Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Siêu âm song sát Bastion - BrahMos

VietnamDefence - Bastion-P là một trong những hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển cơ động hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đến nay, chỉ có Hải quân Nga và Việt Nam sở hữu hệ thống tên lửa khủng khiếp này.

Pháo đài thép

K300P Bastion-P (NATO gọi là SSC-5) là một trong các hệ thống tên lửa đất-đối-hạm thế hệ mới của Nga, dùng để tiêu diệt tàu mặt nước các loại trong đội hình các binh đoàn đổ bộ, các cụm tàu vận tải, các cụm tàu mặt nước và tàu sân bay xung kích, cũng như các tàu đơn lẻ và các mục tiêu mặt đất có tương phản radar trong điều kiện có đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh. Hệ thống có tầm bắn đến 300 km và có thể bảo vệ một khu vực bờ biển dài 600 km.
 Pháo đài thép Bastion-P bảo vệ bờ biển Việt Nam (armstrade.org)

Hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion với 2 biến thể cơ động (K300P Bastion-P) và cố định (Bastion-S) do Liên hiệp NPO Mashinostroenia phát triển, sử dụng tên lửa chống hạm P-800 Oniks (tên xuất khẩu là Yakhont). 

Tên lửa Yakhont/Oniks

Cốt lõi của Bastion - tên lửa Yakhont/Oniks phóng thẳng đứng, là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm có tốc độ cao nhất thế giới hiện nay, có tầm bắn đến 300 km. Với tốc độ cao và tầm bắn xa, đây là vũ khí chống hạm cực kỳ lợi hại mà hầu như không hệ thống phòng thủ hạm tàu nào có thể đối phó được.
Tên lửa Yakhont (NATO gọi là SS-N-26), do Liên hiệp NPO Mashinostroyeniya phát triển năm 1997, có chiều dài 8,9 m, đường kính 0,72 m, trọng lượng phóng 3.000 kg, sử dụng hệ dẫn kết hợp quán tính và radar chủ động.

Biên chế tiêu chuẩn của Bastion gồm: 4 xe bệ phóng K-340P (mỗi xe mang 2 tên lửa Yakhont để trong thùng phóng); 1-2 xe điều khiển chiến đấu K380P; các xe bảo đảm trực chiến và 4  xe tiếp đạn K342P.

Bastion có thể hoạt động kết hợp với radar trên tàu hoặc trực thăng trinh sát.

Mỗi hệ thống được trang bị 1-2 radar phát hiện-điều khiển tên lửa ngoài đường chân trời Monolit-B. Radar này cũng có thể nhận các tín hiệu từ radar Mineral-ME và các trực thăng chỉ huy/báo động sớm Ка-31.

Yakhont đáp ứng tất cả những yêu cầu do quân đội Nga đặt ra đối với một loại tên lửa chống hạm mới: tấn công chính xác, có tốc độ siêu âm ở tất cả các giai đoạn bay, có thể phóng từ nhiều loại phương tiện mang: máy bay, tàu nổi, tàu ngầm, bệ phóng cơ động và cố định trên mặt đất.
Yakhont có các đặc điểm nổi bật là: tầm bắn ngoài đường chân trời; tác chiến hoàn toàn tự hoạt (nguyên lý “bắn-quên”); quỹ đạo bay linh hoạt (“thấp”, “cao-thấp”); tốc độ siêu âm cao ở mọi giai đoạn bay; chuẩn hóa hoàn toàn cho nhiều phương tiện mang (các lớp tàu nổi chủ lực, tàu ngầm và bệ phóng trên bờ); tàng hình đối với radar hiện đại (công nghệ Stealth). Với tốc độ cao tới 750 m/s (2,6M, hơn 2.700 km/h), khả năng bay sát mặt biển (cách mặt biển 5-15 m), hầu như không một hệ thống phòng thủ hạm tàu hiện nay nào có thể ngăn chặn được Yakhont. Với phần chiến đấu 200 kg, Yakhont có thể tiêu diệt hầu hết tàu chiến trên thế giới hiện nay chỉ với một quả đạn.
Tên lửa có thể bay ở 2 chế độ: độ cao nhỏ với tầm bắn hiệu quả 120 km hoặc kết hợp “cao-thấp” với tầm bắn đến 300 km. Ở chế độ bay kết hợp, tên lửa bay hành trình ở độ cao đến 14.000 m và 10-15 m ở giai đoạn bay cuối. Ở chế độ bay ở độ cao nhỏ, tên lửa bay hoàn toàn ở độ cao đến 15 m. Tốc độ tối đa của tên lửa ở độ cao lớn là 750 m/s, ở độ cao nhỏ là 680 m/s.
Hiện Hải quân Nga có trong trang bị 3 hệ thống Bastion-P biên chế cho Lữ tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, đóng ở Anapa.
Quân đội Nga cũng dự định triển khai Bastion trên quần đảo Kurils tranh chấp với Nhật Bản, nhưng chưa rõ số lượng sẽ được triển khai tại đây.
Trong cơn bĩ cực, để tự cứu sống mình, năm 1998, Liên hiệp NPO Mashinostroenia đã hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu-Phát triển Quốc phòng DRDO của Bộ Quốc phòng Ấn Độ thành lập liên doanh BrahMos Aerospace Ltd và cho ra đời tên lửa PJ-10 BrahMos, đứa em song sinh giống hệt Yakhont. BrahMos cũng được trang bị cho nhiều loại phương tiện mang (tàu nổi, tàu ngầm, máy bay, bệ phóng cơ động trên mặt đất) của Hải, Lục, Không quân Ấn Độ.
BrahMos là vũ khí tấn công chủ yếu của cả 3 quân chủng Ấn Độ với 4 biến thể: phóng từ tàu nổi; bệ phóng mặt đất; tàu ngầm và máy bay. Các biến thể BrahMos phóng từ tàu nổi và từ mặt đất đã được trang bị cho Hải quân và Lục quân Ấn Độ. Các biến thể phóng từ máy bay và tàu ngầm đã hoàn tất phát triển và sắp được thử nghiệm.
Điểm đặc biệt là với PJ-10 BrahMos, bên cạnh chức năng chống hạm thì nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất rất được chú trọng. Với BrahMos, Lục quân Ấn Độ có được khả năng tấn công sâu kiểu phẫu thuật, làm đối trọng hiệu quả với tên lửa hành trình Babur của Pakistan. Còn các máy bay Su-30MKI và biến thể nâng cấp Super 30 sẽ trở thành vũ khí tấn công chiến lược khi được lắp BrahMos tấn công mặt đất.
Đứa em song sinh BrahMos (brahmos.com)


BrahMos là tên lửa hành trình có tốc độ cao nhất hiện nay (2,5-2,8M), cao gấp 3,5 lần tên lửa hành trình dưới âm Harpoon của Mỹ; nặng gấp 2 lần, có tốc độ cao hơn gần 4 lần và có động năng ban đầu hủy diệt của đầu đạn BrahMos cao gấp 16 lần so với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Một loạt 9 quả BrahMos bắn đi có thể tiêu diệt 3 khinh hạm.
Hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (Land based Weapon Complex) bao gồm 4-6 xe bệ phóng cơ động độc lập (mỗi xe mang 3 tên lửa trong ống phóng kín), 1 đài chỉ huy cơ động và 1 xe tiếp đạn cơ động. Xe bệ phóng có thể có thể bắn từng quả hay bắn loạt với nhịp phóng 2-3 s trong vòng 4 phút sau khi nhận được lệnh, có thể phóng 3 tên lửa vào 3 mục tiêu khác nhau hoặc với chế độ kết hợp khác nhau gần như đồng thời.

Năm 2007, Lục quân Ấn Độ thành lập trung đoàn 861 trang bị BrahMos Block I (A1). Tiếp đó là 2 trung đoàn 862 và 863 trang bị BrahMos Block II. cuối tháng 9.2011, có tin Ấn Độ triển khai trung đoàn BrahMos thứ tư, trang bị BrahMos Block III tấn công mặt đất bổ nhào tại khu vực Đông Bắc để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ dự định triển khai các tên lửa BrahMos ở Ladakh, bang Jammu và Kashmir nhằm uy hiếp các mục tiêu chiến thuật và chiến lược ở Tây Tạng. 
Hệ thống tên lửa BrahMos triển khai trên mặt đất (drdo.org)


Theo các dự báo khác nhau, Ấn Độ và Nga sẽ sản xuất 1.000-1.500 quả BrahMos, trong đó 300-500 quả bán cho các nước thân hữu do Ấn Độ và Nga lựa chọn. Có tin một số nước như Chile, Brazil, Nam Phi và Indonesia, Ai Cập, Malaysia, Oman, Brunei đang đàm phán, xem xét hoặc tỏ ra quan tâm đến việc mua sắm tên lửa này. Thậm chí, báo chí nước ngoài còn khẳng định, Ấn Độ đang đàm phán không chính thức để bán cho Việt Nam BrahMos.
Ngoài ra, Nga và Ấn Độ cũng đã ký hiệp định phát triển tên lửa siêu vượt âm BrahMos-II với 4 biến thể phóng từ mặt đất, máy bay, tàu nổi và tàu ngầm, nhưng có tốc độ kinh hoàng là trên 6M (hơn 6.000 km/h). BrahMos-II dự kiến sẽ trang bị vào năm 2015.
Hệ thống phóng và điều khiển BrahMos vẫn sử dụng được BrahMos-II. Ngoài các ưu điểm như BrahMos siêu âm, BrahMos-II có uy lực rất cao nhờ tốc độ khủng khiếp của nó vì một tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ 6M sẽ có uy lực công phá gấp 36 lần tên lửa cùng trọng lượng tấn công mục tiêu ở tốc độ 1M. Với động năng cao nhờ tốc độ khủng khiếp >6M, BrahMos-II là vũ khí lý tưởng đế tấn công các mục tiêu ngầm sâu dưới đất như boongke, các cơ sở hạt nhân, hóa-sinh và các mục tiêu kiên cố khác. Với tốc độ này, đối phương sẽ không có thời gian phản ứng đối phó với BrahMos-II.

Tiềm năng thay đổi cân bằng sức mạnh và răn đe chiến lược

Nhiều năm nay, cùng với các hệ thống vũ khí tối tân của Nga như tên lửa chiến thuật Iskander-E, tên lửa phòng không S-300, hệ thống tên lửa đất-đối-hạm Bastion-P và tên lửa Yakhont luôn nằm trong tâm điểm chú ý của thế giới ở các điểm nóng Iran, Syria.

Trên thực tế, Nga còn sử dụng các hệ thống vũ khí này như là công cụ gây ảnh hưởng chiến lược tại các khu vực điểm nóng và mặc cả với các Mỹ, phương Tây và Israel. Đến nay, ba khách hàng đã ký hợp đồng mua Yakhont là Việt Nam, Syria (mua cùng với Bastion-P)  và Indonesia (mua biến thể lắp trên tàu chiến). Sắp tới, Venezuela có thể cũng sẽ mua Bastion-P. Yakhont nằm trong tầm ngấm của Iran, song khả năng mua bán là rất khó vì nước này đang bị trừng phạt, cấm vận vũ khí.
Gây tranh cãi nhất là hợp đồng bán Bastion-P/Yakhont cho Syria. Năm 2007, Syria ký hợp đồng mua của Nga 2 hệ thống Bastion-P trị giá 300 triệu USD, và cơ số đạn của một hệ thống có thể gồm tới 36 tên lửa Yakhont. Song có lẽ Syria chưa nhận được Bastion-P.
Israel rất kinh hoàng trước viễn cảnh siêu tên lửa này lọt vào tay Syria hoặc Hezbollah. Họ cho rằng tên lửa siêu hiện đại này sẽ là vũ khí tấn công chiến lược, đe dọa nghiêm trọng an ninh Israel và phá vỡ thế cân bằng lực lượng trong khu vực, đe dọa sự sống còn Hải quân Israel. Bastion-P không chỉ chấm dứt sự hoành hành của tàu chiến Israel ở Địa Trung Hải mà còn là phương tiện răn đe các cụm tàu sân bay Mỹ một khi xảy ra cuộc xâm lược chống Syria. Vì thế, trong mấy năm nay, Israel và Mỹ đang gây áp lực mạnh để Nga không bán Bastion-P và Yakhont cho Syria. Tuy nhiên, phía Nga cam kết vẫn thực hiện hợp đồng.
Theo báo chí nước ngoài, Việt Nam đã được Nga chuyển giao hệ thống (tiểu đoàn) Bastion-P đầu tiên vào tháng 5.2010, hệ thống thứ hai vào đầu tháng 10.2011 theo hợp đồng mua 2 hệ thống Bastion-P trị giá 300 triệu USD ký năm 2006. Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên Bastion-P/Yakhont và Việt Nam và Nga hiện là hai nước duy nhất sở hữu hệ thống tên lửa bờ biển siêu hiện đại này. Có tin, Việt Nam còn sắp triển khai sản xuất tên lửa Yakhont với sự hỗ trợ của Nga theo hợp đồng trị giá 300 triệu USD .
Tháng 8.2011, lại có tin Việt Nam đang đàm phán với Liên hiệp NPO Mashinostroenia mua thêm Bastion-P với số lượng chưa được tiết lộ, chuyển giao vào năm 2014. Nếu những thông tin được xác nhận là đúng thì Bastion-P cùng với Yakhont sẽ tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến đối hải của quân đội ta, trở thành nòng cốt, pháo đài thép bảo vệ bờ biển.
BrahMos phóng từ bệ phóng mặt đất (brahmos.com)
BrahMos, đứa em song sinh của Yakhont, cũng được Ấn Độ và Nga xem như một phương tiện để củng cố các quan hệ chiến lược. Họ đang lên danh sách 15 quốc gia thân nữu có thể nhập khẩu BrahMos.
Theo tạp chí Kanwa, tên lửa BrahMos sẽ được trang bị cho 8 tiêm kích Su-30МК2 mà Việt Nam đặt mua tháng 1.2009, mặc dù hợp đồng chính thức chưa được ký.
Báo chí Ấn Độ cho hay, Việt Nam đã được Hội đồng hỗn hợp Nga-Ấn đưa vào danh sách 15 quốc gia có thể mua tên lửa BrahMos và Ấn Độ đang đàm phán không chính thức với Việt Nam về vấn đề mua bán BrahMos.
Indonesia là khách hàng thứ ba nhập khẩu tên lửa Yakhont, nhưng là để trang bị cho tàu chiến. Năm 2010, báo chí cho hay, Indonesia sẽ mua không dưới 120 quả Yakhont với đơn giá 1,2 triệu USD để lắp cho 6 khinh hạm và 10-14 tàu hộ vệ. Indonesia đã bắt đầu nhận Yakhont và trang bị cho khinh hạm Oswald Siahaan.
Ngày 20.4.2011, Hải quân Indonesia đã bắn thử thành công tên lửa chống hạm Yakhont dự kiến ở vịnh Sonda từ khinh hạm frigate KRI Oswald Siahaan số 354, tiêu diệt khinh hạm frigate bị loại bỏ Teluk Bayur số 502 ở xa 250 km.
Quân đội Hàn Quốc cũng đang phát triển tên lửa hành trình chống hạm siêu âm mới tầm bắn 300 km dựa trên tên lửa Yakhont của Nga.
Theo báo chí, trong năm 2011, Nga bắt đầu cung cấp các hệ thống tên lửa bờ biển tầm bắn 300 km cho Venezuela. Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga) dự đoán, đó có thể là hệ thống tên lửa bờ biển đa năng cơ động Club-M hoặc K300P Bastion-P.