Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc:
Trung Quốc đã tự làm xấu mình
Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” ở biển Đông không hề căn cứ vào bất cứ dữ kiện xác đáng nào của lịch sử cũng như căn cứ nào của luật pháp quốc tế.
Trước vụ tàu hải giám của Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhiều chuyên gia nghiên cứu biển Đông đã tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự leo thang nghiêm trọng này. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ông Phúc nhấn mạnh: “Từ việc khăng khăng đưa ra “đường lưỡi bò” thâu tóm gần hết biển Đông, rồi lệnh cấm bắt cá với các hành động đuổi tàu, bắt tàu, thậm chí bắn tàu ngư dân Việt Nam, đến hành động trực diện xâm phạm lãnh hải Việt Nam sáng 26-5 đã chứng tỏ Trung Quốc không muốn từ bỏ sự bất hợp lý, bất hợp pháp, tiếp tục đi ngược lại hoàn toàn luật pháp quốc tế và những cam kết ứng xử mà bản thân họ đã tuyên bố và rao giảng
Trắng trợn và ngang ngược
Nhiều người đánh giá sự kiện tàu Bình Minh 02 thể hiện sự leo thang trong hành động khiêu khích, làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông của phía Trung Quốc. Ông có thể phân tích rõ thêm điều này?”.
+ Chúng ta có lẽ chưa bao giờ quên, trong lịch sử, Trung Quốc đã không ít lần đi ngược lại với luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp có liên quan đến biển Đông. Trong đó đặc biệt là vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đỉnh điểm của tranh chấp này là Trung Quốc đã dùng vũ lực tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Đây là hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, đi ngược lại quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc (Điều 2 khoản IV) quy định rất rõ rằng không được dùng vũ lực tấn công một quốc gia có chủ quyền. Sự vi phạm đó là không thể chối bỏ!
Từ đó đến nay, không phải Trung Quốc không có những hành động khiêu khích đối với vấn đề biển Đông. Họ vẫn luôn coi biển Đông là “ao nhà” của họ và không bao giờ từ bỏ tham vọng của mình khi đưa ra luận điểm biển Đông là của Trung Quốc. Vấn đề còn lại là tham vọng đó thể hiện như thế nào, lúc nào, ở đâu, bằng biện pháp gì, tùy thuộc vào tương quan trong quan hệ với Việt Nam mà thôi.
Tàu hải giám Trung Quốc mang số hiệu 84 vi phạm vùng biển của Việt Nam. Ảnh :TTXVN |
Vậy theo ông, căn cứ cho việc Trung Quốc trắng trợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam có phải là họ dựa vào “đường lưỡi bò” mà luật pháp quốc tế chưa bao giờ thừa nhận?
+ Ai cũng thấy rằng Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò” ở biển Đông không hề căn cứ vào bất cứ dữ kiện xác đáng nào của lịch sử cũng như căn cứ nào của luật pháp quốc tế. Và cứ như thế họ xem “đường lưỡi bò” là “khung lãnh hải” đương nhiên của Trung Quốc ở biển Đông. Bất cứ hành động nào, dù là các quốc gia đang thực thi chủ quyền hợp pháp của mình trên biển Đông, xâm phạm vào đó thì đều bị họ cho là xâm phạm chủ quyền của họ. Đây là tuyên bố ngang ngược nhất từ đầu thế kỷ 21 đến nay trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Đó cũng có lẽ là căn cứ lớn nhất để họ trắng trợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam trong vụ tàu Bình Minh 02.
Sự thất bại của Trung Quốc trước dư luận quốc tế
Đứng về phương diện ngoại giao hai bên lẫn thể diện quốc gia trên trường quốc tế, theo nhìn nhận của ông, hành động tàu hải giám Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã gây ra hậu quả gì?
+ Tôi nghĩ đây là thất bại của Trung Quốc! Hành động ấy không mang lại sự tốt đẹp nào cho Trung Quốc, nhất là khi đứng trước dư luận quốc tế. Đây là hành vi ngang ngược xé toạc Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, xé toạc Công ước quốc tế về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải.
Lịch sử đã cho thấy chọn lựa cách ứng xử trước Trung Quốc là vấn đề không đơn giản, thưa ông?
+ Dân tộc ta có truyền thống hòa bình, hữu nghị. Chúng ta luôn giữ sự tôn trọng, nhân nhượng vì mong muốn hòa bình, hữu nghị cùng phát triển. Chúng ta luôn mong muốn giải quyết các vấn đề tranh chấp một cách hợp lý, đúng sự thật lịch sử và đúng luật pháp quốc tế.
Hơn ai hết, Trung Quốc phải hiểu rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được luật pháp quốc tế công nhận. Bản thân chúng ta cũng luôn giữ gìn điều ấy như là sự tối thượng.
Chúng ta có thể nhờ sự can thiệp luật pháp quốc tế là hướng đi hợp lý. Nhưng có lẽ quan trọng hơn hết chính là phát triển nội lực, giữ gìn sự đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, với đường lối đúng đắn của Nhà nước và bước đi của Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế thì mới giải quyết được vấn đề.
Bài học lịch sử cho thấy dân tộc ta vượt qua bao thử thách to lớn chính là ở sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và cả thời đại. Truyền thống lịch sử cũng đã chứng minh: Chính nghĩa, lẽ phải luôn đứng về phía Việt Nam. Việt Nam là một dân tộc không dễ bị bắt nạt!
Hơn bao giờ hết, trong lúc này mọi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước hãy cùng đồng thuận trong việc bảo vệ chủ quyền của quốc gia Việt Nam. Nếu không đồng thuận thì Tân Cương, Tây Tạng sẽ là một hình ảnh không xa đối với dân tộc Việt Nam!
Xin cảm ơn ông.
MINH CƯỜNG thực hiện.
Bài đã đăng trên Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh.Trên đây là bản gốc do nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi Nguyễn Xuân Diện-blog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!