Đỗ Trung Quân
Chân đau, trời mưa khá to và nhân được tin nhắn “Cúp điện rồi anh ơi!”. Tôi nằm nhà không lên Ami art nữa. Trước đấy những giả thiết được đặt ra như công an sẽ làm việc với Ban Giám đốc Văn Thánh nơi cà phê Ami thuê mặt bằng và sẽ bị cúp điện, cả hai đều tiếc thay… đúng bóc chỉ trừ vụ thời tiết, trời đổ mưa to.
Bộ phim của Andre’ Menras về đồng bào của ông ở Lý Sơn [xin nhấn mạnh: Đồng bào! ông là quốc tịch Việt] bị ngăn cấm đúng như ông Lê Hiếu Đằng nói “rõ ràng đây là việc làm mờ ám, thiếu minh bạch của chính quyền Thành phố HCM…”.
Năm 2008, khi có dịp đến Hoa Kỳ, qua một người bạn, người thầy vong niên dịch giả Hoàng Ngọc Biên, tôi được tiếp Bác sĩ Ngô Thế Vinh - tác giả “Mekong những giòng sông nghẽn mạch“ một cuốn sách, công trình mà ông đã nghiên cứu từ nhiều năm qua [bằng tiền túi của mình]. Cuốn sách chỉ rõ mối nguy hiểm đe dọa môi trường sống từ những công trình thủy điện của Trung Quốc đe doa không chỉ Việt Nam mà hầu như tất cả những quốc gia Nam Á dọc trên dòng sông này. Vài giáo sư mà tôi may mắn được họ biết đến tên, cũng gọi điện gửi gắm những lời tâm huyết “Trung Quốc gửi sinh viên đi khắp thế giới nhằm chứng minh Hoàng Sa là của họ. Chúng ta dù chưa đòi lại được cũng cứ phải kêu lên cho quốc tế biết. Chúng ta im lặng mãi con cháu không biết, quốc tê không hay chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi anh ạ!”
Thú thật rằng, cái gã nhà thơ học hành kém cỏi, quanh năm chỉ thường thấy mặt ở những nơi” ăn chơi nhảy múa” ở Sài Gòn, ù ù cạc cạc về những vấn đề kinh tế - chính trị nhưng cũng kịp giật thót người nhận ra cái thông điệp ấy quan trọng đến nhường nào đối với vận mệnh của một đất nước. Họ là những trí thức ở xa nhưng đất đai tổ quốc bị mất mát là nỗi đau chung của người Việt . Tiếng sóng biển Đông tự đời nào tưởng đã lãng quên lại đồng vọng trong lòng một gã chơi bời, ăn nhậu từ đấy…
Như con chiên ghẻ trở về. Nhưng nó chuốc lấy nỗi đe dọa từ chính nhà mình. Tôi không ngạc nhiên gì trước sự cấm cản của chính quyền, công an thành phố HCM. Hoa lệ đến thế, rực sáng đến thế nhưng cũng phù phiếm đến thế, tôi có thể đến bất cứ chỗ nào trong thành phố. Những quán nhậu vui vẻ lề đường, những Bar – Pub sang trọng, những dạ hội chân dài - váy ngắn, tôi có thể vào những Web sex mà chả cần vượt tường lửa. Không ai cấm cản tôi trừ ở… dưới mặt đường với những người trẻ tuổi có ý thức về chủ quyền xứ sở. Trừ những nơi như buổi chiếu phim về Hoàng Sa – đồng bào mình. Thành phố mà tôi sinh ra, lớn lên thay đổi nhiều về vật chất, cầu, đường, nhà cao tầng phồn hoa nhưng với tôi nó đã thành “ ốc đảo “ tự bao giờ. Nó biến thành cô đơn với nhiều nơi bởi sự trì trệ, bảo thủ thậm chí cửa quyền của những người đang cầm nắm nó hôm nay. Nói thật khi nghe những đại biểu thay mặt người dân thành phố như ông nghị Hoàng Hữu Phước phát biểu ở diễn đàn quốc hội. Sau những lời chê trách, biếm nhẽ ông của dư luận, trong tôi chỉ còn lại sự xấu hổ đến tận cùng. Những người như ông nghị Phước dường như là tiếng nói của… chính quyền thành phố chứ không phải của nhân dân thành phố nói riêng. Nếu không, hẳn ông không tránh khỏi những khiển trách. Nhưng những “Ông nghị” kiểu ấy chưa từng bị khiển trách. Vẫn êm ấm trên chiếc ghế của mình. Tôi phải nghĩ thế nào đây?
Một người bạn văn từ thuở còn trẻ âu lo cho tôi “Sao bận tâm về chuyện thế sự mãi thế Q ơi! Đi xuyên Việt với tôi đi!”. Tôi hiểu rõ anh không đớn hèn nhưng anh đã mỏi mòn, cái mỏi mòn của những con người đành nuốt nước mắt vào trong. Mà đâu phải chỉ mình anh như thế. Nhưng tôi vẫn tôn trọng quan điểm sống riêng của mỗi người. Riêng mình, có lúc phải gạt phắt chai rượu. Gạt qua để mà tỉnh táo nhìn, nghe…
Bộ phim Hoàng Sa - Lý Sơn của Andre Hồ Cương Quyết không được chiếu vì “thiếu tính đảng”. Nhưng nếu “Đường đến Thăng Long thành” được công chiếu vì “dư tính đảng”{!!!} không ai cấm đến. Tôi cũng sẽ tự “quản thúc” mình!
Xin thề !
Xin thề !