Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Vai nào cho Mỹ, Trung Quốc ở ASEAN?

Tiếp theo kỳ 1: Ai đang cầm trịch ở ASEAN?

Nguyễn Huy (theo Atimes)


Gần đây hơn, và dường như quan trọng hơn, là điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ ý thức về việc thúc đẩy một thoả thuận mà hiện vẫn đang còn đàm phán - Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương hay gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cách đây không lâu, khi TPP lần đầu tiên xuất hiện, các nhà làm chính sách lao đến Wikipedia để tìm hiểu xem nó là gì. Quy mô nhỏ bé và sự xa lạ về địa lý đã khiến nó khó có thể được chú ý một cách nghiêm túc. Một thoả thuận năm 2005 giữa Brunei, Chile, New Zealand, và Singapore dường như quá mỏng manh và phân tán.

Tuy nhiên, sau đó, thêm 5 quốc gia khác - Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam đã nhất trí tham gia các cuộc hội đàm với quan điểm hướng tới nỗ lực ra nhập nhóm. Canada, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan cũng bày tỏ mối quan tâm về khả năng sẽ ký kết hiệp định.
Một TPP quy mô khổng lồ là khó xảy ra. Chất lượng cao của hiệp định đã góp phần giải thích về số lượng thấp các thành viên tham gia - những nước phải tự cam kết tự do hoá kinh tế toàn diện, bao gồm các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường. Rào cản lối vào khá cao này có thể tăng cường ảnh hưởng của hiệp định và nó dường như được các chính khách Mỹ - những người phản đối thương mại "không công bằng" yêu thích.
Tuy nhiên, quy định của nó sẽ gây khó khăn trong việc thực thi ở những nước bảo hộ nông nghiệp, độc quyền công nghệ hay bất mãn với các "chi phí xanh" cho nền kinh tế. Những yêu cầu về sở hữu trí tuệ đặc biệt gây tranh cãi. Nó sẽ không quá nhiều thách thức nếu TPP hài lòng trong vai trò là câu lạc bộ của số ít tham dự. Tuy nhiên, hiệp định đặt ra sứ mệnh rõ ràng (trong khoản 1.1.3) là "ủng hộ tiến trình tự do hoá lớn hơn trong APEC phù hợp với các mục tiêu tự do và mở cửa thương mại cũng như đầu tư". Nhiệm vụ này mở ra cách hiểu cho TPP như một người tiên phong của thương mại tự do trong bối cảnh lớn hơn.
Cản trở ở Darwin?
Tổng thống Mỹ Obama đã tới Darwin, Australia, trong lộ trình tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6 diễn ra ở Bali ngày 19/11. Tuy nhiên, Darwin đã không chỉ còn là một điểm dừng chân thuận lợi giữa Australia và Indonesia. Chính quyền Obama và đối tác tại Canberra đã nhất trí rằng, 2.500 lính thuỷ đánh bộ Mỹ cuối cùng sẽ được luân chuyển đến thành phố ven biển phía bắc Australia sáu tháng/lần để thực hiện diễn tập và đào tạo với lực lượng quốc phòng Australia. Tính từ Darwin thì bờ biển của Indonesia chỉ cách đó chưa đầy 800km. Một bài báo đăng trên trang nhất của Jakarta Post ngày 17/11 có tiêu đề: "Căn cứ mới của Mỹ ở sân sau Indonesia".

Mỹ sẽ triển khai lính thuỷ đánh bộ tại Darwin, Australia Ảnh: tripwow
Người Mỹ tình cờ sẽ sẵn sàng ứng cứu mau lẹ nếu có một thảm hoạ tự nhiên xảy ra với Indonesia. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo trước chuyến thăm Bali của ông Obama, khi trả lời câu hỏi về việc triển khai tại Darwin thì Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã không đề cập tới khía cạnh tích cực từ sự hiện diện của Mỹ. Ông nhấn mạnh đến bản chất song phương tự nhiên của thoả thuận Australia - Mỹ với việc điều lính thuỷ đánh bộ tới Darwin - chứ không nhắc tới Indonesia trong quyết định này. Ông không đề cập tới Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là ông đã nghĩ tới Bắc Kinh khi nói rằng, ông "không thích nhìn thấy" việc đồn trú của lính thuỷ đánh bộ sẽ lại bắt đầu cho một "chu kỳ căng thẳng và hiểu lầm" trong khu vực.
Ngược lại, một quan chức Philippines đã gọi động thái quân sự của người Mỹ là hữu ích, và ông không hề có suy nghĩ về chuyện giảm nhẹ thiên tai thảm hoạ trong đầu. Động thái này, ông nói, "hỗ trợ khả năng của chúng tôi để khẳng định chủ quyền với những khu vực nhất định", cũng có nghĩa là sẽ thúc đẩy cánh tay của Manila trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh với quyết định Darwin là khá kiềm chế. Nhưng dù sao một người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã liên hệ vấn đề kinh tế với an ninh khi ông nói rằng "có thể là không thích hợp với Mỹ để tăng cường và mở rộng các liên minh quân sự vào thời điểm khi nền kinh tế của họ mới đang trên đà phục hồi". Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì thể hiện phản ứng mạnh mẽ hơn trong một bài xã luận. Báo này nói rằng, Australia nên thận trọng về việc cho phép Mỹ sử dụng căn cứ quân sự để "gây tổn hại Trung Quốc" và có nguy cơ "dễ bắt lửa".
Dĩ nhiên, Mỹ không phải và không muốn bị xem như là cường quốc "nửa mùa" ở châu Á, nghĩa là chỉ hợp với vai trò an ninh.
Trong giai đoạn 2008 - 2009, Thủ tướng Australia khi ấy là Kevin Rudd đã đề xuất khuôn khổ đầy đủ để "trang bị" cho hội nghị thượng đỉnh có thể giải quyết các vấn đề từ nguyên nhân đến kết quả và tác động kể về kinh tế cũng như chính trị. Ý tưởng của ông đã không được hiểu hoặc trình bày rõ ràng thời điểm đó. Nhưng sự thiếu vắng một nơi gặp gỡ như thế dù sao cũng là điều tiếc nuối và khi cuộc khủng hoảng tài chính tiếp tục tác động mạnh mẽ tới an ninh tài chính toàn cầu, thì nhu cầu cấp bách đặt ra là sự hợp tác xuyên quốc gia, xuyên chính phủ để nhanh chóng đạt được phục hồi kinh tế. Và, vai trò của Vành đai Thái Bình Dương đang trỗi dậy trong nỗ lực tìm kiếm cũng như duy trì các giải pháp dài hạn.
Chính quyền xứng đáng có được độ tin cậy để chuyển hưởng sang châu Á và khéo léo đưa mình vào cơ cấu kinh tế, an ninh đa phương mà họ tìm thấy ở đây. Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ vào khu vực có thể gặp khó khăn hơn vì những bất đồng chính trị trong nước cũng như yêu cầu giảm thâm hụt tài chính trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Giảm can thiệp quân sự tại Iraq và Afghanistan có thể hỗ trợ cho chiến lược chuyển hướng châu Á, nhưng cũng cần tới một nỗ lực đồng thuận hơn để cân bằng vai trò của Mỹ trong các cam kết lớn hơn, hiệu quả hơn với châu Á về phương diện kinh tế.