Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

ĐỔI MỚI TƯ DUY LÀ CƠ SỞ CHO ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ


Trí Luận 


Lời dẫn:
Tôi mới đọc được các bài viết rất hay sau đây:
Qua Trang nhà Anh Ba Sàm, tôi đọc được bài viết về Cụ Hồ và Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Nhung-chuyen-it-biet-ve-Truong-Vo-bi-Tran-Quoc-Tuan-1800013/ cùng bài của tác giả Trần Kinh Nghị về quan hệ Mỹ-Trung và Việt Nam http://trankinhnghi.blogspot.com/2011/05/oi-ieu-ve-quan-he-trung-my-co-lien-quan.html#comment-form .
Trên Trang BauxiteVN.Info tôi đọc được bài của bác Tô Hải hoan nghênh lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang về nạn „bầy sâu“ http://boxitvn.blogspot.com/2011/05/thu-ngo-kinh-gui-ai-bieu-quoc-hoi.html .
Trên Trang của bác Nguyễn Trọng Tạo, dưới bài về cố Tổng bí thư Lê Duẩn http://nguyentrongtao.org/2011/05/22/ng%c6%b0%c6%a1%cc%80i-v%c6%a1%cc%a3-mi%e1%bb%81n-nam-cu%cc%89a-c%e1%bb%91-t%e1%bb%95ng-bi-th%c6%b0-le-du%e1%ba%a9n/ có 2 ý kiến hay:
Ý kiến 1: (Trích dẫn): … Còn bài thứ 2 nói về gd TBT thì thật sự tôi chưa được nghe, vì trước đây chưa có Internet, … Vì vậy ngay bây giờ các bậc tinh hoa của đất Việt hãy tỉnh táo trước khi đưa ra một thông tin hay nhận định có tính chất hướng dẫn dư luận. Cảm ơn anh Tạo.
Ý kiến 2: Nếu là tôi thì khi tuổi cao, ốm mệt như anh Ba tôi sẽ về nghỉ với gia đình. Tôi tin là thế hệ sau vẫn có đủ người tài đảm đương trách nhiệm.
Tại đó, tôi cũng có ý kiến ngắn về „Trách nhiệm chính khách“. Vấn đề lý thú là có nhiều ý kiến từ các phản hồi đến các bài viết trên blog đều quan tâm nhìn nhận vai trò và trách nhiệm những người giữ vị trí lãnh đạo. Sự quan tâm đó (đúng ra là sự lao tâm khổ trí của tư duy) là đáng quý và phải được trân trọng. Tôi xin ghi những suy nghĩ của mình sau đây như một sự „tổng quan“ nhỏ, nhưng cũng thể hiện ít nhiều trăn trở của bản thân mong góp suy tư cùng thân hữu.
Hy vọng được trao đổi và học hỏi.

1. Chính trị và chính khách
Chính trị là một đề tài lớn và quan trọng. Trong các xã hội Âu, Mỹ với nền dân chủ đa đảng thì các trường đại học lớn đều có khoa chính trị học riêng biệt và các Giáo sư thường được mời như những chuyên gia để phân tích trên các kênh truyền thông trong các cuộc bầu cử; Họ thường phân tích các phát biểu và hoạt động của các chính khách chuyên nghiệp cũng như các đảng phái với những kiến thức chuyên môn bài bản như những gợi mở cho công luận.
Trong điều kiện thuận lợi của internet ngày nay, có thể tìm biết các khái niệm qua Wikipedia; Nhưng thực sự thì tài liệu nhận được cũng sẽ quá nhiều và đọc để hiểu cũng cần lượng kiến thức nhất định. Với khả năng khiêm tốn, xin tạm đưa ra một khái niệm của Thomas Mayer như cơ sở đơn giản nhất để tiện bàn thảo:
Chính trị là toàn bộ hoạt động để chuẩn bị và ban hành những quyết sách quan hệ đến toàn xã hội và/hoặc hướng tới lợi ích chung phục vụ lợi ích của toàn cộng đồng.
Hiểu ngắn gọn thì có thể nói rằng công việc của các nhà lãnh đạo là đưa ra chính sách bảo đảm cho hoạt động của xã hội thông tiến và đời sống người dân được an toàn và hạnh phúc; Tức là cách quản lý và điều hành hoạt động của toàn xã hội. Tất nhiên, trong khi tìm hiểu vấn đề, ta thường đưa mọi luận lý về dạng đơn giản và dễ hiểu; Thực tế phức tạp hơn khi cần đạt một cái gì cụ thể: Chính sách nào cho chống ùn tắc giao thông? Chính sách nào cho dân bớt đói, giảm nghèo? Chính sách nào để cán bộ, đảng viên có thêm nhà nghỉ mà không phải „tham nhũng“? Etc. Bài viết này thử đặt vấn đề „đổi mới tư duy là cơ sở cho đổi mới chính trị“ để tìm hiểu sâu hơn.
Trước hết, xin dẫn một bức tranh giản tiện.
2. Tri và hành
Quản lý và điều hành thuộc về „làm - 'hành'“. Phàm con người làm gì cũng đặt cơ sở trên/từ TRI: Sự hiểu biết.
Có thể tưởng tượng cảnh một bộ lạc: Người thủ lãnh bao giờ cũng là trang thanh niên tráng kiện nhất, có đủ sức mạnh hoạt động và chỉ gọi các thành viên. Trước một trận săn bắn hay chuyển dịch cư sở, bộ lạc thường có cuộc hội thôn, làng, bản để nghe các cụ già kể lại kinh nghiệm xưa và đưa ra những lời bình xét. Kết quả là toàn thể hay đa phần thành viên bộ lạc hiểu rõ tình hình và người thủ lãnh có thể thống nhất đường hướng. Toàn bộ những cái gọi là „kinh nghiệm, trải nghiệm“ đó, tích góp lại thành vốn tri thức và văn hóa của cộng đồng. Dân tộc Việt có thể tự hào trong nhân loại với nhận thức về giá trị nền văn hiến của mình: „Hiền tài là nguyên khí quốc gia“!
Không biết đến ngọn nguồn văn hóa và tri thức (vô „tri“), mọi hành động (hành) đều dẫn đến sai lầm và thất bại. Lý giải cho điều này cũng giản dị: Một dân tộc có nền văn hiến đáng tự hào như dân tộc Việt Nam, bất kỳ một hành xử nào vô văn hóa đều được nhận diện và khi những người lãnh đạo mà thiếu một tầm nhìn văn hóa (tự để mình sống kiếp „sâu“, thí dụ vậy) thì không thể nào có sự ủng hộ, „chung tay góp sức“ của cộng đồng; mà như vậy thì làm sao mà làm được việc gọi là „ích quốc lợi dân“ như họ mong và hứa hẹn?
[Hình ảnh giản đơn này gợi cho tôi nhớ lại ý tưởng „lý thuyết phát triển“; Nhưng đó lại là một đề tài khác, dài hơn.]
3. Học và làm
„Tri và hành“ nói chung chung thì không mang lại gì nhiều. Xin bàn thêm về cách học Cụ Hồ.
Cụ Hồ là đại diện cho văn hóa và trí tuệ Việt Nam. Bài thượng dẫn về „Trường võ bị Trần Quốc Tuấn“ cho một tư liệu quý về tư tưởng của Cụ: „Trung với Nước, hiếu với Dân“ – Xoáy vào điều dạy đó cũng đã sáng ra nhiều lẽ. Nhưng ở Cụ Hồ, bản thân tôi nhớ một kỷ niệm: Khi cụ mất, thanh niên chúng tôi được nghe một vị khá gần gũi Cụ nói về „Thời đại Hồ Chí Minh“ (Bài nói dài khoảng 6 tiếng). Câu nói đáng ghi nhớ là: Di sản quan trọng nhất của Bác là đã tạo ra được một đội ngũ biết làm việc vì sự nghiệp chung… (Ghi theo trí nhớ).
Tại sao tôi cho đây là điều quan trọng?
Giáo lý Bụt-đà, cũng đã thành một phần quan trọng của văn hóa Việt, dạy người học cần đạt 3 mức: Cao nhất là „vô úy“ (không sợ hãi), thứ đến là biết „pháp“ (phương cách, tri thức) và cuối cùng là tính con người trong „tài thí“ (cung giúp nhau vật chất). (Nhân dân thấm giáo lý này để đặt thành phương ngôn: „Cho nhau vàng khối không bằng trỏ lối làm ăn“; Và tôi cũng tán thán ý kiến thứ 2 trên Trang bác Tạo với ghi chú thêm rằng: Chỉ ra cho đội ngũ sau cách làm và tin tưởng họ cũng phải có tâm và tầm của Cụ Hồ!). Cụ Hồ đã đem về lại cho Dân tộc niềm „vô uý“ có tự ngàn xưa trước những kẻ xâm lăng. Cụ nói dứt khoát không „làm vệ tinh“ cho nước nào là thể hiện tinh thần tự cường, tự tin cao lắm. Còn cách thức làm ăn thì, tôi nhớ lời của Trung tướng Đặng Quốc Bảo về „chủ nghĩa xã hội“: Bác có chỉ đâu mà ta nói rằng „theo“?...
Cụ Hồ cao linh mà gần gũi; Học Cụ để làm vì Dân và Nước chẳng lẽ lại là việc còn quá khó?
4. „Đổi mới“ thế nào?
Bác Tô Hải có viết lại lời ông Lê Hiếu Đằng: „Đổi mới“ vừa qua là „không tự giác“. Tôi đồng ý nhận định đó, nhưng cũng nghĩ rằng đã có chút „giác“ trong đó. Lý do là đọc tài liệu thì biết rằng mở đầu cho đổi mới là tư duy nhìn nhận những thông tin từ cơ sở và phát động (tháo gỡ) cho cơ sở chủ động và mạnh dạn phát huy tính năng động, sáng tạo. Đó là một xu hướng tiến tới „dân làm chủ“. Nhưng tại sao sau cái đận „đổi mới hay là chết“ đó thì lại „leo ra leo vào“ như trên cành cụt?
Cơ-Linh tương tác nhưng cũng tương ứng: Cơ cấu toàn trị thì bao giờ cũng đẻ ra và nuôi duỡng cái „linh hồn“ duy ý chí; Và như thế không thể đi tiếp con đường dân chủ hóa như một đòi hỏi của thời đại.
Tại sao nói „dân chủ hóa“ là „yêu cầu thời đại“?
Lại xin trở về với đại danh mà Vietnam.net nêu lên: Trần Quốc Tuấn!
Đức Thánh Trần là Anh hùng và đại Trí thức; Người di chúc lại trước khi mất: Nương sức Dân làm kế rễ sâu gốc bền!
Lời Di chúc của Người vạch rõ: Hai thời („chiến“ và „bình“) có hai kế sách; Mà muốn có kế sách cho thích hợp thì phải thay đổi tư duy. „Dân chủ hóa“ là đường lối chính trị hợp thời đại nhưng cũng dựa trên tinh thần văn hiến Việt Nam.
Tạm kết
Tôi đã viết lời chia sẻ sau bài trên Trang nhà của tác giả Trần Kinh Nghi; Xin ghi lại như lời kết:
Vận mệnh quốc gia luôn gắn liền với an ninh chủ quyền Đất nước và cố kết nội lực Dân tộc. Câu nói “đi (làm bạn) với Mỹ thì còn Nước, đi với Tàu thì còn đảng” có từ lâu; Vế thứ nhất có thể được khẳng định, trong khi vế thứ 2 đang bị phủ nhận: Không có gì rời xa Dân tộc và Đất nước mà “còn” (tồn tại) được. Dân tộc ta cảnh giác với bành trướng Tàu suốt chiều dài lịch sử. Ngày xưa, các vị vua anh minh như Trần Thái tông có rời vị đi tu cũng lên Yên Tử để coi động tĩnh ngoại bang. Ngày nay, cả một đội ngũ trí thức với tâm lực và trí lực của mình luôn đau đáu dõi soi vận thế qua phương tiện nhạy cảm của thời đại là internet và luôn cảnh tỉnh quốc dân và những người lãnh đạo. Đó là lương tâm và trách nhiệm “kẻ sỹ”.
Sự thực thì “leo dây” mà có kết quả cũng do TRÍ và LỰC. “Trí” không gì khác là kết quả quy tụ “nguyên khí quốc gia”; “Lực” không gì ngoài tinh thần cố kết Dân tộc. Các nước khác dùng được phép “leo dây” hay “liên minh” đều là do đảng cầm quyền của họ bám được và dựa vào Nhân dân toàn nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam làm như thế thì sẽ có được hậu thuẫn cho việc làm của mình.


Theo: http://danluan.org/