boston. Đích thân tổng thống Mỹ John Adams đích thân phất cờ hạ thủy vào năm 1798 theo biểu quyết của Quốc hội. Old Ironsides – Thành Sắt Cổ được đóng bằng 1.500 thân cây gỗ tốt nhất nước Mỹ, thành tàu có nhiều lỗ như lỗ châu mai để đặt 54 khẩu đại bác.
Hai năm sau ngày hạ thủy, USS Constitution vượt Địa Trung hải chinh phục xứ Tripoli và Hiệp ước Tripoli đã ký ngay trên chiến hạm này. Năm 1830 USS Constitution gần như hết hạn sử dụng. Tuy nhiên nó vẫn kéo dài tuổi thọ cho đến năm 1845, khi hạm trưởng John Percival với nguyện vọng tha thiết là xin cho USS Constitution đi vòng quanh thế giới lần cuối với sứ mệnh dân sự. Chuyến hải trình cuối cùng kéo dài 459 ngày của chiến hạm này đã gặp sự cố đáng tiếc tại Đà Nẵng.
Khu trục hạm USS Chung – Hoon.
Hạm trưởng John Percival có biệt danh là “Mad Jack” năm đó bước sang tuổi 65, đang bị căn bệnh phong thấp hành hạ. Nhà báo Peter Kneisel của tạp chí Boston Globe, người đã cùng một nhóm cựu binh Mỹ đến Đà Nẵng năm 2004 đến Đà Nẵng tìm mộ thủy thủ Cook đã viết: “Ông ta đã thực hiện mệnh lệnh chỉ huy sai lạc, và điều này thể hiện một lần nữa trong cuộc xung đột đẫm máu 120 năm sau…”.
Giám mục Dominique Lefèbvre lúc đó đang bị triều đình nhà Nguyễn giam ở Huế nghe người Mỹ đến bèn viết thư nhờ́ can thiệp. John Percival tổ chức bắt cóc những quan lại giao thiệp với USS Constitution tại Đà Nẵng để đưa yêu sách và nổ súng vào bờ. Vua Thiệu Trị cho rằng Jonh Percival xúc phạm quốc thể nên kiên quyết không trả tự do cho giám mục người Pháp. USS Constitution phải nhổ neo đi sau khi chôn xác thủy thủ Cook.
Mong ước những con tàu hòa bình
USS Constitution hiện trở thành một bảo tàng nằm ở Công viên lịch sử quốc gia Boston ở bến tàu Constitution. Chuyến hải trình vòng quanh thế giới cuối cùng của con tàu này với vị hạm trưởng già nua đã để lại một ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử ngoại giao nước Mỹ. Ngay sau sự kiện trên, vua Thiệu Trị đã gửi công hàm phản đối đến Tòa lãnh sự Mỹ tại Singapore và Tổng thống Zachary Taylor phải gửi thư xin lỗi triều đình nhà Nguyễn
Tàu thăm dò USNS Safeguard.
Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, nhà báo Mỹ, cựu binh Mỹ trong thời gian qua đã tìm đến địa danh núi Khỉ, Sơn Trà với hy vọng tìm kiếm ngôi mộ của thủy thủ Cook như tìm một bằng chứng bảo vệ một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Sau khi thủy thủ Cook qua đời, John Percival đã xin quan tổng trấn Đà Nẵng được chôn cất thi thể trên bờ và được chấp nhận tử tế.
Constitution khi thành bảo tàng đã gắn thêm phiên hiệu USS vì chiến hạm lừng danh này được xem là thủy tổ của Hạm đội Mỹ hùng mạnh sau này. Đúng 13 năm sau khi Thành Sắt Cổ của Mỹ ghé Đà Nẵng, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã đến đây và nổ súng xâm chiếm Việt Nam. Lịch sử đã đi qua, vết thương chiến tranh đã lành, người Đà Nẵng vẫn thường đến thăm đồi Hài Cốt, nơi nằm lại của những người lính viễn chinh Tây Ban Nha. Đi qua khỏi đồi Hài Cốt về mé biển Tiên Sa, theo nhật ký ghi lại của người thợ mộc trên con tàu Constitution đó là nơi chôn cất thủy thủ Cook. Trong ký ức của những người dân chài ở đây, nơi đó đã từng có một ngôi mộ được người dân hương khói nhưng thời gian đã làm mất dấu khi gió biển, cát bay và nhất là những dự án du lịch đang mọc lên như nấm ở đây.
Đà Nẵng là cánh cửa của Biển Đông, trong lịch sử luôn luôn là điểm nhòm ngó đầu tiên của các chiến hạm nước ngoài. Khi cuộc chiến tranh kết thúc, quan hệ bình thường giữa hai quốc gia Việt – Mỹ mở ra, gần đây các chiến hạm nằm trong hạm đội USS của Mỹ thường xuyên ghé lại Đà Nẵng hàng năm với sứ mệnh hòa bình. Các chiến hạm USS Peleliu, USS Mustin, tàu thăm dò USNS Bruce Heezen… đã có những cuộc giao lưu trao đổi với hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng trong những năm vừa rồi.
Những chiến hạm đời sau của “thủy tổ” USS Constitution với trang bị hiện đại bậc nhất thế giới, hùng mạnh nhất thế giới có nhiệm vụ duy trì tự do an ninh hàng hải ở khu vực biển Đông như tuyên bố mới nhất của Đô đốc Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua như một sự khẳng định cách ứng xử văn minh giữa các quốc gia ngày nay trong khu vực biển Thái Bình Dương. 
Nguyễn Minh Sơn
Vài nét về khu trục hạm USS Chung – Hoon DDG 93
Hải quân Việt Nam đón các sĩ quan hải quân Mỹ phục vụ trên tàu khu trục USS Chung - Hoon. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn
USS Chung – Hoon mang tên của cố thiếu tướng Hải quân Mỹ Gordon Pai’ea Chung – Hoon, thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, đóng từ năm 1998 và hạ thủy ngày 14.1.2002 tại xưởng đóng tàu Ingalls Shipbuilding ở Mississippi.
USS Chung – Hoon thuộc lớp Arleigh Burke, trang bị tên lửa dẫn đường Aegis, thuộc đội tàu có sức mạnh nhất của Hải quân Mỹ. USS Chung – Hoon trang bị tên lửa tầm trung đất đối không (SM – 2MR), tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa Sparrow (ESSM), ngư lôi Mk 46 và giàn phóng tên lửa thẳng đứng (VLA).
Ngoài ra, khu trục hạm USS Chung – Hoon còn có sân bay cho 2 trực thăng Seahawk trang bị tên lửa Penguin, Hellfire, ngư lôi Mk 50, Mk 46.
Chiếc tàu có trọng tải 9.200 tấn này có cảng nhà là Trân Châu Cảng và thực hiện nhiều hoạt động trên vùng biển Thái Bình Dương với nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng hải. Ngày 12.3.2009, USS Chung – Hoon từng được điều động hộ tống tàu thăm dò USNS Impeccable khi tàu này va chạm với tàu của Trung Quốc ở biển Đông. USS Chung – Hoon có 267 thủy thủ, 24 sĩ quan.
Lịch hoạt động tại Đà Nẵng
Ngày 15.7: Đón tàu tại cảng Đà Nẵng, tổ chức họp báo.
Ngày 17.7: Tặng đồ chơi cho trường Tư thục chuyên biệt Thanh Tâm.
Ngày 18.7: Tham quan tàu, các hoạt động trao đổi kỹ năng trên tàu USS Chung – Hoon.
Ngày 19.7: Trao đổi huấn luyện Hải quân Mỹ – Việt Nam về lặn và cứu hộ trên tàu USNS Safeguard.
Ngày 21.7: Tàu rời cảng Đà Nẵng.
(Nguồn: Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh)