Hơn tuần nay dư luận ầm ĩ chuyện “đệ tử” của thầy Thích Tâm
Mẫn cư xử côn đồ với những người đi đường trong thời gian thầy thực hiện tâm
nguyện nhất bộ nhất bái từ thành phố Hồ Chí Minh ra đến Yên tử, nơi phát nguồn
trường phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Người Tây Tạng bái lạy trong lúc đi hành hương |
Mình đọc trên FB có rất nhiều sự nghi ngờ, lên án và dè bửu
không chỉ bản thân thầy Thích Tâm Mẫn như là “sư quốc doanh”, “sư hổ mang”…Và
đáng sợ hơn là nhiều người không tiếc lời nói xấu về đạo Phật, Phật pháp, nghi
ngờ các bậc chân tu và chính đạo Phật. Ngay từ đầu mình đã có một niềm tin
không thối chuyển về thầy Thích Tâm Mẫn và hành trình gian nan, vất vả của thầy
trong mấy năm qua.
Nếu ai đã từng thực tập cách lạy Phật của người Tây Tạng thì
sẽ hiểu gian nan của sự phát nguyện này. Mình đã từng tới Bodhgaya và tận mắt
chứng kiến những bậc chân sư hành hương đến nơi Phật Thành đạo bằng hình thức
tam bộ nhất bái. Cũng đã thấy từng đoàn các vị sư Tây Tạng tới chiêm bái và lạy
Phật nơi đây. Trong lúc các quí thầy và các Phật tử khác thong dong thiền hành quanh
Tháp Đại giác ngộ, thì các vị sư Tây Tạng vất vả như đang thực hiện một môn thể
thao nặng. Trước đây mình đã thử lạy kiểu này và chỉ được 10 cái là phải dừng
nghỉ. Để quì lạy như vậy là một hành động không hề dễ dàng, nhất là trên quãng
đường xa, trong điều kiện thời tiết thất thường mưa nắng. Mình thực sự kính
trọng và khâm phục thầy Thích Tâm Mẫn khi thầy đã làm được một việc tưởng như
không thể. Ai không tin cứ thử quì lạy theo cách Tây Tạng sẽ hiểu thế nào…Cho
nên:
-Nếu đây là “màn trình diễn” như nhiều người nói thì thật hồ
đồ. Liệu có ai bỏ thời gian, công sức, và đáng nói nhất là sự kiên trì bất thối
chuyển với sự khổ sở, mệt mỏi, vất vả vô chừng từng ấy năm? Mình tin không ai
có màn "trình diễn" đỉnh cao như vậy. Chỉ có các bậc chân tu dành trọn đức tin và
sức lực của mình cho con đường quí thầy đã chọn mới có thể thực hiện được. Chỉ có đức tin mãnh liệt mới
mang đến cho quí thầy một nghị lực phi thường để làm một hành trình
chưa từng có ai làm nổi ở Việt Nam.
-Nếu quí thầy là người chỉ cốt thực thi “nhiệm vụ” nào đó
được giao phó thì càng không thể. Đây là nhiệm vụ “bất khả thi” trên phương
diện thông tục.
-Nếu
chính quyền thực sự vì đạo pháp, hay ít ra vì sự nghiêm minh của pháp
luật hoàn toàn có thể ngăn chặn hành vi bạo lực của đám du côn này.
Chính quyền hoàn toàn có thể (và phải làm vì trách nhiệm) để giải đáp sự
hoài nghi và dư luận xấu xôn xao trong nhân dân. Nhưng họ đã không làm.
Vì sao? Các bạn có thể hình dung và tự trả lời phần nào nỗi nghi vấn
của mình rồi...
Vậy nên:
-Mình hoài nghi và hoàn toàn không tin những kẻ dẹp đường, đánh người
là những “đệ tử” của thầy Thích Tâm Mẫn. Họ nhân danh để làm một việc không
trong sáng. Còn tại sao họ mượn danh để làm một việc kỳ quái và thất đức
như vậy thì hạ hồi phân giải. Thầy đang trong hành trình phát nguyện và nhất
tâm thực hiện tâm nguyện đó nên đừng yêu cầu thầy cư xử như một người bình
thường là tự bào chữa cho mình. Chữ Nhẫn thầy đang dùng hữu hiệu vừa là giúp thầy hoàn
thành sứ mạng cao cả do thầy tự lựa chọn, vừa tránh những qui kết (rất có thể
xảy ra) nếu thầy bỏ dở chừng, đôi co với họ như những người tầm thường chúng ta
hay lựa chọn trong trường hợp này.
-Mình hoài nghi và tin là có kế hoạch mờ ám đứng đằng sau
những kẻ bặm trợn này. Vì sao họ làm như vậy và vì sao lại cư xử kỳ cục như vậy
thì sau này sẽ sáng tỏ?
Thật kinh khủng khi ai đó trong nỗi bất lực đã lựa chọn phương
pháp đối xử như vậy với một bậc chân tu. Họ đã phỉ báng không chỉ thầy Thích
Tâm Mẫn mà còn phỉ báng đạo Phật. Họ có biết đã làm một việc tội lỗi lớn nhất mà đạo
Phật khuyên nên tránh, là phá hoại đạo pháp, tăng đoàn? Họ có biết cái quả đắng
nào đang chờ họ ở phía trước không?
Xin những ai chưa rõ ngọn ngành đừng nên vội chỉ trích, chê
bai, thóa mạ…hay có những hành động phụ họa với mưu đồ đen tối của một thế lực
đen tối nào đó?
Xin mọi người hãy tin nhân quả và đừng tạo nghiệp ác hay
khẩu nghiệp.
Xin cám ơn!
PS/ Mình đang định
post bài viết này thì thấy trên FB có bài của Paulo Thành Nguyễn chia sẻ. Mình
biết bạn là người công giáo nhưng bạn đã lên tiếng vì chính nghĩa. Những Phật
tử như mình xin nợ bạn một lời cám ơn sâu sắc. Xin post lên để bạn bè tham
khảo.
Hành trình phát nguyện
của Đại đức Thích Tâm Mẫn có “yêu quái” cản đường?
Sự việc những người “đệ tử” Đại đức Thích Tâm Mẫn đánh bể
đầu người dân lại một lần nữa làm “nóng” dư luận trong mấy ngày qua. Có nhiều ý
kiến trái chiều xung quanh hành trình vạn dặm “ một bước, một lạy” của vị
sư này.Trong sự việc trên, đa số các ý kiến là phê phán theo cảm tính dựa trên
hiện tượng.
Đại đức Thích Tâm Mẫn là ai?
Đại đức Thích Tâm Mẫn tên thật là Lê Minh sinh ngày
6-10-1977 tại Quảng Nam, nguyên là một bác sĩ chuyên khoa, ông quyết định xuất
gia, tu học tại chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn từ năm 2004.
Năm 2009 ông quyết tâm thực hiện chuyến hành nguyện bắt đầu
từ mồng 2 tết từ Sài Gòn đi Yên Tử (Quảng Ninh) hơn 1800 km.
Mỗi ngày ông đi 3 ca, sáng từ 03h - 06h, từ 08h -
10h, chiều từ 15h - 17h., trung bình đi được 2km. Về lý do thì ông xin
được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết ông vừa hành hương vừa cầu
nguyện cho Quốc thái dân an.
Phương pháp lễ lạy hành hương này vốn quen thuộc đối với
phật tử ở Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Ðộ, nhưng còn khá lạ lẫm với người Việt Nam
nên hành trình của thầy Tâm Mẫn kéo theo nhiều sự hiếu kỳ và lời đồn thổi gây
lo ngại là ông sẽ tự thiêu sau khi đến đích (!?).
“Chơi nổi”, đó là từ mà những người phản đối dùng để
chỉ trích ông, họ cho rằng hành động của ông để gây sự chú ý. Ngoài ra họ còn
cho rằng việc làm của ông gây ảnh hưởng đến giao thông, làm mất trật tự xã hội,
rằng có khi có người mải nhìn mà gây tai nạn thì ông đã tạo nghiệp chướng.
Những người ủng hộ ông phản biện lại rằng nếu chỉ muốn nổi
tiếng thì ông chỉ cần đi từ chùa Hoằng Pháp đến Bến Thành là đã tạo được sự
kiện, làm sao phải chọn cách gian khổ như thế. Bộ hành vạn dặm đòi hỏi một ý
chí , sự kiên nhẫn và nghị lực rất lớn, vượt lên mọi ham muốn thông thường. Họ
cho rằng, điều này tạo nên một sự cộng hưởng của những trái tim nhân ái, giúp
cho mọi người trong xã hội bớt đi sự vô cảm và sống tốt với nhau hơn.
Anh Nguyễn Văn Phi, một người dân Khánh Hòa đã theo chân ông
suốt 15 ngày cho biết : “ anh đã từng ứa
nước mắt khi nhìn Thầy “nhất bộ nhất bái” qua địa phận Khánh Hòa. Anh trở về
nhà với những suy nghĩ khôn nguôi về một cuộc sống tốt đời đẹp đạo. Theo kinh
điển của Đức Phật thì làm người rất khó. Gặp một vị sư đi 1 bước lại vái lạy
dọc từ Nam ra Bắc thì quá khó, rất ít người làm được. Điều đó khiến tôi rất
ngưỡng mộ, chắc là nhiều đời mới có một người. Mình sinh ra gặp được người như
vậy mà không đi cùng được thì thật là tiếc”
Anh cho biết thêm: “dọc
đường đi có rất nhiều lần trời đang nắng gắt lại đổ mưa rào. Nhiều người sẽ
tránh mưa nhưng thầy vẫn đi, đó là động lực để mọi người cùng bước tiếp. Việc
có tiếp tục đến Yên Tử thì không ai dám nói trước, nếu biết được tương lai thì
đã thành thánh nhân rồi.
Mỗi đoạn đường theo Thầy đã giúp tôi hiểu ra rất nhiều điều
sướng khổ ở đời, khi đã hiểu thì càng thấy tâm hồn thanh thản hơn”.(1)
Những “đệ tử đi” theo là ai?
Cùng đi với ông có hai “đệ tử” được cử đi theo xách hành lý.
“Chú tiểu” ném nón cối ở Quảng Bình có tên là Nhuận Hải, có thông tin nghi ngờ
rằng đó là một Trung úy, làm việc tại phòng công tác chính trị PX15 của sở công
an TP.HCM. Và việc có những thái độ tục tĩu và hành hung người dân là cố
tình biến hành trình “nhất bộ nhất bái” của thầy thành một trò hề tôn giáo.
Theo như những người ủng hộ ông cho rằng hành trình này đã
làm cho chính quyền (CQ) lo ngại vì nó thu hút sự chú ý của nhiều người dân, dễ
gây ra tình trạng mất kiểm soát, nên có lẽ họ (CQ) phải dùng nhiều thủ đoạn để
ngăn chặn.
Một người lấy tên Trần Sơn trên trang youtube cho biết: “Thầy đã từng bị bọn "côn đồ tự phát" đánh
đập thành thương tích. Thầy phải gián đoạn cuộc hành trình hơn 2 tháng , nằm
viện tại bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi đỡ, thầy lại tiếp tục lên đường.
Biết là không ngăn nổi chuyến hành hương của thầy , thì chúng làm một thủ đoạn
đê tiện là làm xấu hình ảnh thầy trong con mắt dân chúng (như đã thấy trong
video trên ). Đến mỗi địa phương nào, chúng cũng cử ra một vài tên lưu manh ,
ăn mặc giả làm người nhà Phật , theo tháp tùng thầy , bọn này chuyên có hành vi
rất côn đồ, hung hãn, cốt làm xấu mặt thầy. Ai phản ứng lại bọn này, bọn công
an nhảy vào cuộc ngay, "Mời" tất cả về đồn. Bọn chúng đang tìm mọi
cách ngăn không cho thầy đi đến đích.
Tôi dã chứng kiến tận mắt cảnh thầy qua địa phận cầu Bến Thủy.
Thầy lặng lẽ vừa đi vừa bái. Đệ tử đi theo thì có 2 , 3 người ( có một cô đứng
tuổi nói giọng Nam
Bộ). Phật tử người địa phương dắt xe máy, xe đạp, đi bộ đi theo khoảng gần
trăm. Nhưng dẫn đường lại là một người đàn ông lùn, mặc áo nâu ngắn (giả đệ tử)
tay cầm dùi cui, vung lên loạn xạ, miệng chửi thề tục tĩu, ra vẻ dọn đường cho
thầy đi .” (2)
Một sự việc khác diễn ra vào ngày 02/6/2012 trong hành trình
đến Ninh Bình, khi rất đông phật tử và người dân Tam Hiệp, chờ sư Thích Tâm Mẫn
đến thuyết pháp tại chùa Trung Sơn. Trước đó người dân đã khó hiểu vì sự xuất
hiện của rất nhiều công an sắc phục.
Khi sư Mẫn đến thì 10 phút sau đó mọi người được thông báo
là buổi thuyết pháp không được phép diễn ra theo yêu cầu từ phía chính quyền.
Một bạn có nick rubi dona cho biết “ Rất
nhiều phật tử đã khóc khi không được nghe thầy ban pháp nhũ. Nhìn thầy con thấy
một " đường tăng " trên đường thỉnh kinh đi qua các nước láng giềng
không được vua nước nọ đón tiếp.
A di đà phật! trên con đường tu tập gặp rất nhiều trông gai
và thử thách đó coi như là 1 kiếp nạn mà thầy , đệ tử và phật tử phải trải
qua”. (3)
Theo triết gia Immanuel Kant thì “ Một ý định tốt không phải
do những gì nó tác động hay thực hiện. Nó tốt trong chính bản thân nó, cho dù
có thành công hay không. Ngay cả nếu ý định này thiếu quyền năng để đạt đến mục
đích; nếu đã nỗ lực tối đa vẫn không thực hiện được bất cứ điều gì cả…thì nó
vẫn sẽ tỏa sáng như một viên ngọc quý vì chính bản thân nó đã có giá trị đầy
đủ”.
Hành trình vạn dặm này căn bản là một ý định tốt đẹp của một
người tu - hành. Việc chúng ta đón nhận nó bởi tự thân nó đã là điều tốt chứ
không do những yếu tố bên ngoài tạo nên.
Hầu như rất ít người hiểu rõ tường tận sự việc mà chỉ biết
việc này qua một số sự kiện được thông tin trên mạng. Tôi cho rằng giáo hội
Phật giáo nên tìm hiểu rõ sự việc trên vì người liên quan chính đến sự việc là
một nhà sư, một Phật tử. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy
tín của giáo hội Phật giáo.
Dưới
đây là những gương mặt tự nhận là "đệ tử" của thầy Thích Tâm Mẫn. Họ là
ai, nhận nhiệm vụ từ ai chắc sau này sẽ có câu trả lời:
(1)
http://baodatviet.vn/Home/congdongviet/Hanh-trinh-cam-dong-cua-vi-su-nhat-bo-nhat-bai/20126/218026.datviet
(2) http://www.youtube.com/watch?v=koNSl6brIQ8
(3)http://www.youtube.com/watch?v=LtBDlN-kkNU&feature=related
19.8.2012
Paulo Thành Nguyễn