Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Thiếu tướng quân đội TQ La Viện: “Giải quyết tranh chấp với các nước xung quanh, Trung Quốc phải dám đánh thì mới có thể nói hòa”

Trước những tranh chấp phát sinh với các nước láng giềng trong thời gian vừa qua, TQ cần phải có tư thế và thái độ như thế nào? Có thể tìm thấy câu trả lời từ sự kiện Đại hội đại biểu Đảng của quân chủng hải quân TQ diễn ra từ ngày 6/12 vừa qua. “TQ không mong muốn chiến tranh” – đó là sự thật, nhưng điều đó mới chỉ nói lên một nửa của vấn đề, phải còn một vế câu nữa là “TQ cũng đầy đủ ý chí chiến đấu bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia”. Phải nói trọn vẹn cả hai vế câu như vậy thì mới biến ý nghĩa tốt đẹp của câu nói “TQ không mong muốn chiến tranh” trở thành hiện thực, còn không câu nói đó sẽ trở thành một tín hiệu sai lầm, khiến đối phương lầm tưởng rằng TQ đang “đổi đất lấy hòa bình”, cho rằng TQ nhu nhược dễ bị đè nén, như vậy nguy cơ chiến tranh tất sẽ tiến gần đến TQ.
Kể từ khi thành lập đến nay, nước CHND Trung Hoa đã trải qua mấy cuộc chiến tranh tự vệ, và tất cả đều không phải là mong muốn của TQ, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến. “Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”, đánh hay không đánh không được quyết định bởi ý muốn chủ quan của TQ, mà nó được quyết định bởi dã tâm bành trướng của phía đối phương và những đoán định được mất khi thực hiện dã tâm bành trướng đó của đối phương. Khi đối phương cho rằng cái được lớn hơn cái mất, họ rất có thể sẽ mạo hiểm; còn khi đối phương nhận ra rằng cái mất sẽ lớn hơn cái được, họ sẽ phải dừng bước.
TQ cần phải nói rõ với đối phương rằng, nếu như động chạm tới lợi ích cốt lõi của TQ, nếu như chà đạp người khác quá đáng, thì TQ dù không muốn cũng phải đánh, bởi không đánh là trái với ý dân, là ngược với hiến pháp, là không làm tròn chức phận.          
Hiện nay, đại đa số các nước láng giềng bản thân họ cũng chưa có đủ điều kiện để khuất phục TQ bằng chiến tranh, tuy nhiên cần phải cảnh giác với khả năng các nước này có ý đồ lôi kéo Mỹ tham gia bằng việc gây ra cọ sát. Bởi vậy, TQ vẫn phải làm tốt công tác chuẩn bị cho việc này, về cả chiến lược và chiến thuật, ngăn ngừa nguy cơ từ khi chưa xảy ra. Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh quy mô vừa thì sẽ ngăn chặn được cuộc chiến tranh quy mô nhỏ; chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh quy mô lớn thì sẽ ngăn chặn được cuộc chiến tranh quy mô vừa; chuẩn bị sẵn sàng đối phó với kẻ địch lớn thì sẽ khiến kẻ địch nhỏ không dám hung hăng.
Thực tế, TQ không có lý do gì để phải e ngại việc mượn sức mạnh quân sự, bởi không có quốc gia nào giải quyết tranh chấp mà không dựa vào hậu thuẫn của quân sự? Nếu từ bỏ biện pháp đấu tranh quân sự thì sẽ chỉ còn là con hổ giấy. Chuẩn bị sẵn sàng cho đấu tranh quân sự, nhưng không xem nhẹ chiến tranh, không là người nổ súng trước, như vậy mới thể hiện rõ ràng thành ý hòa bình của một nước lớn như TQ. Nếu như không có sự hậu thuẫn về quân sự, TQ làm sao có thể “thu hồi” được Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa) và các đảo Vĩnh Thử (Chữ Thập), Xích Qua (Gạc Ma)? Các nước tuyên bố chủ quyền Biển Đông sẽ “được đằng chân lân đằng đầu”, được một muốn hai.
Khổng Tử nói rằng: “Thượng sách dùng binh trước hết là đánh vào âm mưu ý đồ của kẻ thù, thứ đến là đánh vào đường lối ngoại giao của kẻ thù, tiếp đó là đánh vào quân đội của kẻ thù và cuối cùng là đánh phá thành trì của kẻ thù” (thượng binh phạt mưu, kỳ thứ phạt giao, kỳ thứ phạt binh, kỳ hạ công thành). Trong đó, đánh vào quân đội và công phá thành trì kẻ thù là biện pháp cuối cùng khi không còn lựa chọn nào khác; còn khi vẫn có dù chỉ một tia hy vọng đánh bằng mưu lược và ngoại giao, TQ sẽ không khinh suất “động binh”, “phá thành”. Tuy nhiên nếu không có ý chí, không có sự chuẩn bị và không có thực lực để “động binh”, “phá thành” thì cũng không có cơ sở để thực hiện kế sách đánh bằng mưu lược và ngoại giao, và nếu cứ thực hiện thì cái giá phải trả sẽ là rất lớn. Đó là điều người ta vẫn nói là “thứ không đạt được trên chiến trường thì cũng khó mà đạt được trên bàn đàm phán”.     
Bởi vậy, để giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng, TQ cần phải nắm chắc cả hai tay, vừa có ân vừa có uy, vừa cương lại vừa nhu. Phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong hoàn cảnh không mong muốn nhất. Như binh pháp Tôn Tử đã nói: “Thuật dùng binh xưa, không trông mong điều xấu không xảy đến, mà phải xem ta có gì để đón nhận nó; đừng trông đợi kẻ địch không đến đánh, mà phải làm cho ta không có chỗ nào kẻ địch có thể đánh”. Chỉ có phòng bị tốt thì mới không lo lắng, chỉ có dám chiến tranh thì mới có thể nói tới hòa bình.