Để vẽ bản đồ thế giới, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (NGS) nhận thấy vùng biển Đông có nhiều tranh chấp nên đã gửi thư tham khảo chính quyền Việt Nam và Trung Quốc. Trong khi không nhận được phản hồi từ Việt Nam, NGS được Trung Quốc mời tới thăm Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Kết quả là NGS công bố một bản đồ với ghi chú Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, một sự nhầm lẫn cực kỳ tai hại đối với Việt Nam mà NGS về sau đã đính chính khi phía VN lên tiếng phản đối.
Câu chuyện trên - được ông Nguyễn Duy An, một người Mỹ gốc Việt giữ chức Phó chủ tịch NGS, thuật lại - cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
Trong khi mưu đồ tuyên truyền yêu sách ngang ngược của Trung Quốc là chuyện xưa như trái đất, thì có một thực tế phải nhìn nhận, đó là chúng ta quá bị động trong việc tuyên truyền chính nghĩa của mình. Không cần tới khi Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như ráo riết tuyên truyền ra thế giới những tấm bản đồ, những tài liệu ngụy tạo chủ quyền, chúng ta mới rục rịch tìm kiếm đối sách. Hãy coi việc tuyên truyền chủ quyền, tuyên truyền chính nghĩa Việt Nam là việc bình thường, phải được tiến hành thường xuyên.
Việc tuyên truyền trước hết là cho chính người Việt Nam. Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt của chúng ta, vậy tại sao không đưa những bài học về quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền của cha ông ta, về sự xâm chiếm của ngoại bang trên hai quần đảo đó vào máu thịt mỗi người dân đất Việt, trước hết và cơ bản nhất là bằng những bài giảng trong trường phổ thông? Chúng ta có làm được không, như cách người Nhật đưa vào sách giáo khoa cụm từ “bị chiếm đóng trái phép” khi nói về nhóm đảo Nam Kuril. Chúng ta không ở vào vị trí ủng hộ Nhật hay Nga trong vấn đề Nam Kuril, nhưng cách làm, thái độ của người Nhật là điều chúng ta cần suy ngẫm.
Lỗ hổng ở cấp độ nền tảng đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, trong khi “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa”, thì có một thực tế đáng buồn là số lượng các nghiên cứu khoa học về vấn đề tranh chấp ở biển Đông của tác giả người Việt trong đăng tải trên các tạp chí học thuật uy tín thế giới (trong danh sách ISI) chỉ đếm trên đầu ngón tay, lép vế hoàn toàn so với nghiên cứu cùng loại của tác giả Trung Quốc. TS Nguyễn Hồng Thao, một trong số ít tác giả Việt Nam có nhiều công bố khoa học về tranh chấp biển Đông trên tập san quốc tế, từng nhìn nhận: "Đúng là bài viết của tác giả Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa còn rất ít. Chúng ta kêu nhiều nhưng nghiên cứu lập luận chặt chẽ thì còn có vấn đề. Việc thiếu các bài viết chất lượng, bảo đảm tính khoa học bằng tiếng Anh trên tạp chí quốc tế không có lợi cho cuộc đấu tranh chung”.
Thực tế hiện nay là, trong vấn đề biển Đông, cả góc độ phổ thông lẫn hàn lâm, thế giới bên ngoài đang tiếp nhận thông tin từ Trung Quốc nhiều hơn so với từ Việt Nam. Mà tâm lý con người là dễ chấp nhận cái phổ biến, thế nên, những luận điệu sai trái của Trung Quốc, được truyền bá bằng chiến lược dài hơi, với những chiến thuật cực kỳ tinh vi, dần dần có nguy cơ sẽ chinh phục số đông thế giới bên ngoài. Hệ quả là, chúng ta trở nên đơn độc dù chính nghĩa thuộc về chúng ta.
Điều này cần phải thay đổi. Trước hết và ngay tức thì, chúng ta cần đưa câu chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông trở nên dễ tiếp cận hơn đối với mọi người dân, bằng những bài học chi tiết trong sách giáo khoa và nhiều hình thức khác. Những chương trình nghiên cứu biển đảo để công bố ra thế giới cần được tiến hành quyết liệt hơn, với vai trò chủ đạo của nhà nước.
Một trong những điều quan trọng nữa, đó là không chỉ Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, chúng ta nên xem xét đưa một số vụ việc liên quan tới hành động ngang ngược của Trung Quốc - chẳng hạn bắt bớ ngư dân, phá hoại hoạt động kinh tế của Việt Nam - ra phân xử bởi các trọng tài quốc tế. Khi vấn đề được đưa ra phân xử, đó là lúc chính nghĩa Việt Nam được nêu bật, sự phi nghĩa của Trung Quốc bị tố cáo. Có như vậy chúng ta mới nhận được nhiều hơn sự chia sẻ từ quốc tế, bằng không, một viễn cảnh đơn độc và lép vế là điều có thể tiên liệu.
Đỗ Hùng