Trong bài trước Ba triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn nối tiếp đòi trả lại đất tại phủ An Tây, Hưng Hóa (- BA TRIỀU ĐẠI VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI NỐI TIẾP ĐÒI LẠI VÙNG ĐẤT TẠI 10 CHÂU BỊ MẤT BỞI TRUNG QUỐC) chúng tôi đã nêu lên tổng quát rằng sau khi Hoàng Công Toản chạy trốn sang Vân Nam; bởi y là nhân chứng sống trong việc xác định đất đai vùng biên giới, nên nhà Lê Trịnh kiên quyết đòi hỏi nhà Thanh giao trả y trở về nước ta. Việc đòi hỏi khá cương quyết, kéo dài trong vòng 4 năm trời [1769-1773].
Nhằm khước từ việc trao trả, vua Càn Long cố gắng dựng lên vở kịch đổi trắng thay đen, trong đó các thư từ nhân danh các Tổng đốc, Tuần phủ nơi biên giới gửi sang nước ta, đều được Càn Long sai Quân cơ đại thần soạn sẵn. Nội dung vở kịch lớn, do triều đình nhà Thanh dàn dựng sẵn từng chi tiết, nhắm biện minh những điều sau đây:
- Nhà Thanh vẫn tuân theo sự thỏa thuận về việc trao trả tội phạm giữa hai nước.
- Lúc Hoàng Công Toản chạy trốn sang Vân Nam, An Nam không kịp thời báo cho nhà Thanh biết.
- Do đó đại Hoàng đế Càn Long quyết định cho an sáp bọn Hoàng Công Toản tại Trung Quốc, không trả về.
Sau đây là văn bản do Quân cơ đại thần, theo lệnh của vua Càn Long, soạn sẵn cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu, để viên này gửi đến vua nhà Lê, biện bạch tại sao nhà Thanh bác bỏ văn thư của nhà vua đòi trả Hoàng Công Toản trở về:
Ngày 5 Nhâm Tuất tháng 7 năm Càn Long thứ 38 [22/8/1773]
Lại dụ:
“ Cứ Lý Thị Nghiêu tâu ‘ Xét duyệt văn thư của Quốc vương An Nam, nội dung viên Quốc vương này tiếp nhận lời bác bỏ của bộ không trả bọn Hoàng Công Toản trở về; miễn cưỡng bảo rằng không dám không tuân, nhưng luận điệu vẫn sai trái khăng khăng, lời lẽ rất vụn vặt đáng ghét; xin dùng ý kiến riêng [của viên Tổng đốc] để ban hịch dụ.’
“ Ðáng nên bác, trong tấu triệp đã phê sẵn. Nhưng ở cõi ngoài viết hịch sợ không đủ nghiêm khắc hợp cách; nên đặc mệnh Quân cơ đại thần nghĩ soạn [bản thảo] rồi tiến trình, để gửi cho viên Tổng đốc phát hành…….. Nay gửi dụ này để hay biết, lại gửi trả lại văn thư của An Nam; cùng gửi kèm bản thảo tờ hịch gửi An Nam do Quân cơ đại thần soạn dùm, như sau:
“ Hịch dụ Quốc vương An Nam hiểu rõ: Xét về vụ án Hoàng Công Toản, qua những văn bản trình hỏi của nước ngươi; Bản bộ đường (1) tra xét đầu đuôi vụ án, do trước đó nước ngươi không báo rõ cho Ðốc bộ đường Vân Quí nên gây sự lầm lỡ; nếu như các ngươi báo trước, thì bắt trở về nào có khó gì! Như vụ tên Bác Tam trốn vào nội địa, hiện đã bắt để đưa trở về; nước ngươi hãy xét lấy sự việc thì rõ. Còn về vụ án Hoàng Công Toản, khi tỉnh Vân Nam đã liệu biện xong từ lâu; nước ngươi mới biết được và gửi văn thư khiếu nại nhiều lần, thì đã lỡ rồi không thể truy trở lại; rồi thư trát đi lại nhiều lời nào có ích gì! Bản bộ đường nghĩ nước ngươi trước đây đem lòng thành thỉnh giáo, nên không ngại trăn trở trình bày; còn như trước sau vẫn chấp mê, nghe không ra ngọn ngành, rồi đòi đưa kèm tấu triệp lúc dâng cống; Bản bộ đường đã tùy lúc ngăn trở, bàn sự việc nên theo, và cho biết rằng nếu nước ngươi mạo muội tâu trình, sự việc đem ra bộ bàn sẽ bị bác bỏ.
“ Ngươi, Quốc vương, vẫn cố chấp thiên kiến, sai lầm dâng tấu lên; đại Hoàng đế với tấm lòng rộng như bể, không trách cứ thêm mà cho đưa xuống bộ nghị bàn; nhưng nội vụ đã bị bộ chiếu theo lý mà bác. Có thể thấy được Bản bộ đường lấy lòng thành báo cho biết, ước tính sự việc chính xác không hề vu cáo; ngươi, Quốc vương, cần biết để tỉnh ngộ. Nay bảo rằng nhận được lời bàn của bộ, cẩn thận nghe mệnh, dám đâu không tuân theo; lời nói đó hợp lý. Những vẫn dài dòng thêm những phiền ngôn, múa văn khua bút; đã không thuyết phục được ai, mà lại làm thêm ghét. Mọi sự do nước ngươi ở nơi hoang dã, không rành thể chế của Thiên triều, nên ngươi có hành động khinh suất như vậy; nhân đó ta có lời khắc thiết chỉ đường. Tại Trung Quốc ta, những lời tâu của các quan, sau khi được bộ nghị bàn và nhận được chiếu chỉ hoặc chuẩn y hoặc bác; tất đều được kính cẩn tuân hành, không dám đem ra biện luận trở lại nữa, vốn kỷ cương nằm trong đó, nhất định không sai chạy. Ngươi, Quốc vương, là nước đời đời được phong, vốn xưng cung thuận, cái đạo thờ nước lớn theo lẽ thường; há lại dùng lời lẽ buông tuồng, có phần sai pháp độ; huống hồ bộ lễ đã dâng sớ đàn hạch rằng viên Quốc vương tấu trái lệ căn bản không hợp; nhưng nghĩ ngươi thường nhật cẩn trọng, nên được khoan thứ miễn nghị, lại được ơn trên chấp nhận cho thi hành. Ngươi Quốc vương đáng phải cảm khích tuân theo, để vĩnh viễn nhận ơn; nếu lại cứ lải nhải thêm lời, tất tự dẫm vào tội lỗi, chắc đó là điều ngươi không muốn. Lệnh trên nghiêm nhặt, không thể mạo phạm; Bản bộ đường thấy được nỗi lòng của ngươi, nên đem điều chính nghĩa ra nói; và đem văn thư ngươi gửi đến bác trả lại. Viên Quốc vương hãy suy nghĩ nghe lời, tuân theo lý, yên phận, khỏi phụ những lời thành thực khuyên răn của Bản bộ đường. Nhân đem lời dụ rõ.” ( Cao Tông Thực Lục quyển 938, trang 17-19)
Trong văn bản nêu trên có nêu vụ nhà Thanh trả lại Bác Tam cho ta, đây chỉ là chiến thuật ‘trả con cá nhỏ’ để ‘bắt con cá lớn’ Hoàng Công Toản; do đó triều đình nhà Thanh tỏ ra rất mẫn cán trong việc trao trả Bác Tam, để cố chứng minh rằng họ đã tuân thủ việc trao trả tội phạm giữa hai nước. Cần lưu ý vụ Bác Tam chỉ là chuyện nhỏ, nhưng chỉ dụ gửi cho Tổng đốc Vân Quí Chương Bảo ra lệnh trả y, đề ngày 13/4/1773, được sử dụng theo độ tối khẩn hỏa tốc 600 (2) dặm 1 ngày, để việc trả lại Bác Tam lại cho An Nam, được thực hiện trước hịch dụ nhân danh Tổng đốc Lưỡng Quảng nêu tại phần trên, gửi đi vào ngày 22/8/1773. Rõ ràng đây là vở kịch, được soạn để ăn khớp từng chi tiết:
Ngày 22 tháng 3 năm Càn Long thứ 38 [13/4/1773]
Dụ các Quân cơ đại thần:
“ Bọn Chương Bảo [Tổng đốc Vân Quí] tâu ‘ Người Giao Chỉ tên là Bác Tam có xích mích với viên Thổ mục Nguyễn Ngọc Huân nên bỏ trốn. Bác Tam đem gia quyến trốn vào nội địa, nên bị quân tại đồn trấn bắt được; xin đem Bác Tam cùng gia quyến trả lại nước này để tự họ tra xét.’
“ Việc làm đúng; vụ Bác Tam đã được tra xét rõ. Tại Giang Bang, Giao Chỉ y bị Thổ mục Nguyễn Ngọc Huân sinh sự; nhưng không tiện cho lưu lại nội địa; đáng đem bọn Bác Tam trở về lại nước này gấp để họ điều tra giải quyết. Ðáng theo lệ trước đây đã giải Nguyễn Ngọ Hán, trả về từ Quảng Tây; vẫn truyền hịch cho Ủy viên của viên Quốc vương tiếp nhận tại biên giới. Hãy truyền dụ này với độ khẩn 600 lý [1 ngày], để chuyển cho Chương Bảo, Lý Hồ [Tuần phủ Vân Nam] hay biết. ( Cao Tông Thực Lục quyển 929, trang 13 )
Riêng vụ Hoàng Công Toản thì văn bản ngày 22/8/1773 nêu trên viện cớ rằng lúc y mới trốn sang, An Nam không chịu đòi về; chờ đến khi đại Hoàng đế cho an sáp mới đòi, nên cương quyết không trả. Ðiều này trái với sự thực; ngược dòng thời gian, ngay sau khi Hoàng Công Toản chạy sang Vân Nam, thì vào tháng 10 năm Càn Long thứ 34 [1769] Trấn mục Hưng Hóa Hoàng Ðình Thể đem việc Hoàng Công Toản làm giặc, chạy sang Trung Quốc; nhưng viên Tri Châu Kiến Thủy Trương Nhan Liệt, toa rập với Tri phủ Lâm An Trương Nhược Ðình trả lời rằng trong lãnh thổ Trung Quốc không có tên đó:
Ngày 6 Bính Tý tháng 4 năm Càn Long thứ 36 [19/5/1771]
Dụ các Quân cơ đại thần:
“ Chương Bảo tâu nội dung về văn thư phúc đáp An Nam đòi đưa Hoàng Công Toản trở về. Cứ theo lời bẩm của Trương Nhược Ðình, lúc bấy giờ giữ chức quyền Tri phủ Lâm An cho biết viên quyền Tri châu Kiến Thủy Trương Nhan Liệt trình diện, đưa một văn thư của viên Trấn thủ Hưng Hóa, An Nam, tập nã Hoàng Công Toản. Y cùng viên quyền Tri châu bàn nên phúc đáp những lời rằng trong lãnh thổ nội địa không có tên đó. ( Cao Tông Thực Lục quyển 882, trang 9-10)
Qua sử liệu nêu trên, chứng tỏ triều đình nước ta đã làm đúng thủ tục, ngay khi sự việc xẩy ra, đã cho quan lại địa phương Hưng Hóa liên lạc hàng ngang với quan địa phương Trung Quốc tại châu Kiến Thủy để đòi cho được tội phạm Hoàng Công Toản trở về . Sự việc này mặc dù chánh sử Thanh Thực Lục chép đầy đủ, nhưng vua Càn Long coi như không biết, cho rằng lúc Hoàng Công Toản mới chạy sang Trung Quốc, An Nam chưa hề gửi văn thư đòi trả về, nên bảo thuộc hạ A Quế vặn hỏi rằng “Ðã trốn vào nội địa, sao không sớm báo cho quan tại biên giới xin nhờ tầm nã; cớ sao khi nghe tin nội địa an sáp, mới gửi văn thư xin bắt trở về?”:
Ngày 10 Nhâm Ngọ tháng 10 năm Càn Long thứ 35 [26/11/1770]
Quân cơ đại thần bàn rồi tâu:
“ Cứ theo lời tấu của bọn Phó tướng quân A Quế rằng tiếp nhận di văn của Quốc vương An Nam, nhân đó tra biết rằng năm ngoái bọn Hoàng Công Toản mang quyến thuộc đến nội phụ, được ban dụ cho an trí ngoài biên giới. Viên Quốc vương cho biết viên Di mục Hưng Hóa, trong địa phương có trại Mãnh Lại giáp giới với trại Mãnh Thiên thuộc châu Kiến Thủy [Trung Quốc], đem sự việc trình báo; nên mới nêu ra.
“ Nhưng Hoàng Công Toản khốn cùng đến xin qui phụ, đã được an sáp, viên Quốc vương sao lại được tự tiện hướng về nội địa đòi hỏi. Vả lại nếu bảo bọn Hoàng Công Toản đã mang tội với người nước này; nếu biết rằng đã trốn vào nội địa, sao không sớm báo cho quan tại biên giới xin nhờ tầm nã; cớ sao khi nghe tin nội địa an sáp, mới gửi văn thư xin bắt trở về? Xin ra lệnh bọn A Quế, lập tức gửi văn thư bác trách, mới đúng cách.”
Nhận được chiếu chỉ:
“ Y theo lời bàn thi hành gấp.” ( Cao Tông Thực Lục quyển 870, trang 24-25)
Vua nhà Lê quyết không dừng bước, bèn theo con đường chính thức giao dịch giữa hai nước, gửi thư cho Lý Thị Nghiêu, Tổng đốc tỉnh Lưỡng Quảng, yêu cầu được gửi Sứ thần sang triều đình nhà Thanh dâng biểu trình bày. Sau khi Tổng đốc Lưỡng Quảng tâu lên, vua Càn Long bèn sai Quân cơ đại thần soạn sẵn thư cho viên Tổng đốc, dùng viên này làm trung gian, khuyên vua nhà Lê đừng tiếp tục tâu lên. Lại đưa ra thủ tục đầy khó khăn rằng nếu dâng biểu lên phải chờ vào kỳ cống, phải soạn biểu văn riêng phụ gửi vào để cho bộ duyệt, cùng hù dọa rằng sự việc đưa lên sẽ bị đại Hoàng đế quở trách:
Ngày13 Giáp Thân tháng 2 năm Càn Long thứ 36 [28/3/1771]
Dụ các Quân cơ đại thần:
“ Lý Thị Nghiêu tâu rằng ‘Quốc vương An Nam gửi văn kiện liên quan đến văn thư phúc đáp của Chương Bảo [ quyền Tổng đốc Vân Quí] bác việc đòi hỏi Hoàng Công Toản trở về; thanh ngôn rằng sẽ sai Ủy viên dâng bản tâu lên. Hiện đã gửi thư cho tỉnh Vân Nam liệu biện để đợi Chương Bảo phúc đáp; hoặc dùng ý kiến mình [Lý thị Nghiêu] gửi hịch văn bác bỏ; hoặc gửi dùm viên Quốc vương bản tâu lên. Nay xin được chiếu chỉ cho biết để tuân hành.’
“ Viên Quốc vương đã gửi thư, đáng phải truyền hịch phúc đáp, cũng không cần phải chờ Chương Bảo liệu biện. Nay đã ra lệnh Quân cơ đại thần thay mặt Lý Thị Nghiêu soạn bản cảo (3) tờ hịch, để gửi cho Quốc vương nước này biết. ……:
“ Hịch dụ để Quốc vương An Nam hiểu rõ:
Tiếp văn thư gửi đến cho biết việc Hoàng Công Toản xin đầu thuận nội địa, Quốc vương đã đòi về, nhưng chưa được đem trở về, và muốn Bản bộ viện thay mặt chuyển đạt. Nhân tra án này liên quan đến Ðốc bộ viện Vân Quí lo liệu; đầu đuôi vụ án đều xẩy ra tại tỉnh Vân Nam , Bản bộ viện không thể phân tích sâu đầu đuôi, và cớ sao phải làm phiền Thiên tử nghe. Nhưng đọc kỹ văn thư gửi đến, thấy rằng nước ngươi lo liệu việc này đầu đuôi không được thỏa đáng. Nếu như người này thuộc loại trốn tránh, thì lúc mới trốn đáng thông tư ngay cho Ðốc bộ viện Vân Quí để ngăn việc lén xâm nhập; thì Hoàng Công Toản không thể mượn cớ xin tá túc, và Ðốc bộ viện Vân Quí không thể cho lưu giữ, và sẽ giúp các ngươi bắt giữ khi bọn chúng còn ẩn náu nơi hoang dã. Ðến khi bọn Hoàng Công Toản đã đầu thuận, Ðốc bộ viện Vân Quí cho rằng nước các ngươi thần phục đã lâu, vốn rất cung thuận; lê dân (4) khốn cùng của nước ngươi cũng là con đỏ (4) của Thiên triều, nên thương sự lưu lạc mà an sáp; đó là ngưỡng theo ơn sâu chiếu cố người xa xôi của Thiên tử, giúp nước các ngươi chiêu tập người cùng khổ.
“Ðến khi viên Quốc vương biết được đã trốn vào nội địa và đã được an sáp, thì chỉ nên trình bày đầu đuôi việc cha con Hoàng Công Thư (5) đắc tội và yêu cầu Ðốc bộ viện Vân Quí điều tra liệu biện; thì tỉnh Vân Nam sẽ điều tra rõ ràng, há lại dung người mang tội tại thuộc quốc. Ngươi trước đây đòi hỏi Ðốc bộ viện Vân Quí để mang bọn chúng về xử trị, sự đòi hỏi thẳng thừng bằng được như vậy, nên không lạ trong đó có những lời trách. Rồi ngươi nhận được tư văn của Ðốc bộ viện Vân Quí, lại có lời phẫn hận, càng không thận trọng đúng cách. Còn việc bảo sẽ viết bản tâu, rồi sai Ủy viên đệ tấu; nay tra về lệ qui định cho các ngoại Phiên, thì chỉ có kỳ đi cống mới có bản tâu dâng lên trước, mà bản tâu này phải chờ bộ phúc chuẩn mới được đưa lên; ngoài ra các văn án khác đều thuộc loại thông tư mà thôi. Nếu như viên Quốc vương muốn chờ đến lúc cống, dâng văn bản phụ với tấu triệp, Bản bộ đường khó mà ngăn cản; Ðại hoàng đế xem qua rồi sẽ giao cho bộ bàn, bộ sẽ không chấp thuận thi hành [như lời xin]. Nếu không theo thủ tục mà gửi tấu triệp đến biên giới, Bản bộ viện cũng không dám làm trái lệ, để tấu thay. Nhưng Quốc vương nghĩ đến Bản bộ viện là Ðại thần nơi biên giới, đã đem những lời thỉnh cầu, thì không thể không thực tình báo cho biết. Quốc vương từ trước tới nay giữ lễ, đại Hoàng đế quyến luyến gia ơn, nay lại vì thiên kiến, dùng lời quá khích, thấy được thiếu thận trọng. Thảng hoặc điều này Thiên tử nghe được, thì không khỏi bị khiển trách. Còn về nội dung vụ án này, Bản bộ viện cần gửi cho Ðốc bộ viện Vân Quí lo liệu, ngoài ra phúc đáp trước cho Quốc vương để châm chước liệu biện ỗn thỏa, để không phụ lời khuyên giải của Ðốc bộ viện.”… ( Cao Tông Thực Lục, quyển 878, trang 19-22)
Dù cho Tổng đốc Lý Thị Nghiêu ngăn cản, vua nhà Lê vẫn kiên quyết xin gửi cống sứ sang để trình bày vụ Hoàng Công Toản. Vua Càn Long không thể không chấp nhận, nhưng chuẩn bị rằng một khi biểu văn đưa lên, thì đưa qua bộ và nội các để họp bàn bác bỏ. Càn Long đọc văn thư của vua Lê, thấy sử dụng những điển cố xác đáng để đả kích như ‘Yêu cầu sửa sang việc chính trị tu sửa giáo hoá’ (Tề chính tu giáo, chính nghị minh đạo) hoặc ‘Nếu không đếm xỉa đến nghĩa lý phải trái…’ (Nhược bất vấn nghĩa lý chi thị phi); nên nghi rằng có người Trung Quốc chạy trốn sang An Nam viết giúp; lời suy luận thực quái gỡ, vì An Nam là nước văn hiến, về đường chữ nghĩa nào phải nhờ đến ai:
Ngày 13 Mậu Thân tháng 3 năm Càn Long thứ 37 [15/4/1772]
Dụ các Quân cơ đại thần:
“ Cứ theo lời tâu của Lý Thị Nghiêu ‘ Quốc vương An Nam cố chấp mê muội đem vụ án Hoàng Công Toản phụ tâu lúc nạp cống., nên không cần phải gửi văn thư phúc đáp.’ Viên Quốc vương cố chấp ý kiến mình, nhất định muốn trình tâu, viên Tổng đốc cho rằng không cần gửi văn thư phúc đáp là đúng. Ðợi tấu triệp của y tới nơi, giao cho bộ bác bỏ; viên Tổng đốc lúc này cũng không cần tranh luận với họ.
Riêng duyệt văn thư của viên Quốc vương, trong đó có những cụm từ như “ tề chính tu giáo, chính nghị minh đạo” ( sửa sang việc chính trị tu sửa giáo hóa, bàn lẽ phải làm sáng đạo) , hoặc như “ nhược bất vấn nghĩa lý chi thị phi” ( nếu không đếm xỉa đến nghĩa lý phải trái) vv…đều thuộc loại cũ kỹ vu khoát không hợp thời, chuyên dùng nhai văn nhả chữ, chắc từ tay tên Hán gian nào đó viết. Biên giới An Nam tiếp giáp với Quảng Tây, dân nội địa qua lại rất tiện; sợ quân gian không tuân pháp luật trốn vào nước này, việc này rất quan hệ. Nay truyền lệnh cho Lý Thị Nghiêu lưu tâm tra xét, thông sức các cửa quan ải, nghiêm mật xét hỏi, nếu gặp người phạm vào việc cấm đoán ra vào, thì tra xét kỹ trị năng tội này.”
Ðem dụ này truyền để hay biết. (Cao Tông Thực Lục quyển 904, trang 32-33)
Qua biện pháp mềm mỏng tranh luận qua văn thư và gửi Sứ giả đến triều đình nhà Thanh phân trần, không có hiệu quả; nhà Lê tỏ ra cương quyết, cho biết sẽ mang quân đến vùng Thập Châu, bắt những người Trung Quốc tại trại đó giải tống sang Trung Quốc, cùng hoạch định lại biên giới:
Ngày 13 Ðinh Mùi tháng 9 năm Càn Long thứ 47 [19/10/1782]
……‘ Cứ lời trình của viên Quốc vương khai rằng Thập Châu thuộc An Tây đường sá xa xôi, nhân sau cơn binh lửa, dân nội địa thừa cơ hội trà trộn vượt chiếm nhận đất thuộc Quảng Lăng, Lai Châu đổi tên thành Mãnh Lạt, Mãnh Lại, rồi cho lệ thuộc vào nội địa. Nên đợi đến mùa mát, sai người đến Thập Châu, tìm bắt phạm nhân giải tống sang, điều tra ra vùng đất biên giới chưa rõ ràng đáng được hoạch định lại.’ (Cao Tông Thực Lục quyển 1164, trang 39-41)
Văn thư vừa mới gửi đến cho Tổng đốc Vân Quí Phú Cương, thì mùa thu năm đó chúa Trịnh Sâm mất, nên mọi việc đành bỏ dở.
*
Mãi cho đến thời Gia Khánh [1804], trong dịp nhà Thanh cho phép những người Việt Nam từng theo vua Lê Chiêu Thống lưu vong trở về nước. Nhân dịp này tại Ô Lỗ Mộc Tề thuộc tỉnh Tân Cương, nơi địa phương bọn Hoàng Công Toản bị an sáp, viên Ðô thống cai quản xứ này gửi văn thư hỏi triều đình nhà Thanh có bằng lòng cho bọn Hoàng Công Toản trở về nước hay không. Vua Gia Khánh gửi chỉ dụ cho biết rằng Nguyễn Ánh [Gia Long] vốn thuộc cựu thần nhà Lê, mà bọn Hoàng Công Toản là cừu địch nhà Lê, xét vì an toàn cho bọn này, nên không cho trở về:
Ngày 6 Nhâm Tuất tháng 8 năm Gia Khánh thứ 9 [9/9/1804]
Lại dụ:
“ Hôm nay Quân cơ đại thần tâu bộ hình chuyển văn thư cho biết căn cứ Ðô thống Ô Lỗ Mộc Tề báo rằng tại địa phương Ðầu Ðồn thuộc xứ này, vào năm Càn Long thứ 36 [1771] an sáp người Di là bọn Hoàng Công Toản, gồm 22 hộ; những người này nên hay không nên chấp thuận cho trở về nước. Qua Quân cơ điều tra rõ, Hoàng Công Toản là hậu duệ họ Mạc, nhân họ Lê diệt Mạc nên đổi họ để trốn, cư trú tại trại Mãnh Thiên. Lại bị An Nam đánh, sức không chống nỗi, đem quyến thuộc hơn 100 người, vào năm Càn Long thứ 34 [1769] khẩn cầu nội phụ. Ðã được cho an sáp gần biên giới; rồi viên Quốc vương nước này xin đưa về để trị tội, nên bi bác và cho an sáp tại Ô Lỗ Mộc Tề.
Những gia đình An Nam này với những người đi theo Lê Duy Kỳ được cho trở về; tình tiết không giống nhau, nên khó có thể liệu biện cùng một cách. Nay truyền dụ cho viên Ðô thống, nếu như lúc này các hộ thuộc bọn Hoàng Công Toản không xin trở về nước, thì gác lại không cần bàn đến. Nếu bọn y nhân các các hộ theo Lê Duy Kỳ đều được chấp thuận cho trở về nước, rồi lại khẩn cầu xin hồi hương, thì viên Ðô thống cần dụ rằng: Bọn ngươi vốn là cừu địch với họ Lê nên đến đầu thuận nội địa, nhưng hiện tại Nguyễn Phúc Ánh, người được nước, vốn thuộc cựu thần nhà Lê. Ðại Hoàng đế lo rằng các ngươi sau khi trở về nước sẽ không có chỗ nương dựa, nên vì lòng thể tuất không đưa các ngươi giao cho nước này. Các ngươi đáng an cư lạc nghiệp, không nên nghe những điều quấy. Dụ một cách minh bạch như vậy, bọn chúng sẽ cảm khích về sự ban ơn. Ðem dụ này truyền lệnh để hay biết. ( Nhân Tông Thực Lục quyển 133, trang 12-13)
Vua Gia khánh cho rằng Hoàng Công Toản cừu địch với nhà Lê, Nguyễn Phúc Ánh [tức vua Gia Long] thuộc cựu thần nhà Lê, nên cũng không dung cho Hoàng Công Toản. Lập luận này hết sức miễn cưởng, vì qua lịch sử Việt Nam thì họ Nguyễn tại phương Nam và nhà Lê Trịnh phương Bắc phân tranh hàng thế kỷ; vậy họ Nguyễn đâu còn là thần dân nhà Lê! Chỉ có một điều duy nhất mà nội bộ triều đình nhà Thanh biết rõ, là bất cứ triều đại nào tại Việt Nam, hoặc Lê, Nguyễn hay các họ khác, sẽ không bao giờ tha thứ kẻ dâng đất cho ngoại bang, và nếu có được bọn Hoàng Công Toản trong tay, ắt sẽ dùng nó để làm bằng cớ đòi cho bằng được vùng đất bị mất.
HỒ BẠCH THẢO
-----------------------------------------
Chú thích
1.Bản bộ đường, hay Ðốc bộ đường: lời tự xưng của vị quan lớn đứng đầu một cơ quan. Ðốc bộ viện: chỉ viên Tổng đốc và cơ quan dưới quyền
2.Hỏa tốc: thời Thanh Càn Long sử dụng ngựa chạy tiếp sức làm phương tiện truyền tin nhanh, độ tối khẩn hay hỏa tốc là 600 lý [342 km.] 1 ngày; với độ khẩn này, phải thay đổi ngựa chạy tiếp sức suốt ngày đêm.
3.Bản cảo: bản nháp. Bản này do Quân cơ đại thần soạn sẳn để Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Thị Nghiêu chép lại rồi gửi sang An Nam.
4.Lê dân: dân đen, con đỏ tức xích tử; hai từ này đều chỉ dân thường.
5.Hoàng Công Thư tức Hoàng Công Chất, cha Hoàng Công Toản.