Lý giải vì sao sự trỗi dậy của Trung Quốc lại thật sự nguy hại cho Mỹ – và sự hoạt động của các thế lực đen tối khác.
Tác giả: GIDEON RACHMAN
Người dịch: Nguyễn Tâm
Tôi đã trải qua quãng đời làm việc lâu dài để viết về chủ đề chính trị quốc tế theo quan điểm của tạp chí Economist, và nay là tờ Financial Times. Chung quanh tôi toàn những người chuyên theo dõi diễn biến thị trường và tình hình kinh doanh, nên lẽ tất nhiên tôi luôn cảm nhận, quan sát tình hình kinh tế, chính trị quốc tế như những vấn đề có liên quan sâu sắc với nhau.
Trong cuốn sách tựa đề Zero-Sum Future (Tương lai với tổng-bằng-không) do tôi viết năm 2009, tôi đã cố gắng tiên đoán cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ làm thay đổi tình hình chính trị quốc tế như thế nào. Với tiêu đề sách mang hàm ý khá ảm đạm, tôi lập luận rằng quan hệ giữa các cường quốc chủ yếu có khả năng trở nên ngày càng căng thẳng, mang nặng tính xung đột. Trong bối cảnh kinh tế đang mỗi lúc tồi tệ hơn, các nền kinh tế lớn sẽ rất khó nhìn nhận mối quan hệ của họ với nhau mang tính chất cùng có lợi – hay còn gọi là các bên cùng thắng. Thay vào đó, họ sẽ tăng cường xem xét những mối quan hệ này theo khía cạnh tổng-bằng-không. Những gì tốt cho Trung Quốc sẽ bị xem là nguy hiểm đối với Mỹ. Những gì có lợi cho Đức sẽ có hại cho Ý, Tây Ban Nha và Hy lạp.
Giờ đây, khi ấn bản bìa mềm của cuốn sách này được xuất bản, những dự đoán của tôi đã được xác nhận – với tư cách là tác giả cuốn sách, đó là điều phấn khởi, mặc dù tôi cảm thấy hơi lo lắng với tư cách là thành viên của cộng đồng nhân loại. Sự trỗi dậy của lôgic tổng-bằng-không đã trở thành dòng mạch phổ biến, liên kết các diễn biến có vẻ khác nhau trong nền chính trị quốc tế: cuộc khủng hoảng trong lòng Liên minh Châu Âu, mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc, và sự bế tắc trong vấn đề quản trị trên phạm vi toàn cầu.
Tâm trạng mới nhưng đầy bất an này đã được phản ánh tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay. Trong 20 năm qua, trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, Davos lúc ấy gần như là lễ hội của toàn cầu hóa, khi các nhà lãnh đạo chính trị từ khắp thế giới đến chia sẻ những ý tưởng tâm đầu ý hợp về lợi ích chung của thương mại và đầu tư, và tương tự như vậy, họ cũng như tranh thủ giới chủ những ngân hàng đầu tư và giới điều hành các tập đoàn đa quốc gia. Năm nay, tâm trạng tại Davos chất chứa nhiều hoài nghi hơn, với nhiều phiên thảo luận với chủ đề nhìn nhận lại chủ nghĩa tư bản và cuộc khủng hoảng của khu vực đồng euro. Liên minh Châu Âu là một tổ chức được xây dựng trong khuôn khổ lôgic kinh tế các bên cùng thắng. Những nhà sáng lập [Liên minh] Châu Âu tin rằng, các nước Châu Âu có thể gác lại đằng sau những thế kỷ xung đột bằng việc tập trung vào công cuộc hợp tác kinh tế cùng có lợi. Bằng cách xây dựng một thị trường chung, san phẳng mọi rào cản đối với thương mại và đầu tư, toàn bộ các nước Châu Âu sẽ trở nên giàu có hơn và, sau cùng, sẽ làm quen với việc kề vai sát cánh làm việc với nhau. Kinh tế sung túc sẽ làm chính trị vững mạnh. Khi ấy, các nước Châu Âu sẽ cùng nhau phát triển.
Trong hàng thập niên, lôgic này vận hành rất tốt. Thế nhưng, khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lôgic tích cực mang tính chất cùng thắng này lại gây hiệu ứng ngược lại. Thay vì cùng nhau vực dậy, các nước Châu Âu lại sợ rằng, họ đang kéo nhau cùng đi xuống. Các nước Nam Âu: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha ngày càng cảm thấy việc họ bị mắc kẹt vào liên minh tiền tệ với Đức đã khiến nền kinh tế của họ trở nên mất khả năng cạnh tranh một cách thảm hại. Với họ, Châu Âu thống nhất không còn đồng hành với phát triển, thịnh vượng. Thay vào đó, nó trở thành con đường dẫn đến nợ nần khủng khiếp và thất nghiệp tràn lan. Đối với các nước Bắc Âu như Đức, Phần Lan và Hà Lan – họ ngày càng bực bội khi phải cho vay hàng tỷ euro để giải cứu những nước láng giềng phương Nam đang vật lộn trong khó khăn. Họ lo ngại sẽ chẳng bao giờ thu hồi được số tiền này, và các nền kinh tế thịnh vượng của họ sẽ bị kéo xuống dốc. Hiện giờ, Pháp đã mất mức tín nhiệm AAA, khu vực đồng euro chỉ còn Đức là nước lớn duy nhất duy trì được mức tín nhiệm AAA. Nhiều người Đức cảm thấy họ đã phải làm việc cật lực và tuân thủ luật lệ, nhưng giờ đây lại bị yêu cầu phải cứu lấy những quốc gia, nơi người dân thường xuyên gian lận thuế và về hưu ở độ tuổi 50.
Từ lúc khởi đầu cuộc khủng hoảng, giới chính trị gia Châu Âu cho rằng giải pháp đối với cuộc khủng hoảng tàn khốc này là “củng cố Châu Âu hơn nữa”, hợp nhất sâu rộng hơn. Thật đáng tiếc, sự diễn giải của họ về điều này lại khá khác nhau và bị ảnh hưởng bởi những cuộc tranh luận của từng quốc gia riêng lẻ. Đối với người dân Nam Âu, “củng cố Châu Âu hơn nữa” có nghĩa là chấp nhận trái phiếu Châu Âu – công cụ vay nợ được phát hành chung bởi toàn khối Liên minh Châu Âu, sẽ giúp các nước thành viên vay vốn với lãi suất thấp hơn, và tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc tạo nguồn cho ngân sách chính phủ. Nhưng người Đức xem đây là một cam kết nguy hiểm, chỉ để bảo lãnh các khoản nợ cho những nước láng giềng, dây dưa kéo dài trong tương lai. Với họ, “củng cố Châu Âu hơn nữa” có nghĩa phải áp dụng kỷ luật bắt buộc thực hiện ngân sách khắc khe hơn từ trung tâm [Châu Âu] – áp đặt luật lệ của Đức cho mọi nước thành viên.
Trong năm tới, mâu thuẫn cố hữu này có khả năng gây thêm bất hòa và kình địch ngay trong nội bộ EU, khi lập luận chính trị này cất lên nhằm đối phó với tình hình kinh tế đang xấu đi. Việc nước Anh khước từ tham gia hiệp ước Châu Âu mới tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng 12 năm 2011 đã dẫn đến những dòng tít kêu gào trên báo chí về một sự “ly hôn” của lục địa [Châu Âu]. Nhưng đây có thể chỉ là một sự nếm trải trước những gì sắp đến. Diễn biến tình hình chính trị Châu Âu cần quan sát sẽ chính là sự trỗi dậy của các đảng phái chính trị sặc mùi chủ nghĩa dân tộc, tỏ thái độ hoài nghi hơn đối với Liên minh Châu Âu – chưa kể đến vấn đề sử dụng đồng tiền chung. Bà Marine Le Pen và Mặt trận Dân tộc sẽ tích cực hoạt động trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp đến. Những đảng phái khác đang nổi lên, vốn theo khuynh hướng hoài nghi đồng tiền chung euro, gồm các đảng Tự do tại Hà Lan và Áo, Liên đoàn phương Bắc ở Ý, đảng Người Phần Lan đích thực tại Phần Lan, và một tập hợp pha tạp gồm các đảng cực hữu và cực tả tại Hy Lạp.
Thật trớ trêu, cơn khủng hoảng đang dâng cao tại Châu Âu đúng lúc Mỹ quyết định tái điều chỉnh chính sách đối ngoại để tập trung nhiều hơn vào Châu Á và vùng Thái Bình Dương. Tuy sách lược “chuyển trọng tâm hướng về Châu Á” đang được trình bày như một cách ứng phó nhìn xa trông rộng đối với những xu hướng kinh tế dài hạn, nó cũng đại diện cho sự điều chỉnh nhằm tạo ra thay đổi trong cán cân quyền lực thế giới, hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nói một cách thẳng thắn, Mỹ đang phản ứng với sự vươn lên của Trung Quốc hết sức nghiêm túc. Ưu thế vượt trội của Mỹ, xét về tương lai lâu dài, có thể không còn được xem là điều hiển nhiên. Không thể nào cho rằng một Trung Quốc giàu hơn, mạnh hơn là tin tốt lành cho Mỹ, khi lần lượt các vị tổng thống Mỹ từng lập luận theo cách nhìn về thời điểm quá khứ 1978. Ngược lại, đứng trên cả hai góc độ cá nhân và quốc gia, người Mỹ đang cảm thấy khó chịu trước sự việc một khi Trung Quốc giàu mạnh hơn có thể đồng nghĩa rằng nước Mỹ khi ấy sẽ tương đối nghèo yếu đi. Nói cách khác, sự trỗi dậy của Trung Quốc không đem lại ý nghĩa cùng thắng cho cả hai quốc gia. Đó là một cuộc chơi có tổng-bằng-không [được ăn cả, ngã về không]. Niềm tin này hiện đang lan tỏa vào cuộc bầu cử tổng thống và được phản ánh qua hai nơi: sự hùng biện chủ trương đường lối bảo hộ của ứng cử viên Mitt Romney và chính sách “kiềm chế mềm” đối với Trung Quốc của chính quyền Obama.
Ông Romney hứa sẽ xác định Trung Quốc chính là “quốc gia thao túng thị trường tiền tệ” và đánh thuế mạnh vào hàng hóa Trung Quốc. Những loại lập luận này từng xuất hiện trước đây, đặc biệt trong suốt các kỳ bầu cử tổng thống – nhưng lần này, điều không bình thường là những lý lẽ đó xuất phát từ ứng viên đảng Cộng hòa theo quan điểm ủng hộ giới kinh doanh. Tuy nhiên, với nước Mỹ bị trĩu bặng bởi những lo âu về tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ công đang tăng vọt, những ý tưởng giản đơn, cũ kỹ về tự do thương mại sẽ dễ dàng bị vứt bỏ. Tuy bị mất hút trong sự ồn ào của kỳ bầu cử tổng thống, nhưng trong chừng mực nào đó, chủ nghĩa bảo hộ hiện đang được giới trí thức khôi phục lại. Các kinh tế gia đáng kính như Paul Krugman và Fred Bergsten cho rằng áp thuế sẽ là biện pháp đáp trả hợp pháp của Mỹ đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Một đổi thay tương tự đang được thực hiện trong tư duy chiến lược và quân sự của Mỹ. Chiến lược chuyển hướng về Châu Á vốn được quảng bá dồn dập, về cơ bản chính là sự đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo tờ Economist, Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2018 (theo các điều kiện thực tế). Và Washington đang theo dõi các động thái của Bắc Kinh như phô trương sức mạnh, gia tăng chi tiêu quân sự, thể hiện đường lối cứng rắn hơn trong tranh chấp biên giới với một loạt các nước láng giềng, gồm Ấn Độ, Nhật và Việt Nam. Vì thế, Mỹ đang cố gắng đứng cùng phe với các nước láng giềng đang lo lắng của Trung Quốc, ủng hộ sự liên minh với các đồng minh truyền thống tại Châu Á, trong khi cam kết tăng cường sự hiện diện quân sự [của Mỹ] trong khu vực. Bước đi này mang ý nghĩa quan trọng vì nó được thực hiện trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch cắt giảm sâu chi tiêu quân sự một cách toàn diện.
Người Trung Quốc không sai khi xem chính sách này về thực chất là một hình thức “kiềm chế mềm”. Họ có thể sẽ không phản ứng thụ động. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc – dưới sức ép của dư luận trong nước theo chủ nghĩa dân tộc – có khả năng sẽ phản công mạnh.
Quan hệ Mỹ-Trung từ lâu đã chứa đựng những yếu tố vừa đối đầu, vừa hợp tác. Thế nhưng, các yếu tố đối đầu ngày càng đóng vai trò hàng đầu. Đây chưa phải là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, tình hình quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – siêu cường độc nhất và đối thủ xảo trá duy nhất – có khả năng sẽ thiết lập sắc thái cho vũ đài chính trị quốc tế trong thập niên sắp tới.
Thực ra, cuộc đối đầu đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh là một yếu tố quan trọng góp phần cho màn phô diễn chính lần thứ ba của hiện tượng phổ biến lôgic tổng-bằng-không qua hệ thống quốc tế — ngày càng thêm bế tắc trong ngoại giao đa phương, từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu, cho đến các nỗ lực bị trì hoãn liên quan đến việc điều chỉnh các quy định kiểm soát tài chính toàn cầu.
Trong thời cực thịnh của toàn cầu hóa suốt ba thập niên qua, các hiệp định thương mại lớn là biểu tượng, đồng thời là nhân tố dẫn dắt sự tăng cường lợi ích chung giữa các cường quốc chủ chốt trên thế giới. Việc xây dựng thị trường chung Châu Âu năm 1992, thiết lập khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ năm 1994, thành lập WTO năm 1995, sự gia nhập của Trung Quốc vào WTO năm 2001, tất cả đều là những bước ngoặc tạo nên nền kinh tế toàn cầu hóa thật sự. Nhưng ngày tháng của những bản hiệp định thương mại mới và hoành tráng đã qua. Giới lãnh đạo trên thế giới thậm chí ngừng kêu gọi hoàn tất các vòng đàm phán thương mại Doha; những lời hô hào lập đi lập lại đến sáo rỗng đã trở nên ngượng ngùng. Tuy vậy, vẫn có một vài chiến thắng nho nhỏ: Cuối năm 2011, quốc hội sau cùng đã thông qua hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Hàn Quốc, khoảng cùng thời gian đó Nga được gia nhập vào WTO. Nhưng giờ đây, WTO chủ yếu chơi phòng thủ, cố gắng ngăn chặn đợt bùng phát mới của chủ nghĩa bảo hộ ở quy mô lớn. Giới chức WTO sợ một ngày nào đó bị yêu cầu phải đứng ra phân xử vụ tranh chấp Mỹ – Trung liên quan đến định giá tiền tệ, họ lo ngại bất kỳ vụ xử nào như vậy sẽ có những phán quyết bị chi phối bởi tác động chính trị, điều này có thể thổi bay hệ thống thương mại thế giới.
Một bức tranh tương tự tại các lĩnh vực khác, nơi đã có một thời đầy hy vọng về hợp tác đa phương. Các cuộc đàm phán về khí hậu thế giới đã được cứu khỏi thất bại hoàn toàn tại hội nghị Durban, Nam Phi vào cuối năm 2011 – nhưng ít người tin rằng thỏa thuận [về biến đổi khí hậu] mơ hồ, chỉ mang tính kế thừa đạt được tại Durban liệu có tác động thật sự nào đến vấn đề toàn cầu này. Nỗ lực của khối G-20 nhằm thúc đẩy những quy định mới về giám sát tài chính toàn cầu cũng không sáng sủa gì. Cuộc khủng hoảng ngay trong lòng Liên minh Châu Âu – vốn tự cho mình là nhà quán quân thế giới về quản trị, đã hủy hoại toàn bộ ý nghĩa của chủ nghĩa đa phương.
Cách đây vài tháng, tôi chợt nhận ra mình đang ngồi cạnh một quan chức cao cấp của EU, người từng đọc cuốn sách của tôi. Ông ấy nói vui “Công việc của tôi là chứng minh luận điểm tổng-bằng-không của ông là sai”. Tôi liền đáp, là tác giả cuốn sách, tôi hy vọng được chứng minh là đúng – nhưng là con người và là người Châu Âu, tôi lại mong mình bị chứng minh là sai. Người cùng ăn trưa với tôi phá lên cười “Điều đó thật quá biện chứng với tôi”.
Đó là một trong những kỷ niệm đẹp về những quan chức EU giỏi nhất, họ sẵn lòng trò chuyện với những người chỉ trích họ và thoải mái dùng những từ như “biện chứng”. Tuy nhiên, tôi e rằng những nhà kỹ trị có văn hóa như vậy sẽ thật sự không làm được việc trong kỷ nguyên mới này. Một thế giới có tổng-bằng-không chỉ có thể quy tụ toàn những thế lực khá đen tối.