Trong lúc cả nước hướng về Biển Đông bao la của Tổ quốc, cùng nhau đóng góp sức lực, trí tuệ để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt xung quanh vấn đề nóng bỏng này…
Nguyễn Trần Bạt |
Biển Đông là vấn đề lâu dài
Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về tình hình tàu Trung Quốc gây rối xâm phạm Biển Đông trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện nay?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề chiến lược phát triển của nước CHND Trung Hoa mà phát triển chính trị là chính. Cho nên phải xem vấn đề Biển Đông là vấn đề lâu dài, với một khát vọng không bao giờ có thể thay đổi của họ. Không một ai, không một lực lượng nào trên thế giới này có thể khuyên người Trung Quốc từ bỏ tham vọng ấy. Chỉ có những lực lượng đủ sức mạnh để ngăn chặn được chứ không có bất kỳ sự khôn khéo nào có thể làm cho người Trung Quốc thức tỉnh và từ bỏ tham vọng Biển Đông.
Phóng viên: Nhưng Trung Quốc vẫn có biển để tiến thẳng ra Thái Bình Dương qua biển Hoàng Hải cơ mà, tại sao họ vẫn tranh chấp ở Biển Đông để tạo ra một hình ảnh xấu như vậy, thưa ông?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi đã ngồi hàng trăm giờ trước bản đồ khu vực để nghiên cứu và nhận ra rằng, Biển Đông có ưu thế chiến lược quân sự lớn hơn nhiều so với các vùng biển khác có liên quan tới Trung Quốc. Cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta, những người Việt Nam, những người Đông Nam Á phải ghi nhớ rằng không có ai trên thế giới này có thể thuyết phục người Trung Hoa từ bỏ tham vọng biển Đông và phải chuẩn bị một thái độ, một lực lượng, một triết lý giải quyết vấn đề Biển Đông lâu dài hơn nhiều.
Phóng viên: Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Nếu như “đường lưỡi bò” ấy được hiện thực hóa thì tác hại đối với Việt Nam và khu vực là như thế nào, thưa ông?
Nguyễn Trần Bạt: Nếu vấn đề đường lưỡi bò thành công trên thực tế nghĩa là cả khu vực này chui vào một cái rọ và cả khu vực này sẽ ngừng phát triển một cách toàn diện trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là khía cạnh quốc phòng, tức là liên quan đến khái niệm độc lập dân tộc của tất cả các quốc gia trong khu vực. Với riêng Việt Nam thì điều đó có nghĩa là chúng ta bị đóng cửa, đất nước chúng ta bị nhốt, dân tộc chúng ta bị nhốt, chúng ta không có lối nào để ra cả. Chúng ta là một đất nước mặt tiền, một đất nước mở. Sức sống của đất nước chúng ta là mở. Trước đây nền chính trị của chúng ta hình thành theo trục Bắc-Nam, người Pháp chia đất nước của chúng ta theo trục Bắc-Nam và chúng ta tưởng rằng vấn đề chính trị cơ bản của chúng ta là vấn đề Bắc-Nam, nhưng không phải. Vấn đề chính trị lâu dài của đất nước chúng ta là vấn đề Đông-Tây. Tức là hướng ra Biển Đông, hướng ra thế giới.
Vấn đề có tính toàn cầu
Phóng viên: Theo ông phân tích về sự sống còn đối với cả Đông Nam Á thì phải chăng vấn đề phải giải quyết đa phương?
Nguyễn Trần Bạt: Trong giải quyết vấn đề Biển Đông, theo quan điểm của tôi, phương pháp song phương không có bất kỳ một chút giá trị nào. Bởi vì không có một đối tượng đơn lẻ nào có thể thuyết phục người Trung Hoa từ bỏ tham vọng Biển Đông. Dứt khoát phải sử dụng phương thức đa phương, mà phương thức đa phương chỉ trở thành hiện thực chừng nào tất cả các quốc gia khu vực nhận ra cái triết lý cơ bản của vấn đề này. Vì thế nhiệm vụ của những cơ quan truyền thông như Báo Công lý không phải là lên tiếng ủng hộ giải pháp này, giải pháp kia mà là nhận thức giá trị hay bản chất chiến lược của vấn đề Biển Đông để làm thức tỉnh, làm đồng thuận sự nhận thức của khu vực.
Vấn đề Biển Đông là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ là vấn đề khu vực, nhưng bước một của nó là bước khu vực hóa. Sự liên kết khu vực chính là bước đầu tiên của việc khu vực hóa vấn đề Biển Đông.
Phóng viên: Nhìn trong toàn cảnh thế giới, nếu Trung Quốc chiếm được Biển Đông thì sẽ như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Trung Quốc nhốt chúng ta, nhốt khu vực này vào một cái vũng, nhưng nguy cơ thì không chỉ đến với các nước bị nhốt mà nguy cơ là Trung Quốc sẽ trở thành một lực lượng thao túng thế giới. Đó là nền tảng đầu tiên, là bước một của cuộc chiến tranh lạnh toàn cầu, phát triển theo trục Đông-Tây nhưng tụt xuống phía Nam bán cầu.
Nhận thức của người dân
Phóng viên: Theo ông, điều căn bản để có thể ngăn ngừa nguy cơ đó là gì?
Nguyễn Trần Bạt: Nhân loại đã lầm lũi đi từ nửa cuối thế kỷ XX đến giờ để đạt được một trạng thái văn minh mới, đó là nền văn minh thương lượng. Bởi vì sự tồn tại và phát triển của mỗi một quốc gia là lệ thuộc vào nhau, thông qua thương mại, thông qua giao lưu kỹ thuật, thông qua giao lưu nghệ thuật và nhiều loại giao lưu khác. Và vì thế toàn cầu hóa đã trở thành một thuộc tính mang chất lượng thời đại.
Nếu nhân loại từ chối hàng hóa Trung Quốc thì nền thương mại của Trung Quốc nguy ngay, và như thế thì Trung Quốc không có cơ hội để tạo ra cái gọi là quân đội có thể khống chế thế giới. Mà ngay cả khi họ có rồi thì chỉ sau một trận đánh là họ lại lệ thuộc vào quá trình giao lưu có chất lượng văn minh thương lượng như vậy.
Nếu chúng ta đủ tư cách và đủ dũng khí để đứng vững một cách độc lập, người Trung Quốc không làm gì được chúng ta. Không có lý do gì để người Trung Quốc mang quân đánh chúng ta. Chỉ ít phút sau khi Trung Quốc mang quân thôn tính đất nước chúng ta là chúng ta trở thành cái rốn của sự chú ý quốc tế, trở thành nơi tiếp nhận viện trợ của thế giới, bất kể là quốc gia nào. Bởi vì trước việc giải thoát chúng ta ra khỏi một lực lượng là nguy cơ toàn cầu thì nhân loại không tiếc tiền.
Phóng viên: Những hành động vừa qua cho thấy dường như họ đang từng bước thực hiện tham vọng, bất chấp sự phản đối?
Nguyễn Trần Bạt: Trung Quốc là một dân tộc thực dụng. Người Trung Quốc còn thực dụng hơn cả người Mỹ. Người Mỹ chỉ thực dụng về mặt tài chính chứ người Trung Quốc thì thực dụng về đủ mọi thứ. Nếu như chúng ta đứng vững thì họ phải tìm cách khác. Nếu cách khác cũng không giải quyết được thì họ tìm khu vực khác. Nếu cả khu vực khác cũng không giải quyết được thì bấy giờ người Trung Quốc mới đi tìm một lối sống mới để chung sống với phần còn lại của nhân loại. Cho nên phải nói rằng xét về mặt tiến bộ xã hội thì sự kiên định của những dân tộc nho nhỏ như chúng ta chính là cứu một tương lai tiêu cực của người Trung Quốc.
Phóng viên: Nhận thức được như vậy, chúng ta sẽ tỉnh táo và bình tĩnh hơn trong việc bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Theo ông, chúng ta nên làm gì để nâng cao nhận thức cho người dân?
Nguyễn Trần Bạt: Có thể thấy rằng làm cho nhân dân chúng ta nhận thức bằng được vấn đề Biển Đông là một công việc chiến lược. Ví dụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam nên xây dựng một quĩ để nghiên cứu một cách đầy đủ cơ sở pháp lý của các quyền sở hữu trên các vùng lãnh thổ thuộc Biển Đông để làm căn cứ đối mặt với Trung Quốc trong các quan hệ pháp lý có chất lượng quốc tế. Hiện nay tất cả những nhà nghiên cứu về Biển Đông theo phương diện pháp lý, những nhà nghiên cứu theo phương diện lịch sử, những nhà nghiên cứu địa vị chính trị của vấn đề Biển Đông chưa tập hợp được với nhau.
Giới Luật sư và Luật gia Việt Nam có thể lập quỹ để mua thông tin, mua các ấn phẩm, các bản copy những tài liệu nằm rải rác trong tất cả các thư viện trên thế giới để tìm ra những bằng chứng pháp lý, để tổ chức nghiên cứu pháp luật hiện hành của Việt Nam, nghiên cứu các công ước có chất lượng quốc tế và các hệ thống tiền lệ án mà thế giới đã xử. Chúng ta có thể thuê chuyên gia trong nước, chuyên gia ngoài nước, thuê các luật sư thứ thiệt soạn thảo ra các kịch bản cơ bản và cách đối phó cơ bản.
Phóng viên: Tức là hiện nay chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ lý lẽ?
Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta chưa chuẩn bị đủ cho nên các quan điểm của chúng ta nhiều khi trở nên rời rạc. Muốn thế thì phải nghiên cứu, phải cập nhật. Đấy là tôi mới nói khía cạnh pháp luật, và không phải chỉ có pháp luật hiện hành mà còn cả pháp luật trong quá khứ. Hiệp ước Pháp-Thanh chẳng hạn, đã có người Việt Nam nào đọc kỹ nó chưa và ai chịu trách nhiệm phổ biến cái trí tuệ ấy đến nhân dân, để làm cho xã hội đồng thuận với Chính phủ hay với các tổ chức như Liên đoàn Luật sư về những khái niệm có liên quan chưa?
Khía cạnh thứ hai là khía cạnh lịch sử. Báo chí của chúng ta thỉnh thoảng vẫn đưa tin là vừa tìm thấy bản sắc phong của vua này, vua kia cho quan chức trấn thủ Hoàng Sa, Trường Sa… nhưng tiếc rằng tất cả những cái như thế lại không nằm trong một hệ thống các quan điểm lịch sử, các tư liệu lịch sử để có thể thuyết phục xã hội. Công tác nghiên cứu lịch sử của chúng ta không đủ để có thể mô tả rõ lịch trình phát triển của dân tộc chúng ta trong tổng thể. Ngay trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa chúng ta cũng không có những tư liệu xác đáng, bởi vì có hiện tượng triều đại nọ phủ nhận triều đại kia. Vì thế khi chúng ta cần bảo vệ dân tộc của chúng ta thì chúng ta lúng túng.
Hợp tác quốc tế
Phóng viên: Nếu nói một cách ngắn gọn nhất quan điểm của ông về vấn đề này, ông sẽ nói thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Biển Đông và “đường lưỡi bò” không phải là nguy cơ của riêng Đông Nam Á, của riêng Việt Nam mà nó còn là nguy cơ toàn cầu. Như vậy, lối thoát để chúng ta giải quyết vấn đề Biển Đông không chỉ nằm trong khu vực mà còn nằm trong cả cộng đồng quốc tế.
Kiên trì việc tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của người Việt cũng là một cách. Nhân loại cũng chưa thức được đầy đủ sự ương bướng của người Việt trong việc tuyên bố chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa như là một giải pháp để hạn chế hay ngăn cản tham vọng của Trung Quốc về đường lưỡi bò. Đấy là cống hiến của người Việt.
Toàn dân tộc Việt Nam, mỗi một lực lượng, mỗi thế hệ phải chín chắn, phải rất tỉnh táo để tìm ra giải pháp đỡ thất thiệt nhất, nhưng quan trọng nhất là phải thống nhất thành một khối trong những vấn đề có giá trị chiến lược như Biển Đông.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo Doanh nhân 360