Hà Đình Sơn
Ngày 2/8/2011, sẽ là một ngày lịch sử, ngày phiên tòa xử anh Cù Huy Hà Vũ. Đã đủ để ngưỡng mộ anh một CON NGƯỜI cho dù ngày mai nếu anh có “ngã ngục” không còn là anh như hôm qua nữa. Chuyện đó có gì đâu vì anh cũng là da là thịt, biết đói, biết khát và biết đau; anh có gia đình và cả những người thân. Tất cả phải công bằng không thể đòi hỏi một con người chỉ biết phải hy sinh.
Mọi thần tượng không phải được tạc nên từ đá, từ đồng. Thần tượng không gì xa lạ mà đó là người dám đau và dám hạnh phúc cùng đồng loại, thần tượng không bao giờ là “huyền thoại”.
Anh sinh trưởng trong một gia đình có quyền thế trong chế độ. Về mặt vật chất không dám nói là thừa, nhưng chắc một điều anh không thiếu thốn. Nghèo và đói khát không phải là động cơ tạo nên nhân cách Cù Huy Hà Vũ. Cù Huy Hà Vũ không có tham vọng làm giàu. Cù Huy Hà Vũ không tham danh vọng chốn công quyền. Cù Huy Hà Vũ không ham chơi: rượu ngon, gái đẹp, nhà lầu, xe hơi…
Cù Huy Hà Vũ bẩm sinh chỉ là một cậu bé yếu đuối về sức khỏe, tinh thần thì đa cảm nhưng anh thông minh và ham học, tính cách bộ trực. Anh được giáo dục kiến thức pháp luật từ cái nôi của cách mạng Pháp. Văn hóa pháp luật là điểm yếu của xã hội truyền thống và xã hội hiện đại Việt Nam. Anh đã học văn chương từ xứ sở văn chương lãng mạn của nhân loại. Anh là một nghệ sĩ nên rất nhạy cảm với đời. Với cái cốt là kiến thức pháp luật và văn chương là phương tiện truyền tải cộng với cái cảm của người nghệ sĩ anh đã vắt trí, dốc tâm để truyền bá, nhằm gây dựng cái văn hóa, cái văn minh pháp luật ở Việt Nam nhưng anh gặp họa lớn, than ôi!
Có những con người thông thường đã có lúc trở thành khác thường thì đều có một động lực riêng do hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh gia đình hoặc… mà tạo nên. Nhưng chung quy lại có mấy trường hợp sau:
1- Do truyền thống gia đình đã từng huy hoàng rồi thì mạt vận mà có quyết tâm.
2- Do thiếu thốn, đói khát mà sinh chí vùng lên.
3- Do đường cùng sinh tử mà hóa anh hùng.
4- Do cha truyền, con nối.
5- Do gặp được vận may.
Cù Huy Hà Vũ đã không nằm trong các trường hợp đó.
Có nhóm người do nhất thời cảm hứng, phi lý trí có gan to mà sung vào bên tả hoặc bên hữu vận may gặp bên thắng thế mà hóa công thần. Nhưng sự đời kẻ thắng thế không phải lúc nào cũng là người chính nghĩa. Các công thần được thỏa mãn: nhà lầu, xe hơi, chức quyền, tiền bạc… cái gan to ngày trước nay nhỏ dần ngược chiều với cái bổng lộc ngày càng to. Người ta không có lý trí để dẫn dắt trái tim để dám chia sẻ cùng đồng loại. Quá khứ một thời không thể đem ra để “ăn mày” với hiện tại.
Có nhóm người có lý trí nhưng chẳng có trái tim chưa bao giờ, không bao giờ mảy may nghĩ đến đồng loại. Loại người này sống trong xã hội tốt thì phải tốt, sống trong xã hội xấu thì rất thành công đó chính là những kẻ có chức, có quyền và có tiền bạc trong một xã hội đồi bại.
Có nhóm người vừa phi lý trí lại không có trái tim, nhóm người này sống thuần túy theo bản năng và là công cụ cho nhóm người có chức, có quyền, có tiền bạc.
Cù Huy Hà Vũ không phải là người ngông, người dại anh biết trước những nguy hiểm và đòn thù sẽ giáng xuống anh. Cả một bộ máy bạo quyền, một bộ máy tuyên truyền để kìm kẹp thân xác anh, vấy bẩn nhân cách anh. Nhưng bùa, phép đã bị nhân dân hóa giải. Anh - một cậu bé yếu ớt, đa cảm, một nghệ sĩ tài hoa nhưng với lý trí sáng ngời đã biến trái tim mình thành “thép lửa”, tự nguyện hy sinh để đòi công bằng cho xã hội.
Dân tộc cần có nhiều người như anh – Cù Huy Hà Vũ!
Thăng Long – Hà Nội, 21/7/2011
H.Đ.S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.