Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Tranh chấp chủ quyền Biển Đông lại gây căng thẳng Mỹ - Trung

Thanh Phương

Vào ngày thứ bảy tới 19/11/2011, tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Bali (Indonesia), để tìm cách làm đối trọng với Trung Quốc và trấn an các quốc gia đồng minh về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại cuộc họp thượng đỉnh Đông Á này, Hoa Kỳ dự trù sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp biển đảo giữa một số nước châu Á với Trung Quốc, trong đó dĩ nhiên là có tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Ngay từ hôm qua, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, Bắc Kinh đã gián tiếp chỉ trích Mỹ khi tuyên bố rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông chỉ nên được giải quyết trên cơ sở song phương. Phát ngôn viên này nói : « Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài không giúp giải quyết tranh chấp, mà trái lại, chỉ làm phức tạp thêm vấn đề và gây tổn hại đến hòa bình và an ninh trong vùng ». 
Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn APEC, Hawai (REUTERS)
Tổng thống Mỹ Obama và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn APEC, Hawai (REUTERS)
Đáp lại lời chỉ trích nói trên của Trung Quốc, hôm qua, khi nói chuyện với các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Air Force One chở tổng thống Obama đến Úc, phó cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ Mỹ Ben Rhodes đã tuyên bố : « Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề an ninh hàng hải phải được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á và trong khuôn khổ các cuộc thảo luận này, Biển Đông dĩ nhiên là một vấn đề đáng quan tâm ». 
Tuy nhiên, ông Ben Rodhes nhấn mạnh rằng hội nghị thượng đỉnh Đông Á không phải là một « tòa án ». Ông nói : « Đây không phải là một diễn đàn để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, mà đúng hơn là một diễn đàn thảo luận về những nguyên tắc mà chúng tôi đề ra cho những vấn đề đó. Biển Đông sẽ nằm trong các cuộc thảo luận về an ninh hàng hải và chúng tôi sẻ tập trung bàn về những nguyên tắc tự do thông thương ». 
Không chỉ ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á, mà vấn đề Biển Đông có thể cũng sẽ được đề cập đến trong hội nghị thượng đỉnh thường niên của ASEAN ngày mai 17/11/2011 tại Bali. 
Tổng thống Philippines Benigno Aquino dự trù sẽ đề nghị tất cà các bên có liên quan đến tranh chấp họp lại với nhau để thảo luận về những đòi hỏi chủ quyền của mỗi bên và phân định vùng nào là tranh chấp, vùng nào là không tranh chấp, để từ đó phát triển một vùng hợp tác phát triển. Nhưng hiện ít có quốc gia nào trong khối ASEAN dám ủng hộ sáng kiến táo bạo của Manila, nhất là sau khi Trung Quốc cảnh báo về sáng kiến đó. 
Tuy vậy, phát ngôn tổng thống Philipines hôm nay tuyên bố là Manila vẫn không từ bỏ nỗ lực lập một mặt trận đoàn kết trong khối ASEAN để đối lại với tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, khẳng định là Philippines có sự ủng hộ của Mỹ cho sáng kiến này. 
Chính là nhờ có thể dựa vào đồng minh thân cận Hoa Kỳ mà Philippines dám đương đầu với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Hôm nay, nhân chuyến viếng thăm tại Manila, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã một lần nữa bảo đảm là Hoa Kỳ sẽ luôn đứng bên cạnh và « cùng chiến đấu » với Philippines. Tuy không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng bà Clinton tuyên bố Washington sẽ giúp Manila bảo vệ chủ quyền lãnh hải. 
Cũng để nhằm đối lại với những tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực, Hoa Kỳ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước Úc, với việc triển khai đến 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ ở Úc để cùng tập luyện với binh lính của nước này. 
Nói chung, việc Hoa Kỳ can dự vào vấn đề Biển Đông chỉ là hệ quả hợp lý của việc Washington tăng cường sự hiện diện trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương, bởi vì chính tại Biển Đông mà Mỹ sẽ thể hiện quyết tâm ngăn chận đà bành trướng của Trung Quốc tại khu vực này.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/