Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

Nghĩ về bản lĩnh Việt Nam

Tạp chí Xưa & Nay 
SỐ 395+396 THÁNG 1 – 2012
 
GS.Tương Lai

Nói về bản lĩnh, xin dẫn ra khuyến cáo của Kant, nhà triết học Đức vĩ đại đã có ảnh hưởng lớn đến tư duy của nhiều thế hệ: “Sapere aude! [Hãy dám có tư duy sáng suốt] Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình” bởi vì “khai sáng là sự vượt thoát của con người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ” vốn “thiếu vắng sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng lý trí mà không cần đến sự chỉ đạo”(1). Thực ra thì cách đây hơn 800 năm một nhà sư Việt Nam, Thiền sư Quảng Nghiêm đã đòi hỏi lớp trẻ không dẫm lên lôi mòn mà phải tìm cho mình một cách đi riêng:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí
 Hưu hướng Như Lai hành xứ hành
 Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm
 Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai

Phải chăng đây chính là bản lĩnh Việt Nam? Chẳng phải ngẫu nhiên mà câu nói của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” lại được ghi nhận như là một ứng xử tiêu biểu cho khí phách Việt Nam. Mà thật oái oăm, đây là thái độ người đang bị gươm thù kề cổ! Không là người chiến thắng, song tuyệt đối không là người chiến bại, ngược lại, với tư thế hiên ngang đối diện với kẻ thù, người ấy đang lấy cái chết làm một đòn tiến công.
Dân tộc này hiểu quá rõ sự thách đố nghiệt ngã trong cái thế “trứng chọi đá” của vị trí địa chiến lược của đất nước bên cạnh người láng giềng khổng lổ mà những thế lực cầm quyền hiếu chiến chưa bao giờ nguôi cuồng vọng “bình thiên hạ”! Các triều đại thống trị Trung Hoa từ Tần Hán cho đến Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… chưa bao giờ từ bỏ mộng bành trướng về phía Nam mà bán đảo hình chữ s này thì như một cục xương mắc giữa họng, không cho họ nuốt trôi Đông Nam Á! Xa xưa đã vậy và nay thì cũng đang như vậy.
Thì đây, tuy chẳng hay ho gì, song vẩn buộc phải đưa ra những điều mà báo chí Trung Quốc vừa viết ra những lời “gan ruột” của họ: “Ông Đặng năm đó đã nói một câu: trẻ con không nghe lời phải đét đít. Sau đó 10 vạn đại quân điều tới biên cương. Còn bây giờ thì sao? Trẻ con không những không nghe lời mà còn hoàn toàn không thèm để mắt tới người lớn. Ngang nhiên nói, tiến hành bầu cử quốc dân trên các đảo bãi xâm chiếm phi pháp tại Biển Đông, còn gào thét đó là công việc nội bộ của quốc gia, nói là, phải dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền thần thánh không thể xâm phạm của đất nước mình. Điều đó chẳng phải là chống lại trời thì là cái gì. Liệu không thể đét đít chăng? Không cho bài học, từ nay trở đi liệu có ổn không? Không đánh bây giờ thì đợi đến khi nào?”.
Mà từ xa xưa họ vẫn “đợi” đấy thôi!
Chính vì thế, từ bao đời, ông cha ta thường xuyên răn dạy tinh thần cảnh giác trong mọi ứng xử với “Thiên triều”. Phải biết tiến, biết thoái, biết nhu, biết cương nhưng luôn giữ vững khí phách kiên cường, không bao giờ khuất phục. Điều răn ấy không chỉ là những câu ghi vào sử sách, mà còn được tạc vào hình hài núi sông bằng những truyền thuyết, những huyền thoại sống động. Chẳng hạn như 99 ngọn núi ở vùng trung du được giải thích là tượng trưng cho 99 con voi và một tượng trưng cho voi bị chém cụt đầu do quay về hướng bắc! Hoặc câu chuyện về câu đôi “Đằng giang tự cổ huyết do hồng!” (Sông Bạch Đằng từ xưa đỏ vì máu) của sứ thần Giang Văn Minh đáp lại thái độ ngạo mạn của Sùng Trinh, vua nhà Minh trong câu “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục!” (Cột đồng xưa giờ đã rêu xanh) luôn được truyền tụng!
Cọc gỗ Bạch Đằng vẫn mãi mãi trụ vững trong khí phách Việt Nam tự bao đời.
Nên nhớ rằng, với nhiều giải pháp và sách lược nhằm duy trì mối quan hệ với đế chế Trung Hoa qua các triều đại, kể cả cử người đóng vai thay thế chứ về nguyên tắc thì không một vị vua Việt Nam nào chịu sang triều phục các hoàng đế Trung Hoa cả. Thậm chí khi đã rời bỏ ngai vàng lên núi Yên Tử dựng chùa, nghiền ngẫm về đạo Phật, mở ra một trường phái Thiền Trúc Lâm, song Trần Nhân Tông vẫn khôn nguôi chuyện cảnh giác với kẻ thù.
Trong Trúc lâm tông chỉ nguyên thanh, Ngô Thì Nhậm đã có lời bình thâm thúy về chuyện này như sau: “Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo Ngài xuất gia, [nhưng] ta biết rằng Đức Ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công trong mối vô sự; nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm. Cái ý ấy không tiện nói ra, sợ người dao động, cho nên nhắm được núi Yên Tử là núi cao nhất, phía đông nhìn về Yên Quảng, phía bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng nên ngôi chùa, thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm. Thật là một vị Vô Lượng Đại Thễ Chí Bồ Tát…”(2).
Cũng có nhiều bàn thảo về điều này, song ở đây, điều cốt yếu là ở thông điệp của ông cha ta gửi cho hậu thế: ý thức thường trực cảnh giác, “ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm”, là một đòi hỏi sống còn của dân tộc. Cách giải thích mà có người cho là có phần khiên cưỡng ấy thật ra là nhằm đề cao lòng yêu nước và tinh thần cảnh giác, đối lập với những kẻ ươn hèn hốt hoảng núp bóng ngoại bang như Trần Di Ái, Trần Ích Tắc, những kẻ đã bôi nhọ tinh thần Đông A, muôn đời bị nguyền rủa. Sử chép: “Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc!”(3).
Có những kẻ “đi vào lịch sử” với những dòng nghiệt ngã như vậy, nhưng lịch sử cũng ghi lại chuyện một hiền thần không phải là quý tộc họ Trần từng khiến tướng giặc Ô Mã Nhi phải thốt lên: “Người này… có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa thể mưu tính được”(4). Đó là chuyện Đỗ Khắc Chung tại trại giặc. Khi Ô Mã Nhi hỏi: “Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”. Khắc Chung dõng dạc đáp: “Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem…[Ô Mã Nhi] sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp”.
Đừng quên rằng, lịch sử là một sự vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra, song vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ. Phải chăng vì thế mà Hégel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân: những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ.
Vả chăng, tiến hóa là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nảy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm nhiều khả năng xuất hiện những thuộc tính hợp trội mới. Các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có là sản phẩm từ dưới lên, chứ không phải chỉ là do từ trên xuống. Vấn đề là làm sao để sức mạnh từ dưới lên ấy tạo áp lực mạnh mẽ thúc đẩy ý chí và quyết tâm của bộ phận lãnh đạo nhận ra và tìm cách phát huy sức mạnh hợp trội ấy. Biết cách làm bừng nở những nhân tố hợp thành sức mạnh hợp trội ấy thì một cục diện mới sẽ mở ra.
Lịch sử Việt Nam đã từng chứng minh điều đó. Cho nên, gợi lại lịch sử là để hiểu sâu hơn về những mệnh lệnh của trái tim yêu nước từng đẩy tới những hành động, những sự kiện mà nếu nhìn từ bên ngoài thì chỉ là những biểu hiện đơn lẻ, bình thường, rời rạc, nhưng từ những sự kiện lẻ tẻ, rời rạc mang tính tự phát ấy phải thấy cho ra sức mạnh tiềm ẩn không sao lường hết được của tinh thần yêu nước và khí phách Việt Nam. Biết khơi dậy, nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh được khơi nguồn từ mệnh lệnh trái tim ấy chính là bản lĩnh của người lãnh đạo. Làm phôi pha, thất thoát sức mạnh đó là có tội với dân tộc, với lịch sử.
Mà lịch sử thì luôn nghiêm cẩn và sòng phẳng với tất cả các quốc gia, dân tộc chứ đâu chỉ riêng dân tộc Việt Nam ta! Khi buộc phải đưa lại trên trang viết những dòng láo xược từ những trang báo viết tiếng Hoa chính là nhằm không chỉ để người Việt Nam hiểu rõ mưu toan của thế lực hiếu chiến với cuồng vọng bành trướng, mà còn giúp những người Trung Quốc trung thực và lương thiện hiểu thêm về điều ấy. Trước hết là nói với những thanh niên sinh viên và trí thức Trung Quổc, tác giả của cuộc vận động Ngũ Tứ lịch sử, những người từng là nạn nhân của những “Đại nhảy vọt” và “Đại cách mạng vô sản” đã giết chết non nửa triệu người Trung Quỗc!
Chao ôi, chẳng phải chính Lỗ Tấn đã từng lên án cái thứ “văn hóa ăn thịt người” trong Nhật ký người điên với nhân vật Ngụy Liên Thủ in trong tập Gào thét đó sao? Mà chẳng phải chỉ Lỗ Tấn, mới đây, Christopher Goscha đã sưu tầm và dịch cho CWIHP một tài liệu được lưu giữ tại Thư viện Quân đội Nhân dân ở Hà Nội nói về những ý kiến của Lê Duẩn liên quan đến thứ “văn hóa ăn thịt người” đó. Trong ảnh chụp những dòng ghi trong nhật ký của vị Tổng bí thư lúc ấy có dòng chữ viết tay: “Phải xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Muốn có hạnh phúc cho nhân dân phải giàu mạnh và hùng cường. Đó là vì vị trí lịch sử và địa dư của Việt Nam.  Không thể khác được. Vì chúng ta ở bên cạnh một nước mà lịch sử của nước đó chưa ra khỏi cuộc sống người ăn thịt người” (xem ảnh tư liệu).
Ở sát cạnh một quốc gia khổng lồ, nhân dân Việt Nam bao đời luôn muôn sống hòa hiếu với nhân dân Trung Quốc anh em “núi liền núi, sông liền sông, chung một Biển Đông…” như lời một bài hát nọ từng nói lên nguyện vọng thiết tha ấy. Dân tộc ta muốn hòa hiếu, vì đó là nhu cầu để tồn tại và phát triển trong cái vị trí địa – chính trị đặc thù của bán đảo hình chữ S, nằm ở ngã ba, ngã tư của giao lộ quốc tế huyết mạch trên đường biển nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, cửa ngõ tiến về Đông Nam Á. Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, chỉ giữ được hòa hiếu khi chúng ta có đủ thực lực.
Không ai cho không chúng ta sự hòa hiếu. Xưa kia, khi Nguyễn Trãi vì muốn “sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” đã phải “nghĩ kế lâu dài đất nước, tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh”. Muốn và làm được như vậy vì thực lực của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nhà Minh thế kỷ XV lúc ấy “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uông nước, nước sông phải cạn”, đã từng đánh cho quân Minh những trận kinh hồn tán đởm như “Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay”. Có vậy mới đến được “Hội thề Đông Quan”, mở lối về cho quân xâm lược: “Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền ra đến bể chưa thôi trống ngực, Vương Thông Mã Anh, phát cho nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi” (Cáo Bình Ngô). Từ bài học lịch sử, chúng ta hiểu sâu hơn về ngày hôm nay. Hòa hiếu và hội nhập để phát triển phải được xây đắp trên cái nền vững chắc của ý chí quật cường và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là điểm tựa “bất biến” để mà “ứng vạn biến”.
Bài học về thế và lực, bài học của ý chí quật cường và bản lĩnh dám chủ động tiến công và biết cách giành thắng lợi chói ngời trong lịch sử truyền thống dân tộc cần phải được thường xuyên học lại, từ người lãnh đạo cho đến mỗi người Việt Nam hôm nay.
Chúng ta luôn muốn được là bạn của thế giới. Nhưng để thực hiện điều đó lại không tùy thuộc vào mong muốn và thiện chí của ta. Còn nhớ, trước ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp một năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tuyên bố Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”, “thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đốỉ với ngũ cường là một thái độ bạn bè”. Nhưng rồi cái giá phải trả để được sống hòa hiếu, để được là bạn của mọi quốc gia trên thế giới là cuộc chiến đâu gian khổ và hy sinh của nhiều thế hệ Việt Nam suốt ba mươi năm. Bởi lẽ: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lân tới… Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Có lẽ cũng phải nhắc lại đây vài sự kiện ngoại giao: trong thư gửi Chủ tịch Hô Chí Minh 20 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, tức là 12 năm sau khi cuộc kháng chiến ấy giành thắng lợi, ông de Gaulle, Tổng thống Pháp, viết rằng: “Giá như có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay”. Đáng tiếc là lịch sử không có chuyện giá như. Có lẽ vì thê mà năm 1993 cũng một Tổng thống Pháp, ông F.Mitterand, đã đến tận Điện Biên Phủ để tận mắt chứng kiến và tuyên bố rằng “Cuộc chiến tranh đó [tức là cuộc chiến tranh Đông Dương 1945-1954] đối với tôi mãi mãi là một sai lầm”. Thế rồi vào đầu tháng 12 năm 2009 tại Hà Nội, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nhắc lại chuyện “Sáu mươi năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thổng Roosevelt đã muôn hai nước Việt – Mỹ thật sự là bạn. Quá trình này đã có những bước gập ghềnh. Và trước đó một người Mỹ khác, thiếu tá Archimede Patti, người có mặt tại Hà Nội để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1990 đã cho biết rằng, khi chia tay với ông vào ngày 30-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu ông ta trở lại vì “bạn bao giờ cũng được hoan nghênh”.
Thế nhưng có “những bước gập ghềnh” đã khiến cả hai dân tộc phải trả giá đắt. “Gập
ghềnh” là vì cái gì? Vì cái lôgic nghiệt ngã trong quy luật muôn đời của kẻ mạnh muốn áp đặt ý chí của mình lên sô phận của những dân tộc yếu thê hơn. Chính vì thế, cùng với lời tuyên bố đó, Hồ Chí Minh khẳng định: uPhải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Vậy thì, thực lực phải được tạo ra bằng cách nào? Lịch sử của dân tộc với những bài học nghiệt ngã đã trả lời cho câu hỏi đó.
Không phải là ngẫu nhiên mà sử sách Việt Nam, cùng với câu nói bất hủ của Trần Bình Trọng, đã truyền tụng thái độ điềm tĩnh của Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”, khí phách kiên cường và dứt khoát của Trần Hưng Đạo: “Bệ hạ muôn hàng xin hãy chém đầu tôi trước đã”! Và, chính vị tướng được nhân dân phong Thánh ấy, Đức Thánh Trần, khi quân Nguyên tràn sang lần thứ ba, đã bình thản tâu vua Trần Nhân Tông: “Chuyến này dù quân Nguyên có sang đây, ta phá cũng dễ hơn phen trước, xin bệ hạ đừng lo”(5), cũng là người từng nhắc nhở vua Trần Anh Tông: “Lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn ca”(6). Khi biết xem “thế giặc nhàn” như lời bình của Trương Hán Siêu trong Bạch Đằng Giang phú, Trần Hưng Đạo đã hội tụ được khí phách, bản lĩnh của cả dân tộc luôn hiểu rõ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”!
Vững tin vào sức sống mãnh liệt của dân tộc, biết khởi động và phát huy lên đến đỉnh cao ý chí quật cường và tinh thần yêu nước trong mỗi một người Việt Nam sẽ tạo ra được thực lực để chiến thắng mọi kẻ thù như ông cha ta đã từng làm. Bản lĩnh Việt Nam được hun đúc và phát huy từ đó. Không được phép làm suy yếu bản lĩnh được tôi luyện, trui rèn bằng mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp vẻ vang dựng nước và giữ nước.
Đó chính là “thượng sách giữ nước” như lời dạy của Đức Thánh Trần.

------------------------------------------

CHÚ THÍCH:
1. Will Durant, The Story of  Philosophy, Simon and Schuster, New York, 1926.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, 1988, tr.81.

3. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.55.

4. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.53-54.

5. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb TP. HCM, 2000, tập I, tr.158, 173.
6. Trần Trọng Kim, Sđd, tr.173