(GDVN) – “Những hành động gây hấn của tàu Trung Quốc vừa qua đã gây bức xúc cho nhiều anh em tướng lĩnh cấp cao, từng lãnh đạo, tham gia chiến đấu”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương mở đầu câu chuyện về Biển Đông.
|
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương |
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương: Trung Quốc đang cố tình lừa dối nhân dân thế giới
Thiếu tướng Hương phân tích, đây không phải là hành động tự ý, ngẫu nhiên từ các cấp nhỏ phía Trung Quốc. “Những tính toán chiến lược của Trung Quốc trong chuyện ngang ngược quấy phá vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như thế nào thì nhiều người đã nói.
Trong mọi việc họ chỉ muốn kéo lợi về phía họ, còn lợi ích của các nước khác như thế nào thì họ làm ngơ. Đó là bản chất của tư tưởng bành trướng. Họ đang cố tình lừa dối nhân dân thế giới. Diễn biến tại Biển Đông trong hơn một tháng qua càng cho thấy điều này”.
Theo tướng Hương, Trung Quốc gây hấn tại Biển Đông trong thời gian qua không phải là hành động nhất thời mà là thăm dò mang tính chiến lược: lấn từng bước, biến vùng tranh chấp thành của họ, biến vùng chủ quyền của ta thành vùng có tranh chấp. “Tuy nhiên họ chưa dám trắng trợn vì tình hình quốc tế hiện nay không phải muốn làm gì thì làm”, tướng Hương nhấn mạnh.
“Chúng ta đã xử lý vấn đề thận trọng, hợp lý. Khi họ gây hấn nhưng chúng ta mới chỉ sử dụng biện pháp phi quân sự chứ không sử dụng biện pháp quân sự”.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Cũng theo Tướng Huỳnh Đắc Hương, sự việc phía Trung Quốc gây hấn với các tàu Bình Minh 02, Viking 2 của PVN và liên tiếp có những hành động đe dọa các tàu của ngư dân Việt Nam ngoài khơi thực chất là hoạt động mang tính quân sự.
“Trước những hành động của Trung Quốc, ta mềm mỏng ứng xử để tránh xung đột quân sự nhưng về chiến lược thì chúng ta phải kiên định. Chúng ta phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (SN 1922), nguyên : Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (1972 - 1975), Phó Chính ủy Quân khu Tây Bắc (1968 - 1971), Phó Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên (1965 - 1967), Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị (1958). Ngoài ra ông còn 2 lần giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (1975 - 1978 và 1984 - 1990). Ông cũng từng là cố vấn cho các ông Khăm-tày Xi-phăn-đon, Cay-xỏn Phôn-vi-hẳn - 2 lãnh tụ của Cách mạng Lào. |
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ta đánh Mỹ không chỉ ở Sài Gòn mà ta còn chiến đấu ngay trên sân nhà của họ. Đó chính là các cuộc biểu tình của người dân Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam và phản đối ngay chính quyền của họ”.
“Bây giờ mình phải dùng các tài liệu lịch sử để chứng tỏ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và phải biện pháp để những bằng chứng đó ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói.
Tiếp tục phân tích về cách thức xử lý vấn đề Biển Đông, tướng Hương nhấn mạnh, Việt Nam cần tranh thủ triệt để sức mạnh đoàn kết, sự đồng tình trong ASEAN.
Trong khối ASEAN chỉ có một số nước có lợi ích trong biển Đông nhưng bấy lâu nay dường như chưa có sự liên kết giữa các quốc gia có liên quan, mà mới chỉ dừng lại ở những hành động nhỏ lẻ không gây được sức ép lớn lên phía Trung Quốc.
“Chúng ta phải tranh thủ sự đồng tình từ các nước khác trên thế giới. Tôi nghĩ các nước khác sẵn sàng bảo vệ Việt Nam nhưng họ vẫn chưa lên tiếng là vì họ chưa hiểu được hết các vấn đề. Và chúng ta nên có trách nhiệmkhiến họ hiểu hơn về điều này.
Nhiều bạn bè quốc tế rất muốn phát biểu về tình hình của biển Đông nhưng họ chưa có hiểu biết tường tận về việc cha ông ta đã thực thi chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại tuyên truyền rầm rộ về chủ quyền với 2 quần đảo này.
Thời điểm này, chúng ta phải đẩy mạnh công khai các tài liệu, chứng cứ lịch sử, dịch ra 5 - 7 thứ tiếng để cho nhân dân thế giới họ hiểu rằng chúng ta là chính nghĩa, các hành động gây hấn của Trung Quốc là phi nghĩa. Có như vậy thì Trung Quốc không thể tiếp tục lừa dối nhân dân thế giới và họ cũng phải chùn chân lại thôi”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh – nguyên Phó Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ tổng tham mưu dành nhiều thời gian phân tích về đường lưỡi bò và cách ứng xử của Việt Nam trước tình hình vừa qua với Trung Quốc
Tướng Nguyễn Văn Ninh nhấn mạnh: “Trước tiên, phải yêu cầu phía Trung Quốc đình chỉ ngay lập tức các hành động gây hấn nói trên. Trung Quốc phải tuân thủ các luật biển quốc tế 1982 và theo cách ứng xử ở biển Đông giữa Trung Quốc và các nước ASEAN mà Trung Quốc đã cam kết. Trung Quốc phải cùng các bên có liên quan thảo luận, giải quyết mọi vấn đề chưa thống nhất bằng đàm phán và bàn bạc và khối ASEAN phải thảo ra bản quy tắc ứng xử càng nhanh càng tốt”.
Vị tướng được coi là chuyên gia Trung Quốc tại Việt Nam này nói, điều quan trọng là Trung Quốc phải thực hiện nhất quán, hành động đi đôi với lời nói, giữ gìn hòa bình biển Đông cũng như khu vực Đông Nam Á.
“Nhân dân Việt Nam phản đối. Dư luận thế giới bày tỏ sự quan ngại trước những hành động của Trung Quốc. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh nhưng cũng rất kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Tôi tin rằng nhân dân Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng. Nhưng tôi nhắc lại: ưu tiên của chúng ta lúc này là đàm phán một cách hòa bình”, tướng Ninh nhận định.
Tuệ Minh (ghi)