Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

AI "BỨC TỬ" CHỮ HÁN - NÔM?



Mới đây, trên tạp chí Hồn Việt, số 18 tháng 12 - 2008, có đăng bài của hai tác giả Mai Bá Triều - Phạm Thị Tuyết Anh, nhan đề “Sự bức tử chữ Hán - Nôm”. Các tác giả cho rằng: “Dân tộc Việt Nam không hề tự từ bỏ chữ viết Hán - Nôm truyền thống của mình” và quy tội “bức tử cữ Hán - Nôm” cho chính quyền thực dân Pháp … “bằng những thông cáo và sau cùng là “Quy chế chung của Bộ giáo dục Pháp quốc - Bản xứ” chữ viết Hán - Nôm đã bị xoá bỏ hoàn toàn, để thay vào đó là chữ viết Việt - La tinh (hay còn gọi là quốc ngữ)” (tr. 13).

Người ta thường nói: lịch sử không chấp nhận chữ “nếu”, nên chỉ là vô bổ những giả định kiểu: nếu như các cụ ta lấy nguyên chữ Hán mà đọc theo âm Việt để biểu thị từ ngữ Việt chứ không sáng chế ra cái chữ Nôm rắc rối, hoặc vay muợn chữ viết La-tinh, thì giờ đây hay biết mấy, sẽ không có vấn nạn “đứt đoạn với văn hoá cổ truyền” v.v. và v.v... Việc có ích hơn sẽ là khách quan nhìn nhận lại vấn đề để ngày nay trong công cuộc cải cách giáo dục và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc có cách ứng xử đúng mực đối với chữ Hán và di sản Hán Nôm của tổ tiên.

Hai tác giả viết rằng họ “đã cố gắng sưu tầm và nghiên cứu đề tài này, những mong hé mở một tia sáng công lý về “vụ án diệt ngữ” bằng một số tư liệu … tìm được”. Nhưng trong bài viết, chỉ thấy họ nhắc lướt qua “những thông cáo và “Quy chế chung” mà theo họ đã “bức tử” chữ Hán, còn thì dành nhiều chỗ để trích dẫn lời mấy vị quan Tây có thái độ tôn trọng nền văn hiến bằng chữ Hán của An Nam. Vậy nên chúng tôi cũng xin dựa vào những văn bản để khẳng định rằng: riêng trong vấn đề chữ viết chính thống của nước ta thì lịch sử đã có 2 lần lựa chọn phù hợp nhu cầu khách quan rồi. Từ chỗ tẩy chay chữ Hán, dần dần dân tộc ta đã chuyển sang tự nguyện chấp nhận chữ Hán vì nhu cầu sống còn là giành độc lập và trong ngót nghìn năm, chữ Hán đã trở thành chữ “Quốc ngữ” (xin lưu ý: chữ chứ không phải tiếng!) đầu tiên, phương tiện đắc lực trong sự nghiệp xây dựng nền tự chủ của quốc gia Đại Việt . Mười thế kỷ sau, đầu thế kỷ XX, cũng chính vì nhu cầu sống còn là “khai dân trí” và “chấn dân khí” tức làm một cuộc “cách mạng tân văn hoá” (Hoàng Xuân Hãn) để tiến tới cứu nước, khôi phục nền độc lập mà dân tộc ta lại tự nguyện ̣̣̣chấp nhận chuyển chức năng chữ viết phổ thông từ chữ Hán - Nôm sang chữ Quốc ngữ (La-tinh hoá), đồng thời vẫn cố gắng bảo tồn chữ Hán - Nôm như một cơ sở xây dựng quốc học và nền văn hoá dân tộc. Đó là cả một quá trình thay đổi nhận thức dưới tác động của những nhân tố lịch sử. Quá trình ấy đã diễn ra như sau.

Người Pháp vì lợi ích của họ tất yếu ngay từ đầu đã chủ trương xoá bỏ chữ Hán - Nôm, thay thế nó bằng Pháp ngữ và chữ Quốc ngữ đồng nhất với Pháp ngữ về chữ viết (tức cùng sử dụng bảng chữ cái La-tinh). Năm 1861, chưa chiếm xong Lục tỉnh (Nam Kỳ), thực dân Pháp đã lập trường Thông ngôn Bá - Đá - Lộc, chỉ dạy Pháp ngữ và chữ quốc ngữ, bỏ hẳn chữ Hán. Chiếm xong Nam kỳ, năm 1867 chúng bãi bỏ luôn ở đó thi cử chữ Hán. Một số người Việt thức thời như các ông Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký … đã ra sức truyền bá chữ Quốc ngữ, ra báo, làm sách, trên thực tế đã biến chữ Quốc ngữ, song hành cùng tiếng Pháp, thành một phương tiện trong sinh hoạt chính trị - văn hoá thường ngày ở “xứ Nam Kỳ tự trị”, nơi Nho học phát triển chưa được hai trăm năm. Nhưng công cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp do sĩ phu Nho học lãnh đạo bùng nổ và rồi diễn ra quyết liệt cho đến tận cuối thế kỷ, các thầy đồ và dân chúng khi ấy đều nhận thức rõ rằng cả Pháp ngữ lẫn Quốc ngữ đều là công cụ của kẻ xâm lược nên kiên quyết tẩy chay thứ “chữ loằng ngoằng như giun bò”, mặc dù, để mua chuộc, người Pháp bồi dưỡng 200fr. /năm cho những thầy đồ đồng ý dạy thêm chữ Quốc ngữ và cấp học phí cho sĩ tử tình nguyện học! Việc tẩy chay chữ Quốc ngữ lúc ấy diễn ra vẫn theo truyền thống xưa của dân tộc ta mà thôi: thời Bắc thuộc dân ta từng kiên trì tẩy chay chữ Hán  khi nó còn là công cụ đồng hoá của ngoại bang, nên nó chỉ quẩn quanh nơi thị thành giữa bọn ngoại xâm và số người cộng tác với chúng, chứ không thể vượt qua luỹ tre đến với đông đảo dân chúng trong các làng Việt[1].

Bởi thế, sau khi chiếm xong toàn bộ nước ta và thiết lập được chế độ bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam sau Hiệp ước Patenôtre 1884, những viên quan cai trị người Pháp (như Paul Bert, chẳng hạn, người rất ủng hộ G. Dumoutier trong ý định duy trì giáo dục Nho học … “để có lợi cho chúng ta” – chính Dumoutier bộc lộ[2]) tỏ ra tỉnh táo hơn, đã phải cho dạy chữ Nho song song với Quốc ngữ và tiếng Pháp, tạo điều kiện cho các Toàn quyền Paul Doumer (1987 – 1902) và đặc biệt là Paul Beau (1902 – 1908) thực hiện chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, như chư vị thực dân khôn ngoan này phát biểu. Năm 1906 Nha học chính Đông Dương, Hội đồng cải lương học vụ cho người bản xứ (trong thành viên có cả một số vị đại thần người Việt ), được thiết lập bởi  những nghị định của toàn quyền Paul Beau, đã đưa ra chương trình cải cách giáo dục. Ngay đến thời điểm ấy, người Pháp, “bằng những văn kiện, tài liệu chính thức, có giá trị pháp lý, do những vị toàn quyền hoặc những quan chức cao cấp trong bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp, ban hành và ký tên” (như những lời “buộc tội” của hai tác giả) vẫn không dám “bức tử” chữ Hán! Ngược lại, vì chính sách “chinh phục bằng giáo dục”, họ vẫn chủ trương đảm bảo tư cách bình đẳng, chí ít là trong văn bản chính thức (trên thực tế thì không hẳn như vậy), cho cả ba: tiếng Pháp, chữ Hán và Quốc ngữ. Chứng cớ là trong chương trình cải cách, chữ Nho vẫn song hành cùng tiếng Pháp và Quốc ngữ; tốt nghiệp trung học theo chương trình này được quyền dự thi Hương, với 4 kỳ thi: 1) bằng chữ Nho, với 5 đầu bài khác nhau, trong đó có văn sách; 2) một bài thi bằng Quốc ngữ; 3) bài dịch Pháp – Việt và bài dịch Nho – Pháp; 4) kỳ phúc hạch để chọn cử nhân / tú tài gồm: bài luận chữ Nho, bài viết chữ Quốc ngữ và bài dịch Pháp – Nho (theo: Lịch sử Giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, do Nguyễn Đăng Tiến chủ biên, nxb Giáo dục, 1996).

Tuy nhiên, bối cảnh lịch sử bước sang đầu thế kỷ XX căn bản đã thay đổi. Thực dân Pháp đã bình định xong cả nước ta. Tiếng súng quyết chiến ở núi rừng Yên Thế còn vang vọng đấy, nhưng Phan Chu Trinh sau khi liều mạng lẻn vào tận đồn Phồn Xương năm 1906 để tiếp xúc với Đề Thám, trở về thất vọng nói với các đồng chí: “Ông Thám là một võ tướng mà thôi!”, tức ông đã thấy trước 6 năm là tiếng súng Khởi nghĩa Yên Thế rồi cũng sẽ tắt lịm vào năm 1913. Sau gần nửa thế kỷ (kể từ ngày pháo hạm Pháp nổ súng tấn công Sơn Trà - Đà Nẵng) cuộc kháng chiến vũ trang vô cùng anh dũng chống quân xâm lược, các sĩ phu đất Việt đã ngộ ra rằng: ta thất bại trong công cuộc giữ nước chính là vì thua giặc cả một thời đại về văn minh, kẻ thù té ra không như ta, quen thói hợm mình “văn hiến chi bang”, gọi là “bọn man di mắt xanh mũi lõ”, mà hơn hẳn ta cả trăm năm về trình độ phát triển, về văn minh. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra trước tầng lớp sĩ phu, lúc ấy còn đang lãnh trách nhiệm lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, là làm “cách mạng tân văn hoá”, canh tân đất nước, thông qua gấp rút tiếp thu tư tưởng và kỹ thuật văn minh Tây phương mà đưa cái đầu của dân mình lên ngang tầm kẻ thù để chiến đấu với chúng trên một mặt bằng văn hoá.

Bằng phương tiện nào? Không thể trực tiếp bằng tiếng Pháp, bởi vì cái thứ tiếng Pháp bồi dăm-bẩy tháng chỉ có thể giúp cho cái sự vinh thân phì gia, “sáng rượu sâm-banh, tối sữa bò”, còn muốn nắm vững đến trình độ tiếp thu được tư tưởng tiên tiến và tri thức văn minh, tối thiểu cũng cần phải học dăm năm! Cũng không thể bằng chữ Hán đòi hỏi hàng chục năm đèn sách mới mong đọc thông viết thạo được. Chỉ còn phương tiện Quốc ngữ La-tinh hoá, có thể nắm vững chỉ sau dăm - ba tháng, là đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của cuộc “cách mạng tân văn hoá” phải tiến hành ngay lúc ấy để tiếp tục dương ngọn cờ cứu nước. Bởi vậy chính các nhà Nho từng tẩy chay nó nửa thế kỷ trước như công cụ của bọn xâm lược, thì nay giác ngộ nhu cầu lịch sử ấy, từ năm 1903, tức đi trước chương trình cải lương của chính quyền Bảo hộ 3 năm, đã phát động cả một “cuộc cách mạng tân văn hoá”, mà  linh hồn chính là chữ Quốc ngữ: “Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước / Phải đem ra tính trước dân ta” – chính các ông Nghè, ông Cử Nho học bây giờ khẳng định như vậy. Văn minh tân học sách (1904), tác phẩm được coi là “cương lĩnh” của phong trào Duy tân - Nghĩa thục 1903 – 1908, nêu việc dùng chữ Quốc ngữ thành “đường” thứ nhất trong 6 “đường” khai thông dân trí nhằm mục tiêu duy tân để cứu nước[3]. Chính nhờ triết lý giáo dục khai dân trí, chấn dân khí, mang tính cách mạng thực sự, mà chữ quốc ngữ từ đó, lần đầu tiên từ khi ra đời, bắt đầu gắn liền với truyền thống yêu nước, với tinh thần dân tộc và những tư tưởng mới – dân quyền, dân chủ và tri thức văn minh, khoa học của thời đại. Và cũng chính nhờ vậy mà các nhà Nho, từng thành đạt ngay trong nền khoa cử Nho học, những ông Nghè, ông Cử, ông Tú… trong có 5 năm đã làm được điều mà nhà cầm quyền thực dân không làm nổi trong ngót nửa thế kỷ kể từ khi bắt đầu xâm lăng đất Việt, đó là: làm một cuộc cách mạng trong nhận thức và tâm lý của sĩ phu và dân chúng đối với chữ Quốc ngữ La-tinh hoá, tức khách quan đã chuẩn bị cơ sở tư tưởng cho việc thay đổi chữ viết chính thống của nước ta và  phế bỏ nền khoa cử Tống Nho hủ lậu bằng chữ Hán từ lâu đã hết tác dụng khai hoá và đã trở thành vật cản trên con đường tiến hoá của nước nhà.

Xin nhấn mạnh lại: các trí thức Nho học Duy tân đấu tranh đòi phế bỏ nền khoa cử bằng chữ Hán và yêu cầu dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ phổ cập giáo dục nhằm khai dân trí, chấn dân khí để cứu nước chứ không hề chủ trương phế bỏ chữ Hán. Chứng cớ rành rành: Đông Kinh nghĩa thục và các trường “Tân học” khác đều tiếp tục dạy chữ Hán (miến phí, trong khi muốn theo học chữ Pháp phải đóng học phí!). Câu nói của cụ Phan Chu Trinh: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc” (không phế bỏ chữ Hán, không thể cứu được nước Nam) là lời bột phát trong lúc tranh luận, về sau chính cụ Tây Hồ đã rút lại[4]. 11 năm sau khi Đông Kinh nghĩa thục bị nhà cầm quyền thực dân đóng cửa, năm 1919 Dương Bá Trạc, một trong 2 tân cử nhân Hán học trẻ tuổi đã diễn thuyết tại Đền Ngọc Sơn ngày Rằm tháng Giêng năm 1907 để cổ động duy tân theo gương Nhật Bản và chuẩn bị dư luận cho việc khai giảng Đông Kinh nghĩa thục, còn viết bài trên báo Nam Phong khẳng định phải tiếp tục dạy và học chữ Hán bởi hai lẽ: một là để làm giầu tiếng Việt, hai là để bảo tồn văn hoá dân tộc. Chính là vì vấp phải quyết tâm bảo tồn chữ Hán của giới trí thức Duy tân mà chính quyền Bảo hộ Pháp, tuy “thừa gió bẻ măng”, năm 1915 bắt đầu phế bỏ trên thực tế nền khoa cử bằng chữ Hán ở Bắc Kỳ (năm 1919 cả ở Trung Kỳ), và ngày 21 - 12 - 1917 cùng Nam triều ban hành văn bản đương thời gọi là “Học chính tổng quy”, tức “Quy chế chung về giáo dục ở Đông Dương” (Règlement général de l’Instruction Publique en Indochine), thay thế hẳn khoa cử Hán học bằng nền giáo dục Pháp - Việt, nhưng vẫn không dám loại hẳn chữ Hán ra khỏi học đường, mặc dù đã đề ra nhiều nhiều biện pháp hạn chế việc dạy chữ Hán, như: ở Trường sơ đẳng tiểu học (École Primaire Élémentaire, 3 năm) là môn tự nguyện không quá 1 tiếng rưỡi/tuần và phải được 3 thành phần thoả thuận là phụ huynh học sinh, Hội đồng kỳ mục xã, Hiệu trưởng; ở Trường tiểu học toàn cấp (École Primaire de pleine exerice, 5 năm với 2 năm cuối dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp) nơi nào phụ huynh cùng chính quyền địa phương yêu cầu thì Thống đốc, sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng hàng tỉnh, mới ra quyết định đưa môn chữ Nho thành môn học bắt buộc với hai lớp cuối; ở bậc trung học hoàn toàn dùng tiếng Pháp để giảng dạy, với môn chuyên tiếng pháp 12 giờ/tuần, còn chữ Quốc ngữ và chữ Nho không được quá 3giờ/tuần[5] v.v…

Vậy thì chữ Hán bị “bức tử” từ bao giờ và ai đã làm chuyện đó để tạo nên cái “khoảng trống đáng sợ” mà Nhà giáo Nhân dân GS Nguyễn Cảnh Toàn đã báo động trong bài viết sâu sắc “Chữ Nho với nền văn hoá Việt Nam”, đăng trên trang báo Văn NghệTạp chí Hán Nôm lập tức đăng lại trên số 4 năm 2003? Xin trích nguyên văn lời giải đáp của vị cựu Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên, người trong những bước đầu xây dựng nền tảng giáo dục nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từng được tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch:

“Đâu phải nó (“khoảng trống đáng sợ”) bỗng dưng mà có! Do chính chúng ta tạo nên (chúng tôi nhấn - VTK). Quá trình hình thành cái “khoảng chống đáng sợ này” tôi chứng kiến, nên xin kể lại, ngõ hầu rút ra được bài học gì chăng. Năm 1940 chính quyền thực dân Pháp xoá toẹt mấy tiết chữ Nho cuối cùng trong chương trình trung học. Nhưng ngay năm 1942, dưới áp lực của giới trí thức tiến bộ và để tranh giành họ với Nhật, người Pháp đã cho lập ra chuyên ban Cổ học Á Đông, học 6 năm với 5 tiết/tuần ở bậc trung học theo chương trình do Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên và nhà Hán học Trần Văn Giáp biên soạn. Ngay năm học 1942 - 1943 đã tuyển 40 học sinh cho chuyên ban này ở trường Bưởi. Ý thức được nguy cơ tương lai về “khoảng trống” nên trên Thanh Nghị số 22 tháng 11 năm 1942, chúng tôi đã cổ suý cho việc lập ra chuyên ban này và kiến nghị lập ngay một lớp cao đẳng nữa, chuyên giảng về cổ học Hán - Việt. Tôi đánh giá việc lập chuyên ngành đào tạo này là “một then chốt quan trọng của một nền xây dựng xã hội trong tư tưởng quốc gia” (lúc ấy trên báo chí công khai chưa thể viết từ “độc lập”). Tiếp theo, Đề án cải cách giáo dục 1945 (của Bộ Quốc gia Giáo dục, đã thông qua Hội đồng Cố vấn học chính do Chủ tịch Hồ chí Minh thành lập - VTK) lại đề nghị dạy 1 - 2 giờ Hán tự ở tất cả các chuyên ban trung học như một môn cơ sở văn hoá liên quan mật thiết với tiếng Việt và văn hoá Việt. Nhưng rồi … chiến tranh. Và rồi - nên “nhìn thẳng vào sự thật và nói sự thật” như Đại hội VI của Đảng CSVN đã nêu gương” - tư tưởng duy ý chí đã cản trở … Còn từ sau đại hội Đổi mới đến nay vẫn chưa thực hiện được thì có lẽ là vì còn phải chờ sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp lãnh đạo ngành văn hoá - giáo dục … Rõ ràng chúng ta đã quên (hay cố tình che đi?) tấm gương kế thừa để phát triển của Nguyễn Tất thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”[6].

Hai vị tác giả trên tạp chí Hồn Việt đã dùng những lời lẽ đao to búa lớn về “vụ án diệt ngữ” còn là “ẩn số”, khiến các vị phải “hé mở một tia sáng công lý” v.v… và v.v…, thì chúng tôi xin thưa rằng nhân chứng, vật chứng vẫn còn nguyên đó.

Có thể coi là nhân chứng NGND GS Nguyễn Đình Chú, với những lời chứng minh bạch rằng: “Sau Cách mạng tháng 8, trong khu vực Kháng chiến, ở bậc trung học cấp II (nay là trung học cơ sở), tại nhiều trường vẫn học chữ Hán, mỗi tuần 3 tiết, nhưng sau đó thì bỏ. Đặc biệt đến năm 1950, khi có cải cách giáo dục thì chữ Hán ra rìa hoàn toàn (chúng tôi nhấn - VTK).  Sau này ở bậc phổ thông trung học có học Trung văn, nhưng đọc theo âm Trung quốc hiện đại, không phải là âm Hán cổ nữa …”[7]. Xin nói thêm: cố Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, nhà văn hoá lớn, uyên thâm cả Tây học lẫn Đông học, bị bức bách đến mức từng phải đệ đơn lên Hồ Chủ tịch xin từ chức, cho đến cuối đời vẫn còn “trăn trở nhiều” về những ý tưởng không thực hiện được trong công cuộc xây dựng một nền giáo dục thực sự dân chủ, dân tộc và khoa học, trong đó có việc phải bỏ dở dang đề án lập chuyên ngành cổ học Á Đông từ bậc phổ thông lên đại học mà ông chính là người đề xuất[8].

Có thể coi là vật chứng cái công trình tổng kết nửa thế kỷ phát triển nền giáo dục cách mạng Việt Nam do các vị lãnh đạo “hậu sinh khả uý” của ngành chỉ đạo biên soạn, đã tuyên phong cho đường lối giáo dục ngoặt sang “tả khuynh” (chữ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) năm 1950 là “cải cách giáo dục lần thứ nhất”(chúng tôi nhấn - VTK), có nghĩa là phủ định tuyệt đối, coi như chưa từng có cuộc cải cách nền giáo dục quốc dân năm 1945 - 1946, thực sự mang tính cách mạng chính vì có kế thừa để phát triển những tư tưởng tiên tiến của trí thức Nho học và Tây học dân tộc - dân chủ, thậm chí ngang ngược bất chấp cả việc cuộc cải cách đó đã được pháp quy hoá bởi Sắc lệnh số 146 do Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ngày 10 - 8 -1946 “đặt những nguyên tắc căn bản cho nền giáo dục mới”![9]

Vậy đâu phải “việc thay đổi chữ viết “Ta” (ý nói chữ Hán - Nôm) bằng chữ viết “Tây” (ám chỉ chữ Quốc ngữ La-tinh hoá) hoàn toàn (?!) do áp lực của chính quyền thực dân Pháp”? Đâu phải người ngoại bang “bức tử chữ Hán - Nôm”?

Một triết gia đã nói đại ý: Kẻ nào quên bài học lịch sử tất sẽ lặp lại sai lầm của nó.


[1] Về vấn đề này xin tham khảo bài viết của chúng tôi: Về thời điểm bắt đầu và nhân tố thúc đẩy truyền bá chữ Hán, giao lưu văn hoá Trung - Việt. – Tạp chí Hán Nôm, số 3 năm 2006; cũng có thể tìm trên mạng Google, từ khoá Vũ Thế Khôi.
[2] Chi tiết về quan điểm và hoạt động của vị quan Tây ưu ái văn hoá Việt này xin đọc: René Despierres: Giám đốc Học chính Trung - Bắc Kỳ Dumoutier (1850 - 1904). – Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 168, ra tháng 2 / 2005.
[3] Văn minh tân học sách. Đặng Thai Mai dịch. – Hợp tuyển thơ văn cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900 - 1930), nxb Văn học, tr. 513.
[4] Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh nghĩa thục. – nxb Văn hoá - Thông tin 2002, tr. 92 - 93. Tham khảo thêm: Phan Tây Hồ di thảo. – Ngô Đức Kế biên tập và phê bình; Lương Văn Can xuất bản năm 1926; dẫn theo: Ngô Đức Kế, cuộc đời và tác phẩm. – Ngô Đức Thọ sưu tầm, giới thiệu, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh in năm 2008, tr. 233 - 243.
[5] Theo: Nguyễn Q. Thắng: Khoa cử  và giáo dục Việt nam. – nxb Văn hoá - Thông tin 1993, tr. 291 - 293.
[6] Vũ Đình Hoè: Vài ký ức về tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác giáo dục thời gian cuối năm 1945  đầu năm 1946 (Tham luận tại Hội thảo khoa học - thực tiễn “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Hà Nội đồng tổ chức ngày 8 - 10 - 2003”). – Đăng toàn văn: a/ tạp chí Khoa học và Tổ quốc (Diễn đàn trí thức), các số 21 / 2003 và 1+2 / 2004; b/ Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số Xuân 2004; giản lược: a/ báo Giáo dục & Thời đại, số 139, ra ngày 20 - 11 - 2003; tạp chí Xưa & Nay, số 223, tháng 11 / 2003.
[7] Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam. – Tạp chí Hán Nôm, số 2 / 2005.
[8] Nguyễn Kim Nữ Hạnh: Tiếp bước chân cha. – nxb Thế giới, Hà Nội 2003, tr 49.
[9] Bộ giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945  1995). – nxb Giáo dục 1995, tr. 16 - 19.
 Vũ Thế Khôi