Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-07-01
Trở về từ cuộc họp 25/6 ở Bắc Kinh với tư cách Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao VN, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí nhưng lại là một văn bản hỏi đáp do TTXVN phổ biến hôm 27/6 và tất cả các báo đã đăng lại.Văn bản thông tấn xã lần này có nhiều thông tin hơn về nội dung cuộc gặp gỡ giữa thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại. Tuy nhiên dư luận lại càng xôn xao hơn với trích dẫn lời ông Hồ Xuân Sơn nói rằng: “Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.”
Công hàm Phạm văn Đồng
Tối 28/6, Tân Hoa Xã đưa lên mạng bản tin Anh ngữ, theo đó Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến công cán tại Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, được hiểu là Trung Quốc kêu gọi Việt Nam thực hiện điều gọi là sự đồng thuận.Ngoài ra Tân Hoa Xã còn nhắc lại tư liệu lịch sử, theo đó năm 1958 khi Trung Quốc công bố chủ quyền các đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm ngoại giao bày tỏ sự đồng thuận với Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Chu Ân Lai. Có hay không sự đồng thuận Hà Nội-Bắc Kinh trong quá khứ cũng như hiện tại. Đây chính là điều người dân cần được thông tin.
Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, Nhà sử học nhiều uy tín Dương Trung Quốc cũng là đại biểu Quốc hội Khóa 12 từ Hà Nội nhận định:
“Chuyến đi Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, tôi nghĩ đấy là một động thái ngoại giao bình thường làm sao cho tình hình bớt căng thẳng, trước hết để cho Trung Quốc đừng tiếp tục những hành động có tính chất như vậy. Còn nội dung thông báo chính thức hai bên có khác nhau, tôi nghĩ đối với TQ đây là chuyện bình thường họ là như vậy mà thôi.
Đúng là có một số chi tiết làm cho công luận bức xúc cần được xác minh xem là đúng hay không đúng, về việc có đúng nội dung hai bên thỏa thuận không thì tôi nghĩ hai bên thỏa thuận những vấn đề chung thôi, còn những cách đặt vấn đề như kiểu Trung Quốc nhắc lại thỏa thuận của ông Phạm Văn Đồng cách đây 50 năm, tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình khai thác và lợi dụng chi tiết này.
Việc này không phải lần đầu, đã từng có thời kỳ văn bản này được phát tán ở vùng Chợ Lớn TP.HCM một cách khá rộng rãi và bừa bãi. Chúng tôi nghĩ là Trung Quốc luôn luôn lợi dụng chi tiết ấy để xuyên tạc.”
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thêm rằng, ông đã đọc bài trả lời của ông Lưu Văn Lợi, người từng hoạt động ngoại giao trong thời kỳ liên quan tới sự kiện này, theo đó đã giải thích rất rõ, đây chỉ là ý kiến của ông Phạm Văn Đồng đối với tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải của họ vào thời điểm đang có xung đột ở eo biển Đài Loan, chứ nó hoàn toàn không có một chi tiết nào mà nói đến Hoàng Sa và Trường Sa cả. Trung Quốc cố gắng giải thích theo cách của họ và đúng là một xuyên tạc.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh:
“Hơn nữa về mặt pháp lý quốc tế thì cách đây hơn 50 năm, theo tinh thần hiệp định Geneve, thì ở phía Nam vĩ tuyến 17 là thuộc chủ quyền của chính phủ VNCH, cho dù lúc đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đang xung đột đi chăng nữa, như thế không gian liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa nằm trong không gian thuộc chủ quyền VNCH. Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon.
Chuyện Trung Quốc bây giờ nhắc lại chuyện 50 năm trước thì hoàn toàn phải đặt cho đúng vào bối cảnh lịch sử lúc đó.Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa phân chia lãnh thổ Việt Nam bởi vì Hiệp định Geneve qui định nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Nhưng thực thi quyền hạn của mình theo luật quốc tế thì tôi nghĩ rằng Hoàng Sa Trường sa vào thời điểm đó nằm trong khu vực mà chính quyền VNCH là người phát ngôn có đủ tư cách pháp nhân nhất. Vì thế chuyện Trung Quốc bây giờ nhắc lại chuyện 50 năm trước thì hoàn toàn phải đặt cho đúng vào bối cảnh lịch sử lúc đó."
ĐB Dương Trung Quốc
Công khai minh bạch
Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với chúng tôi là ông có đọc bản tin Tân Hoa Xã và người dân Việt Nam có quyền đòi Nhà nước phải thông tin minh bạch về các vấn đề sinh tử của đất nước. LS Trần Vũ Hải nói:“Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao là phải giải thích rõ là khi trao đổi với Trung Quốc có đúng quan điểm như Tân Hoa Xã loan báo hay không. Trước mắt phải khẳng định điều đó hay là Tân Hoa Xã theo cái truyền thống làm như thế liên quan tới Biển Đông mà không phản ánh đúng quan điểm của Việt Nam đã trình bày trong buổi đó.
Tôi nghĩ là ông Hồ Xuân Sơn và Bộ Ngoại giao qua người phát ngôn cần phải giải thích rõ cho công luận vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng người dân có quyền như vậy, có quyền thảo luận về những vấn đề chung của đất nước và đây là điều cá nhân tôi cho rằng phải giải thích. Nếu không giải thích sẽ bị hiểu nhầm bất lợi về nhiều thứ. Nhưng tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người đích thân yêu cầu Bộ Ngoại giao phải giải thích về vấn đề này, Tân Hoa Xã có nói đúng hay họ xuyên tạc để có quan điểm rõ ràng.”
Chúng tôi truy cập trên mạng và xem được cái gọi là Thư Ngoại giao ngày 14/9/1958 có đóng dấu ký tên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Bắc Kinh từng kỷ niệm 50 năm sự kiện này hồi 2008. Chúng tôi xin trích đọc nguyên văn:
“Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng. Ký tên Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng nội dung Thư Ngoại giao của ông Phạm Văn Đồng không đề cập tới vấn đề lãnh thổ, cũng không nói gì đến vấn đề các quần đảo ở Biển Đông Việt Nam.
Được yêu cầu nhận định về việc dư luận bức xúc đối việc Nhà nước không công khai chuyện có sự đồng thuận hay không đối với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Luật sư lão thành Trần Lâm nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao từ Hà Nội phát biểu:
“Cái công hàm ấy tôi được đọc cách đây ba bốn năm rồi không phải mới đây, người ta bảo cái công hàm ấy không có giá trị. Bây giờ Trung Quốc cứ nói là có giá trị. Theo suy nghĩ của tôi Trung Quốc muốn song phương thôi, tức là nó và Việt Nam thỏa thuận với nhau thôi, rồi là nó làm cái giàn khoan 700 triệu USD thật ghê gớm lắm, nó bảo nó để ở Biển Đông, nó sẽ để vào quần đảo của ta chứ ở đâu nữa.
Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao là phải giải thích rõ là khi trao đổi với Trung Quốc có đúng quan điểm như Tân Hoa Xã loan báo hay không.Chuyện này hiện nay cũng mắc mứu lớn lắm. Việt Nam nói chuyện ông Phạm Văn Đồng chỉ là một chuyện vui vẻ thôi chứ nó không có giá trị pháp lý gì. Bây giờ Mỹ không mạnh nữa, ngay với Philippines bây giờ Mỹ cũng nhẹ nhàng rồi.”
Luật sư Trần Vũ Hải
Theo VnExpress bản tin trên mạng ngày 30/6, ông Lê Văn Nghiêm Cục trưởng Thông tin đối ngoại nhìn nhận là đã học được bài học qua vấn đề Biển Đông. Đó là trong mọi trường hợp phải chủ động thông tin, không thông tin, hoặc thông tin không kịp thời, không đầy đủ thì coi như nhường trận địa thông tin cho đối phương.