Sau nhiều ngày lặn lội làm việc, đấu tranh với đại diện công ty chủ quản và các đơn vị tìm kiếm, đại diện thân nhân 22 gia đình thuyền viên bị nạn đã phải gửi lá đơn kêu cứu khẩn cấp lên Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia (TKCN).
|
Tàu Vinalines Queen mất liên lạc với Công ty vận tải biển Vinalines (Vinalines Shipping) từ 6 giờ 48 phút sáng 25.12, nhưng tới 14 giờ 30 chiều cùng ngày, Vinalines Shipping mới gửi thông tin tới Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN (Việt Nam MRCC). Trong suốt 5 ngày sau đó, trước khi tàu London Courage (Anh) tìm được thủy thủ Đậu Ngọc Hùng và xác định tàu bị chìm, công ty này vẫn bảo lưu quan điểm tàu “mất liên lạc”.
Lý giải việc để 7 tiếng sau khi tàu mất liên lạc mới thông tin cho Việt Nam MRCC, ông Lê Anh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines), cho rằng: “Chúng tôi đã tìm tàu với mọi nỗ lực. Chậm liên lạc với Việt Nam MRCC, đây là sự cố ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi, chưa bao giờ gặp sự cố nào như thế này. Mức độ an toàn của tàu gần như tối đa”, ông Sơn nói.
Việc tự tin vào mức độ an toàn “tối đa” của tàu, chậm xác định tình trạng nguy hiểm khi tàu mất liên lạc (nghiêng 18 độ, chở quặng ni ken là một trong 3 loại hàng hóa nguy hiểm) của Vinalines Shipping khiến việc tìm kiếm cứu nạn những ngày đầu không thể mở rộng quy mô và nâng cấp độ lên tối đa. Ngoài ra, việc để cho Việt Nam MRCC “loay hoay” mà không nâng mức độ tìm kiếm lên cấp Chính phủ đã khiến việc triển khai tìm kiếm trong những ngày đầu tiên sau vụ mất tích trở nên thiếu hiệu quả. Mãi đến 30.12, Ủy ban TKCN mới vào cuộc, làm việc với Bộ GTVT, Vinalines Shipping, Việt Nam MRCC, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công an...
Đáng nói, tàu Vinalines Queen đã bị nghiêng 20 độ và sau đó khi xin lệnh về cơ quan chủ quản - Vinalines Shipping, tàu được chấp thuận cho quay đầu, nhưng dù đã quay đầu, tàu vẫn bị nghiêng 18 độ trước khi chìm. Nhưng theo ông Lê Bá Hợp, anh trai máy trưởng Lê Bá Trúc, trong các cuộc gặp gỡ, đại diện Vinalines Shipping vẫn không công khai thông tin đã chỉ đạo gì với tàu trước khi tàu gặp nạn cho thân nhân những người bị nạn.
Về thông tin máy điện thoại của một số thuyền viên vẫn đổ chuông, chị Nguyễn Thị Tâm, vợ thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện cho biết, sim điện thoại của chồng chị do một đại lý ở Trung Quốc cấp. Khi tàu rời bến, anh Thiện không mang theo sim điện thoại này theo và sim điện thoại này hiện vẫn còn ở Trung Quốc. Còn người nhà thủy thủ Trần Đình Thư cho hay vào tháng 11 vẫn liên lạc được qua một sim thẻ của Indonesia. Từ khi nhận được tin tai nạn, thi thoảng gọi điện vào số sim này vẫn thấy đổ chuông nhưng không có người nhấc máy.
M.H
Trao đổi với báo chí chiều 3.1, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phê bình sự “bưng bít” thông tin của Vinalines, không cung cấp thông tin rộng rãi. Ông Thăng cũng cho biết, bộ đã đề xuất nâng cấp tìm kiếm Chính phủ, đề nghị Chính phủ các nước hỗ trợ tham gia tìm kiếm cứu hộ. “Con người là vốn quý nhất, không phụ thuộc vào chi phí hết bao nhiêu, phải tìm ở mức độ cao nhất, khi nào quá thời hạn không thể tìm kiếm được nữa mới dừng lại”.
Hôm nay thủy thủ Đậu Ngọc Hùng về nước
Theo dự kiến, 18 giờ 15 phút hôm nay 4.1, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng của tàu Vinalines Queen gặp nạn ở vùng biển Philippines sẽ về đến Hà Nội. Tàu London Courage mang theo thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sẽ đến Singapore lúc 7 giờ sáng (tức 6 giờ sáng Việt Nam). Sau khi hoàn thành các thủ tục nhập cảnh với chính quyền Singapore, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sẽ được đưa thẳng ra sân bay để về Hà Nội trên chuyến bay VN660 của Vietnam Airlines, khởi hành lúc 16 giờ 5 phút cùng ngày. Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
(Văn phòng Singapore)
Mai Hà