Trần Trọng Trung
Ngày 14 tháng 7 năm 2010 đài BBC (Anh) đã truyền đi và mới đây, ngày 26 tháng 8 năm 2011 phát lại bài của giáo sư sử học Phạm Cao Dương – California, Hoa Kỳ – nhan đề Một vài câu hỏi về tướng Giáp[1]. Gọi là “câu hỏi”, nhưng thực ra nhiều điều đã được GS khẳng định. Tuy nhiên, sự khẳng định đó hoặc dựa trên suy luận và định kiến với cái gọi là “chính quyền cộng sản” nói chung, với cá nhân Võ Nguyên Giáp nói riêng, hoặc dựa vào tài liệu của những người đối lập với chính quyền cách mạng hồi đó (như Jean Sainteny, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Tường Bách…), cho nên rất nhiều trường hợp GS đã tỏ ra thiếu hẳn tính khách quan khi đánh giá một sự kiện hay một nhân vật lịch sử.
1. Về thời trẻ của ông Võ Nguyên Giáp, GS Dương đã dựa vào ý kiến “có người nói” và suy diễn rằng “do thi để ra làm tri huyện nhưng bị rớt, mộng làm quan không thành” nên ông Giáp “đã dứt khoát quyết định từ bỏ tất cả (để) theo cộng sản…cùng với Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc vào năm 1940, mở đầu một giai đoạn mới trong đời mình”. Như vậy là GS không biết gì về những hoạt động của ông Giáp trước khi ra Hà Nội, từ những ngày còn là học sinh trường Quốc học Huế, việc tham gia thành lập Tân Việt cách mạng đảng đến những ngày bị giam cầm trong nhà lao Thừa Phủ v.v…
2. Về mặt học thuật, có đoạn GS viết: “Biến cố 19 tháng 8 hay Việt Minh cướp chính quyền, mà nhiều người thận trọng không muốn gọi là Cách mạng, sau ngày 2 tháng 9 đã chấm dứt và một cuộc cách mạng đã thật sự bắt đầu, qua sự bãi bỏ và thay thế trong tổ chức và trong mọi sinh hoạt thuộc phạm vi hành chính…”. Vậy sự kiện 19 tháng 8 có được GS Dương gọi là một cuộc cách mạng không? Chắc GS thừa hiểu, ngay những cuốn từ điển sơ đẳng nhất của nước ngoài cũng định nghĩa rõ nội dung từ “cách mạng” là gì. Ví dụ: Từ điển Chambers Pocket dictionary định nghĩa: Revolution: The complete overthrowing of a government. Từ điển Larousse des débutants định nghĩa: Révolution: Changement violent dans le gouvernement d’un Etat. Những nội dung được định nghĩa trên đây hoàn toàn phù hợp với những gì đã diễn ra trong cái mà GS gọi là “biến cố 19 tháng 8”: toàn dân nổi dậy dùng bạo lực lật đổ hoàn tòan chế độ cũ, lập chính quyền mới do mình làm chủ.
3. Người đọc rất đỗi ngạc nhiên trước những nhận định hết sức kỳ lạ của GS Dương về vai trò của Pháp ở Đông Dương sau Cách mạng tháng Tám. Ví dụ như ở Nam Kỳ (GS dùng từ Nam Kỳ thay vì Nam Bộ), ông viết: “Riêng ở Nam Kỳ, mặc dù cho tới thời điểm này (tức cuối năm 1946 – TG) vẫn còn là thuộc địa của Pháp và đương nhiên là vẫn do người Pháp quản trị và chịu trách nhiệm”. Từ nhận định trên, dẫn đến phê phán mọi hoạt động kháng chiến của phía Việt Nam là những việc “không thể nói là không vi phạm trầm trọng chủ quyền của người Pháp ở Nam Kỳ”. Như vậy, phải chăng GS Dương không biết gì hoặc cố tình không công nhận những thực tế lịch sử về “vai trò của Pháp” trên bán đảo Đông Dương trong những năm 1940 – 1945, trong đó có những mốc quan trọng là tháng 9 năm 1940 -- Nhật vào Đông Dương, tháng 3 năm 1945 -- Nhật đảo chính lật đổ nền thống trị của Pháp và nhất là những sự kiện trong và sau tháng 8 năm 1945? Nếu “Nam Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Pháp” thì sao có chỗ GS lại viết rằng quân Pháp theo chân quân Anh trở lại (để tái chiếm) xứ Nam Kỳ, vì sao Jean Cédile (“ủy viên cộng hòa” vừa được máy bay Hoàng gia Anh lén lút ném xuống Tây Ninh) phải đến gặp đại diện chính quyền Nam Bộ là ông Trần Văn Giầu để “thương thuyết”, trong khi ở ngoài Bắc, phái viên của Pháp là Jean Sainteny (bám càng máy bay của thiếu tá Mỹ Archimedes Patti từ Côn Minh sang và hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm) lại phải xin gặp đại diện Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội? v.v…
Bỏ qua rất nhiều chi tiết bị đánh giá sai lệch như trên, người viết bài này chỉ tập trung nói lại một số vấn đề quan trọng liên quan đến ông Võ Nguyên Giáp trong 16 tháng đầu của chính quyền cách mạng (2 tháng 9.1945 – 19 tháng 12. 1946). Cụ thể là: (1) Là Bộ trưởng Nội vụ, tại sao ông Giáp lại “lấn sân” sang công tác đối ngoại? (2) Việc tiêu diệt các đảng phái chống đối chính quyền sau Cách mạng tháng Tám; (3) Cuộc kháng chiến bùng nổ cuối năm 1946 có phải là do tham vọng chủ chiến của cá nhân Võ Nguyên Giáp?
1. Về việc ông Võ Nguyên Giáp “lấn sân” sang công tác ngoại giao:
Vấn đề GS Dương đặt ra là vì sao ông Giáp -- với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ lâm thời lại đóng vai trò chính yếu trong việc đón tiếp các nhân vật quan trọng của các nước (Archimedes Patti của phái bộ OSS Mỹ, Jean Sainteny và đại tướng Leclerc) trước khi những nhân vật này được Hồ Chí Minh tiếp kiến,“thay vì công việc đó được giao cho các công chức cao cấp khác của Bộ ngoại giao dưới quyền trực tiếp của Cụ Hồ ở bộ này theo thủ tục thông thường”. Sau đó, trong việc điều đình với người Pháp ở Hà Nội, Đà Lạt và Hải Phòng, vì sao ông Giáp cũng đóng vai trò chủ chốt.
Rồi GS suy diễn:“Điều này dễ hiểu… vì những người làm ở Bộ Ngoại giao thời đó đều có gốc là những công chức cao cấp thời Pháp, giỏi tiếng Pháp hay có thể cả tiếng Anh, quen tiếp xúc với người Pháp nhưng không được tin cậy và không phải là đảng viên cộng sản”.
Một trong những câu hỏi vì sao của GS Dương đã được chính ông giải đáp, khi ông viết:“Trong những cuộc gặp gỡ này, tướng Giáp đã tỏ ra rất thông thạo tiếng Pháp, tự tin và có khả năng thuyết phục được các đối phương của mình. Điển hình là cuộc tiếp xúc đầu tiên với Sainteny có sự hiện diện của Patti và được Patti kể lại”. Như vậy là GS Dương đã công nhận một thực tế là: do lập trường, bản lĩnh và nghệ thuật đối ngoại của ông Giáp nên nhiều lần ông được Cụ Hồ tin cậy cử đi đại diện cho Chính phủ Việt Nam .
Nhưng ngay sau đó, một câu hỏi khác lại được GS Dương đặt ra:“Với khả năng và kinh nghiệm mới đạt được thêm như vậy, tại sao Võ Nguyên Giáp đã không lãnh hay không được cử hướng dẫn phái đoàn Việt Nam di đự hội nghị Fontainebleau mà lại là ông Phạm Văn Đồng”, một người mà – theo suy luận của GS Dương -- “cho đến thời điểm đó vẫn còn là một nhân vật vô danh, còn về khả năng thì thua ông Giáp.
Người viết thấy cần góp thêm một số ý kiến để cùng GS Dương làm sáng tỏ vấn đề hơn:
1. Không có cơ sở để nói ông Giáp “thích lấn sân” sang công tác ngoại giao. Một dẫn chứng là lần được Cụ Hồ giao nhiệm vụ đi gặp Philippe Leclerc khi viên tướng Tổng chỉ huy Pháp vừa ra Bắc sau Hiệp định sơ bộ và đề nghị được gặp đại diện Chính phủ Việt Nam. Khi nghe ông Giáp đề cử ông Hoàng Hữu Nam đi thay, Cụ Hồ trả lời: “Chú làm chính trị không phải việc nào thích mới làm. Đại diện Chính phủ ta, phải là chú”.
2. GS Dương cho rằng những người trước đây là công chức của Pháp hoặc không phải là đảng viên cộng sản thì không được tin cậy trong công tác đối ngoại. Điều suy diễn đó không đúng với sự thật lịch sử. Một dẫn chứng rõ nét là thành phần phái đoàn Chính phủ đi hội nghị trù bị Đà Lạt. Trưởng phái đoàn là Nguyễn Tường Tam (thuộc đảng Đại Việt dân chính), lúc này là Bộ trưởng Ngoại giao. Một số thành viên khác của phái đoàn đi Đà Lạt như Vũ Hồng Khanh (một trong những người cầm đầu Việt Nam quốc dân đảng), hay các ông Hoàng Xuân Hãn (người đã từng có quan hệ với các tướng chỉ huy quân Pháp như Mordant, Aymé hồi trước Cách mạng tháng Tám), Nguyễn Mạnh Tường, Cù Huy Cận… Ngoài ra còn một số thành viên là cố vấn của phái đoàn Đà Lạt như các ông Phạm Khắc Hòe (nguyên Đổng lý văn phòng của Bảo Đại), Phan Phác (cựu sĩ quan trong quân đội Pháp), Tạ Quang Bửu, Hồ Hữu Tường v.v… Tất cả các vị này đâu phải là đảng viên cộng sản?
Trường hợp phái đoàn đi hội nghị Fontainebleau cũng vậy. Ban đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam làm Trưởng đoàn, Phạm Văn Đồng làm Phó trưởng đoàn. Nhưng do Nguyễn Tường Tam cáo bệnh nên mãi gần đến ngày lên đường – ngày 30 tháng 5 năm 1946 – Chủ tịch Hồ Chí Minh mới ký sắc lệnh cử ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn. Thành phần phái đoàn đi Pháp không chỉ gồm rất nhiều thành viên không phải là đảng viên cộng sản (Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Bửu Hội, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Khắc Hòe…) mà còn cả những đảng viên các đảng đối lập như Chu Bá Phượng, Vũ Trọng Khánh …
3. GS Dương đã tự mâu thuẫn khi phê phán ông Giáp “lấn sân” ngoại giao, nhưng rồi lại hỏi vì sao ông Giáp không cầm đầu phái đoàn đi Pháp. Theo GS suy luận thì ông Giáp ở lại chuẩn bị chiến tranh với giấc mơ “trở thành Napoléon của châu Á”.
Kết quả hội nghị Đà Lạt đã góp phần làm rõ thêm mưu đồ đen tối của thực dân Pháp. Bởi vậy, trong khi Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng (Phan Anh và Tạ Quang Bửu) sang Pháp thì ông Giáp “ở nhà” để chỉ đạo chuẩn bị kháng chiến là đúng với cương vị Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội. Một lần nữa thực tế lại chứng minh lòng tin của Cụ Hồ đối với ông Giáp khi giao nhiệm vụ “ở nhà” cùng Cụ Huỳnh Thúc Kháng -- Quyền Chủ tịch -- quản lý đất nước. Chẳng thế mà khi máy bay đưa phái đoàn lên đường sang Pháp vừa cất cánh, Cụ Hồ gợi ý mọi người nhớ lại chuyến đi Đà Lạt vừa qua và nói: “Lên đường lần này, các chú có câu Kiều lẩy nào không?”, Bộ trưởng Phan Anh liền ứng khẩu: “Trời mây muôn dặm xa khơi / Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”. Cụ Hồ hiểu tâm tư các thành viên phái đoàn đi Pháp lo lắng cho tình hình “ở nhà” (phía Pháp có thể tiếp tục vi phạm Hiệp định sơ bộ, các đảng phái đối lập có thể tiếp tục chống phá…), nên Cụ nói ngay: “Các chú cứ yên tâm. Mọi việc ở nhà đã có Cụ Huỳnh với chú Giáp”.
2. Về việc ông Giáp chỉ đạo tiêu diệt các lực lượng chống đối cách mạng:
Trước khi nói về cái mà GS Dương gọi là “diệt trừ đối lập đã đạt tới cao điểm của nó vào tháng 7 năm 1946”, cần khách quan phân tích những người cầm đầu hai tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt cách) là ai, mục tiêu chính trị của họ khi theo quân Tưởng về nước là gì?
Nghiên cứu các văn kiện của Quốc dân đảng Trung Hoa về chủ trương “Hoa quân nhập Việt” và thực tế những hành động chống phá của Việt quốc, Việt cách (nhất là ở thủ đô Hà Nội cả trước và sau khi họ tham gia Chính phủ liên hiệp), một điều có thể khẳng định: Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh, Chu Bá Phượng… chỉ là công cụ trong tay của Tưởng Giới Thạch trong mưu đồ “diệt Cộng – cầm Hồ”. Đó là mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng rồi dùng các “chính khách” này tổ chức ra một chính quyền thân Trung Hoa dân quốc. Sau khi mưu đồ đó bất thành và trên cơ sở đã ngã giá với tướng lĩnh Pháp, Tưởng Giới Thạch buộc phải rút quân về nước. Khi những người cầm đầu Việt quốc và Việt cách đã theo quân Tưởng chạy sang bên kia biên giới, một số tàn dư của các đảng phái này ở lại đã sớm thay thày đổi chủ, tiếp tay cho Pháp để chống phá chính quyền cách mạng.
Trong bài viết của mình, dưới góc nhìn kỳ thị và thiên lệch, GS Dương đã dẫn ra sự kiện Ôn Như Hầu và xuyên tạc vai trò của Cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Võ Nguyên Giáp trong việc xử lý sự kiện này..
Thứ nhất, GS Dương chỉ nói về “tất cả các trụ sở chính của Việt Nam Quốc dân đảng ở Hà Nội đã bị công an bao vây, lục soát, đặc biệt là trụ sở ở đường Ôn Như Hầu. Tại những nơi đó tất cả các đảng viên của đảng này đã bị bắt và mang đi mất tích”. Sao GS không nói vì sao công an phải làm như vậy và những tang chứng (truyền đơn, vũ khí, dụng cụ tra tấn…) tìm thấy tại phố Ôn Như Hầu (và nhiều nơi khác trong thành phố Hà Nội) đã nói lên điều gì? Tang chứng và những lời thú tội của bọn bị bắt cho thấy một thực tế là, nhân lúc Cụ Hồ đang ở bên Pháp, tàn dư của Việt Nam quốc dân đảng gấp rút chuẩn bị tiếp tay cho quân Pháp thực hiện âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền trung ương ở Hà Nội đúng vào ngày quốc khánh của Pháp. Đây là mưu đồ của Etienne Valluy định triển khai ngay sau khi y vừa thay thế Philippe Leclerc nắm quyền tổng chi huy quân viễn chinh Pháp. Sao GS không nói đến một thực tế khác là khi lực lượng an ninh đến khám trụ sở của Việt Nam quốc dân đảng ở đường Quán Thánh thì quân Pháp đưa xe bọc thép đến hòng giải thoát cho bọn này và Pháp chỉ chịu lui quân sau khi Ủy ban Liên kiểm đến can thiệp. Và một thực tế nữa là, trong những xác bị bọn Quốc dân đảng thủ tiêu và chôn ngay trong vườn trụ sở của chúng, có không ít xác binh lính Pháp. Qua những tài liệu mà an ninh tịch thu được, bọn chúng có cả một kế hoạch ám sát và bắt cóc sĩ quan và binh lính Pháp, trẻ con và phụ nữ Pháp kiều, hòng tạo thêm những chuyện rắc rối trong quan hệ giữa ta và Pháp, giúp quân Pháp có cớ để gây hấn.
Thứ hai, GS Dương nêu vấn đề: Câu hỏi được đặt ra là vào thời điểm này Chính phủ liên hiệp vẫn còn và Võ Nguyên Giáp không còn là bộ trưởng Nội vụ nữa, vậy với tư cách gì ông đã đến hiện trường (ý nói phố Ôn Như Hầu – TG) rồi lại còn mang theo cả Huỳnh Thúc Kháng nữa? Sự thật là trước khi cùng phái đoàn lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh (số 82, ngày 29 tháng 5 năm 1946) ủy nhiệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng -- Bộ trưởng Nội vụ -- thay Chủ tịch Chính phủ ký những công văn thường ngày và chủ tọa Hội đồng Chính phủ; ủy nhiệm các ông Võ Nguyên Giáp và Vũ Hồng Khanh (Chủ tịch và Phó chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội) tạm thay các ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu (Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng) đi vắng, giúp Cụ Huỳnh quản lý đất nước, nhất là về mặt an ninh quốc phòng. Trước khi quyết định tiêu diệt sào huyệt của Quốc dân đảng ở phố Ôn Như Hầu, ông Giáp đã báo cáo Cụ Huỳnh và sau đó đã mời Cụ đến chứng kiến hiện trường.
Thứ ba, sao GS không nói đến những ý kiến của Cụ Huỳnh trong cuộc họp báo mấy ngày sau đó để rõ nguyên nhân và bản chất của sự việc? Cụ Huỳnh nói: “Đoàn kết là cần… nhưng không thể vin vào “đoàn kết” mà làm những điều phi pháp…Những kẻ bắt cóc, tống tiền, ám sát thì phải bị pháp luật nghiêm trị… Đây không phải là vấn đề đảng phái mà là việc cần làm để bảo vệ trị an…”. Thêm nữa, sao GS không nói đến nội dung hai công điện của lãnh sự Mỹ James L. O’Sullivan gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ các ngày 1 và 26 tháng 7 nói rằng, trong điều kiện chính trị - xã hội Việt Nam lúc này, việc làm đó của Chính phủ Việt Nam là tất yếu?
Sau cái mà GS Dương gọi là “vụ Ôn Như Hầu”, ông còn lên án việc “quân đội của ông Giáp càn quét các căn cứ của Việt Nam quốc dân đảng ở miền đỉnh châu thổ sông Hồng, đặc biệt là vùng Việt Trì và tất nhiên là ở Hà Nội”. Vấn đề đặt ra là: trong bối cảnh cuộc đàm phán Fontainebleau đang đứng trước nguy cơ tan vỡ và trước những hành động lấn tới ngày càng trắng trợn của quân Pháp khiến cho khả năng hòa hoãn Việt - Pháp ngày càng giảm, trên cương vị Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội (từ 2.3.1946) rồi Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội (từ 30.11.1946), ông Võ Nguyên Giáp phải làm gì để chỉ đạo toàn quân toàn dân bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc? Cùng với hàng loạt công tác chuẩn bị khác, việc tiêu diệt tàn dư các đảng phái đối lập (khi đó đã công khai trở thành tay sai của Pháp, mà điển hình là lực lượng vũ trang của Đỗ Đình Đạo ở Vính Yên - Việt Trì) là chuyện bình thường, tất yếu. Có diệt thù trong mới ổn định hậu phương để chống giặc ngoài.
3. Về việc ông Giáp chỉ đạo chuẩn bị bước vào toàn quốc kháng chiến:
Chung quanh vấn đề này, do nhận thức hạn chế về chế độ quyết định tập thể của bộ máy lãnh đạo kháng chiến, do không tiếp cận được thông tin nhiều chiều về thực tế tình hình đất nước trong những thời điểm nhậy cảm, nhất là vào những ngày nóng bỏng cuối năm 1946, lại do thiên kiến đối với cá nhân ông Võ Nguyên Giáp, cho nên GS Phạm Cao Dương đã không phản ánh đúng thực tế lịch sử..
GS Dương đặt vấn đề: Liệu Võ Nguyên Giáp có phải là người gây ra chiến tranh Việt-Pháp khi mà “trong những ngày tháng cuối cùng trước khi cuộc chiến bùng nổ, Hồ Chí Minh đi Pháp, không có mặt ở nhà”.
GS Dương đã nhầm lẫn về thời gian: Chiến sự chỉ nổ ra toàn quốc sau khi Cụ Hồ đã từ Pháp về nước được hai tháng (20 tháng 10 – 19 tháng 12). Mặt khác, GS đã dựa vào sách của Sainteny để nói rằng khi từ Pháp về, Cụ Hồ bị đau ốm, nằm một chỗ, để rồi suy diễn:“Đây là một dịp rất tốt để ông (Võ Nguyên Giáp) từng bước thực hiện giấc mơ làm một Nã-Phá-Luân của châu Á, vì theo GS Dương, vào thời điểm này, “Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò chính yếu, quyết định tất cả. Huỳnh Thúc Kháng -- quyền Chủ tịch -- chỉ là để ký giấy tờ”.
Có vài chi tiết quan trọng liên quan đến Cụ Hồ và Cụ Huỳnh cần được làm rõ. Khi nổ ra kháng chiến toàn quốc, Cụ Huỳnh đi công cán Nam Trung Bộ, không có mặt ở Hà Nội. Về sức khỏe của Cụ Hồ lúc này – nội dung Sainteny viết trong Một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Histoire d’une paix manquée) -- khác với những gì GS Dương viết lại. Sainteny kể rằng ngày 3 tháng 12 năm 1946, sau khi từ Pháp trở lại Đông Dương, ông ta đến thăm Cụ Hồ và “tôi (Sainteny) thấy ông Hồ Chí Minh nằm ở giường, mắt ông sáng, đôi tay ông hầm hập sốt nắm lấy tay tôi…”. Chính vì điều kiện sức khỏe cho phép, cho nên Cụ Hồ đã (với sự có mặt của các ông Hoàng Hữu Nam và Hoàng Minh Giám) cùng Sainteny trao đổi ý kiến về tình hình thời cuộc lúc này đang diễn biến hết sức khẩn trương. Và cũng chính vì điều kiện sức khỏe cho phép nên ngay chiều hôm đó (3.12.1946), Cụ đã chuyển chỗ ở và làm việc vào làng Vạn Phúc - Hà Đông.
Cần nói thêm rằng, nếu có điều kiện đọc Hồ Chí Minh - Biên niên tiêủ sử thì GS Dương có thể thấy những hoạt động không mệt mỏi của Cụ Hồ trong suốt hai tháng từ khi ở Pháp về nước đến ngày toàn quốc kháng chiến, nhằm cố gắng gạn chắt và duy trì những khả năng hòa hoãn nhỏ nhất, không để nổ ra xung đột toàn cục. Sự cố gắng của Cụ Hồ chỉ dừng lại chiều ngày 19 tháng 12. Đó là thời điểm Cụ được ông Hoàng Minh Giám báo cáo rằng Sainteny từ chối không tiếp nhận bức thư của Cụ -- đề nghị cùng ông Giám trao đổi tìm biện pháp nhằm cứu vãn tình thế. Chỉ đến lúc đó, Cụ mới hạ quyết tâm cuối cùng: Hừ! Thì đánh!. Đó cũng là thời điểm mà Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tập thể Thường vụ Trung ương Đảng góp ý kiến và thông qua.
Thực tế đó đủ để trả lời câu hỏi của GS Dương nói rằng “Có phải Hồ Chí Minh lúc đó không muốn hay chưa muốn chiến tranh trong khi Võ Nguyên Giáp và phe nhóm của ông đang ở một tình thế vô cùng thuận lợi có thể giúp ông đạt được mong ước của mình, bó qua sẽ không bao giờ có được”.
Thực tế đó còn cho thấy quyết định phát động kháng chiến toàn quốc là kết quả thảo luận và thống nhất giữa tập thể cấp lãnh đạo cao nhất, chứ không phải do cá nhân Võ Nguyên Giáp quyết định. Và dù đã có quyết định của tập thể, sáng ngày 19 tháng 12, Cụ Hồ vẫn cử ông Hoàng Minh Giám đem thư đến gặp Sainteny, nhưng ông này đã từ chối và hẹn ngày hôm sau -- tức 20 tháng 12 -- ngày mà (theo tối hậu thư) “quân Pháp sẽ chuyển sang hoạt động”.
Rõ ràng là, đối với cá nhân ông Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, GS Phạm Cao Dương đã dựa vào (và thậm chí có chỗ xuyên tạc) sách của Sainteny để bao che cho hành động lấn tới của quân Pháp và cho rằng mọi chuyện xảy ra trong ngày 19 tháng 12 năm 1946 đều bắt nguồn từ “bản chất hiếu chiến” của Võ Nguyên Giáp. GS không nhận thức được rằng tình thế lúc này đòi hỏi phải khẩn trương chuẩn bị cho cả nước sẵn sàng chuyển sang thời chiến. Những việc làm của ông Giáp trong những ngày cuối năm 1946 đều thuộc chức năng nhiệm vụ mà người cầm quân phải triển khai sau khi có nghị quyết quân sự toàn quốc (19.10.1946), với kết luận có tính khẳng định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp”. Công việc chuẩn bị chiến đấu của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp đâu phải nguồn từ “giấc mơ làm một Nã-phá-luân châu Á” như GS Dương nhận định.
Thiết nghĩ, với trình độ hiểu biết của một thày giáo dạy sử ở cấp Đại học, nếu có một phong cách khoa học, công tâm, khách quan, nếu đứng trên lập trường quốc gia dân tộc, ắt GS Phạm Cao Dương có thể tránh được những nhận xét thiếu chính xác, không có lợi cho yêu cầu hòa hợp dân tộc lúc này, khi mà cuộc chiến 30 năm đã lui sâu vào quá khứ./.
[1] Theo giới thiệu của BBC, GS Dương nhận bằng tiến sĩ sử học ở Đại học Paris, trước năm 1975 đã từng dạy ở nhiều đại học Sài Gòn. Sau khi sang Mỹ, ông dạy môn lịch sử và ngôn ngữ Việt Nam ở một số trường tại Nam California, trước khi về hưu.
Các chữ in nghiêng trong bài này là nhắc lại lời của GS Phạm Cao Dương. Những từ in nghiêng đậm nét là do tác giả bài này nhấn mạnh ý của GS Dương.