Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Hội nghị Trung ương 4 – sự kiện Đoàn Văn Vươn và vấn đề sửa đổi Hiến pháp

Nguyễn Trung
 
Lời nói đầu: Ba vấn đề lớn nêu trong tựa đề của bài viết này liên quan mật thiết với nhau và đều cấp bách. Song đề cập cả ba vấn đề này trong một bài viết là việc khó và quá lớn, do đó dưới đây chỉ xin nêu ra một số ý kiến sơ khởi ban đầu.

  1
 
 
          Hội nghị Trung ương 4 đã dành sự quan tâm lớn cho những vấn đề nóng bỏng nhất về phẩm chất và năng lực của Đảng, quyết định ban hành nghị quyết  "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo những yếu kém của Đảng[1] thách thức sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị.         
Để có cái nhìn bao quát, xin điểm  lại các đánh giá của các Đại hội Đảng toàn quốc kể từ  khi tiến hành đổi mới (bắt đầu từ Đại hội VI, năm 1986): 
Báo cáo chính trị Đại hội VII (6-1991) nhận định: Dân chủ trong Đảng còn hạn chế, kỷ luật không nghiêm, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng.  Có những quy định trong Điều lệ Đảng, trong các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương và các cấp uỷ không được chấp hành nghiêm túc. Hiện tượng cán bộ lãnh đạo độc đoán, mệnh lệnh, trù dập, ức hiếp quần chúng còn xảy ra ở một số nơi, có khi rất trắng trợn.  Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, một bộ phận đã tha hoá, tham nhũng, xa dân, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng…”                                                                                                                     
Báo cáo chính trị Đại hội VIII (6-1996) viết: “Trong quá trình đổi nới đất nước, Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điềm và yếu kém, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo…”  
Báo cáo tại Đại hội IX (04-2001) viết: “…Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta… Từ Đại hội VIII đến nay, Đảng đã có nhiều cố gắng tiến hành nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã ra Nghị quyết về một số vấn đề  cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; mở cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiến hành tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng…” 
Sau khi nêu lên những biểu hiện sa sút trầm trọng ngày càng tăng lên trong Đảng, Báo cáo về xây dựng Đảng tại Đại hội X (04-2006) kết luận: “…Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ.” 
Cũng với tinh thần phê hán nêu trên, Đại hội XI (1-2011), đi tới kết luận: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…”         
Như vậy, nhiệm vụ chỉnh đốn, xây dựng Đảng được tất cả các Đại hội Đảng toàn quốc coi là nhiệm vụ then chốt, không bao giờ sao nhãng.  
Tuy nhiên, thực tế 26 năm qua cho thấy: Đất nước càng phát triển càng phải đương đầu với nhiều vấn đề mới và khó, nhưng lại xuất hiện tình trạng phẩm chất chính trị của Đảng ở Đại hội sau liên tục giảm sút so với Đại hội trước, những yếu kém và và xu thế tha hóa trong Đảng ngày càng tăng lên.  Khoảng cách ngày càng rộng ra như vậy giữa một bên là đất nước và một bên là Đảng sẽ đưa đất nước đi về đâu? 
Nhìn lại, chỉ có thể kết luận: Mọi nỗ lực trong chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng với nội dung và cách làm như suốt 26 năm không đem lại hiệu quả, 10 năm trước đổi mới còn vướng vấn đề Campuchia và chiến tranh Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc nên không tính.  
Nhìn thẳng vào sự thật, sẽ thấy đất nước đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nan giải. Cụ thể là:  
(a) chu kỳ các cuộc khủng hoảng kinh tế của nước ta có xu hướng ngày càng ngắn lại (1997, 2007, 2008-2011) – cuộc khủng hoảng hiện nay là trầm trọng nhất và kéo dài nhất, chỉ số ICOR liên tiếp 10 năm gần đây cao nhất châu Á cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta ngày càng thấp, những ách tắc ngày càng nhiều… Tất cả nói lên tình trạng khủng hoảng cơ cấu sâu sắc của nền kinh tế, không thể hình dung trong vòng 8 năm tới – vào năm 2020, làm thế nào nước ta có thể cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại;
(b) khoảng cách tụt hậu của  nước ta tiếp tục doãng ra so với hầu hết mọi đối tác và đối thủ, mặc dù nước ta đã nỗ lực rất lớn và phải trả giá đắt cho sự phát triển 25 năm qua;
(c) cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện đang diễn ra trong nước ta hiện nay đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh và sức mạnh quốc gia;
(d) đứng trước những đòi hỏi phải chuyển đất nước vào thời kỳ phát triển mới bền vững trong bối cảnh quốc tế mới Đảng vẫn chưa để ra được chiến lược và quyết sách thuyết phục;
(e) tầm nhìn, bản lĩnh và phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo đất nước ở các cấp nhìn chung ngày càng đuối tầm so với nhiệm vụ đất nước đặt ra;
(f) vân vân…
Nhìn thẳng vào sự thật như thế, sẽ có thể nêu ra 6 nhận xét: 
1.    Từ sau Đại hội VI, Đảng ngày càng tỏ ra bất cập toàn diện so với những đòi hỏi phát triển ngày một lớn của đất nước. Từ hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây (IX và X) cơ hội và nguồn lực đất nước có được rất lớn, song lại cũng là thời kỳ đất nước khủng hoảng sâu sắc nhiều mặt, kéo dài, và ngày càng có nhiều bất cập lớn.
2.    Thiết kế và sự vận hành trên thực tế của hệ thống chính trị hiện nay lộ rõ những đặc điểm là: (a) không thực hiện đầy đủ với tất cả tính ràng buộc các quyền tự do dân chủ của dân đã ghi trong Hiến pháp, (b) nhân danh sự thống nhất quyền lực của hệ thống chính trị, trên thực tế quyền lực Đảng và quyền lực nhà nước quyện lại làm một, qua đó quyền lực Đảng trở thành “nhà nước” đích thực và là tối thượng, Đảng quyết định tất cả nhưng không phải chịu trách nhiệm gì, (c) con người và các tổ chức của nhà nước, của xã hội và trong bộ phận kinh tế giường cột của đất nước về nhiều mặt là công cụ trực tiếp hoặc gián tiếp của Đảng, đời sống nhiều mặt của đất nước bị đảng hóa nghiêm trọng… Thực tế này làm suy yếu Đảng trầm trọng, vô hiệu hóa toàn bộ nỗ lực chỉnh đốn và đổi mới xây dựng Đảng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
3.    Ở vào đỉnh cao nhất của quyền lực, song hiện nay Đảng đang lâm vào thời kỳ suy thoái nghiêm trọng nhất trong toàn bộ lịch sử của mình kể từ khi thành lập. Thực tế này ngày một tích tụ thêm những yếu kém cho đất nước và mầm mống sự biến động nguy hiểm.
4.    Sau 15 năm đầu tiên của đổi mới, những thành tựu kinh tế đạt được cùng với những đòi hỏi phát triển mới của đất nước trong tình hình mới, khiến cho từ đấy nhiệm vụ cải cách hệ thống chính trị làm tiền đề cho sự phát triển tiếp theo của đất nước ngày càng trở nên cấp bách. Nhưng trên thực tế 10 năm qua Đảng đã trì hoãn, hiện nay đang tránh né nhiệm vụ này; nguyên nhân chủ yếu là Đảng ngày càng tha hóa và bất cập đối với nhiệm vụ này, nhưng đang được bao biện là phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
5.    Thực tế 37 năm đất nước độc lập thống nhất cho thấy tư duy ý thức hệ đã dẫn tới hệ quả tất yếu đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích quốc gia và tạo ra nhà nước đảng trị; đồng thời tha hóa biến chất Đảng ngày càng trở thành đảng cai trị. Đây là nguyên nhân hàng đầu của khủng hoảng đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
6.    (a) Sự khủng hoảng về đường lối của Đảng, cùng với (b) sự thiếu vắng hệ thống chính trị thích hợp đất nước đòi hỏi phải có ở giai đoạn phát triển mới, đấy là 2 nguyên nhân trực tiếp và cơ bản kìm hãm sự phát triển năng động của đất nước, đẩy đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện kéo dài hiện nay. 
Song cho đến nay chưa thấy bất kỳ ai ở bất kỳ cấp lãnh đạo hay cơ quan nghiên cứu nào của Đảng đưa ra cảnh báo cần thiết về những nguy cơ phát sinh từ đường lối của Đảng, từ hệ thống chính trị hiện hành và những vấn đề nghiêm trọng đang đặt ra đối với đất nước, đối với Đảng. Một số bậc xếp hạng trên thế giới của Việt Nam trong những năm gần đây tụt liên tục. Công ty tư vấn có tiếng Maplecroft, Anh, tháng 11-2011 xếp Việt Nam là một trong 15 nước có rủi ro chính trị cao…  
Mọi thành tựu đất nước giành được trong ¼ thế kỷ đổi mới là to lớn, phải được trân trọng, phát huy, để đất  nước có lực đi tiếp. Song lấy thành tựu đạt được hay quá khứ vinh quang ngày xưa để thay thế cho sự cảnh báo này và tự ru ngủ, chỉ tiềm tàng thêm nguy cơ mới cho đất nước, cơ hội mới đang đến sẽ có thể vuột mất và đẩy đất nước đứng trước những thách thức lớn hơn. 
Vì vậy, nói đến những yếu kém trong chính đốn và đổi mới xây dựng Đảng, không thể chỉ đơn thuần nêu ra suy thoái phẩm chất chính trị và đạo đức của đảng viên, mà trước hết phải nhận thức đầy đủ tình trạng bất cập toàn diện hiện nay so với nhiệm vụ và trách nhiệm của một đảng cầm quyền duy nhất đang nắm trọn quyền lực và vận mệnh quốc gia trong tay.   
Phải chăng, vì chưa nhìn thẳng vào sự thật như lẽ ra phải làm, nên 5 kỳ Đại hội toàn quốc đã qua đi, nhưng nhiệm vụ chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng vẫn giẫm chân tại chỗ? 
Nhìn thẳng vào sự thật như thế, hiển nhiên không thể chấn chỉnh và đổi mới xây dựng Đảng đơn thuần bằng cách kêu gọi đảng viên nâng cao tự phê bình và phê bình, cải tiến các loại công tác đảng vụ, đẩy mạnh việc quản lý đảng viên, đẩy mạnh chất vấn, khuếch trương các thành tích học tập chính trị tư tưởng, nghiên cứu lý luận, vân vân… như đã làm suốt 26 năm qua. Sự thật đang diễn ra là: Càng nhiều thành tích về học tập chính trị tư tưởng và công tác lý luận như đã và đang làm, càng nhiều các thành tích về xây dựng Đảng được khuếch trương như nêu trong nhiều báo cáo của Đảng qua các kỳ Đại hội và trên báo chí, mọi suy thoái và yếu kém của Đảng càng ngang nhiên gia tăng. 
Nghị quyết số 12-NQ/TƯ của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đề ra nhiều vấn đề cụ thể, chủ yếu liên quan đến đảng viên và tổ chức Đảng cấp cơ sở. Như tên gọi của nghị quyết này, nó mới chỉ đề cập tới một số vấn đề cấp bách hiện nay. Điều đáng chú ý ở đây là các khóa Đại hội trước Đảng cũng đã có những nghị quyết mạnh mẽ và cụ thể về chỉnh đốn và xây dựng Đảng. Nhưng cuộc sống 26 năm qua cho thấy các nghị quyết như vậy vẫn không xoay chuyển được tình hình, có tăng thêm nhiều nghị quyết loại này đến thế nào đi nữa có lẽ cũng vô ích. 
Chỉnh đốn và đổi mới xây dựng Đảng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật như thế tất yếu sẽ là một việc lột xác, rất khó, rất phức tạp, là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của đổi mới hay cải cách hệ thống chính trị. Do đó nhiệm vụ này nhất thiết phải được đặt trong khuôn khổ đổi mới hay cải cách hệ thống chính trị. Đã đến lúc phải có một chiến lược duy tân và cải cách toàn diện đất nước. Đây cũng là một món nợ lịch sử của Đảng đối với đất nước; Đảng cần phải chấn chỉnh, đổi mới chính mình thành đảng của dân tộc để trang trải.