Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2011

Làm gì khi đã đạt tới đỉnh cao?

Châu Giang dịch từ Economist
 
Đối với người ngoài, sự hùng mạnh khác thường của nền kinh tế Hàn Quốc là một hình mẫu cho sự thành công. Nhưng giờ đây, khi đã đuổi kịp thế giới phát triển, nước này lại cần thay đổi cách tiếp cận của mình.
Trong tiết trời buổi sáng mùa thu khô hanh ở thủ đô Seoul, một ngư dân đầy khát vọng ngồi mơ màng bên sông Cheonggyecheon khi cả thế giới hối hả bận rộn. Những ngôi nhà chọc trời phía sau anh là quận tài chính mới của thành phố này. Dãy cửa hàng, cửa hiệu ở dưới chân những ngôi nhà này thuộc loại thời trang và xa hoa nhất châu Á. Các nhân viên văn phòng, các gia đình và trẻ em qua lại tấp nập.
20 năm trước, khung cảnh trên dường như là một giấc mơ cho bất cứ ai đủ ngốc nghếch để ngồi câu cá bên sông Cheonggyecheon. Nước của con sông này rất bẩn và bị chặn lại bởi một đường cao tốc ồn ào, xung quanh nó là một loạt những cửa hàng sập sệ, hôi hám. Sự biến đổi của sông Cheonggyecheon, một trong những dự án tái sinh đô thị lớn trên thế giới, đã mang trong nó không khí của một giấc mơ thành hiện thực.
Nhiều người đã nhìn Hàn Quốc qua dòng chảy của con sông này.
Năm 1960, sau một cuộc chiến tranh tàn phá, miền Nam kiệt sức trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, với mức thu nhập bình quân đầu người ngang với những nơi nghèo nhất châu Phi. Đến cuối năm 2011, con số này thậm chí còn cao hơn mức trung bình ở Liên minh châu Âu (EU), với GDP trên đầu người đạt 31.750 USD, tính theo cân bằng sức mua (PPP), so với con số 31.550 USD ở EU. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đến nay đã đi từ chỗ một nước sống nhờ vào viện trợ phát triển trở thành quốc gia giàu có chỉ trong thời gian bằng quãng đời lao động của một con người.
Đối với hầu hết các nước nghèo, Hàn Quốc là một mô hình tăng trưởng, tấm gương tốt hơn Trung Quốc - nước quá lớn để học theo - và tốt hơn các nền kinh tế như Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore. Tất cả ba nền kinh tế này giàu có hơn Hàn Quốc nhưng đều có những ngoại lệ của mình: Singapore và Hong Kong là các nhà nước-thành phố, trong khi Đài Loan là một ngoại lệ.
Hàn Quốc không chỉ tăng trưởng nhanh. Họ đã kết hợp tăng trưởng với dân chủ và công bằng. Dù sự bật nảy của họ bắt đầu dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, nhưng trong 25 năm qua, nước này đã có một hệ thống nghị viện mạnh. Từ năm 1980 - 1997, hệ số Gini (cách tính sự chênh lệch về thu nhập) của họ đã giảm từ 0,33 xuống còn 0,28 trước khi tăng trở lại trong thời kỳ xảy ra khủng hoảng châu Á 1997-1998. Năm 2010, con số này ở mức 0,31, chỉ cao hơn các nước Bắc Âu một chút và thấp hơn nhiều so với Canada.
Thủ đô Seoul ban đêm
Một mô hình vận hành tốt Hàn Quốc đã bị tác động mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đã phục hồi nhanh hơn bất kỳ nước giàu có nào khác. Từ tháng 6/2008 đến tháng 2/2009, Hàn Quốc mất 1,2 triệu việc làm. Hệ thống tài chính tương đối mở của nước này đã khiến họ bị tổn thương trước những bấp bênh trên các thị trường thế giới, và điều này vẫn đang tiếp diễn. Tháng Chín vừa qua, cổ đông nước ngoài đã rút hơn 1.300 tỷ won (1,1 tỷ USD) khỏi thị trường chứng khoán Hàn Quốc, khiến đồng won mất giá 10%.
Nhưng trong năm 2010, GDP đã tăng 6%. Tăng trưởng năm nay có thể đạt 4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức đáng thèm muốn đối với bất kỳ quốc gia nào (3%).
Một số thành quả phục hồi trên là kết quả của sự phụ thuộc đáng mừng của Hàn Quốc vào Trung Quốc: họ xuất khẩu hàng hóa tư bản sang Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào khác nếu so về quy mô của một nền kinh tế, kể cả Đức.
Nhưng đó chỉ là một phần sự lý giải. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đề xuất một kế hoạch công trình công cộng, huy động hơn 2% lực lượng lao động. Họ đưa vào áp dụng một quỹ lương hưu cho người già và chương trình EITC (hoàn thuế cho những người có thu nhập thấp hoặc trung bình). Tất cả những sáng kiến này là của Tổng thống Lee Myung-bak, người từng là Giám đốc điều hành tập đoàn Hyundai.
Nếu nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng 4,5%/năm, và Mỹ đạt 2,5%, thì chỉ trong vài năm nữa Hàn Quốc sẽ vượt Mỹ (nếu tính theo PPP).
Mặc dù vậy, để duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng, Hàn Quốc sẽ cần một số chiến thuật mới. Và họ sẽ cần phát triển từ đầu. Khi một quốc gia hay một công ty đang vươn lên, họ có thể nhìn vào điều mà những nước khác hoặc công ty khác đang làm để làm tốt hơn thế. Hàn Quốc đã làm được điều này. Hyundai đã đánh bại Toyota tại thị trường xe hơi tốt và giá rẻ. Lĩnh vực đóng tàu của Hàn Quốc cũng đã đánh bại mọi đối thủ.
Mọi thứ thay đổi
Nhưng cách làm như vậy chỉ phát huy tác dụng khi người khác đã chiếu sáng một con đường dài trước mặt bạn. Khi bạn gia nhập hàng ngũ các nước giàu nhất, bạn vượt ra khỏi lối mòn đó. Nền kinh tế của bạn sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào cải tiến, cách tân, và việc học hỏi từ các sai lầm của chính mình hơn là cải thiện thành công của người khác. Mô hình của Hàn Quốc từ năm 1960-2010 vẫn là một ví dụ cho các nước đang phát triển; nhưng chính Hàn Quốc giờ đây cần một cái gì đó mới hơn.
Mô hình của Hàn Quốc có bốn đặc điểm rõ rệt: một lực lượng lao động năng suất cao, các tập đoàn hùng mạnh, các công ty nhỏ hơn tương đối yếu, và sự liên kết xã hội cao. Tất cả các đặc điểm này hoặc đang quá tải hoặc đang phải đánh giá lại, hoặc cả hai.
Người Hàn Quốc xây dựng thương hiệu bằng giáo dục và lao động cần cù. Họ làm việc 2.200 giờ mỗi năm, nhiều gấp rưỡi người Hà Lan hay người Đức. Phản ứng của họ với đợt suy thoái năm 2008 là tiếp tục làm việc chăm chỉ. Richard Freeman, trường Đại học Harvard, cho biết trong quá trình phục hồi năm 2009 -2010, Hàn Quốc đã tăng giờ làm việc nhiều thứ hai thế giới, sau Đài Loan. Và chất lượng lao động thậm chí còn lớn hơn số lượng. Bên cạnh Phần Lan và Singapore, các trường của Hàn Quốc thường xứng tầm quốc tế về tiêu chuẩn giáo dục, như các trường của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một câu lạc bộ những nước giàu. Hàn Quốc chi một phần lớn hơn của GDP cho giáo dục, nhiều hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào trừ Mỹ. Với mức lương còn tương đối thấp, lực lượng lao động được giáo dục siêu đẳng này cũng không hề lung lay.
Nhưng khi Hàn Quốc đạt đến đỉnh cao của các bảng xếp hạng, họ khó khăn hơn trong việc tạo ra các bước nhảy vọt về thu nhập nhờ tăng giờ làm và tăng chất lượng lao động. Thực vậy, vấn đề hiện tại chỉ là làm thế nào duy trì được sự tuyệt vời của họ.
Theo chuyên gia cố vấn Yeong Kwan Song, thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), các công ty bắt đầu lo ngại rằng các sinh viên mới tốt nghiệp có kỹ năng không tốt. Theo một số thống kê, một nửa lượng sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm chính thức và phải tiếp tục học cao hơn hoặc chấp nhận việc làm bán thời gian. Như vậy, trong khi nền giáo dục vẫn tốt, một số kỹ năng công nghiệp lại đang suy giảm.
Một cách để thúc đẩy lực lượng lao động lành nghề có thể là phải có thêm nhiều người lao động và giảm giờ làm. Lượng người thêm này nên là phụ nữ, thường được giáo dục cao. Khá nhiều phụ nữ Hàn Quốc ở nhà - tỷ lệ phụ nữ từ 25-54 tuổi tham gia lực lượng lao động chỉ đạt 62%, mức thấp thứ tư trong số các nước OECD - dù họ thường được giáo dục cao hơn đàn ông. Tại hầu hết các nước giàu, phụ nữ được giáo dục tốt nhất dễ kiếm việc làm hơn những chị em được giáo dục thấp hơn. Nhưng ở Hàn Quốc thì không như vậy.
Giờ làm giảm sẽ khuyến khích một số chị em lành nghề này tham gia lực lượng lao động. Như vậy cần thay đổi thái độ dạy học. Phụ nữ thường được giao việc dạy dỗ con cái, đây chính là một trong những lý do tại sao khá ít phụ nữ có việc làm.
Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có nhiều con. Hàn Quốc có tỷ lệ sinh chỉ đạt 1,2 - một trong những mức thấp nhất trong khối OECD. Một phần là vì những người được giáo dục cao coi việc sinh con là một đề nghị đắt giá. Và một phần cực lớn chi tiêu dành cho giáo dục cao như vậy là do tư nhân bỏ ra, không phải do nhà nước. Chính phủ chỉ chi chưa đến 5% GDP cho giáo dục, thấp hơn mức trung bình của các nước giàu. Các gia đình đóng góp khoảng 2,8% GDP bằng các chi tiêu cho giáo dục, mức cao nhất trong khối OECD. Tại các trường đại học, chi tiêu gia đình gấp ba lần chi tiêu của nhà nước. Và các gia đình chi khoảng 8% ngân sách hộ gia đình cho các chương trình ngoài giờ cho mỗi đứa trẻ. Nếu bạn có ba người con, riêng các hoạt động ngoài nhà trường có thể chiếm tới 1/4 ngân sách gia đình bạn.
Sức mạnh của các tập đoàn. Sự kỳ diệu Hàn Quốc phần lớn là thành quả của các tập đoàn lớn, hay các chaebol. Barry Eichengreen, thuộc đại học California, và Berkeley cho rằng các chaebol "nằm trong số các tác nhân cấp tiến nhất về công nghệ và thương mại trong nền kinh tế Hàn Quốc".
Chẳng hạn, hãng Samsung Electronics, một trong 83 thành phần cấu thành đế chế Samsung, bán được nhiều máy điện thoại di động hơn hãng Apple. Ngành đóng tàu của Hàn Quốc vừa bắt đầu chế tạo một lớp mới tàu container gọi là "lớp E đệ tam", loại tàu container lớn nhất được đóng từ trước đến nay (Maersk, công ty mua loại tàu này, nói tàu lớp E đệ tam là minh chứng cho nền kinh tế đẳng cấp, sử dụng năng lượng hiệu quả và không gây hại tới môi trường). Các công ty lớn của Hàn Quốc sử dụng chưa tới 1/4 tổng lực lượng lao động và tạo ra hơn một nửa tổng sản lượng quốc gia. Phạm vi hoạt động của chaebol mở rộng khắp thế giới, từ Tập đòan Carso của Carlos Slim ở Mexico tới tập đoàn Lee Ka-shing ở Hong Kong.
Những chaebol sống sót đã chứng tỏ sức bền bỉ. Trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-1998, tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu của một số chaebol đã vượt 500%; một nửa số chaebol đã sụp đổ và các tập đoàn bị xem là một trở ngại của nền kinh tế. Giờ đây, những tập đoàn vượt qua được thời gian thử thách đó đã trở lại mức tỷ số nợ đúng đắn và có lãi - nhưng thành công của họ vẫn có một mặt trái.
Sau những người sáng lập
Hệ thống chaebol đã chứng tỏ thiên về gian lận, kiểm toán láu cá và những đóng góp chính trị bất hợp pháp. Nhiều công ty phụ thuộc vào một người sáng lập hay gia đình họ. Khoảng một nửa số giám đốc của các công ty của Samsung làm trong các ban thư ký của Chủ tịch tập đoàn này - vì vậy trực tiếp làm cho người sáng lập và con trai ông - và nợ ông chủ vì đã thăng tiến cho mình. Cũng như với mọi công ty gia đình khác, thời điểm nguy hiểm nhất là khi giới lãnh đạo chuyển giao cho thế hệ mới. Samsung đã trải qua thời khắc này vào năm 1987 khi nhà sáng lập chuyển cho con trai ông Lee Kun-hee. Giờ con trai của ông Lee là Jay Y.Lee, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Samsung Electronics và một sự chuyển giao mới đang ở phía trước. Nếu ông Lee đệ tam có sự nhạy bén kinh doanh thì tốt. Bằng không, cả nước sẽ phải chịu đựng hậu quả.
Hơn nữa, có nhiều dấu hiệu cho thấy chaebol có thể cản trở cách tân và chủ doanh nghiệp. Họ đã thể hiện sự lão luyện trong ứng dụng và cải thiện công nghệ hiện có, thậm chí công nghệ cao của các điện thoại di động màn hình cảm ứng. Nhưng ngoại trừ một số doanh nghiệp internet và trò chơi trên máy vi tính, Hàn Quốc có rất ít công ty mới hay công ty công nghệ tân tiến.
Theo Hasung Jang, Chủ nghiệm Khoa kinh doanh của trường Đại học Hàn Quốc, nước này thiếu các công ty kinh doanh vốn vì mỗi chaebol đều có một công ty như thế cho riêng mình. Các chaebol đều "săn" những người giỏi nhất về làm việc cho mình. Ông Jang so sánh các tập đoàn này như những cây bóng rợp trong một khu rừng: tán vòm của chúng có thể rất ấn tượng, nhưng rất khó cho bất cứ cây nào khác lớn lên bên dưới.
Theo một cuộc thăm dò hàng năm do Global Entrepreneurship Monitor tiến hành, người Hàn Quốc nhận thấy có ít cơ hội làm chủ doanh nghiệp hơn bất cứ nước nào trong số các nước giàu, trừ Nhật Bản. Khi Hàn Quốc tiến tới giới hạn công nghệ, thái độ này sẽ phải thay đổi. Cải tiến, cách tân sẽ không đến nếu mọi người đều tránh các nguy cơ bằng cách trú dưới bóng chaebol.
Các công ty nhỏ yếu kém. Có một khoảng cách lớn giữa chaebol hướng ra xuất khẩu của Hàn Quốc với các công ty vừa và nhỏ (SME) hiện đang chế ngự lĩnh vực dịch vụ. Giá trị gia tăng tính trên đầu công nhân tại các công ty nhỏ chỉ bằng phân nửa so với ở các công ty lớn. Lợi nhuận của SME tương đương 4,5% doanh số bán hàng vào năm 2007, trong khi con số này của các công ty lớn là 7%. Chi cho nghiên cứu và phát triển ở các công ty nhỏ bằng một nửa ở các công ty lớn tính theo trung bình đơn vị bán hàng, trong khi tài khoản nợ của SME gần bằng tài khoản có. Theo thời gian, các thành quả của họ dường như ngày càng tệ hơn. Nói tóm lại, Hàn Quốc có các nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới nhưng các công ty dịch vụ của họ chỉ đứng thứ ba thế giới.

Còn tiếp