Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

KẾ SÁCH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN CỦA PHILIPPINES

Bùi Công Tự

Trông người mà nghĩ đến ta
So với Philippine thì sự đe dọa từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên chúng ta cũng cứ tìm hiểu kế sách bảo vệ chủ quyền của nước bạn, xem có thể tham khảo được điều gì chăng?
Tôi biết đất nước Philippine đầu tiên từ thầy giáo trường làng, qua câu chuyện ly kỳ về nhà thám hiểm Majenlang, người Bồ đào nha, theo lệnh nhà vua Tây ban nha, giong chiến thuyền đi vòng quanh thế giới, tìm kiếm những vùng đất mới. Ngài Majenlang dũng cảm đã bị tử chiến khi đổ bộ lên quần đảo Philippine, trong một trận giao tranh với những người thổ dân kiên quyết bảo vệ chủ quyền. Đó là năm 1521.
Về mặt khoa học, hành trình của Majenlang đã góp phần chứng minh rằng trái đất có hình cầu. Đồng thời nó cũng khởi đầu cho những cuộc viễn chinh của người châu Âu chinh phục châu Á, mà đầu tiên là người Tây ban nha xâm chiếm Philippine vào năm 1562.
Mãi tới năm 1946 Philippine mới giành được độc lập. Tuy nhiên quãng thời gian gần bốn thế kỷ bị nước ngoài thống trị không làm nguội lạnh được ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của người dân trên xứ sở đầy gió bão này. Tinh thần ấy giờ đây lại đang bùng lên mạnh mẽ trước nguy cơ bị nước lớn Trung hoa xâm chiếm các đảo và lãnh hải ở biển Tây Philippine (tức là biển Đông đối với Việt Nam).
Philippine là một quốc đảo có tới 7.000 hòn đảo ở phía Tây Thái Bình Dương. Diện tích tổng cộng khoảng 300.000 km2. Dân số 86 triệu người (năm 2005). Số người biết chữ chiếm 95%. Tuổi thọ trung bình 70. Vài số liệu ấy cho thấy nước bạn tương đương với Việt Nam về nhiều mặt.
Tôi nghe nói người Philippine giỏi ngoại ngữ hơn chúng ta nên khi đi xuất khẩu lao động họ thường được làm những công việc nhẹ nhàng hơn và có mức lương cao hơn người Việt Nam. Nhưng mới đây Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu thuộc LHQ (WIPO) lại đánh giá trí tuệ Việt Nam cao hơn Philippine nhiều bậc (Việt Nam xếp thứ 51/125, Philippine xếp thứ 91/125).
Chúng ta trở lại câu chuyện về kế sách bảo vệ độc lập chủ quyền của Philippine hiện nay.
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc tuyên bố một vùng biển đảo rộng lớn giáp bờ Tây Philippine là chủ quyền của Trung Quốc, trong khi người Philippine nói là của họ. Mới đây thôi, năm 2009, không biết có phải vì “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” hay vì sức ép nào khác mà bà Tổng Thống Gloria Arroyo của Philippine lúc đó đã có những thỏa thuận với Trung Quốc hợp tác thăm dò địa chấn trên vùng biển mà cả Philippine, Việt Nam và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Cũng năm 2009 Philippine tuyên bố phản đối hồ sơ của Việt Nam và Malaixia về lãnh hải trên biển Đông.
Chúng ta cũng biết rằng hiện nay Philippine đang chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó lớn nhất là đảo Thị Tứ (mà Philippine gọi là Pagasa), họ đã xây dựng sân bay trên đảo này. Nhưng sự tranh chấp này, theo tôi, không đe dọa Việt Nam. Ta và bạn trong tương lai có thể giải quyết theo luật quốc tế cho dù còn lâu dài.
Hiện nay dưới sự lãnh đạo của ngài Tổng Thống Aquino, chính phủ Philippine đã có chiến lược mới rất rõ ràng cho công cuộc bảo vệ biển đảo trước nguy cơ xâm lăng từ Trung Quốc.
Chiến lược đó thể hiện ở những động thái sau đây:
- Chính phủ Philippine chính thức phản đối yêu sách” đường lưỡi bò 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc.
- Tuyên bố sẽ kiện Trung Quốc lên Tòa Án quốc tế.
- Nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị quân sự.
- Có phản ứng tức thì, kiên quyết, cứng rắn trong các vụ bị Trung Quốc gây hấn.
- Gắn bó hơn trong quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Ngày 25/07/2011 phát biểu trước Nghị viện, trong thông điệp gửi quốc dân, Tổng Thống Aquino đã tuyên bố nước này sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biển Tây Philippine.
Ông nói: “Chúng ta không muốn gây căng thẳng với bất kỳ ai, nhưng chúng ta phải để cho thế giới biết rằng chúng ta sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của mình”. “ Thông điệp của chúng ta gửi thế giới rất rõ ràng. Cái gì của chúng ta là của chúng ta!”.
Tinh thần ấy đã thể hiện trong việc Philippine xử lý vụ Trung Quốc gây hấn ngày 02/03/2001. Ngày hôm đó 02 tàu tuần tiểu của Trung Quốc đã áp sát tàu thăm dò dầu khí MV Veritas Voyayer của Philippine ở gần đảo Bãi cỏ rong, ép tàu này phải rời khỏi khu vực thăm dò. Ngay sau đó sự xuất hiện kịp thời của 02 máy bay và 02 tàu hải quân Philippine đã buộc tàu tuần tiểu của Trung Quốc rút chạy.
Về vụ đụng độ này tướng Sabban của Philippine tuyên bố:” Rõ ràng đây là lãnh thổ của chúng tôi. Nếu họ (TQ) ức hiếp chúng tôi thì trẻ con cũng sẽ chống trả”.
Sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Philippine tướng Gazmin và Tư lệnh LLVT tướng Oban đã trực tiếp thị sát khu vực thăm dò nói trên.
Philippine tuyên bố tiếp tục đẩy mạnh thăm dò dầu khí ở khu vực đảo Bãi cỏ rong (đảo Bãi cỏ rong bị TQ chiếm năm 1995) Chủ tịch Công ty dầu khí Forum Enery (Anh quốc) cũng cho biết tiếp tục đầu tư lớn vào dự án này.
Thực ra, về quân sự, Philippine thuộc loại yếu, nếu như không nói là rất yếu trong khu vực. Một viên tướng không giấu diếm:” Chúng tôi chỉ có 53 chiếc tàu, trong đó thường xuyên hoạt động chỉ 25 cái, phần lớn là tàu cũ”. Nhưng họ đang có chương trình đầu tư 2,33 tỷ USD để mua sắm khí tài quân sự và xây dựng căn cứ trên 8 hòn đảo trong vùng tranh chấp mà họ đang chiếm giữ. Họ cũng vừa mua của Mỹ 1 tàu tuần tra trị giá 10 triệu USD và đã đưa vào tuần tra trên biển.
Sở dĩ Philippine “mạnh miệng” được là vì họ có những người bạn chiến lược. Đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Philippine đã cho phép quân đội Mỹ đồn trú tại nước này vô thời hạn và quân đội 2 nước có quyền tham gia các hoạt động quân sự dưới nhiều hình thức.
Ngày 15/04/2011 quân đội Mỹ và Philippine đã tổ chức tập trận chung “Vai kề vai 2011” với qui mô lớn nhất từ trước đến nay. Mục đích của cuộc tập trận chung này, theo bình luận của các chuyên gia, là nhằm tăng cường khả năng của Philippine để đối phó với Trung quốc trong vùng tranh chấp tại biển Đông.
Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương Willaad đã phát biểu cam kết tiếp tục hỗ trợ Philippine trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh, nhất là hỗ trợ tuần tra trên biển. Đó cũng là nội dung Hiệp định phòng vệ song phương ký kết giữa Mỹ và Philippines năm 1951, các lực lượng Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ binh lính, tàu bè và máy bay Philippines nếu họ bị tấn công trên Biển Đông.
Ngày 09/0/4/2011 Tổng Thống Aquino tuyên bố: “Trong số các nước bạn bè của Philippine không có quốc gia nào vĩ đại hơn Mỹ và Nhật Bản. Thời gian đã chứng minh rằng, chúng ta (Philippine) có thể dựa vào những nước đồng minh như họ (Mỹ và Nhật). Khi an ninh và chủ quyền của chúng ta bị uy hiếp chúng ta tin rằng họ sẽ đứng về phía chúng ta “.
Như vậy chúng ta thấy các nhà lãnh đạo Philippine đã tuyên bố cho nhân dân họ biết rõ ràng về chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia của họ. Chắc chắn họ cũng cố được niềm tin của nhân dân, góp phần tăng cường sức mạnh cho dân tộc họ.
Vậy thì cho dù Philippine có nằm giữa vành đai bão Thái Bình Dương, người dân của quốc đảo này vẫn có thể ngon giấc hơn những người yêu nước Việt Nam? Chúng ta có thể tham khảo được gì qua kế sách bảo vệ chủ quyền của nước bạn?

TP HCM, ngày 29 tháng 07 năm 2011
Bùi Công Tự