Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Biển Đông đang nổi sóng lừng khi những tính toán của Bắc Kinh ngày càng lớn lên

Nguyễn Hoàng Hà
 
Trung Quốc mấy tuần qua liên tục tuyên bố không gây hấn trên Biển Đông và cả trên biển Nhật Bản hòng thôn tính các khu vực còn lại trên biển của các nước láng giềng như Việt Nam,
Philippines và Nhật Bản, Triều Tiên, v.v.

Trước tiên nói đến hoạt động nhộn nhịp và quy mô rất lớn của Trung Quốc trên Biển Đông trong đó có việc hợp lý hóa chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã ăn cướp được của Việt Nam thành của mình.
Mọi người đang rất quan tâm và bất bình về sự kiện Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc mời thầu dầu khí 19 lô ở bắc Biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 1 hải lý. Ngày 2.3, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tờ China Daily dẫn lời quan chức Vương Nhu Long thuộc Ban Phát triển du lịch tỉnh Hải Nam cho hay Trung Quốc đang lập kế hoạch phát triển du lịch ở Hoàng Sa. Chưa hết, chính quyền tỉnh Hải Nam còn dự kiến tổ chức đua thuyền buồm từ Tam Á đến Hoàng Sa vào ngày 28.3… Bên cạnh đó, theo Tân Hoa xã, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc nỗ lực hợp pháp hóa để nuốt các khu vực đảo biển đã chiếm được của Việt Nam bằng cách lập đặc khu hành chính và cho tiến hành khai thác du lịch cũng như khai thác dầu hỏa trên biển Hoàng Sa, Trường Sa
Phát biểu bên lề Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) mới đây, thiếu tướng La Viện, Giám đốc điều hành Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên thành lập lực lượng cảnh sát biển bán quân sự; triển khai thêm nhiều lực lượng đến các đảo đang tranh chấp; khuyến khích ngư dân và các công ty dầu khí bắt đầu hoạt động tại đây. Tờ PLA Daily của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn dẫn lời ông La kêu gọi thành lập đặc khu hành chính ở Biển Đông. Ông này không phải là phát ngôn viên chính thức của chính quyền nhưng quan điểm của tướng La được đăng trên cơ quan ngôn luận của PLA cho thấy đây có thể là suy nghĩ chung của một bộ phận tướng lĩnh.
Trung Quốc hiện chưa có lực lượng tuần tra bờ biển chính thức nhưng có ít nhất 6 bộ liên quan đến các công tác biển. Trong đó, khét tiếng nhất là lực lượng hải giám thuộc Cục Hải dương (Bộ Đất đai và Tài nguyên thiên nhiên) và ngư chính thuộc Cục Quản lý thủy sản (Bộ Nông nghiệp). Đây là 2 lực lượng tàu liên tục có các hành động gây lo ngại cho các bên ở Biển Đông, biển Hoa Đông trong thời gian qua và thường xuyên được tăng cường tàu, máy bay trực thăng… Vậy mà báo China Daily còn dẫn lời nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Trần Minh Nghĩa chê hải giám và ngư chính “thiếu cứng rắn” và đề nghị lập thêm Bộ Các Đại dương. Ngoài ra họ đã mua toàn bộ các tàu và xà lan cũ sắp phải hủy chở đầy xi măng bê tông cho tàu kéo ra Hoàng Sa, Trường Sa rồi đánh đắm thành pháo đài nổi ở những nơi đã chiến được.
Trung Quốc khẩn trương khai thách và ve vãn các công ty quốc tế thăm dò và khai thách tại các khu vực chiếm được của Việt Nam trên Biển Đông.
Cũng trong năm nay, Bắc Kinh sẽ triển khai tàu thăm dò dầu khí nước sâu Ocean Oil 708, với khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m và khoan đến 600m dưới thềm biển, theo tờ nhật báo Dầu khí Trung Quốc. Giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này là Ocean Oil 981 cũng được triển khai đến vùng phía Bắc của Biển Đông, nhưng không rõ là nơi nào. Đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể là giàn 981 đã tới đâu, càng làm tăng lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các hoạt động của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp. Bên cạnh đó, nước này cũng không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự dù vẫn đưa ra các tuyên bố hòa bình. Mới đây, báo chí Trung Quốc dẫn lời giới chức cho hay tàu sân bay đầu tiên của nước này có thể sẽ được triển khai ở Biển Đông từ ngày 1.8 dù mục đích chính hiện nay vẫn là “huấn luyện và nghiên cứu”. Vào đầu tháng 2, Hạm đội Nam Hải cũng tiến hành tập trận với tàu đổ bộ lớn Tỉnh Cương Sơn. Đó là chưa kể thông báo tăng ngân sách quốc phòng năm 2012 lên 106,4 tỉ USD.
Trung Quốc đang mời các công ty của Anh, Pháp và nhiều quốc gia khác đến thăm dò và khai thác trên các vùng đã thôn tính được của Việt Nam. Nhưng hiện nay các công ty quốc tế này không muốn tham gia sợ bị lên án. Nhiều công ty đã bày tỏ sự lo ngại là Việt Nam sẽ có các cuộc tập trận bằng tên lửa tầm xa và tầm trung ở khu vực này khi các cuộc thương thuyết không thành công, khiến tình hình có thể diễn biến căng thẳng hơn, không thể an toàn cho tính mạng của họ cũng như vốn liếng khi đầu tư bỏ ra làm ăn ở đây với Trung Quốc. Việc Việt Nam đang khẩn trương mua sắm cũng như mở xưởng sản xuất hỏa tiễn tầm xa và tầm trung hiện đại chính xác để diệt mục tiêu trên biển đã khiến Trung Quốc lo lắng và như nhiều báo chí Trung Quốc cho rằng cứ đà này một khi thương thuyết về biển giữa hai nước không thành công và khả năng Trung Quốc gây áp lực mạnh thì chắc chắn Việt Nam phải tính đến thử hỏa tiễn trên biển như Bắc Triều tiên đã làm, nhất là các khu vực mà Trung Quốc đã chiếm được của Việt Nam và đang tính chuyện khai thác. Họ cho rằng, lúc đó Trung Quốc chẳng những không khai thác làm ăn được gì mà trái lại, Biển Đông sẽ bị khóa, các tàu của Trung Quốc kể cả các tuần dương hạm và tàu sân bay lẫn tàu cá không thể đi lại nghênh ngang trong khu vực này. Nhưng Việt Nam có làm điều này hay không thì phải chờ xem bước sắp tới đây.
Tình hình hiện nay nhiều nhà khoa học quân sự và đa số lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đều cho rằng thương thuyết không còn tác dụng và tình hữu nghị láng giềng tốt như đã rêu rao giờ đã chết. Người Việt ở trong nước và ở nước ngoài đang rất phẫn nộ về vấn đề này. Các tiếng nói ca ngợi tình hữu nghị truyền thống Việt Trung giờ đã phải tắt ngấm. Bộ Ngoại giao Việt Nam nay đã phải lớn tiếng phản đối đến khản cổ về các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng lãnh dải và hải đảo của Việt Nam.
Trước sự quan ngại của nhiều phía cũng như việc Mỹ tỏ rõ ý định tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, tân Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh ngày 15.3 tiếp tục tuyên bố Bắc Kinh “chỉ muốn bảo vệ chủ quyền lãnh hải chứ không hề có ý định gây hấn với các quốc gia láng giềng”. AFP dẫn lời Đại sứ Mã nói thêm: “Thái Bình Dương đủ rộng để chứa cả Mỹ và Trung Quốc”.
Trên biển Nhật Bản thì Trung Quốc ngày 16 tháng 3 cũng cho tàu tuần tra đến khu vực đảo Senkaku (Điếu Ngư) của Nhật Bản và khi bị tàu tuần tiễu của Nhật bắt phải dời thì họ đã công khai tuyên bố là khu vực này là chủ quyền của Trung Quốc và cũng đang tiến hành chính sách kiểu đang làm ở Biển Đông như đối với vùng đã chiếm cứ được của Việt Nam. Đặc biệt họ cũng còn vươn tay ra xa hơn đến của vùng biển của Nam Triều Tiên và cho rằng đảo ở đây cũng là của họ khiến phía Nam Triều Tiên rất lo ngại và cũng phản đối gay gắt. Trên vùng biển của Philippines ngoài khơi vùng biển thuộc Palawan của nước này Trung Quốc cũng cho là vùng biển của mình.
Giới quan sát nhận định các hành động và tuyên bố vừa qua một mặt tiếp nối chính sách và chiến lược lâu nay của Bắc Kinh trong khu vực. Mặt khác, chúng được đưa ra trong thời gian diễn ra hai kỳ họp quan trọng ở Trung Quốc là Hội nghị Chính hiệp và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, có thể mục đích còn nhằm gây thanh thế, tạo tiếng vang và khẳng định đường lối trước khi Trung Quốc có việc chuyển đổi thế hệ lãnh đạo cấp cao.
Thời gian không còn nhiều. Biển Đông đã nổi sóng cồn đang chứa đựng những nguy cơ lớn của một loạt quốc gia phải đối phó với một kẻ hiếu chiến và bành trướng đầy tham vọng.
Ngày 17 tháng 3 năm 2012.
N. H. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.