Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Phải chăng bắt đầu một vận hội mới?

Mặc Lâm 

Phiên họp Quốc hội chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào sáng ngày hôm nay 25 tháng 11 đang được đông đảo người dân trong nước theo dõi vì được trực tiếp truyền hình trên cả nước.
Đây có thể là phiên chất vấn ấn tượng nhất của hơn 50 câu hỏi nêu trực tiếp, không tránh né các vấn đề mà quốc gia đang đối diện. Mặc Lâm có bài viết chi tiết sau đây.
Các phiên chất vấn của Quốc hội đối với những Bộ trưởng và Thủ tướng chính phủ luôn là đề tài thời sự thu hút sự quan tâm đối với người dân cả nước. Sau khi các vị Bộ trưởng hoàn tất phần trả lời vào hai ngày vừa qua vẫn còn nhiều dư âm trong các câu chuyện của người dân, đến phiên chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khiến cho không khí cả trong nghị trường lẫn ngoài xã hội dấy lên rất nhiều bất ngờ qua cách đặt câu hỏi và trả lời của Thủ tướng.

Bất ngờ từ câu hỏi đầu tiên

Theo chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng thì thời gian đặt câu hỏi và trả lời chất vấn chỉ gói gọn trong vòng 40 phút và ông đã chọn ra hai mươi đại biểu đã gửi câu hỏi để trình bày trước nghị trường.
Ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình.
TT Nguyễn Tấn Dũng
Kết quả có 22 đại biểu đặt hơn 30 câu hỏi và sau khi tổng kết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn trả lời các đề tài về chủ quyền an ninh quốc gia. Chủ trương của nhà nước trước các cuộc biểu tình của người yêu nước. Tại sao phải soạn thảo luật biểu tình và cuối cùng là tình trạng khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên của quốc gia.
Đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi là ông Lê Bộ Lĩnh, thuộc đơn vị An Giang. Ông Lĩnh đi thẳng vào câu hỏi như sau:
“Trong thời gian vừa qua cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi những hoạt động đối ngoại sôi động của Đảng và Nhà nước và các kết quả quan trọng của ta đã đạt được cả trên diễn đàn quốc tế và khu vực và quan hệ song phương đã tạo điều kiện quan hệ quốc tế hết sức thuận lợi cho công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Xin Thủ tướng cho biết hai vần đề trong bối cảnh khu vực Biển Đông đang diễn biến phức tạp. Một là những giải pháp cụ thể mà chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta? Và chủ trương của chính phủ đối với việc người dân biểu thị lòng yêu nước của mình trước những hành động của các thế lực bên ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta.”

Bất ngờ từ cách nhìn nhận

BAC01451-305-250.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 25/11. Courtesy chinhphu.vn
Trả lời câu hỏi này Thủ tướng đã mang ra ánh sáng rất nhiều vấn đề mà một thời gian rất lâu nhà nước im lặng. Bằng cách đi ngược lại thời gian trước đây, ông đưa ra những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi để chứng minh rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bằng chứng mà Thủ tướng đưa ra trước Quốc hội không căn cứ trên các sử liệu lâu đời hay các văn bản cổ hoặc bản đồ dễ gây tranh cãi. Ông chứng minh sự hiện diện lâu năm của người Việt trên hai quần đảo mà gần nhất là việc đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc từ tay của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Khi chính thức sử dụng cụm từ “chính quyền Việt Nam Cộng Hòa” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự tay đập vỡ bức tường ngăn cách từ nhiều chục năm nay vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc. Ông đã nhân danh chính phủ trả lại những gì mà chế độ Sài Gòn đã đổ máu ra gìn giữ cho đất nước, Ông nói:
“Ít nhất là từ thế kỷ thứ 17 chúng ta làm chủ khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình. Nhưng đối với Hoàng Sa năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa. Đến năm 1974 thì cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, thì chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án cái việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối cái hành vi chiếm đóng này.”
Một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cuộc tiếp thu 5  hòn đảo do Việt Nam Cộng Hòa trao lại sau năm 1975 đã chứng minh sự có mặt lâu dài của người Việt đối với chủ quyền quốc gia trên đảo Trường Sa và do đó không thể tranh cãi vì bất cứ lý do gì, ông nói:
“Năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc, hải quân chúng ta đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa đó là Trường Sa, đảo Song Tử tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và Sơn Ca. Năm đảo này do quân đội của chính quyền Sài Gòn chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang quản lý chúng ta tiếp quản.”

Giải mã điều chưa nói

Nhân câu hỏi của đại biểu Lê Bộ Lĩnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời cho dư luận về chuyến công du Bắc Kinh của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua. Câu trả lời đã vén lên một bức màn mà dư luận bức xúc trong nhiều tháng qua khi nghĩ rằng Việt Nam tự xé bỏ đề nghị đàm phán đa phương để ký kết với Trung Quốc những gì mà hai bên giữ kín. Chính điều này đã bị Philippines chống đối và trong nhiều tuần lễ Việt Nam đã phải luôn nói lại cho rõ với quốc tế nhất là các nước trong khu vực:
Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta là có nhiều đồng bào ta tụ tập đông người rồi biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền. Có một cái thực tế như thế.
TT Nguyễn Tấn Dũng
“Vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ nếu theo Công ước Luật biển năm 1982 thì thềm lục địa của nước ta có chồng lấn với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Từ năm 2006 hai bên đã tiến hành đàm phán mãi tới năm 2009 thì hai bên quyết định tạm dừng vì lập trường hai bên còn rất khác xa nhau.
Đến đầu năm 2010 thì hai bên thỏa thuận là nên tiến hành đàm phán những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Sau nhiều vòng đàm phán như tôi vừa trình bày là nguyên tắc đó đã được hai bên ký kết trong dịp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vừa rồi.
Trên cơ sở nguyên tắc này, trên nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển này thì vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vì vậy hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này.”
Về việc tại sao phải soạn thảo Luật Biểu tình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:

000_Hkg5149023-250.jpg
Người dân biểu tình chống TQ tại Hà Nội hôm 24/07/2011. AFP PHOTO.
“Trên thực tế các đại biểu Quốc hội ngồi đây đều chắc là thấy rõ có một cái thực tế trong cuộc sống hiện nay của chúng ta là có nhiều đồng bào ta tụ tập đông người rồi biểu tình để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng kiến nghị với chính quyền. Có một cái thực tế như thế.”
Nếu câu hỏi của đại biểu Lê Bộ Lĩnh đã làm cả nước lắng nghe thì câu hỏi của đại biểu Đặng Thành Tâm thuộc đơn vị thành phố Hồ Chí Minh lại lạc lõng trong nghị trường lẫn bất bình trong dân chúng. Ông Đặng Thành Tâm đặt câu hỏi:
“Năm 2011 là năm hết sức khó khăn tuy vậy nhưng chính phủ thực hiện rất tốt việc chống lạm phát và duy trì tăng trưởng. Có ai ngờ rằng Việt Nam giữ được lạm phát 18% và tăng trưởng 6%. Ở trong sáu tháng cuối năm lạm phát chỉ còn 3% như vậy chúng tôi rất muốn lắng nghe Thủ tướng có cái biện pháp gì đối với cử tri cả nước. Cái thứ hai là Thủ tướng có định hướng gì và có lời khuyên gì đối với doanh nghiệp chúng tôi nên đầu tư vào lĩnh vực nào.”
Trước nhất với tư cách đại biểu Quốc hội, đây là phiên chất vấn ông Đặng Thành Tâm không thể xin ý kiến của Thủ Tướng làm cách nào để cho giới doanh nhân của ông thành công trong lĩnh vực đầu tư. Câu hỏi này vừa lạc đề vừa khiến tư cách đại biểu nhân dân của ông bị lệch lạc vì rõ ràng đây không phải là câu hỏi đại diện quyền lợi của đa số nhân dân. Đại biểu Đặng Thành Tâm đã lẫn lộn tư cách của một doanh nhân và tư cách của một đại biểu Quốc hội.
Là doanh nhân nhưng ông không nắm vững những con số bắt mạch nền kinh tế vĩ mô. Ông thán phục chính phủ đã giữ mức lạm phát 18% và cho rằng từ nay đến cuối năm lạm phát sẽ ở mức 3% là thành quả mà chính Thủ tướng đạt được.
Vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc vì vậy hai nước Việt Nam và Trung Quốc cùng nhau đàm phán để phân định ranh giới vùng biển này.
TT Nguyễn Tấn Dũng
Nếu đại biểu Đặng Thành Tâm nghiên cứu kỹ bản tường trình của Ngân hàng Phát triển Châu Á tức ADB cho biết thí lý do mà Chính phủ phải áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm chi tiêu công nhằm kiểm soát lạm phát đã tác động lên mặt bằng giá vào thời điểm kết thúc tháng 6/2011 đã cao hơn tới 20,8% so với cùng kỳ. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 14 nền kinh tế Đông Á mà ADB tiến hành khảo sát và cao gấp đôi so với nước xếp ở vị trí thứ 2 là Lào.
Thêm vào đó nếu đại biểu Đặng Thành Tâm có theo dõi bản tin kinh tế vĩ mô số 5 của Ủy ban Kinh tế đã được gửi đến Quốc hội thì đại biểu này sẽ không thể xác định là trong sáu tháng cuối năm lạm phát chỉ còn lại 3%.
Theo báo cáo này thì từ nay đến cuối năm, lạm phát có thể gia tăng do áp lực tăng giá đồng tiến USD, cộng với việc điều chỉnh tăng giá điện, tăng lương, sự biến động mạnh của giá vàng lên lạm phát kỳ vọng và áp lực gia tăng nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của người dân vào cuối năm cũng như những biến động khác từ các chính sách của chính phủ mà lạm phát của Việt Nam sẽ biến thiên từ 17% tới 21% với độ tin cậy lên đến 70%.
Dù sao thì phiên chất vấn này cũng đã thổi sinh khí vào niềm tin của người dân trước các vấn đề bức bách được chính Thủ tướng giải tỏa trước nghị trường Quốc hội. Đây có lẽ là bước ngoặc mới chứng tỏ sự thay đổi trong cách trao đổi thông tin từ nhà nước tới người dân mà từ trước tới nay chưa có vị thủ tướng nào làm.
Ghi chú: *Tất cả những soundbite này đều được trích ra từ Website Cổng Thông Tin Chính Phủ.