Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Vũ khí Mỹ gặp họa vì dùng nhầm linh kiện giả của Tàu

VietnamDefence - Việc sử dụng các chi tiết và thiết bị điện tử làm giả do Trung Quốc sản xuất trong các hệ thống vũ khí Mỹ là cực kỳ phổ biến, Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ (ASC) kết luận sau khi tiến hành điều tra sự xuất hiện hàng giả trong quân đội Mỹ trong mấy tháng gần đây, Defense News đưa tin.
 Máy bay tuần biển tối tân nhất thế giới P-8A Poseidon (boeing.com) cũng dính linh kiện rởm Trung Quốc
Theo thông tin của Ủy ban sau khi kiểm tra xuất xứ của hơn 100 thiết bị điện tử làm giả, 70% linh kiện của chúng được mua từ Trung Quốc, 20% linh kiện đến từ Canada và Anh nhưng thực ra cũng mua từ Trung Quốc thông qua những nhà trung gian.
Lý do để tiến hành cuộc điều tra quy mô lớn là báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố tháng 1.2011, theo đó, trong mấy năm nay gần đây hay xảy ra các trường hợp phát hiện các linh kiện giả trong vũ khí trang bị của Mỹ. Theo báo cáo, nếu như năm 2005, quân đội Mỹ phát hiện được 3.868 linh kiện giả thì năm 2008, con số này đã là 9.356.
Theo kết luận của ASC, thủ phủ của linh kiện điện tử làm giả là thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Các linh kiện giả của Trung Quốc được sử dụng ở nhiều loại hệ thống vũ khí, kể cả các hệ thống nhìn đêm, điều khiển vũ khí, phòng vệ cho máy bay và tiếp phát tín hiệu video.
Ví dụ, vào giữa tháng 8.2011, tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ), hãng phát triển máy bay tuần biển P-8A Poseidon, đã thông báo cho Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ biết rằng, do sơ xuất, họ đã lắp cho các máy bay các hệ thống phát hiện hiện tượng đóng băng ở cánh máy bay đã qua sử dụng nhưng được phục hồi. Nhà cung cấp hàng giả là BAE Systems (Anh), hãng đang sản xuất các hệ thống này. Trong quá trình điều tra, ASC đã phát hiện ra là phần lớn các linh kiện trong hệ thống đã được mua của công ty A Access Electronics Nhật Bản, thực ra là chi nhánh của công ty Trung Quốc A Access Electronics hoạt động ở Thâm Quyến.
Đường dây hoạt động như sau: A Access bán linh kiện cho công ty Mỹ Abacus Electronics, công ty này bán lại chúng cho công ty Anh Tandex Test Labs, đến lượt công ty này bán cho BAE Systems. Tandex đã mua và cung cấp cho BAE Systems tổng cộng 300 bộ linh kiện giống nhau cho hệ thống phát hiện đóng băng sau khi kiểm tra khả năng hàng giả đối với chỉ 50 trong số đó.
Trong đa số các trường hợp, ASC khẳng định, câu chuyện không đề cập đến các linh kiện trực tiếp do Trung Quốc sản xuất. Thông thường, các công ty Trung Quốc mua ở Mỹ đủ thứ hàng rác điện tử, rồi đưa về Hongkong.
Theo ASC, ở đó, các xí nghiệp chuyên môn hóa tháo dỡ các linh kiện điện tử khỏi các các tấm đã cũ, “rửa chúng bằng nước sông và phơi khô trên vỉa hè”, sau đó, các con chip và transistor không còn tí nhãn mác nào được chuyển tiếp theo đường dây mua đi bán lại và cuối cùng quay trở lại nước Mỹ.

Phiên điều trần về kết quả cuộc điều tra của ASC bắt đầu ở Washington vào lúc 9h30 (giờ địa phương), ngày 8.11.2011.
Còn hãng tin Bloomberg cũng dẫn báo cáo của ASC cho biết, hàng loạt linh kiện giả từ Trung Quốc đã được sử dụng khi lắp đặt thiết bị cho các máy bay vận tải quân sự Mỹ.

Các thành viên ASC đã phát hiện 7 máy bay có lắp các thiết bị điện tử sử dụng linh kiện rởm của Trung Quốc, trong đó có các máy bay vận tải quân sự C-130J Hercules và C-27 Spartan của hãng Lockheed Martin, cũng như P-8 Poseidon của Boeing. Một số trong các máy bay này đã được gửi sang Afghanistan để phục vụ liên quân NATO.

“Trong các thiết bị điện tử do các công ty Raytheon Co., L-3 Communications và Boeing sản xuất, đã sử dụng các linh kiện phỏng đoán là do Trung Quốc sản xuất”, báo cáo của ASC cho hay.

Theo thượng nghị sĩ Carl Levin, một thành viên ASC, hiện thời chưa trường hợp dùng hàng giả nào dẫn đến làm rơi máy bay hay xuất hiện những tình huống đe dọa mạng sống của phi công hay nhân viên. Tuy nhiên, đã phát hiện những trường hợp mà các tình huống như vậy đã có thể xảy ra nếu như các phụ tùng rởm không được thay thế kịp thời bằng đồ xịn.

Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt đầu đợt kiểm tra các trường hợp lắp đặt các phụ tùng không đồng bộ và rởm lên các thiết bị sử dụng trên các máy bay vận tải quân sự Mỹ.

Theo cơ quan này, ít nhất 2 máy bay mới C-27 Spartan được gửi sang Afghanistan có lắp các vi mạch nhớ rởm trên các thiết bị dùng để thông báo cho tổ lái về hoạt động của các hệ thống trên khoang máy bay, cụ thể là các động cơ và máy móc dẫn đường. Các vị mạch này mà hỏng sẽ dẫn đến trục trặc ở các thiết bị này.

Trong báo cáo của ASC còn nói rằng, đã thu thập được thông tin về 1.800 trường hợp sử dụng phụ tùng rởm khi lắp ráp các máy bay và trực thăng quân sự. Tổng cộng đã có khoảng 1 triệu linh kiện phụ tùng rởm được lắp ráp cho các vũ khí trang bị. ASC đã điều tra chi tiết 100 sự cố như vậy và phát hiện ra là khoảng 70% linh kiện giả được các công ty Trung Quốc sản xuất.