Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Những vết rạn trong nền tảng toàn cầu

Châu Giang dịch từ CNAS

Thái độ thách thức của Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn về biển hiện tại tạo ra những vết nứt trong một trật tự toàn cầu mà các nước đã tạo ra sau hai cuộc chiến tranh thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng. Trong bối cảnh này, vai trò lãnh đạo hiệu quả và liên tục của Mỹ sẽ là cần thiết để chống lại các thách thức từ Trung Quốc và củng cố nền tảng của trật tự toàn cầu hiện nay.

Trung Quốc khẳng định các lợi ích của mình bằng những cách thức đe dọa các tiêu chuẩn nền tảng đang điều chỉnh thông lệ toàn cầu trên biển. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất tại biển Đông, nơi các chính sách và hoạt động của Trung Quốc đang thách thức sự ổn định và an ninh. Trung Quốc đang thách thức các chuẩn mực này theo hai cách.

Thứ nhất, họ thách thức các quy định đã được thiết lập trong Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS), vốn cho phép các nước được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Trên thực tế, Trung Quốc viện dẫn một "đường chín đoạn" lịch sử để biện hộ cho các quyền tài phán của mình trên biển, thay vì dựa vào quy định về EEZ hay thềm lục địa. Quan điểm như vậy gây bất đồng với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc thách thức quyền của các lực lượng hải quân tiến hành các hoạt động quân sự, tập trận và thu thập thông tin tình báo trong EEZ của các nước khác. Dù Trung Quốc thực chất hưởng lợi từ trật tự hiện nay, nhưng quan điểm của Bắc Kinh về một số tiêu chuẩn quan trọng điều khiển các hoạt động quân sự thông qua hệ thống toàn cầu lại khác với cách hiểu của Mỹ và các nước khác.
Các hành động như trên của Trung Quốc vừa gây bất ổn tại biển Đông và làm suy yếu các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế vốn nhằm đẩy lùi bất ổn quốc tế và tránh xung đột vũ trang. Thái độ thách thức của Trung Quốc đối với các tiêu chuẩn về biển hiện tại tạo ra những vết nứt trong một trật tự toàn cầu mà các nước đã tạo ra sau hai cuộc chiến tranh thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng.
Nhiều thập kỷ qua, trật tự này đã mở ra khả năng tiếp cận với các thị trường, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thương mại, cũng như các cơ chế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Châu Á - và đặc biệt tại Đông Á - đã hưởng lợi rất lớn từ hệ thống toàn cầu này, với việc Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Đài Loan được lần lượt xếp hạng nền kinh tế lớn thứ 2, 3, 12, 15 và 19 thế giới. Bất chấp các vết nứt trong trật tự này, vai trò lãnh đạo hiệu quả và liên tục của Mỹ sẽ là cần thiết để chống lại các thách thức của Trung Quốc và củng cố nền tảng của trật tự toàn cầu hiện nay.
Ba trụ cột của toàn cầu hóa hiện đại
Sự tiếp cận cởi mở và dựa trên thị trường đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thương mại là một trong các trụ cột của toàn cầu hóa hiện đại. Đây là một sự khác biệt quan trọng so với toàn cầu hóa một thế kỷ trước đây và là một lực lượng quan trọng giúp duy trì ổn định, cho phép tất cả các nước tiếp cận với các phương tiện để phát triển và tăng trưởng. Đặc biệt, hệ thống này từng tạo điều kiện nhiều nhất cho sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc.
Khác với Nhật Bản và Đức, những nước ngay từ đầu thế kỷ trước đã bị các cường quốc thực dân cứng rắn cô lập khỏi các nguồn tài nguyên mà họ cần để gia tăng tài sản và quyền lực, Trung Quốc ngày nay có khả năng cạnh tranh giành nguồn tài nguyên dựa trên nền tảng công bằng hợp lý với các cường quốc đã được thiết lập. Trung Quốc được hưởng lợi rất lớn từ việc họ không mất công phá vỡ hệ thống để gia nhập nó. Nói cách khác, thế kỷ đó đã bắt đầu tuy nó đã kết thúc. Theo Alan Taylor, vào năm 1911 "các thị trường vốn toàn cầu đã hội nhập đến mức độ ấn tượng như ngày nay". Vốn nước ngoài trên GDP đã tăng bền vững từ năm 1870 -1914, giảm mạnh trong thời gian từ năm 1914 đến những năm 1980 vì hai cuộc chiến tranh thế giới và Chiến tranh Lạnh, rồi lại tăng trong hai thập kỷ cuối thế kỷ 20. Tương tự, thương mại thế giới tính trên GDP đạt 10% vào năm 1870, đã tăng lên 21% vào năm 1914, giảm xuống còn 9% vào năm 1938 và tăng trở lại 27% vào năm 1992.
Tuy nhiên, có những khác biệt lớn về cấu trúc giữa thế giới toàn cầu hóa năm 1911 với toàn cầu hóa ngày nay. Năm 1911, các đế quốc rộng lớn chế ngự toàn cầu, nhất là tại các lục địa Á - Âu - Phi và các vùng ngoại biên. Đế chế Anh và các thuộc địa của họ bao gồm Vương quốc Anh; Canada, New Zealand; Nam Phi; tiểu lục địa Ấn Độ; phần lớn phía Đông, Tây và Nam châu Phi; Malaysia, phần lớn Nam Mỹ, Trung Mỹ và các đảo Carribbea; Hong Kong và các lãnh thổ nhượng quyền khác tại Trung Quốc; và vô số đảo trên toàn cầu. Tổng cộng, Anh kiểm soát 25% diện tích lãnh thổ thế giới và cũng chừng đó phần trăm dân số, vì vậy họ chế ngự phần lớn nguồn tài nguyên và các thị trường toàn cầu. Tương tự, Pháp kiểm soát Đông Dương, Madagascar và các đảo khác tại Ấn Độ Dương và khoảng 1/3 châu Phi. Nga chế ngự phần trung tâm Á - Âu, tương đương khoảng 20% diện tích lãnh thổ toàn thế giới, và người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đức và Italy kiểm soát trực tiếp các lãnh thổ hải ngoại, nguồn tài nguyên và các thị trường của nó.
Năm 1911, chỉ có 45 quốc gia độc lập hoàn toàn, trong đó 21 nước ở Bắc và Nam Mỹ, chiếm gần 47%. Như vậy chỉ 24 quốc gia có chủ quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ châu Âu, châu Phi, nhiều nơi ở châu Á, các quần đảo châu Á, Australia và Đại Tây Dương, cũng như dân cư và nguồn tài nguyên của mảnh đất rộng lớn này. Trung Quốc, dù độc lập trên danh nghĩa, nhưng cũng chỉ có vậy. Cuối năm 1911, tàn dư cuối cùng của triều đại nhà Tần một thời oanh liệt đã sụp đổ, và một nước cộng hòa yếu kém mới chỉ bắt đầu vươn lên từ đống tro tàn. Tại nhiều khu vực, đặc biệt ở dọc bờ biển, sự ổn định được duy trì không chỉ nhờ các chính quyền bản địa mà còn nhờ 8 nước ngoài với các lãnh thổ nhượng quyền tại Trung Quốc. Ngược lại, năm 2011 có tới 197 quốc gia độc lập trên thế giới.
Một điểm khác biệt giữa năm 1911 và 2011 là sự phân bố rộng rãi hơn của quyền lực chính trị đã cho phép các cư dân bản địa tiếp cận nguồn tài nguyên và các thị trường. Tuy nhiên, dù các điều kiện chính trị địa phương tạo cơ hội cho địa phương tiếp cận rộng rãi - và kiểm soát - lợi nhuận thu được từ nguồn tài nguyên địa phương, nhưng số lượng ngày càng nhiều quốc gia tham gia hệ thống thương mại toàn cầu đã thúc đẩy cạnh tranh và các nguyên tắc thị trường.
Trụ cột thứ hai của toàn cầu hóa hiện đại là sự phát triển của các thể chế quốc tế giúp tăng cường sự ổn định về chính trị, kinh tế và quân sự, giúp các quốc gia tiếp cận được các nguồn tài nguyên và các thị trường. Năm 1911, các Công ước Hague - một số thỏa thuận giới hạn tập trung ban đầu vào việc tiến hành chiến tranh - là các thỏa thuận quốc tế duy nhất lúc đó để ngỏ cho tất cả quốc gia tham gia. Chúng chỉ tồn tại một thập kỷ, và một số Công ước Hague chưa bao giờ được toàn cầu công nhận. Chúng đã thiết lập thể chế quốc tế thường trực duy nhất trên thế giới, đó là Tòa án Trọng tài Thường trực, bắt đầu hoạt động khi chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt phong trào hướng tới sự hợp tác quốc tế. Mục đích của tòa án này là hỗ trợ các nước trong vai trò một trọng tài phân xử tranh chấp, nhưng nó không được thừa nhận rộng rãi khi mới thành lập và chỉ phân xử một số ít trường hợp. Một phần điều này là vì tồn tại tương đối ít tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế được toàn cầu công nhận vào năm 1911 để tòa áp dụng. Vì vậy, sự tích lũy sức mạnh quốc gia - nhất là sức mạnh quân sự - vẫn là cách chủ yếu để các nước trở nên giàu có. Vì một số ít các nước có chủ quyền lại kiểm soát rất nhiều lãnh thổ, tài nguyên và thị trường theo hệ thống thuộc địa, nên các lãnh đạo này có lợi thế để phát triển sức mạnh quân sự và có thể ngăn cản một cường quốc mới nổi muốn có được sự giàu có tương tự. Vì thế, các nước mới nổi nói chung không có lựa chọn nào ngoài việc phải phá vỡ hệ thống vốn có bằng vũ lực để phát triển. Vì vậy, các chuẩn mực và đạo luật cấm sử dụng vũ lực xuất hiện rất chậm.
Nhưng khi các tiêu chuẩn này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn - đặc biệt là sau chiến tranh thế giới I - các nước mới nổi cuối cùng lại bác bỏ chúng. Họ cho rằng các tiêu chuẩn này là sự ràng buộc của các nước nguyên trạng như Anh và Pháp, vì muốn duy trì vai trò bá chủ toàn cầu của mình nên cấm các nước mới nổi như Đức và Nhật làm giàu, trở nên hùng mạnh và có ảnh hưởng. Các tiêu chuẩn, quy định và thể chế ngày nay đã xuất hiện từ sau cuộc chiến tranh thế giới II nhằmể quản lý những thay đổi về quyền lực kinh tế mà không dẫn tới chiến tranh tái diễn. Kiến trúc thể chế quốc tế đồ sộ và hệ thống luật pháp quốc tế đã phát triển hiện nay tạo một cấu trúc tiêu chuẩn mạnh để đảm bảo khả năng tiếp cận với các nguồn tài nguyên dựa trên nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự độc lập của các quốc gia có chủ quyền, bảo vệ các nước này tránh khỏi ngoại xâm và đảm bảo tự do thương mại của hàng hóa toàn cầu.
Trụ cột thứ ba của toàn cầu hóa là sự ổn định tại các vùng biển quốc tế. Nền tảng của sự ổn định này gồm hai yếu tố. Một là tự do tiếp cận với sức mạnh biển đảm bảo thương mại và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Sức mạnh biển bao gồm cả lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật biển của các quốc gia ven biển, như lực lượng bảo vệ bờ biển. Hai là một nền tảng pháp lý cho phép thực thi các quyền chủ quyền đối với tài nguyên biển tại các khu vực địa lý đặc biệt trên biển, trong khi đảm bảo tự do quốc tế trong việc tiếp cận và sử dụng các khu vực này để tiến hành hầu như tất cả các hoạt động không liên quan đến tài nguyên. 
Còn tiếp

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/