Từ đầu năm đến nay, Tổng thống Benigno Aquino III đã hơn chục lần công khai nói về vấn đề Biển Đông, về những cuộc va chạm giữa Philippines và Trung Quốc ở vùng biển này cũng như lập trường của Manila đối với một số vùng biển đảo tranh chấp. Ông còn công bố quyết định chi gần 12 tỉ peso (tức khoảng 280 triệu USD) để tăng cường vũ khí bảo vệ lợi ích Philippines ở Biển Đông.
Những phát biểu của ông Aquino, lúc mềm mại, lúc cương quyết, nhưng nói chung đều nằm trong lập trường chủ quyền Philippines là không nhượng bộ đối với các vùng biển đảo mà họ tuyên bố chủ quyền, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình là ưu tiến số 1… Các trợ lý của ông Aquino như Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao… cũng như các vị chủ chốt ở nghị viện cũng liên tục lên tiếng.
Trong khi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là cực kỳ phức tạp và một vài tuyên bố của nguyên thủ cũng chả giải quyết được gì nhiều, thì việc ông Aquino III thường xuyên lên tiếng cho thấy ông đang “sống” cùng người dân nước mình. Tâm tư, tình cảm, những nỗi bức xúc về chủ quyền đất nước của thần dân luôn được người đứng đầu đất nước chia sẻ, bằng những thông điệp được đưa ra đúng lúc. Người dân qua đó sẽ thấy rằng lãnh đạo cũng có suy nghĩ như họ, đang đồng hành cùng họ. Lãnh đạo thực sự là CỦA họ. Những nghi kỵ nhằm vào lãnh đạo vì thế ít có cơ hội nảy nở, lây lan. Có thể nói, tuyên bố của người đứng đầu cực kỳ quan trọng và không chỉ nhằm mục đích đối ngoại.
Ở Việt Nam, từ khi các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông leo thang trong thời gian gần đây, người có chức vụ cao nhất lên tiếng có lẽ là bà Phương Nga – người phát ngôn Bộ Ngoại giao – hàm vụ trưởng (mà ở nước ta thì chắc phải có đến mấy trăm vụ trưởng!). Còn lại tất cả mấy vị ở BCT đều không thấy nói gì, thậm chí những tuyên bố chung chung (như hồi trước), chẳng hạn “giữ từng tấc đất, tấc biển của cha ông”… cũng không xuất hiện.
Không thể suy diễn rằng việc ông Aquino và thuộc cấp nói nhiều chứng tỏ chính phủ của ông làm nhiều hơn giới lãnh đạo Việt Nam. Cũng không thể kết luận rằng cái cách phát ngôn liên tục của giới lãnh đạo Philippines có hiệu quả cụ thể về ngoại giao hơn phương cách âm thầm và lặng lẽ của chính quyền Việt Nam. Trong những ngày qua và ngay lúc này, có thể các lãnh đạo cao nhất Việt Nam đang chạy toát mồ hôi, suy nghĩ nát cả đầu và họp lên họp xuống để tìm phương cách tốt nhất bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân. Nhưng họ không muốn chia sẻ với người dân, và như một hệ quả, người dân không hề biết điều đó. Sự bức xúc của người dân vì thế càng có lý do để dâng lên. Người dân thấy rằng chỉ có họ mới quan tâm tới chủ quyền, còn lãnh đạo thì không. Bằng chứng là lãnh đạo “im re” đấy thôi. Người dân thấy rằng lãnh đạo không sống cùng họ, không đồng hành cùng họ.
Từ bức xúc, uất ức, người dân đâm ra nghi ngờ. Những ý kiến kiểu như “chính quyền nhu nhược!”, “chính quyền đang thỏa hiệp?”… trở nên ngày một phổ biến hơn. Khoảng cách giữa chính phủ và người dân, vì thế, ngày một doãng ra (em rất ghét từ doãng này, vì nó rất lạ, nhưng bác Sáu Phong từng dùng).
Có thể “âm thầm lặng lẽ” là một đặc trưng của chính thể này, cũng có thể mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc đòi hỏi lãnh đạo cấp cao phải giấu kín cảm xúc, không huỵt toẹt như Philippines được. Có thể cách làm việc này từng phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, tôi e rằng giờ đây phương cách này cần phải được điều chỉnh. Một chính quyền đối ngoại khôn ngoan cỡ nào mà bất lực trong “đối ngoại với nhân dân” thì cũng là một chính quyền thất bại. Khi nhân dân không hiểu chính quyền, thì chính quyền thực sự đã đánh mất chỗ dựa lớn nhất của mình rồi. Mà không có chỗ dựa nhân dân, không có sức mạnh nhân dân thì làm sao đối ngoại với mấy gã cơ bắp cuồn cuộn nổi!