Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Bản lĩnh Việt Nam từ cổ đại đến suốt thời phong kiến

Số 391 tháng 11 – 2011

Đào Duy Anh

Nhìn qua lịch trình đấu tranh ác liệt của dân tộc ta như thế thì có thể nói rằng lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến suốt cả thời kỳ phong kiến quả là lịch sử đấu tranh không mệt mỏi, ở vị trí mấu chốt chống mưu đồ thôn tính của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Cái vận mệnh đặc thù như thế của tổ tiên chúng ta cố nhiên không phải là một chuyện may rủi ngẫu nhiên. Trong khi tìm hiểu về cái vận mệnh đặc thù của dân tộc, chúng tôi xin ghi lại đây một số suy nghĩ như sau:
Địa bàn sinh tụ của dân tộc ta ở trên góc chót về Đông Nam của lục địa châu Á, nhìn ra Thái Bình Dương, cái góc lục địa này do ba giải núi từ khối cao nguyên Tây Tạng chẻ ra làm những sơn mạch Miễn Điện, Lào và Việt Nam tạo thành cõi đất mà các nhà địa lý học Tây phương gọi là Ấn Độ Chi Na, ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Những sông lớn từ vùng núi cao Tây Tạng chảy ra đã xây dựng những thung lũng tỏa ra nhiều những đồng bằng rất thích hợp cho nghề cấy lúa. Ở triền phía Đông của sơn mạch Việt Nam và Lào, toàn những sườn phủ đầy rừng rậm thỉnh thoảng được khảm một mảnh nương do người mới vỡ và ở dưới thì chẻ ra mấy thung lũng hẹp ở mép rừng xanh với những ruộng nước ở đáy thấp và những ruộng bậc thang trên sườn đồi hai bên. Đó là địa vực cư trú của những tộc ít người từ xưa quen ở rải rác giữa núi rừng để kiếm ăn bằng canh nông và săn bắn. Ở dưới nữa là miền trung du với những thung lũng lớn và những đồi thấp cùng miền đồng bằng do hai sông lớn là sông Hồng và sông Khung cùng chi lưu của chúng tạo thành, lấn dần ra đại dương bằng một dải bờ biển dài; đó là địa vực cư trú của dân tộc Việt ta đã thảm đạm kinh dinh trải hàng ba mươi thế kỷ. Chính vị trí và địa bàn sinh tụ ấy đánh dấu và chi phối vận mệnh và sứ mệnh của dân tộc ta trong lịch sử.
Điều kiện sinh hoạt trên địa bàn ấy rèn luyện cho nhân dân ta một nếp sống vất vả và cần cù, một yếu tố quan trọng của sức mạnh mà chúng ta cần có để đấu tranh với cuộc sống.
Cái địa thế của lãnh thổ nước ta ở nơi “góc bể bên trời’’, ngay trên đường di động lớn của các chủng tộc châu Á theo cái hướng nghìn xưa từ Tây Bắc xuống Đông Nam, tức núi cao ra biển cả, lại đặt tổ tiên chúng ta vào một tình thế gay go nữa phải đấu tranh để sống còn. Như đã biết, ngay từ buổi đầu lịch sử, tổ tiên dân tộc chúng ta, người Lạc Việt và người Tây Âu đã đương đầu thắng lợi với cuộc xâm lược của mấy chục vạn quân Tần là lực lượng quân sự hùng mạnh nhất của châu Á mà có lẽ của cả thế giới thời bấy giờ. Trong tất cả các nhóm Việt tộc ở miền Nam Trung Quốc đều có văn hóa đồ đồng ở một trình độ xấp xỉ ngang nhau, có thể nói văn hóa đồ đồng của nhóm Lạc Việt đã đạt đến trình độ tương đối cao hơn cả những di vật điển hình là trống đồng Ngọc Lũ và thạp đồng Đào Thịnh. Đó là một trong những ưu điểm về phương diện văn hóa. Trong đồ đồng Lạc Việt và những di vật khảo cổ khác cùng một hệ thống không có những dấu vết chứng tỏ ở xã hội Lạc Việt đã thịnh hành chế độ nô lệ, mà đồ đồng của nhóm Việt tộc ở Thạch Trại Sơn thuộc tỉnh Vân Nam thì thấy có những chứng tích hiển nhiên về chế độ này, và ở miền Nam Việt trên đất Quảng Đông, Quảng Tây thì sử sách Trung Quốc chép rõ rằng ở thời nhà Triệu đã có tình trạng bắt nô lệ đem bán cho nước Hán. Sự phân hóa giai cấp chưa sâu sắc lắm có lẽ cũng là một yếu tố gây nên sức mạnh đoàn kết của những thành phần công xã còn được tự do bảo vệ đất đại của mình. Những hình thuyền khắc trên trống đồng và thạp đồng lại cho thấy rằng người LạcViệt là nhóm người mà tổ tiên đã từng vượt biển trong những cuộc viễn du, có lẽ là từ miền khác đến địa bàn hiện tại, điều ấy có thể liên hệ đến tinh thần dũng cảm mạo hiểm của họ. Cuối cùng chúng tôi nghĩ rằng những người định cư trên mảnh đất này bị kẹt ở giữa bốn mặt, phía Bắc là miền đất Quảng Đông Quảng Tây đã bị Hán tộc hùng cường chiếm được, phía tây là rừng sâu núi cao không thể vượt qua, phía Nam là những bộ tộc mà con cháu là dân tộc Chiêm Thành là những bộ tộc ngoan cường không dễ gì mà lấn được, phia Đông là sóng cả biển sâu mà sinh hoạt định cư từ bao lâu đã khiến họ không quen vượt xa được nữa. Trong tình thế ấy người ta khó lòng có chỗ rút lui an toàn trước sức ép của người Hán tộc, cho nên người ta phải sống chết bám lấy mảnh đất của mình mà sáng tạo cái chiến lược chiến thuật vô cùng công hiệu khi một cộng đồng người nhỏ bé phải đương đầu với một lực lượng quân sự hùng hậu, tức chiến lược lấy ít đánh nhiều, chiến thuật chống trường bằng đoản mà ngày sau gọi là du kích. Chính cái nhu cầu bám đất ấy đã khiến tổ tiên chúng ta, từ nước Âu Lạc trải qua hàng nghìn năm tuy bị Hán tộc đô hộ mà không bao giờ chịu ngừng chống cự, đã xây dựng cuộc sinh tụ và phát triển bằng một phương thức tổ chức thích hợp nhất là công xã nông thôn.
Công xã nông thôn xưa, hình thức cuối cùng của công xã nguyên thủy, còn để hình ảnh tương đối đậm nét của nó ở các làng Mường, nhất là tại miền trung du Thanh Hóa. Các làng xã ở vùng đồng bằng trong thời phong kiến và thời Pháp thuộc vẫn là hình thức tiến triển của công xã nông thôn. Điển hình quen thuộc của công xã nông thôn tiến triển ấy là các làng gồm nhiều nhà thuộc về mấy họ, có khi là cùng một họ, chia ra làm nhiều xóm, tụ tập nhau ở sau cái lũy tre cổ điển làm giới tuyến bất khả xâm phạm cho công xã, và ở xung quanh một ngôi đình là nơi hội họp và một ngôi đền thờ vị thành hoàng, nhiều khi là người tộc trưởng khai khẩn hay là khai khai canh.Ở quanh lũy tre là ruộng đất công và tư chia làm những mảnh nhỏ theo nhiều hình dạng khác nhau tùy theo địa thế. Khắp miền đồng ruộng cò bay thẳng cánh, những làng nấp sau lũy tre ấy hiện lên như những hòn đảo ở giữa biển lúa xanh hoặc nối tiếp như xiết chặt tay trên những doi đất dài, nhất là dọc bờ sông, bờ biển. Sự sống bám đất của con người đã rèn luyện cho các công xã ấy một sức mạnh dẻo dai với lòng thiết tha độc lập tự do và tinh thần tương trợ giữa các gia đình và làng xã, khiến chúng ta có thể trải qua bao nhiêu thiên tai và nhân họa mà vẫn đứng vững. Lụt  báo có thể phá ruộng phá đê, sập nhà sập cửa, hễ nước rút gió lặng là người ta lại giúp nhau xây dựng và cấy trồng trở lại để tiếp đời sống lam lũ cần cù. Mỗi lần đất nước bị xâm  lăng, làng mạc bị phá hoặc bị san bằng, người nông dân bất đắc dĩ phải tản đi để chuẩn bị chống trả, hễ giặc rút lui là người ta lại về tập hợp họ hàng làng xóm và xây dựng tất cả lại từ đầu, rồi lại âm thầm làm lụng để chờ một thiên tai hay một nhân họa mới lại quét sạch trơn, để rồi sau đó nhà cửa, làng xã, lũy tre, ruộng nương lại nổi dậy tươi xanh như trước. Cái tổ chức ấy, cái nếp sống ấy khiến dân tộc ta như một cơ thể bất tử, bị chặt nát ra từng đoạn vẫn sống để cuối cùng hợp nhau lại cho cả cơ thể hồi sinh.
Một nét đặc biệt nữa của công xã nông thôn là mỗi khi sự sống sinh sôi nảy nở của các gia tộc khiến sự sống trở thành quá chật chội ở quê cha đất tổ thì người nghèo khổ nhất hay những người tháo vát nhất, rủ nhau làm như tổ ong chia đàn, tạm từ giã bà con làng xóm, đem theo cả gia đình của mình tìm nơi đất trống ở miền hoang vu cách xa nhiều ít để khai phá thành ruộng nương vườn tược mà xây dựng một làng xã mới theo như kiểu mẫu của làng xã quê hương, nhiều khi rước theo cả bát hương của vị thần thành hoàng làng quê cũ mà thờ, hay tôn người tộc trưởng khai canh hoặc khai khẩn mới làm thành hoàng che chở nhân dân. Nhiều khi Nhà nước là cơ quan tập hợp và chi phối các công xã ở trên cũng đứng ra làm công việc khai hoang, hoặc bằng lực lượng nhân dân dưới sự đốc suất của một ông quan dinh điền hay điền tuấn, hoặc bằng lực lượng quân sự tổ chức thành đơn vị đồn điền rồi cứ theo nhịp độ tiến hành của công việc khai hoang mà xây dựng dần những công xã nông thôn mới theo kiểu mẫu điển hình để gieo cho những người khai hoang chiếm lĩnh những đất đã vỡ. Những đất hoang ở bờ biển hay ở nơi biên giới xa xôi thường được kinh dinh như thế.
Do sự tồn tại bền bỉ dẻo dai của các công xã nông thôn, dân tộc ta có một đặc tính kỳ lạ có khả năng hấp thu tiêu hóa mọi thành phần khác mình mà lịch sử đã cho tiếp xúc. Trong xuất cuộc Bắc thuộc hàng nghìn năm tổ tiên chúng ta đã hấp thu tiêu hóa những yếu tố văn hóa của người Hán tộc mỗi thời di cư sang, hoặc là những người tù tội bị đày, hoặc là những người tránh loạn, hoặc là những thương nhân và quan lại, hoặc là những đạo sĩ tăng đồ truyền giáo. Thậm chí những người Trung Quốc ở lại hẳn đã sinh cơ lập nghiệp mà không có thống kê để biết được là bao nhiêu vạn ức người, cuối cùng đã bị dân tộc ta hấp thu và tiêu hóa. Những người Hán tộc này chỉ dăm ba đời sau là biến thành người bản địa, ví như Lý Bôn, Trịnh Thiều thời Nam Bắc triều ở Giao Chỉ, và có khi chỉ một đời như Lê Cốc thời Tùy ở Cửu Chân là trở thành người Việt cùng với nhân dân Việt nổi lên đánh đuổi quan lại và quân lính Trung Hoa mà được nhân dân Việt thờ làm anh hùng dân tộc. Hán tộc là một dân tộc lớn có sinh khí mạnh mẽ bao nhiêu, từ mấy nghìn năm đã hấp thu bao nhiêu tộc loại mà họ gọi là Man Di Nhung Địch ở bốn xung quanh để càng lớn càng mạnh hơn nữa, đã có năng lực đồng hóa những người Kim, Mông Nguyên, người Mãn Thanh, những người đã chinh phục và chiếm giứ đất nước họ từ mấy chục đến mấy trăm năm, thế mà khi tiếp xúc với dân tộc Việt Nam, tuy rằng có khi có thể lấy thịt đè người mà đắc thắng tạm thời, cuối cùng đều bị chúng ta đồng hóa. Cái sức đồng hóa kỳ diệu ấy do đâu mà có được? Đối với người Hán tộc thì không phải là do sự cưỡng ép bạo lực đã đành, mà đối với những người phương Nam như Chiêm Thành chẳng hạn cũng không thấy mấy khi dùng bạo lực để cưỡng ép đồng hóa. Chính là sức hấp dấn kì diệu của công xã nông thôn Việt Nam đã gây nên sự đồng hóa nhẹ nhàng ấy. Với quan hệ chặt chẽ giữa các thành phần, công xã nông thôn vốn là một tập thể đóng kín khiến nó nhất thiết không dung nạp những phần tử lạ, vì tất cả những cái gì lạ đều là đáng ngờ. Những người dân ngoại tịch phần nhiều là những dân lang thang không gốc rễ thường làm những nghề không lấy gì làm lương thiện lắm, phải sống ngoài lề của cộng đồng. Nhưng đến khi người nào đã tỏ rõ là người lương thiện chăm lo bản nghiệp (làm ruộng và học hành) thì cộng đồng rất cởi mở vui vẻ nhận vào tập thể của mình mà lấy tình lấy nghĩa nông đỡ đùm bọc nhau. Chính cái tính cởi mở tình nghĩa ấy cộng tồn bên cạnh cái tính đóng kín ngiêm ngặt đã khiến người ta không còn có thành kiến kỳ thị với những người trước lạ sau quen và bằng những quan hệ hôn nhân và giao hảo, những thành phần mới cũ không còn gì phân biệt nhau nữa. Sự cộng tồn của hai năng khiếu đối lập ấy tạo thành sức mạnh vô địch luôn luôn tăng tiến của công xã và của dân tộc, khiến bạo lực dựa trên vũ khí ghê gớm nhất của bọn thực dân cũ và mới gần đây cũng vẫn không làm gì nổi. Một nhà học giả người Pháp từng sống nhiều năm gần gũi nhân dân Việt Nam đã viết rất đúng rằng: “Trong một nước được nhào nặn về mặt chính trị như nước này bằng những cuộc xâm lược, kháng chiến kết đảng, nổi dậy, một môi trường tự nhiên xã hội như vậy đặt cho cái bí mật những quy tắc riêng… Trong những cánh đồng lúa ấy, thường thường không còn xó xinh tự nhiên nào cho người ta có thể rút lui như rừng rú chuông chằm. Nếu con người muốn nấp kín hay trốn biệt thì chỉ có thể nấp trốn sau người khác… Những khối dân tộc đông đúc là một nơi trú ẩn công hiệu để chống lại kẻ địch tiếng nói khác và màu gia khác’’. Như thế thì kẻ địch ngoại lai không thể lọt vào làng để dò xét tình hình, mà khi quân địch ào ạt kéo đến để mong chụp cả làng thì sự chống cự của cả làng có bờ tre làm thành lũy, hoặc là có thể đánh lui quân địch không thể bấu víu vào đâu, hoặc là lúc đầu không chống nổi thì phải rút lui để cho quân địch vào chiếm làng không và đốt phá, rồi sau khi tập hợp lực lượng chờ cho quân địch trễ tràng thì sẽ úp đánh trở lại, rồi sau khi quân địch bị tiêu diệt hay rút lui thì lại trở về để vừa tiếp tục làm ăn, vừa bố phòng chuổn bị đợt tiến công khác của địch. Cái sức mạnh của công xã vừa là sức mạnh của một tập thể đồng tâm hợp lực cùng sống chết, cứng như thép, đồng thời là sức mạnh của một tập thể uyển chuyển mềm dẻo như nước mà Lão tử đã nói là: “Thiên hạ không gì yếu mềm bằng nước mà đánh cái cứng mạnh không gì hơn nó”. Với cái sức mạnh vô địch như thép và như nước ấy của công xã nông thôn, tổ tiên chúng ta trước kia đã đánh bại quân Tần và sau hàng nghìn năm thử thách đã đánh bại được mọi lực lượng bành trướng của Hán tộc, đồng thời lại hấp thu được mọi yếu tố tích cực của nhân dân Trung Quốc mà tăng thêm sức mạnh cho mình.
Cần phải nói thêm rằng đối với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán thì dân tộc ta đời nào cũng cương quyết đấu tranh và hết sức mình ngăn chặn, song đối với văn hóa Hán tộc mà thực tế lịch sử đã khiến dân tộc ta phải tiếp xúc và nhiều khi chung đụng, thì dân tộc ta vẫn biết trân trọng những giá trị tích cực thật sự đã khiến tổ tiên chúng ta, mặc dầu trải qua bao nhiêu mất mát to lớn và hi sinh đau đớn, đã có thể từ một cộng đồng bán nguyên thủy chất phác trở thành một dân tộc mà vị anh hùng dân tộc trọn vẹn Nguyễn Trãi ngay trong đầu bài Bình Ngô Đại Cáo là áng Hiến chương độc lập của dân tộc đã tuyên bố lớn rằng dân tộc ta vốn là: “Văn hiến chi bang” và đồng thời đã nêu nhân nghĩa của Khổng Mạnh làm giá trị đạo đức cơ bản chi phối cả cuộc khởi nghĩa: “Điếu dân phạt tội” chống chủ nghĩa Đại Hán.
Tất cả các giá trị tích cực của các nhà tư tưởng Hán tộc ở thời Tiền Tần, từ Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, Lão Tử đến Tuân Tử, ngay cả sau Tần Hán từ khi các học thuyết của Nho gia, Đạo gia, Phật gia nói chung đã bị bọn thống trị phong kiến biến thành lợi khí đàn áp và nô dịch tinh thần đối với nhân dân, các giá trị tích cực của các học giả ưu tú Trung Quốc còn giữ được phẩm chất làm người đời nào cũng vẫn còn có mặc dầu hiếm hoi, thì các nhà nho ưu tú nước ta, từ Chu An đời Trần, Nguyễn Trãi đời Lê, Ngô Thì Nhậm, Võ Trường Toản đời Tây Sơn, cho đến cả loạt sĩ phu ái quốc trác tuyệt trong thời chống thực dân Pháp, từ Phan Đình Phùng đến Phan Bội Châu, đều đã trân trọng tiếp thu mà làm giàu cho kho tàng tư tưởng của dân tộc. Về văn chương thì những giá trị quí báu trong khi văn Trung Quốc từ Phong Tao thời Tiền Tần đến các thi phẩm trác tuyệt thời Đường thời Tống thì các thi hào văn hào nước ta trải các đời đều lấy làm mẫu mực để noi theo. Chữ Hán mà bọn phong kiến Trung Quốc cho tổ tiên chúng ta học vốn để dùng làm công cụ hành chính đã được tổ tiên chúng ta chuyển dùng làm văn tự dân tộc mà mọi người trìu mến gọi là chữ Ta. Cái “tình nghĩa” sâu sắc lồng qua những ảnh hưởng tích cực của văn hóa Trung Quốc đó, dân tộc ta vẫn luôn luôn trân trọng. Cho đến cả những viện trợ vật chất mà Trung Quốc đã dành cho nước ta trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong thực tế đã góp phần đáng kể vào cuộc kháng chiến thắng lợi ở Điện Biên Phủ và vào cuộc toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta cũng vẫn trân trọng mà xem là biểu hiện tình hữu nghị chân thành giữa dân tộc Trung Hoa và dân tộc ta trong mấy chục thế kỷ.
Đấy là những yếu tố tạo nên bản lĩnh của dân tộc Việt Nam, để có thể ngẩng cao đầu mà tồn tại cho đến ngày nay.