Một báo cáo quan trọng về vai trò của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông vừa được công bố bởi một tổ chức nghiên cứu có quan hệ chặt với Nhà Trắng.
Tài liệu 115 trang, ra mắt ngày 10/01, có tựa “Hợp tác từ Sức mạnh: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Biển Nam Trung Hoa”.
Nhóm tác giả thuộc trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (Center for a New American Security - CNAS).
Các tác giả dự đoán trong những thập niên tới, thách thức cho Hoa Kỳ là duy trì trật tự truyền thống trong tự do đi lại, và thích ứng trước sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.
“Mục đích là hợp tác, nhưng hợp tác có thể được thực thi tốt nhất từ vị trí mạnh.”
Họ kêu gọi Washington thi hành chính sách hợp tác trong thế mạnh trên Biển Đông để tránh xung đột và bảo vệ tự do đi lại cùng độc lập của các nước nhỏ hơn.
Báo cáo gợi ý năm bước để “bảo vệ Hoa Kỳ và quyền lợi của các đồng minh trên Biển Nam Trung Hoa và duy trì trật tự pháp lý”.
Trước hết, họ kêu gọi Washington mở rộng số lượng tàu chiến lên 346 chiếc, thay vì sắp phải giảm xuống còn 250 tàu vì cắt ngân sách.
Thứ hai, Mỹ cần củng cố một mạng lưới đối tác an ninh mới, trong đó có việc xây dựng đồng minh và đối tác tại Đông Nam Á.
Chuyến thăm Việt Nam kín tiếng tuần này của Phó Đô đốc Scott H. Swift, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ, dường như đáp ứng mục tiêu này.
Trả lời đài BBC trong hai câu ngắn gọn, Hạm đội 7 Mỹ chỉ nói vị tư lệnh “thực hiện những cuộc gặp thông thường kiểu này với các quốc gia biển tại châu Á Thái Bình Dương”.
Năm ngoái, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước.
Trong năm lĩnh vực hợp tác, có vấn đề An ninh biển.
Nghiên cứu của CNAS đề nghị bước thứ ba là Hoa Kỳ cần bảo đảm đặt Biển Đông vào hàng ưu tiên về ngoại giao và an ninh.
Thứ tư, Hoa Kỳ cần thúc đẩy hòa nhập kinh tế trong khu vực cũng như giữa châu Á và Mỹ.
Thứ năm, Hoa Kỳ cần có chính sách đúng với Trung Quốc, mà theo báo cáo là vừa hợp tác ngoại giao, kinh tế nhưng Mỹ phải có quân đội mạnh và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Đó cần là một chính sách tránh xung đột vũ trang nhưng không né đối đầu ngoại giao.
Ý nghĩa địa lý
Báo cáo đưa ra một ý rằng tương lai Trung Quốc “là dân chủ hay độc đoán sẽ không quan trọng như ta nghĩ, vì địa lý chiến lược của Trung Quốc vẫn y thế”.
Họ giải thích có người nói Trung Quốc chỉ xâm lăng khi yếu, ví dụ chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh với Ấn Độ.
“Nhưng phiên bản lịch sử này bỏ qua việc một Trung Quốc mạnh hơn cũng dùng vũ lực khi Việt Nam đang loạng choạng vào cuối Chiến tranh Việt Nam. Đó là khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa…”
“Một Trung Quốc dân chủ hơn cũng không chắc đảm bảo có một Trung Quốc bớt hung hăng hơn. Một Trung Quốc dân chủ có thể mạnh mẽ và linh động hơn về văn hóa, kinh tế, với cảm thức dân tộc sâu sắc, và như vậy lại càng có vốn cho việc củng cố quân sự.”
Đây đều là các tác giả có tiếng, nhưng có lẽ quan trọng hơn, nơi công bố báo cáo có quan hệ thân với chính phủ Mỹ hiện thời.
Người đồng sáng lập CNAS là Kurt Campbell, hiện là quan chức hàng đầu về châu Á tại Bộ Ngoại giao.
Một người đồng sáng lập khác, Michele Flournoy, từng phục vụ trong Lầu Năm Góc của chính quyền Obama trước khi ra đi cuối năm ngoái.