Thất bại dưới tay Medgoen Singsurat (17/9/1999). Pacquiao khi đó mới 21 tuổi và mới đấu trận thứ ba ở nước ngoài khi gặp Singsurat trong trận tranh đai WBC hạng ruồi. Võ sĩ Philippines khi đó gặp rắc rối ngay từ khi trận đấu chưa diễn ra với việc anh không kịp đáp ứng giới hạn dưới 51kg ở hang cận này. Trận đấu sau đó vẫn diễn ra, nhưng nếu Pacquiao thắng, đai WBC sẽ được để trống chủ, chứ không trao cho anh. Còn nếu Singsurat thắng, anh này sẽ giữ đai.
Trong tâm trạng ức chế, Pacquiao đánh rất tồi khác hẳn với hình ảnh một võ sĩ ra đòn nhanh và tấn công dồn dập quen thuộc. Sau 3 hiệp đấu, anh bị hạ knock-out vì một cú đấm thuận tay của Singsurat. Thất bại này khiến võ sĩ trẻ Philippines quyết định chuyển lên hai hạng cân - quyết định được cho là bước ngoặt, mở ra chương huy hoàng trong sự nghiệp của Pacquiao. Anh đấu trận tiếp theo và đoạt chức vô địch thế giới thứ hai tháng 6/2001 ở hạng siêu gà (super-bantamweight, từ 53,5 đến 55,3 kg) sau khi thắng thuyết phục Lehlo Ledwaba.
Chiến thắng trước Lehlo Ledwaba (23/6/2001). Ledwaba được đánh giá rất cao trước trận tranh đai IBF hạng bán lông (junior featherweight - từ 53,5 đến 55,3 kg) với đối thủ là người thắng trong cặp đấu giữa Oscar De La Hoya - Javier Castillejo. Tuy nhiên, khi đối thủ rút lui, Pacquiao, lúc này còn là một võ sĩ vô danh ở Mỹ, được chọn thay thế, đấu với Ledwaba.
Trận hạ knock-out Ledwaba (phải) mở ra một trang mới, huy hoàng trong sự nghiệp quyền anh của Pacquiao. Ảnh: Boxrec. |
Freddie Roach, lúc ấy mới nhận Pacquiao làm học trò, hôm đó đã nói với những người có mạt ở võ đài Las Vegas hãy để mắt tới "gà" mới của ông và nhấn mạnh rằng võ sĩ ít tên tuổi người Philippines sẽ gây ấn tượng. Thực tế diễn ra đúng như vậy, Pacquiao áp đảo và hạ Ledwaba bằng knock-out kỹ thuật ở hiệp thứ sáu.
Chiến thắng trước David Diaz (28/6/2008). Màn so găng này cũng được Roach nhận định là một bước ngoặt quan trọng tới sự nghiệp của Pacquiao. Lần đầu tiên, Pacquao chuyển lên đánh hạng nhẹ (lightweight - từ 59 đến 61 kg) và cũng là lần đầu đầu tiên, anh đấu với một đối thủ to con hơn.
Nhưng rất nhanh chóng, Pacquiao dẹp bỏ những lo ngại về tương quan giữa tầm vóc và hình thể so với đối thủ. Anh phát huy tối đa ưu thế về tốc độ, sự khôn khéo trong các pha di chuyển cùng những đòn đánh nhanh như chớp để hạ gục Diaz bằng knock-out kỹ thuật ở hiệp đầu thứ 9. Lối đánh này về sau trở thành "ngón tủ" giúp Pacquiao lần lượt thắng De La Hoya, Ricky Hatton, Joshua Clottey, Miguel Cotto and Antonio Margarito.
Chiến thắng trước Marco Antonio Barrera (15/11/2003). Barrera được ví như ông "Vua của quyền anh hạng lông" (featherweight - từ 55,3 đến 57,2 kg) và là một trong những võ sĩ quyền anh hay nhất thế giới trước trận đấu này. Pacquiao thì bắt đầu được biết đến, nhưng tên tuổi của anh vẫn còn tương đối mới mẻ trong làng quyền anh Mỹ.
Nhưng vị thế ấy thay đổi nhanh chóng và Pacquiao bắt đầu nổi lên như cồn sau khi thắng áp đảo Barrera. Trận đấu diễn ra trong thế trận một chiều với ưu thế hoàn toàn thuộc về Pacquiao cho đến khi anh hạ knock-out kỹ thuật đối thủ ở hiệp thứ 11. Dù Barrera sau đó phân bua rằng quá trình tập luyện của anh ở California bị ảnh hưởng vì thiếu chất đốt, dư luận nhìn chung bắt đầu thừa nhận Pacquiao như một tài năng quyền anh đặc biệt.
Thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Philippines năm 2006-2007. Pacquiao quyết định ra tranh cử Nghị sĩ lần đầu tiên khi đã xác lập vị thế ngôi sao trong làng quyền anh với hai chiến thắng trước Erik Morales và một lần đánh bại Barrera. Tuy không thành công trong cuộc đua vào Quốc hội, Pacquiao vẫn tạo hiệu ứng dư luận mạnh ở phương Tây và đánh dấu bước khởi đầu cho con đường chính trị của anh.
Chiến thắng thứ ba trước Morales (18/11/2006). Morales từng thắng một trận và thua một trận khi so găng với Pacquiao trong các trận tranh đai WBC hạng siêu lông (super-featherweght, từ 57,2 đến 59 kg) vào 3/2005 rồi 2/2006.
Nhưng lần thượng đài thứ ba ghi dấu chiến thắng tuyệt đối cho Pacquiao - thắng knock-out chỉ sau 3 hiệp đấu. Võ sĩ Philippines lần đầu tiên gây ấn tượng mạnh với những cú đấm thuận tay và khiến Morales choáng ngợp bằng những đón đành đôi liên tiếp, dẹp tan những chỉ trích anh chỉ biết ra đòn đơn lẻ như khi thua Morales hồi tháng 3/2005.
Lần đầu xuất hiện trên chương trình truyền hình ăn khách "Jimmy Kimmel Live" (3/11/2009). Pacquiao lúc này đã là khách mời quen thuộc trên các chương trình đối thoại trực tiếp phát vào tối muộn của đài ABC. Nhưng việc tham gia lần đầu vào chương trình của MC nổi tiếng Kimmel vẫn là một cột mốc quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên Pacquiao xuất hiện trước chương trình đối thoại ưa thích của đông đảo những khán giả không chuyên về quyền anh.
Bằng cách nói chuyện lịch thiệp, duyên dáng và hài hước, Pacuiqao hôm đó ngay lập tức chinh phục khán giả và dần dà giúp chương trình của Kimmel tăng đáng kể lượng người xem trực tiếp.
Hạ knock-out Ricky Hatton (2/5/2009), Pacquiao đã được thừa nhận như một võ sĩ giỏi, nhưng trước trận đấu với Hatton, một bộ phận giới chuyên môn vẫn nghi ngờ khả năng của anh khi đấu với các đối thủ có thể hình tốt hơn. Chiến thắng của Pacquiao với De La Hoya - một võ sĩ to con khác - trước đó được cho là chỉ nhờ đối thủ này đã bước qua sườn dốc bên kia sự nghiệp và sai lầm trong việc chọn hạng cân để thi đấu.
Pacquiao tươi cười sau chiến thắng chớp nhoáng đến bất ngờ trước Hatton. Ảnh: Boxrec. |
Hatton, lúc này là ngôi sao sáng giá nhất của làng quyền anh hạng bán trung (light welterweight, từ 61,2 đến 63,5 kg) và đang trên đỉnh cao phong độ. Nhưng Pacquiao đã chứng tỏ cho cả thế giới thấy rằng anh không chỉ xoay sở tốt, mà còn có thể đánh bại thuyết phục các đối thủ bự con hơn. Chỉ cần sang hiệp đấu thứ hai, bằng một pha ra đòn chuẩn xác, Pacquiao đã hạ knock-out võ sĩ Anh. Trận đấu này đến giờ vẫn được xem như một trong những chiến thắng huy hoàng nhất trong sự nghiệp vẻ vang của võ sĩ Philippines.
Đánh bại Oscar De La Hoya (6/12/2008). De La Hoya là cựu vô địch thế giới hạng trung (middleweight, từ 69,9 đến 72,6 kg) và chọn trở lại hạng bán trung để so găng với Pacquiao. Võ sĩ Mỹ gốc Mexico này khi đó cũng ở chặng cuối sự nghiệp, nhưng theo giới chuyên môn, anh đơn giản vẫn là quá tầm để Pacuiqao nuôi hy vọng gây bất ngờ. Sự khác biệt đúng là diễn ra ngay từ những phút đầu, nhưng theo chiều hướng ngược lại, Pacquiao áp đảo và đẩy De La Hoya vào thế chống đỡ chật vật cho đến khi gục ngã ở hiệp thứ tám.
Hạ knock-out Miguel Cotto (14/11/2009). Chút nghi ngờ còn sót lại về năng lực của Pacquiao sau trận thắng Hatton đã được xóa bỏ hoàn toàn sau khi Pacquiao đánh bại Cotto, một ngôi sao ở hạng bán trung. Tương tự các trận với Diaz và De La Hoya, Pacquiao khiến Cotto hoa mắt bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa tốc độ và sức mạnh, để rồi thắng bằng knock-out kỹ thuật vào đầu hiệp đấu thứ 12.
Ký hợp đồng cùng lúc với hai nhà tổ chức Golden Boy và Top Rank năm 2006. Khi gặp ở sân bay Los Angeles, De La Hoya, người đồng thời là sáng lập viên của Golden Boy, đã gửi Pacquiao một va-ly đầy tiền để thuyết phục đồng nghiệp Philippines nhận lời đầu quân cho công ty tổ chức của anh.
Pacquiao đã làm như De La Hoya mong muốn, nhưng mọi việc trở nên phức tạp khi Top Rank, công ty của ông bầu Bob Arum, khẳng định họ đã ký hợp đồng với võ sĩ Philippines từ trước. Vụ tranh chấp được đưa ra tòa sau khi có đơn kiện của Top Rank và công ty này được xử thắng kiện, làm nhà tổ chức độc quyền của Pacquiao.
Theo giới chuyên môn, vụ tranh chấp - kiện tụng giữa hai nhà tổ chức kể trên là bằng chứng rõ nhất cho thấy tên tuổi Pacquiao hấp dẫn đến nhường nào.
Chiến thắng trước Joshua Clottey trên sân Cowboys (13/3/2010). Đánh bại Clottey không phải là điều gì đó đặc biệt với Pacquiao vào thời điểm này. Nhưng trận đấu này ghi dấu một cột mốc mới trong sự nghiệp của võ sĩ Philippines, bởi đây là lần đầu tiên anh chứng tỏ sức hút thông qua việc bán vé vào xem trực tiếp một trận quyền anh trên một võ đài khổng lồ.
Dù chỉ có 6 tuần để chuẩn bị, kể từ khi Top Rank dàn xếp trận đấu giữa Pacquiao với Clottey, tên tuổi của võ sĩ Philippines vẫn giúp nhà tổ chức bán được 50.994 vé vào sân Cowboys vốn có sức chứa 80.000 chỗ ngồi ở Texas, Mỹ. Con số này giúp Pacquiao xác lập vị trí số một về khả năng bán vé trong làng quyền anh.
Trúng cử vào Quốc hội Philippines năm 2010. Pacquiao đã đúc rút được rất nhiều bài học từ những sai lầm trong lần ra tranh cử thất bại trước đó. Bằng một cương lĩnh tranh cử đơn giản, nhưng thiết thực, hướng nhiều đến lợi ích của các cử tri (đem lại thuyền chài nhỏ cho ngư dân, ủng hộ tài chính cho giới tiểu thương và miễn thu phí giáo dục, y tế cho người nghèo), cùng khâu tổ chức được kiện toàn, Pacquiao đã thắng áp đảo và trở thành Nghị sĩ đại diện cho tỉnh Sarangani. Chiến thắng này nâng võ sĩ quyền anh 34 tuổi lên một tầm cao mới, "một nhân vật ở tầm cỡ thế giới" như cách ông bầu Bob Arum mô tả.
Thành công trong quyền anh là bệ phóng thuận lợi để Pacquiao bước lên vũ đài chính trị. |
Xuất hiện trên chương trình truyền hình "60 Minutes" (7/11/2010). Những thành tựu thể thao to lớn của cá nhân Pacquiao và sức hâm mộ lớn từ công chúng Philippines đối với anh khiến chương trình nổi tiếng của đài CBS quyết định làm số đặc biệt, nói về chân dung, thân thế và sự nghiệp của võ sĩ này, ngay trước trận tranh đai WBC hạng siêu trung với Antonio Margarito.
Chương trình ấy đặc biệt ấy đã thu hút tới gần 17 triệu người xem - con số cao chưa từng có với một nhân vật đến từ làng quyền anh. Tên tuổi Pacquiao từ đây được nhắc tới như một vận động viên thể thao vĩ đại, đồng thời đảm bảo bất kỳ sự kiện nào có mặt anh luôn thu hút sự chú ý lớn từ công chúng toàn cầu.
Quyết định gia nhập CLB quyền anh Wild Card năm 2001. Pacquiao bay sang Mỹ lần đầu tiên vào đầu năm 2001 và điểm đến của anh khi đó là San Francisco. Chàng trai trẻ Philippines đầu quân cho một CLB ở East Bay, nhưng không để lại nhiều ấn tượng. Pacquiao sau đó chuyển tới Los Angeles và được người quản lý Rod Nazario tiến cử cho Wild Card. Chính Nazario đã giới thiệu Pacquiao với Freddie Roach, một HLV quyền anh có tiếng ở Mỹ, thuyết phục ông này huấn luyện cho võ sĩ đến từ Đông Nam Á.
Chỉ qua vài lần quan sát, Roach rất ngạc nhiên trước sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tốc độ, sức mạnh, thể trạng của Pacquiao và sớm nhận lời làm việc cùng anh. Kết quả của sự hợp tác ấy một cặp HLV - võ sĩ thành công bậc nhất lịch sử quyền anh. Dưới sự chỉ bảo của Roach, Pacquiao thăng tiến chóng mặt, từ chỗ chỉ là một viên ngọc thô, trở thành tài năng quyền anh số một thế giới.
Pacquiao giờ xem Roach như là "bậc thầy quyền anh" của riêng anh và luôn tham thảo, lắng nghe ý kiến của HLV này trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hệ trọng nào. Cùng với Roach, Pacquiao trở thành võ sĩ đầu tiên trong lịch sử đoạt chức vô địch quyền anh ở 8 hạng cân khác nhau dưới hạng nặng, được mệnh danh là "Võ sĩ hay nhất thập kỷ" và 4 lần được Hiệp hội các nhà báo quyền anh bình chọn làm "Võ sĩ hay nhất năm". Còn Roach thì năm lần được Hiệp hội này bầu làm "HLV quyền anh hay nhất năm".
Vì thế, nếu không có cơ duyên đưa anh tới với Wild Card, quyền anh thế giới có lẽ sẽ chẳng bao giờ có một Pacquiao tài năng đến vậy. Tương tự, Roach cũng khó trở thành một HLV uy tín và được cả thế giới quyền anh ngưỡng mộ như bây giờ.
Minh Kha