REUTERS
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) nói chuyện với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc gặp song phương, Bali, Indonesia, 22/07/2011 |
Hôm nay, 22/07/2011, bên lề cuộc họp với ASEAN tại Bali, Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gặp nhau.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Duy Minh, cho AFP biết là nội dung chính của cuộc gặp này là đề cập đến tình hình tại Biển Đông. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh, « điều quan trọng là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc » cũng như « tôn trọng những quan ngại chính của Trung Quốc liên quan đến Tây Tạng và những chủ đề nhậy cảm khác ».
Xin nhắc lại là Trung Quốc vẫn coi biển Nam Hải – tức Biển Đông, là một bộ phận lãnh thổ của mình, bất chấp sự phản đối của các nước liên quan, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, …
Trong khi đó, Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ các nước này tiến hành giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đa phương, còn Trung Quốc thì tìm mọi cách coi đây là vấn đề nội bộ khu vực và chỉ muốn giải quyết trong khuôn khổ song phương.
Hôm qua, 21/07, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông – mà theo giới quan sát, đó là chỉ là một thỏa thuận ở mức tối thiểu, một « lộ trình » giải quyết các tranh chấp.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã hoan nghênh bước tiến này. Về phần mình, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khẳng định đây là « một tài liệu quan trọng…thúc đẩy hòa bình và ổn định ».
Vẫn theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, thì phía Mỹ « hiểu được sự nhạy cảm của những vấn đề này » và hai bên đã hứa sẽ thúc đẩy « sự hiểu biết lẫn nhau ».
Theo giới quan sát, Hoa Kỳ không có ý định lùi bước trong hồ sơ này. Washington cho rằng Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với những lợi ích quốc gia của mình và tại Diễn đàn khu vực ASEAN – ARF, được tổ chức vào ngày mai, 23/07, Ngoại trưởng Clinton sẽ nêu vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, bà Clinton sẽ khẳng định tầm quan trọng của việc « tôn trọng tự do lưu thông hàng hải, không ngăn cản hoạt động thương mại và duy trì hòa bình, ổn định » trong khu vực.