MỘT TRĂM NĂM TRƯỚC, NGÀY NÀY, BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Từ sự ra đi của Bác nghĩ tới trách nhiệm thế hệ trẻ
Giới trẻ ngày nay phải làm chủ được tri thức hiện đại, biết đau với nỗi đau của đất nước, biết lo nỗi lo chung của đất nước…
Với một tình yêu nước cháy bỏng, khi rời khỏi nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xác định rằng ra đi là “sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Suốt gần ba thập niên sống và làm việc ở nước ngoài nhưng, về ý thức, Người không hề xa tổ quốc. Tinh thần ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị to lớn, nhất là đối với trí thức trẻ trong thời đại ngày nay.
Đây là một trong những nội dung đã được làm sáng tỏ tại Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước” tổ chức tại TP.HCM hôm 31-5.
Rời khỏi nước là để về cứu nước
Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Hoàng Linh, Phó Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, cho biết nhiều học giả nước ngoài có những nhận định sâu sắc về cuộc hành trình đầy gian lao nhưng vĩ đại của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, cuộc hành trình đã làm thay đổi cả diện mạo của dân tộc Việt Nam. Lý giải cho câu hỏi: “Tại sao Nguyễn Tất Thành lại quyết định rời đất nước?”, nhà ngoại giao William J. Duiker, GS sử học ĐH Penn State, viết: “Không nghi ngờ gì khi rời Sài Gòn tháng 6-1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn nhận thức được những bất công mà đất nước mình đang phải gánh chịu và trong nước chưa có lời giải. Biết đâu anh có thể kiếm được những lời giải đó trong cuộc hành trình của mình”.
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Trưởng ban tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa cũng nhìn nhận đó là một quyết định táo bạo của chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành lúc đó. “Một thân một mình với hai bàn tay trắng bước chân xuống tàu vượt qua các hải cảng, đại dương, chấp nhận mọi thử thách gian lao với một đức tin và một nghị lực phi thường”.
Bác Hồ nói chuyện với đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II năm 1956 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu
Và trong cuộc viễn du 30 năm qua 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Năm 1941, Người về nước và đã trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành được những thắng lợi vĩ đại, với mốc son chói ngời là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945…
Trí thức trẻ: Hãy cùng lo nỗi lo chung
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Người cũng căn dặn: Vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, vì sự nghiệp 100 năm trồng người.
Từ việc Bác ra đi tìm đường cứu nước 100 năm trước, nhìn lại sự ra đi học hỏi ở nước ngoài của nhiều bạn trẻ ngày nay, linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, trăn trở: “Trong cả thế kỷ trước, nước Việt Nam nghèo nàn và lạc hậu đã có thể hun đúc một con người ra đi và tin, trông đợi người con ấy về làm cách mạng giải phóng dân tộc. Hôm nay, đất nước phồn thịnh hơn rất nhiều lần, một xã hội hiện đại hơn rất nhiều lần nhưng lại đang đối diện với tình trạng chảy máu chất xám đó đây. Trong số những bạn trẻ xuất ngoại lên máy bay đến những nước xa học tập, ta đón được bao nhiêu đứa con ấy trở về xây dựng và kiến tạo đất nước?”.
Ông Danh cho rằng hơn lúc nào hết, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chúng ta phải quay lại học hỏi nền giáo dục nhân cách và đạo đức của xã hội xưa để giúp cho thế hệ trẻ biết vươn lên với tinh thần, tình cảm và trách nhiệm của mình. Phải làm sao đó để giới trẻ làm chủ được một cách đúng đắn tri thức hiện đại, trở thành những người có đầy đủ tâm và tài, biết đau với nỗi đau của đất nước, biết lo với nỗi lo chung của đất nước. “Tức là phải biết tự xóa đói về thông tin, về trí tuệ, phải biết tự xóa nghèo về nhân cách và đạo đức làm người để thực sự trở thành những công dân tốt nhằm xây dựng đất nước vững mạnh, tiến bộ” - ông nhấn mạnh.
Chinh phục tri thức để phục vụ đất nước Ngày trước, Bác Hồ chỉ có hai bàn tay trắng mà dám dấn thân, vượt qua mọi khó khăn để bôn ba khắp nơi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Điều đó làm tôi vô cùng khâm phục. Bản thân tôi cũng như trí thức trẻ ngày nay cần phải lấy đó làm tấm gương để vượt qua mọi khó khăn của mình, phấn đấu học tập, rèn luyện, chinh phục được đỉnh cao tri thức để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. VÕ THÀNH ĐẠT, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn Tạo điều kiện để trí thức trẻ cống hiến Tôi nghĩ giới trẻ hiện nay không thiếu người có lý tưởng, có tinh thần yêu nước và muốn cống hiến hết mình cho đất nước. Hơn ai hết họ biết nước mình đang gặp khó khăn gì và cần điều gì. Tôi mong Nhà nước cần có cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thế hệ trẻ được phát huy hết khả năng của mình, góp sức đưa Việt Nam ngày càng đi lên, ngày càng giàu mạnh. TRƯƠNG MINH TƯỚC NGUYÊN, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM Đoàn kết để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Điều cần thiết hiện nay là cần phải kết nối truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam một cách xuyên suốt giữa các thế hệ, nhất là ở thế hệ trẻ. Đó chính là động lực, là sức mạnh to lớn để người Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách. Và đó cũng chính là sức mạnh to lớn để chúng ta bảo vệ những thành quả đã có được; bảo vệ chủ quyền, nhất là chủ quyền biển đảo của Việt Nam chúng ta. PHẠM VŨ HOÀNG GIANG, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM |
MINH CƯỜNG